Có một nước Nga giữa lòng phố biển
Hơn 1.000 người Nga sinh sống ở thành phố biển Vũng Tàu là ngần ấy người có điều kiện sống khác nhau, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ.
Trong trái tim của mỗi người Nga có bóng hình người Việt, trong trái tim người Vũng Tàu có bóng dáng nước Nga. Nhiều mối tình Nga - Việt đơm hoa kết trái như một quy luật tự nhiên của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, mà những “tổ ấm Việt-Nga” làm “nhịp cầu ô thước”.
Làng Nga có tự bao giờ?
Anh Nguyễn Thế Kim, Chánh Văn phòng Đảng ủy khối Liên doanh Vietsovpetro dẫn tôi đi giữa con đường rợp bóng cây xanh mát. Một bên là “Làng Nga”, một bên là nơi ở của cán bộ công nhân Việt ở sau những ngày lao động mệt nhọc từ giàn khoan ngoài biển trở về. Chỉ tay về phía “Làng Nga”, anh Kim bảo: “Anh nhìn giữa những dãy nhà của các bạn Nga mà xem, có tất cả nền văn hóa ở đó. Nó như một nước Nga thu nhỏ. Tuy giữa Làng Nga và nơi ở của công nhân Việt cách nhau một con đường rộng, nhưng chưa bao giờ có khoảng cách. Cuối tuần, chúng tôi vẫn thường sang chơi bóng chuyền, chơi cờ và giao lưu văn nghệ với các bạn Nga. Có nhiều cặp chồng Nga vợ Việt hoặc vợ Nga chồng Việt sinh sống ở đây”.
“Làng Nga” ở Vũng Tàu nằm trên trục đường Nguyễn Thái Học thuộc phường Nguyễn An Ninh. Xung quanh “Làng Nga” là phố phường người Việt, nhưng không phải ai cũng “ngọn ngành” ngôi làng nhỏ bé nghĩa tình ấy có từ bao giờ.
Anh Nguyễn Thế Kim cho biết, vào đầu năm 1980 của thế kỷ XX, các chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (nay là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro). Lúc đó, khu nhà 5 tầng chưa được xây dựng nên những chuyên gia Nga ở trong các khu căn hộ do người Việt xây dựng tại Khu dịch vụ dầu khí Lam Sơn. Ngày ấy, việc khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa có nhiều khó khăn. Để bảo đảm cho các máy móc vận hành an toàn và hút được dòng dầu từ đại dương lên mặt biển, đòi hỏi phải có đội ngũ công nhân, thợ mỏ khai thác, vận tải có nhiều kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật tiên tiến. Chính phủ Nga đã cử 2.000 chuyên gia, công nhân, kỹ sư sang giúp Việt Nam khai thác dầu mỏ và đây cũng là cơ sở đầu tiên để “Làng Nga” tồn tại như hiện nay.
Khu Dịch vụ dầu khí Lam Sơn (Vũng Tàu) là khu nhà liên hiệp của người Việt, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyên gia, kỹ sư có nơi nghỉ ngơi yên tĩnh sau những ngày lênh đênh ngoài khơi trở về, Ðặc khu Vũng Tàu-Côn Ðảo và Tổng cục Dầu khí đã xây dựng một khu tập thể A dành riêng cho các chuyên gia Nga vào năm 1985, chung cư này 5 tầng với diện tích hơn 10ha. Ngày 2.000 người Nga dời từ Khu ở Dịch vụ dầu khí Lam Sơn về nơi ở mới, cũng là ngày khánh thành “Chung cư 5 tầng”. 2.000 người Nga là ngần ấy trái tim trong lồng ngực thấp thỏm mừng vui vì hạnh phúc. Có người cả đêm không ngủ. Có người ngồi ôn lại kỷ niệm những ngày đầu gian khó đặt chân đến đất nước Việt. Chai rượu vang Nga ấm lòng những công nhân Việt. Họ nắm tay nhau hát vang dưới khuôn viên, trong những căn hộ còn hơm mùi sơn mới, cái tên “Làng Nga” cũng bắt đầu từ đó.
