Vietnews.ru
Văn hóa

Văn hào Nga Mikhail Solokhov: Vượt mọi gièm pha

23/08/2012 (Đọc 12 phút)

Xem thêm:

Thuyền to thì sóng cả. Mikhail Solokhov (1905-1984) là văn hào vào loại hàng đầu của chính thể Xô viết. Tác phẩm vĩ đại “Sông Đông êm đềm” của ông từng được nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1965. Tuy nhiên, cũng chính M. Solokhov đã là người bị những kẻ xấu bụng hay thù địch tìm đủ mọi cớ đề gièm pha nhất. Thế nhưng, cho tới hôm nay ông vẫn là nhà văn Xô viết đã và đang được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới và ở Tổ quốc ông.

Văn hào Nga Mikhail Solokhov: Vượt mọi gièm pha

Chế độ Xô viết luôn có thiện chí với những danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp với sự nghiệp quốc gia. Năm 1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định sẽ tổ chức trọng thể lễ mừng thọ 75 tuổi của Solokhov và quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ hai. Khi theo thông lệ, bức tượng bán thân của nhà văn hai lần được trở thành anh hùng đã hoàn thành, người ta tới hỏi ông: Bây giờ nên trồng cây hoa gì dưới chân tượng? Solokhov đã mỉm cười hóm hỉnh: Ngải cứu! (Trong tiếng Nga có câu thành ngữ “Đắng như ngải cứu”). Đời kẻ sĩ, ở đâu và ở thời nào chẳng đau nỗi niềm nhân thế tới cay đắng như ngải cứu. Đất nước còn một người buồn thì ta còn trăn trở. Thế gian còn một cảnh bất công thì ta còn cảm thấy mình chưa làm tròn nghĩa vụ!

Kêu hoài không thấu

Ngay cái họ của mình, Solokhov cũng có cách giải thích riêng vừa hóm hỉnh, vừa đúng tư chất thiên phú. Có lần ông đã nói đùa: “Cái họ Solokhov của tôi ý nghĩa đơn giản lắm. Có một người đàn ông đi (siol) và kêu ối a (okhat) - thế là thành họ Solokhov - người vừa đi vừa kêu. Nếu nói nghiêm túc hơn, ngày xưa có một cái họ rất cổ là Solok...”. Thực hư thế nào không ai rõ nhưng qua cuộc đời của ông, có thể hiểu được thiên mệnh của văn hào: Sống và nói to lên những nỗi niềm đau đớn của nhân quần, dù không phải lúc nào cũng là đúng lúc và đúng chỗ. Bộ tiểu thuyết bất hủ của ông Sông Đông êm đềm nhìn từ một góc độ nào đó cũng có ý nghĩa như một tiếng kêu to trên đường đời máu lửa về những nỗi đoạn trường mà các dân tộc sống trên vùng lãnh thổ Xô viết mênh mông, nhất là ở vùng sông Đông quê hương ông, đã buộc phải trải qua.

Sông Đông êm đềm chung cuộc đã mang lại cho ông vòng nguyệt quế vĩnh hằng nhưng cũng là duyên cớ để những kẻ tà tâm châm chích ông. Ngay từ khi Sông Đông êm đềm mới ra đời, những kẻ ác ý đã tung tin đồn rằng, đây là bộ tiểu thuyết của một nhà văn khác, chứ không phải của Solokhov. Điều này đã xúc phạm ghê gớm tới nhà văn và càng làm ông tăng thêm quyết tâm chứng minh tài năng của mình. Tháng 3/1929, Solokhov (khi ấy mới 24 tuổi) viết thư từ Moskva về cho người vợ trẻ Maria Petrovna (gọi thân yêu là Marusenok):

“Marusenok thân yêu, em đã nói đúng hàng nghìn lần, thật không dễ mau rời khỏi Moskva. Anh kể thứ tự cho em mọi chuyện: em có lẽ không thể tưởng tượng được lời vu khống đó về anh đã lan truyền rộng tới đâu! Chỗ nào người ta cũng nói tới nó, cả trong lẫn ngoài làng văn, cả ở Moskva lẫn dưới tỉnh lẻ. Hôm qua đồng chí Stalin cũng hỏi chuyện này... Rồi họ còn đồn anh là Bạch vệ, là điệp viên...

Anh đã bị khủng bố, hành hạ một cách có bài bản. Kết quả là anh phải mất ăn, mất ngủ, chẳng làm được việc gì. Nhưng lòng anh vẫn hứng khởi và anh sẽ chiến đấu tới cùng.

Mấy tay thợ viết của nhóm “Kuznitsa” như Berezovsky, Nikiforov, Gladkov, Malyshkin, Sannikov... với tâm hồn hèn hạ của chúng đã tung đi tin đồn đó, thậm chí còn trắng trợn đăng đàn về việc này... Chúng thật khốn nạn và ngay cả tấm thẻ Đảng cũng không làm sạch nổi tâm hồn con buôn bẩn thỉu của chúng.

Nhưng rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Ngày mai báo sẽ đăng lời bác bỏ những tin đồn đó”.

Số là một ủy ban đặc biệt đã được lập ra để nghiên cứu tiểu thuyết Sông Đông êm đềm và những truyện ngắn đầu tay của Solokhov. Và các chuyên gia đã kết luận: Tin đồn không có căn cứ, Solokhov rất thống nhất văn phong trong mọi tác phẩm của mình. Tuy nhiên, suốt 70 năm sau, những tin đồn đó vẫn tiếp tục được lan truyền, bọn vu cáo lợi dụng việc Solokhov đã đánh mất bản thảo ban đầu của Sông Đông êm đềm để nghi ngờ quyền tác giả của ông. Mãi cho tới năm 1999, mọi sự mới đâu vào đấy: Viện Văn học thế giới Nga ở Moskva đã tìm thấy tập bản thảo Sông Đông êm đềm đầu tiên với nét bút của Solokhov.

