Bóng đá Nga: Bao giờ “cá chép” mới “hóa rồng”?
Capello cần sự chung sức để có thể vực dậy bóng đá Nga
25 năm trước, Liên Xô cũ là đối thủ đáng gờm với các nước Tây Âu, không chỉ khía cạnh quân sự, chính trị. Các CLB của nước này cũng chiếm được sự nể trọng từ các đối thủ ở những quốc gia thuộc khối NATO. Trước khi bị giải tán vào năm 1991, giải VĐQG của Liên Xô cũ từng góp 3 đại diện ở 4 trận chung kết Cúp châu Âu trước đó.
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, kéo theo đó một thời kỳ khủng hoảng về kinh tế, cú hích dầu mỏ tại nước Nga giúp nền kinh tế độc lập của quốc gia này trở lại bình ổn. Nhưng đó cũng là lúc những vấn đề phát sinh. Những đồng rúp từ dầu mỏ không những không giúp bóng đá Nga có thêm hy vọng, mà còn khiến hậu trường của quốc gia này rối ren hơn bao giờ hết, khi những tệ nạn, trò mafia và cả bạo lực hoành hành ngày một ác liệt.
Những điều đó khiến dòng tiền không chảy trong nội bộ nước Nga, mà được các ông chủ giàu có đem ra ngoài lãnh thổ xứ Bạch Dương để thi thố. Roman Abramovich là một ví dụ điển hình. Trong vòng 10 năm cầm Chelsea, nhà tài phiệt này đã tiêu tốn hơn 1 tỷ euro cho rất nhiều các khoản đầu tư, đưa The Blues trở thành một thế lực tại Premier League cũng như tại châu Âu. Đối lập hoàn toàn với sự dễ dãi đó chỉ là 41,3 triệu euro đầu tư cho CSKA Moscow tại giải quốc nội, theo một bản hợp đồng tài trợ kéo dài 3 năm.
Từ trái sang: Prokhorov - Tinkov - Abramovich - Rybolovlev
Bên cạnh Abramovich, Oleg Tinkoff (ông chủ đội đua xe đạp đường trường Đan Mạch, Saxo Bank), Mikhail Prokhorov (ông chủ đội bóng rổ Brooklyn Nets tại giải NBA), và Dmitry Rybolovlev (ông chủ CLB Monaco tại Ligue 1) là những bằng chứng cho thấy nước Nga đang không phải là “đất lành” cho những vụ đầu tư.
Thê thảm hơn, không những không giữ chân được những nhà đầu tư, xã hội Nga còn phủ lên nền bóng đá của quốc gia này những ảnh hưởng tiêu cực, mà đặc biệt là nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng quan trọng hơn, cách mà truyền thông Nga phản ứng lại với tệ nạn này đơn giản là khó có thể chấp nhận, khiến vấn nạn nói trên chưa thể được giải quyết triệt để.
Hẳn chưa ai quên tiền vệ Yaya Toure của Man City đã bị các CĐV CSKA Moscow phân biệt chủng tộc trong một trận đấu tại Champions League mùa giải năm ngoái trên đất Nga. Tuy nhiên, thay vì nhìn thẳng và đả kích vấn đề như người Anh, báo chí Nga lại lái câu chuyện sang thất bại 1-2 của đại diện chủ nhà, và về chuyện CSKA cần một phép màu để đi tiếp vào vòng knock-out. Đáng buồn thay, đó lại là điều thường xuyên xảy ra.
Yaya Toure khiếu nại với trọng tài khi bị phân biệt chủng tộc
Chưa hết, vào tháng 4/2011, một CĐV của Zenit St Petersburg đã cầm một quả chuối, vẫy vẫy và hướng về phía cựu danh thủ người Brazil, Roberto Carlos. Sau vụ việc đó, Zenit chỉ bị phạt 8.000 euro - một khoản tiền tiêu vặt nếu so sánh với 80 triệu euro mà CLB này từng vung ra để chiêu mộ Hulk và Axel Witsel vào tháng 9/2012. Đáng nói hơn, không có thêm bất kỳ một án phạt nào khác được đưa bổ sung sau đó.
Những thứ nói trên đều chỉ ra một điểm chung, rằng LĐBĐ Nga, người dân Nga đều chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, hay nói một cách khác đi, họ coi nhẹ những yếu tố cần thay đổi để giúp bóng đá Nga đi lên. Đây chắc chắn không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, mà phải là hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Ảnh hưởng từ sự thiếu đầu tư dẫn đến những cuộc tháo chạy của các tài năng bản địa đến những vùng đất màu mỡ hơn. Andrei Arshavin, Pavel Pogrebnyak và Marat Izmailov đều đã dành những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của mình tại Anh và Bồ Đào Nha. Việc thiếu vắng ngôi sao và tính cạnh tranh đã khiến giải VĐQG Nga vào thời điểm hiện tại rơi xuống vị trí thứ 9 tại châu Âu, thậm chí còn thấp hơn tới 2 bậc so với giải VĐQG Ukraine.
Arshavin trong màu áo Arsenal
Xét về khía cạnh ĐTQG, sau khi không còn có thể triệu tập các ngôi sao từ các nước thành viên như trong quá khứ, ĐT Nga hiện tại đang quá thiếu những nhân tố đủ “tầm” lên tuyển. Trong thành phần 23 cầu thủ của “Gấu Nga” tham dự World Cup 2014 vừa qua, có tới 9 cầu thủ không vượt qua được 8 lần khoác áo ĐTQG, trong đó có 3 người mới lên tuyển lần đầu tiên. Dù được dẫn dắt bởi một HLV lão làng: Fabio Capello, nhưng ĐT Nga cũng không thể vượt qua được vòng bảng tại giải đấu ở Brazil.
