Chợ Nga trong lòng Sài Gòn
Khu chợ Nga ở đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM và ông chủ Nguyễn Mạnh Tòng - Ảnh: THÁI LỘC
Khu chợ Nga có bán đủ loại áo ấm, từ áo gió mỏng cho đến áo bông, áo dạ loại dày có lẽ ít khi dùng đến với thời tiết ở VN. Nó chiếm trọn tầng 1 và 2 cao ốc 328 Võ Văn Kiệt, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM.
Ông NGUYỄN MẠNH TÒNG
Khi tôi đến, nhiều đoàn xe du lịch đỗ xịch ở sân rộng đằng trước, mấy đoàn khách Âu, khách Nhật và Hàn Quốc cùng tiến vào.
Chợ áo ấm
Các vị khách có lẽ đã tìm hiểu hoặc được giới thiệu từ trước, rảo quanh các ngóc ngách của chợ.
Áo ấm đủ loại giăng kín, vào đã thấy nóng trong tiếng đon đả mời chào, có cả tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Việt... Nhãn hàng ở đây đủ loại, có hầu hết những thương hiệu lớn của phương Tây, Nga hay Mỹ...
"Khách đến đây phần lớn tìm mua các loại áo bông, áo dạ, loại ấm nhất của thị trường hiện nay vì ở đây hàng xịn mà giá phải chăng!" - chị Hoa, chủ một quầy hàng, vừa nói với chúng tôi vừa quay sang trả lời một vị khách đang mặc cả bằng tiếng Hàn: "Ở đây không nói thách, có bớt thì bớt một ít thôi à!".
Theo lời anh Vũ Ánh Dương - nhân viên ban quản lý chợ Nga, toàn khu chợ có chừng 200 gian hàng, bán toàn áo ấm chủ yếu dành cho thị trường hàn đới như Nga, châu Âu, châu Mỹ và một số nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch của TP.HCM nên khu chợ chủ yếu bán lẻ cho du khách. Tuy nhiên, hàng hóa ở đây phần lớn vẫn là bán sỉ cho các thị trường nói trên, đặc biệt là nước Nga.
Điều này giải thích sự có mặt của văn phòng đại diện ba hãng vận chuyển hàng hóa của Nga tại đây.
Chúng tôi vào cửa hàng thực phẩm Nga nằm ở góc phải tầng 2 khu chợ, nơi bán rất nhiều mặt hàng gia dụng, lưu niệm, thực phẩm, cả đóng gói lẫn tươi sống "made in Russia".
Ở góc bán rượu Vodka, có hai người đàn ông Việt đứng tuổi đang chuyện trò. Một người tên Nguyễn Viết Dũng cho biết mình từng học tập ở Liên Xô 40 năm trước, đến đây mua thức ăn Nga.
Cửa hàng rộng chừng 100m2 này bán khá nhiều mặt hàng từ tranh, ảnh, đồng hồ, đèn ngủ hay những con lật đật nhiều màu sắc, kích cỡ; rồi các loại ấm chén kim loại hình biểu tượng lâu đài Nga...
Đặc biệt ở đây vẫn là các loại Vodka, cá, thịt hay gia vị Nga.
Rất nhiều khách nước ngoài tìm đến chợ Nga để chọn mua áo ấm - Ảnh: THÁI LỘC
Tình nước Nga
Sau vài lần liên hệ, chúng tôi gặp chủ nhân của chợ Nga - ông Nguyễn Mạnh Tòng tại một căngtin nằm cạnh khu chợ.
Ông giới thiệu mình là một người lính, gắn liền cả giai đoạn hoa niên của mình với nước Nga ăm ắp kỷ niệm, nơi ông theo học khóa huấn luyện phi công kể từ năm 1982.
"Bản thân tôi chỉ là người lính rời khỏi quân ngũ. Tôi chỉ là người tạo lập nơi chốn để những người yêu đất nước Nga cùng nhau tụ hội, làm ăn.
Vì khu chợ này tập trung phần lớn những người từng ở Nga về, có người là tiến sĩ, người kỹ sư, có người đi xuất khẩu lao động...
Một mình tôi không thể tạo lập được, tôi chỉ là người nối kết họ lại mà thôi!" - ông Tòng tâm sự.
Ông Tòng kể năm 1986 ông từ Nga - khi ấy còn là Liên Xô - trở về VN, ngoài quân hàm đại úy hoạt động trong quân đội, ông cũng "chân trong chân ngoài làm khá nhiều công việc, gồm cả buôn bán để kiếm sống.
Đến đầu thập niên 1990 sau khi khối XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, trong lần đi tìm một người bạn hàng, ông được gia đình người này chỉ đến thương xá Tax, TP.HCM.
Khi bước lên "chợ quần áo" ở tầng 2 của thương xá này, ông như "cá gặp nước" vì thấy người ta giao dịch với nhau toàn tiếng Nga, đặc biệt là khách hàng nườm nượp đến đây từ Nga và các nước Đông Âu.
