Nhiều công ty Âu, Mỹ rời Nga
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đang đảo ngược làn sóng đầu tư nước ngoài vào đây suốt 30 năm qua.
Số công ty tuyên bố chấm dứt quan hệ làm ăn hoặc đánh giá lại hoạt động ở Nga đang tăng lên khi nhiều nước áp lệnh trừng phạt lên Nga, đóng cửa không phận với máy bay nước này và loại một số nhà băng Nga khỏi SWIFT. Một số công ty cho biết rủi ro về danh tiếng và tài chính là quá lớn để họ tiếp tục hoạt động tại đây.
Đồng rouble sáng 28/2 mất giá tới hơn 30% so với đôla Mỹ sau khi Wasshington cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, hạn chế khả năng nước này sử dụng khối dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD để bảo vệ nội tệ.
Với một số công ty, việc rút khỏi Nga đã chấm dứt khoản đầu tư béo bở suốt vài chục năm qua. Các hãng năng lượng đi tiên phong trong việc rót tiền vào Nga từ thập niên 90\. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga -- BP -- hôm 27/2 bất ngờ thông báo sẽ từ bỏ 20% cổ phần trong hãng dầu khí Rosneft. Động thái này có thể khiến họ thiệt hại 25 tỷ USD và mất 30% sản lượng dầu khí. BP hiện cân nhắc bán lại số cổ phần này cho Rosneft, Bloomberg trích lời nguồn tin thân cận cho biết.
Shell hôm qua cũng có động thái tương tự. Hãng này cho biết sẽ chấm dứt hợp tác với hãng dầu khí Gazprom, trong đó có cơ sở sản xuất khí đốt Sakhalin-II và dự án đường ống Nord Stream 2\. Cả hai dự án có tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Equinor -- công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, do chính phủ nước này nắm cổ phần lớn, cũng thông báo sẽ bắt đầu rút khỏi các liên doanh với Nga, trị giá 1,2 tỷ USD. "Trong tình hình hiện tại, chúng tôi nhận thấy vị thế của mình khó có thể biện minh", CEO Anders Opedal cho biết. Hiện tại, Exxon Mobil và TotalEnergies là các hãng năng lượng lớn duy nhất còn duy trì khai thác ở Nga.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến nhiều thông báo rút lui nữa", Allen Good -- chiến lược gia tại Morningstar nhận định, "BP chịu sức ép lớn từ chính phủ Anh. Nhưng tôi không chắc TotalEnergies có chịu sức ép tương tự hay không, do mối quan hệ giữa Nga và Pháp rất khác".
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các công ty nước ngoài nhận thấy cơ hội khổng lồ tại thị trường này với hàng triệu người tiêu dùng, cùng lượng khoáng sản, dầu mỏ khổng lồ. Họ đã rót vốn vào để mua bán và hợp tác với các công ty Nga. Tuy nhiên, xu hướng này đang dừng lại. Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy cho biết sẽ đóng băng tài sản Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và sẽ lên kế hoạch rời đi trước ngày 15/3\.
Một số hãng luật và kế toán lớn cũng đang đánh giá lại hoạt động tại Nga. Baker McKenzie tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ với một số khách hàng Nga để tuân thủ lệnh trừng phạt. Các khách hàng lớn của công ty này gồm Bộ Tài chính Nga và ngân hàng lớn thứ nhì Nga -- VTB (hiện chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh, EU).
Bob Sternfels -- lãnh đạo McKinsey & Co thì cho biết công ty này sẽ không hợp tác với các thực thể quốc doanh tại Nga nữa. Tuy nhiên, họ sẽ không rút chân hoàn toàn. McKinsey đã hoạt động tại đây gần 30 năm.
Sức ép với các công ty bán sản phẩm cho Nga cũng đang tăng lên. Daimler Truck Holding cho biết sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời có thể xem xét lại việc hợp tác với đối tác địa phương Kamaz.
Volvo Car và Volvo ngừng bán hàng và sản xuất tại Nga. Harley-Davidson cũng ra thông báo tương tự. Châu Âu và Trung Đông đóng góp 31% doanh số xe máy cho hãng này năm ngoái. General Motors cũng ngừng bán hàng cho Nga, vì "các yếu tố bên ngoài, trong đó có vấn đề chuỗi cung ứng và các vấn đề khác ngoài tầm kiểm soát của công ty". Mỗi năm, GM xuất khẩu khoảng 3.000 xe từ Mỹ sang Nga.
Những hãng khác thì đang chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm. Hãng xe Pháp Renault hôm qua mất 12% do nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến mảng kinh doanh của họ tại Nga -- thị trường lớn thứ nhì của hãng. AvtoVaz -- công ty Renault nắm 68% cổ phần -- sản xuất xe thương hiệu Lada -- chiếm 20% thị phần Nga.
Ford Motor thì khẳng định chưa có kế hoạch rút khỏi liên doanh tại Nga với Sollers. "Các lợi ích hiện tại của chúng tôi vẫn an toàn", hãng giải thích.
Dù vậy, các công ty hàng tiêu dùng có hoạt động và sản xuất tại Nga khó có thể dễ dàng rời đi, kể cả nếu họ muốn vậy. Trước chiến dịch quân sự của Nga tuần trước, hãng sữa Danone đã chuẩn bị kịch bản nếu căng thẳng quân sự leo thang. Giám đốc Tài chính Juergen Esser cho biết họ đã mua thêm nhiều nguyên liệu địa phương để sản xuất cho cả hai thị trường. Danone vào thị trường Nga 30 năm trước.
Còn với Carlsberg, việc phần lớn chuỗi cung ứng, sản xuất và khách hàng cho thị trường Nga đều nằm ở đây đã giúp giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt. Họ đã hạn chế xuất nhập khẩu, nhưng hiện chưa thể đánh giá đầy đủ tác động trực tiếp và gián tiếp từ các lệnh trừng phạt. Công ty này có 1.300 lao động từ Ukraine và tuần trước đã phải cho nhà máy ngừng hoạt động để nhóm này về quê.
**Hà Thu** _(theo Bloomberg)_
TIN LIÊN QUAN
Tập đoàn Kingdom Holding của Ả Rập Xê-út đã mạnh tay đầu tư hàng triệu USD vào các công ty Nga trong những ngày đầu chiến sự bùng phát ở Ukraine.
15/08/2022
Trước những áp lực trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào nền kinh tế Nga, một số công ty nước ngoài có xu hướng rời khỏi thị trường Nga. Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov đã đề xuất 3 lựa chọn cho họ.
04/03/2022
Trước làn sóng thoái lui của doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước, chính quyền của Tổng thống Putin đang có nhiều động thái nhằm kìm chân nhà đầu tư...
02/03/2022
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 1/3 cho biết đã soạn dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tạm thời hạn chế doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này.
01/03/2022
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đang đảo ngược làn sóng đầu tư nước ngoài vào đây suốt 30 năm qua.
01/03/2022
Năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư 1,4 tỷ USD vào nền kinh tế Nga so với gần 29 tỷ USD một năm trước đó. Tính theo quý, tình hình tồi tệ nhất vào đầu và cuối năm. Trong quý I/2020 FDI giảm 4,1 tỷ USD và trong quý IV/2020 giảm 0,9 tỷ USD.
25/01/2021