Ở những giải đấu quốc tế sau thời kỳ Liên Xô tan rã, ĐT Nga đều cho thấy một bộ mặt bạc nhược. Giải đấu duy nhất mà họ ghi dấu ấn là EURO 2008 (tổ chức tại Áo - Thụy Sỹ), khi vào tới bán kết. Còn lại, đội bóng xứ Bạch Dương luôn phải dừng bước sau vòng bảng, và thậm chí có tới 4 lần không vượt qua được vòng loại ở các VCK World Cup 1998, 2006, 2010 và VCK EURO 2000.
Anatoly Vorobyov, Tổng thư ký LĐBĐ Nga từng gợi ý biến ĐTQG Nga thành một CLB để tranh tài tại giải VĐQG của nước này, nhằm chuẩn bị cho sự kiện lớn của bóng đá thế giới diễn ra 4 năm nữa, mà họ là nước chủ nhà. Người Nga hy vọng họ có thể tìm thấy một ngôi sao mai nào đó trong 4 năm nữa, hay chí ít là giúp các cầu thủ trở nên gắn kết hơn. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì, khi mà nền móng của bóng đá Nga, của xã hội Nga, vẫn đang tồn tại quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa.
ĐT Nga (áo sẫm) chơi không thành công tại World Cup 2014
Những cái tên nổi danh nhất của ĐT Nga vào lúc này, ví như thủ thành Igor Akinfeev, hậu vệ Yuri Zhirkov, tiền vệ Dmitry Kombarov hay tiền đạo Aleksander Kerzhakov có lẽ chỉ được biết đến từ những câu chuyện bên lề thú vị, hơn là những cống hiến trên sân cỏ.
Người ta nhớ đến Akinfeev bởi anh có gu âm nhạc được miêu tả là “dị hợm” khi chỉ thích nghe các bài hát cho các… nữ sinh. Kombarov thì chơi bóng ở đâu cũng phải có cậu em trai Kirill đi cùng. Zhirkov thì lại “nổi tiếng” nhờ cô vợ xinh đẹp nhưng…ngắn não. Còn Kerzhakov được biết đến nhờ “thành tích” 1.527 phút “tịt ngòi” trong màu áo Sevilla tại La Liga.
Chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa World Cup 2018 sẽ diễn ra, nhưng cho đến lúc này đội bóng của HLV Fabio Capello chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào. Những sự thay đổi là điều cần phải thực hiện ngay lập tức, nhưng thực hiện như thế nào, và thực hiện được bao lâu, là điều cần nhiều hơn 1 cái đầu và nhiều hơn 1 sự tâm huyết.
Theo http://bongdaplus.vn
TIN LIÊN QUAN
Ủy ban điều hành Liên đoàn Bóng đá Nga ngày 30/12 quyết định tạm thời từ bỏ ý định rời Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) để gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), AFP đưa tin.
30/12/2022
Sau khi UEFA thông báo rằng đội tuyển Nga bị cấm tham dự EURO 2024, trong khi các đội trẻ và bóng đá nữ cũng bị “cách ly” khỏi các sự kiện của bóng đá quốc tế, huấn luyện viên trưởng Valery Calpin của tuyển Nga đã công khai ý định gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
29/09/2022
Vì tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine nên các VĐV thể thao xứ bạch dương đã liên tiếp dính án phạt cấm thi đấu quốc tế. Chưa kể họ cũng đối diện nguy cơ bị gọi nhập ngũ. Đó là lý do có tới 13 người xin chuyển quốc tịch.
27/09/2022
Cuối ngày 20/9 (giờ Hà Nội), LĐBĐ Nga ra thông báo gây sốc. Theo đó, ĐTQG xứ sở bạch dương sẽ không tham dự vòng loại Euro 2024, đồng nghĩa vắng mặt giải Vô địch châu Âu 2 năm tới.
21/09/2022
Sáng 15-8 (theo giờ Moscow), Ban tổ chức Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022 đã công bố các thông tin chính thức về kỳ hội thao năm nay.
15/08/2022
Hạt giống số 17 Elena Rybakina thắng ngược Ons Jabeur 3-6, 6-2, 6-2 để lần đầu đoạt Grand Slam chiều 9/7.
09/07/2022
Ban tổ chức Grand Slam cuối cùng trong năm cho biết các tay vợt Nga và Belarus không bị cấm dự giải và sẽ thi đấu dưới cờ trung lập.
Ở cuộc chạm trán với Herdeson Batista tại sự kiện ACA 139 diễn ra vào hôm 22/5 vừa qua, võ sĩ Alexander Sarnavskiy đã có loạt đấm cực nhanh khiến đối thủ ngã ngửa xuống sàn để giành chiến thắng knock-out khi trận đấu mới diễn ra được 42 giây.
25/05/2022
Tỷ phú người Nga lên tiếng để xóa bỏ những tin đồn đang gây cản trở quá trình tìm chủ mới của Chelsea.
05/05/2022
UEFA hôm 2/5 ra thông báo cấm các CLB của Nga tham dự cúp C1 và các cúp châu Âu mùa giải 2022-2023 do hệ quả của cuộc xung đột ở Ucraina.
03/05/2022