Ông Antonov Sergey, Phó Ban đời sống của “Làng Nga” đã gắn bó với thành phố biển Vũng Tàu hơn 30 năm. Bên ấm trà nóng, ông Antonov Sergey kể nhiều kỷ niệm khi làm ngoài giàn khoan gặp sóng to gió bão, về tình đoàn kết thân hữu giữa những người thợ Việt – Nga, về tình xóm giềng của những cư dân sống trong “Nước Nga thu nhỏ”. “Hiện làng Nga có 11 tòa nhà với 520 căn hộ và hơn 1.000 người Nga đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây. Chúng tôi sống tại đây rất thoải mái, có hệ thống an ninh bảo đảm an toàn. Người Nga cảm ơn các bạn Việt đã cho chúng tôi nơi ở, làm việc. Giữa người Nga và người Việt không có khoảng cách”, ông Antonov Sergey chia sẻ.
Những chuyện tình cổ tích Việt - Nga
Trong hơn 1.000 người Nga đang sinh sống tại Vũng Tàu, có nhiều cặp vợ chồng được đắp xây bằng tình yêu Nga - Việt. Tổ ấm của họ được xây dựng từ tình yêu trong sáng, giản dị của tuổi trẻ, và nền văn hóa của hai dân tộc có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Chị Nguyen Oksana và kỹ sư Nguyễn Xuân Thọ là cặp vợ chồng điển hình từ những chuyện tình cổ tích thắm tình Việt- Nga ấy.
Kể lại câu chuyện những ngày sống ở nước Nga, anh Thọ tự hào: “Đó là những ngày kiêu hãnh nhất của tuổi trẻ. Tôi yêu Oksana và lấy làm vợ có cả tình yêu dành cho nước Nga. Chúng tôi luôn hạnh phúc bên nhau. Với những người đã từng sống và học tập bên nước bạn Nga, thì đó là thời gian đáng sống và có nhiều kỷ niệm đẹp đẽ nhất. Tôi cũng trong niềm hạnh phúc ấy”.
Năm 1993 của thế kỷ trước, anh Thọ sang Nga học tập theo diện du học sinh tại Trường Đại học Cơ khí hàng hải. Trong một lần nữ sinh Nga giao lưu với sinh viên Việt Nam tại trường Đại học cơ khí, chị Oksana đã mê cậu sinh viên Việt có đôi mắt nhìn sâu thẳm và nụ cười duyên. Chất “men” của Thọ đã khiến trái tim của Oksana phập phồng trong lồng ngực. Để rồi sau những ngày tháng sánh bước bên nhau giữa những rừng dương xanh và bên bờ sông Volga lãng mạn, mùa Thu 1995, họ làm lễ cưới. Sau tuần trăng mật, Thọ đưa Oksana về Việt Nam sinh sống và tiếp tục con đường sự nghiệp. Thoạt đầu, Oksana chưa muốn rời nơi chôn rau cắt rốn, nhưng vì tình yêu cô dành cho chồng lớn hơn cảm xúc nên Oksana quyết định tạm biệt đất nước Nga thân yêu. “Tôi không thể kể hết được niềm hạnh phúc khi được cùng anh Thọ sống chung dưới một mái nhà. Chỉ biết tôi rất kiêu hãnh làm vợ anh. Vũng Tàu là quê hương thứ hai của tôi. Đất Việt cho tôi việc làm ổn định và một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tôi có ba đứa con một trai, hai gái. Hai đứa đầu đang học tại Canada, còn con gái nhỏ đang theo học tại trường học ở Làng Nga. Trong tim tôi có dòng máu Việt. Trong trái tim ba con tôi, phần nửa dành cho nước Nga, phần nửa dành cho dân tộc Việt”, chị Oksana chia sẻ như thế khi tôi hỏi “niềm hạnh phúc của chị thế nào khi làm vợ chàng trai Việt?”.
Tổ ấm của kỹ sư Nguyễn Xuân Thọ và Nguyen Oksana, là căn nhà ở Khu 5 tầng. Ngày ngày, Oksana vẫn miệt mài bên dây chuyền nướng bánh, quản lý dịch tễ, cung cấp sản phẩm cho khách hàng làm việc tại Liên doanh Việt - Nga. Còn anh Thọ công tác tại Phòng An toàn lao động Vietsovpetro. Có những lần anh Thọ đi biển dài ngày gặp sóng to gió bão, Oksana ra biển Vũng Tàu ngóng về phía giàn khoan. Chị cầu mong biển cả lặng sóng cho những giàn khoan sáng mãi, và những người thợ bình yên trở về. Tôi hỏi sao chị lấy từ “Nguyen” để đặt trước tên “Oksana”? “Vì tôi muốn một nửa trái tim tôi dành cho người Việt. Tôi là vợ anh Nguyễn Xuân Thọ, thì họ Nguyễn cũng là máu thịt của tôi”- Oksana trả lời.