Không chỉ cảm thấy có sự quen thuộc với rất nhiều cảm xúc từ quá khứ, ông còn nhận ra cơ hội, tiềm năng làm ăn cho mình.
Chính vì thế, một mặt ông bắt tay tìm hiểu ngay thị hiếu của khách, một mặt ông tận dụng những mối quan hệ sẵn có tại các công ty may xuất khẩu hàng đầu của VN lúc ấy.
Ông đăng ký đặt gian hàng đại diện May Nhà Bè, vừa bán lẻ cho khách, vừa liên hệ để xuất hàng đi nhiều nơi.
Sau mấy năm làm ăn xuôi chèo mát mái, thương xá Tax dẹp "chợ quần áo", ông cùng nhiều chủ hàng dọn sang "chợ Hoàng Thành" - Sài Gòn Square ở Q.1.
Ổn định được trong vài năm, ông nảy ra ý tưởng lập một khu chợ mới và chuyển sang vị trí tòa cao ốc hiện nay.
Ban đầu không ai dám sang nhưng ông mạnh dạn thuê chỗ và đặt tên là "chợ Nga", đồng thời kêu gọi các chủ hàng quen biết từng ở Nga và chuyên bán hàng cho khách Nga tập trung về đây.
Mấy ngày đầu khai trương, hàng quán đầy chợ, khách đến đông vui nhưng chủ yếu là khách mời. Một, hai tháng sau đó, việc kinh doanh trở nên ế ẩm, khách không đến vì địa điểm lúc ấy được xem là xa trung tâm thành phố, đường Võ Văn Kiệt lại đang làm, đầy bụi, ngổn ngang.
Nhiều tiểu thương nóng ruột, bỏ dần để chuyển sang nơi khác. Một mặt ông Tòng tìm cách để bù lỗ đậm, một mặt lên phương án tìm nguồn khách đến. Sau một thời gian, khách đến ngày càng đông, nhiều đơn vị du lịch đưa chợ Nga vào tour mua sắm. Nhiều tiểu thương lần lượt quay về...
Những con búp bê bằng gỗ - mặt hàng lưu niệm nổi tiếng của Nga bán ở chợ Nga - Ảnh: THÁI LỘC
Đừng để khách bỏ đi
"Việc thu hút khách ở đây, tất cả cũng từ chất lượng và giá cả. Các mặt hàng áo ấm tại đây chủ yếu lấy từ gốc để bán, là từ các công ty sản xuất dôi dư vài ba phần trăm của những lô hàng lớn.
Cũng có người nhanh nhạy mua vải, đặt hàng theo mẫu mã phù hợp với từng thị trường nước ngoài nên giá cả rất hợp lý.
Một điều quan trọng khác, không chỉ ban quản lý chợ yêu cầu, mà mọi tiểu thương ở đây đều biết rằng kiếm được một người khách về chợ rất khó nên đừng nói thách quá đáng để họ bỏ đi!" - chủ nhân của ngôi chợ, ông Nguyễn Mạnh Tòng, cho biết.
Theo tuoitre.vn
TIN LIÊN QUAN
Từng bị trì trệ bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina, thời gian gần đây xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã và đang có nhiều dấu hiệu tích cực.
08/09/2022
Tập đoàn Vận tải FESCO (LB Nga) đã khai trương tuyến đường biển thường xuyên FESCO VIETNAM DIRECT LINE (FVDL), kết nối trực tiếp các cảng Việt Nam (Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh) với cảng Vladivostok (Viễn Đông - LB Nga).
08/06/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 17/5, trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Saint Petersburg”, Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam – Saint Petersburg lần thứ 3.
18/05/2022
Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) vừa bổ sung thêm 2 doanh nghiệp thủy sản vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu.
Quý I, xuất khẩu gạo sang Nga tăng 2,6 lần so với cùng kỳ 2021 và là nhóm tăng mạnh nhất trong 23 mặt hàng xuất sang quốc gia này.
26/04/2022
Số liệu vừa được cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang Nga trong quý đầu năm chỉ bằng 16% so cùng kỳ năm ngoái.
13/04/2022
Xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nga năm 2021 đạt 612,7 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020; từ Nga sang Việt Nam đạt 523,1 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020.
08/04/2022
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đề nghị Moskva có biện pháp bảo đảm an toàn cho dân thường rời vùng chiến sự Ukraine.
15/03/2022
Theo quy chế của Hiệp hội đường sắt quốc tế, đình chỉ sự tham gia của đường sắt Nga và Belarus - bao gồm cả các công ty con của họ - trong các hoạt động của Hiệp hội.
08/03/2022
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga đang khiến các đơn hàng Việt Nam xuất khẩu bị ngưng trệ và kẹt thanh toán.
05/03/2022