Việt – Nga không khoảng cách
“Làng Nga” chỉ cách khu tập thể dành cho người Việt một con đường nội bộ với những hàng cây quanh năm xanh mát. Dẫu được chia thành hai khu “Làng Nga” và khu tập thể dành cho cán bộ, công nhân kỹ sư dầu khí Việt Nam, nhưng chưa bao giờ có sự cách biệt.
Hằng ngày, người Nga và công nhân Việt vẫn đi trên con đường đó. Chiều chiều những chành trai Nga và trai Việt vẫn hò nhau đánh bóng chuyền rèn luyện sức khỏe. Tối đến, trong làng Nga vẫn sáng đèn dạy chữ cho những đứa trẻ Việt yêu thích tiếng Nga. Ở trụ sở làm việc số 4 Lê Lợi (TP Vũng Tàu), người Nga gặp người Việt cúi chào trân trọng, người Việt chào người Nga bằng cái bắt tay ấm áp thân tình. Ngoài giàn khoan tít tắp khơi xa, người Việt và người Nga đoàn kết trong lao động khơi những dòng dầu đen từ lòng biển cả.
Gần nửa thế kỷ qua, người Nga đã hòa vào cuộc sống cùng người dân phố biển Vũng Tàu. Đó là minh chứng thấy rằng giữa người Nga và người Việt không có khoảng cách. Trong những trái tim mang hai dòng máu, chưa bao giờ có tính toán thiệt hơn, chỉ có tình người, tình hữu nghị đong đầy ngày càng thắm thiết.
“Hơn 1.000 người Nga lao động, học tập và sinh sống ở thành phố biển Vũng Tàu tạo thành một “Làng Nga thu nhỏ”. Ngôi làng ấy nằm trên trục đường Nguyễn Thái Học phường Nguyễn An Ninh, quen gọi là “Khu 5 tầng”. Mỗi gia đình Nga có điều kiện sống khác nhau, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ. Trong trái tim của mỗi người Nga có bóng hình người Việt, trong trái tim người Vũng Tàu có bóng dáng nước Nga”.
Theo Báo Quân đội nhân dân Online
TIN LIÊN QUAN
Từng bị trì trệ bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina, thời gian gần đây xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã và đang có nhiều dấu hiệu tích cực.
08/09/2022
Tập đoàn Vận tải FESCO (LB Nga) đã khai trương tuyến đường biển thường xuyên FESCO VIETNAM DIRECT LINE (FVDL), kết nối trực tiếp các cảng Việt Nam (Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh) với cảng Vladivostok (Viễn Đông - LB Nga).
08/06/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 17/5, trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Saint Petersburg”, Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam – Saint Petersburg lần thứ 3.
18/05/2022
Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) vừa bổ sung thêm 2 doanh nghiệp thủy sản vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu.
Quý I, xuất khẩu gạo sang Nga tăng 2,6 lần so với cùng kỳ 2021 và là nhóm tăng mạnh nhất trong 23 mặt hàng xuất sang quốc gia này.
26/04/2022
Số liệu vừa được cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang Nga trong quý đầu năm chỉ bằng 16% so cùng kỳ năm ngoái.
13/04/2022
Xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nga năm 2021 đạt 612,7 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020; từ Nga sang Việt Nam đạt 523,1 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020.
08/04/2022
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đề nghị Moskva có biện pháp bảo đảm an toàn cho dân thường rời vùng chiến sự Ukraine.
15/03/2022
Theo quy chế của Hiệp hội đường sắt quốc tế, đình chỉ sự tham gia của đường sắt Nga và Belarus - bao gồm cả các công ty con của họ - trong các hoạt động của Hiệp hội.
08/03/2022
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga đang khiến các đơn hàng Việt Nam xuất khẩu bị ngưng trệ và kẹt thanh toán.
05/03/2022