Sinh thời, khi người con trai hỏi ông về lý do khiến tập Sông Đông êm đềm bị vấp phải nhiều nhiêu khê đến thế thì Solokhov đã đáp ngắn gọn: “Sự đố kị không bao giờ biết tới ranh giới!”.

Đảng có “mắt xanh”

Dù trên cương vị chính trị gia có thể bị đánh giá theo những góc độ khác nhau, nhưng lãnh tụ Xô viết Yosif Stalin luôn được biết tới như một người có tâm và tầm trong các vấn đề văn hóa. Và ông đã ra tay giúp Solokhov trong giai đoạn khó khăn của nhà văn. Về sau, Solokhov kể:

“Tại tòa soạn tạp chí Tháng 10 người ta dừng in tập tiếp theo của Sông Đông êm đềm. Họ ngại những tin đồn. Làm gì bây giờ? Tôi cứ loạn cả lên, chẳng biết nhờ ai giúp... Đành phải mang bản thảo đến Maxim Gorky. Sau một thời gian có điện thoại: “Ngày kia sẽ tới gặp đồng chí Stalin. Đấy mới là người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa”. Tôi rất sợ rằng đồng chí Y. Stalin không thích những nhân vật mà tôi cho là có lỗi trong việc chống culắc. Mà chính từ chuyện đó đã bắt đầu bộ tiểu thuyết.

Đúng hẹn, tôi tới nhà Gorky... Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: “Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?”. Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng lên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh. Ông ta đã yêu Tổ quốc... Stalin kêu lên: “Sao, thế là danh dự? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!”. Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó”.

Solokhov kể tiếp: “Stalin ra câu hỏi mới: “Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chính trị sông Đông của Đảng và Ủy ban Cách mạng?”. (Đây chính là chủ đề chống culắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi những sự việc này và đã kể chuyện Nội chiến không giống như sự thật cuộc đời... Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: “Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...”. Rồi ông hỏi tôi và Gorky: “Hai đồng chí nói gì về chuyện này?”. Gorky trả lời: “Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xô viết”. Tôi cũng đáp: “Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban”. Khi ấy, Stalin mới nói: “Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của Sông Đông êm đềm hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng”. Rồi ông hứa là sách sẽ được in...

Stalin đã xử sự đúng như một người quân tử. Với kẻ thù, dù ta có làm gì thì bọn chúng cũng có thể “bới lông tìm vết”. Còn với những người có thiện chí, dù không hẳn đứng về phía ta, nếu ta có cách diễn giải tài hoa như Solokhov đã làm thì họ cuối cùng sẽ hiểu đúng ta. Việc Sông Đông êm đềm được trao giải thưởng Nobel về văn học năm 1965 há chẳng phải là minh chứng cho nhận xét này sao?!

Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về

Stalin luôn trân trọng Solokhov, đến mức gần như “nuông” ông. Khi Solokhov giữ cương vị chủ đạo ở Hội Nhà văn Liên Xô, ông hay cùng bạn đồng nghiệp Alexandr Fadeyev (tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Đội cận vệ trẻ) “chén anh, chén chú”. Thậm chí, có hôm được Stalin mời tới nói chuyện, Solokhov vẫn chưa hả hết mùi rượu. Những kẻ xấu bụng tưởng như thế thì Solokhov sẽ bị nhà lãnh đạo tối cao, vốn rất chỉn chu trong thủ tục hành chính, quở mắng. Thế nhưng, Y. Stalin đã có cách hành xử khác. Một lần, gặp Solokhov, Stalin cười cười hỏi:

- Thế nào, đồng chí nhà văn, một tuần đồng chí cùng đồng chí Fadeyev uống rượu mấy ngày?

Sholokhov không nói không rằng, chỉ cười trừ. Thấy vậy, Stalin bảo cô thư ký:

- Cô ghi lại đi! Quyết định của Bộ Chính trị. Mỗi tuần đồng chí Sholokhov và đồng chí Fadeyev chỉ uống rượu từ thứ hai tới thứ năm thôi, còn lại ngày thứ sáu phải làm việc! Đừng như bây giờ, bảy ngày rượu say cả bảy!

Nói đoạn, ông dứ dứ ngón tay về phía văn hào. Cả hai bật cười sảng khoái...

Một năm, vào đúng ngày sinh nhật của mình, Solokhov mời bạn bè thân thiết nhất tới một nhà hàng ở Moskva uống rượu. Bất thình lình, người phục vụ tới nói nhỏ với ông:

- Thưa ông, ông có điện thoại từ Điện Kremli!

Solokhov cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói đầy uy vũ:

- Thế nào, bạn mình có việc vui mà lại quên mình rồi hả?!

- Dạ, thưa... Tôi... - Solokhov định biện bạch.

- Không có tôi gì cả, tôi đang chờ anh đây. Cho tôi uống mừng sinh nhật anh với. Xe đang chờ ở ngoài cửa đấy!

Solokhov bước ra ngoài. Quả nhiên, một chiếc xe sang trọng đang chờ ngoài cửa. Hóa ra là, Stalin nghe ai đó nói tới lễ sinh nhật của Solokhov nên đã quyết định là kiểu gì thì ông cũng đích thân mừng thọ nhà văn lớn. Trọng kẻ sĩ không bao giờ là việc vô ích đối với các chính trị gia!

Đàng hoàng tới cùng

Năm 1984, Solokhov đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Đang ở trong bệnh viện tốt nhất của Moskva, ông đã yêu cầu đưa ông về làng cũ. Một chuyến máy bay đặc biệt đã chở ông tới thôn Vioshki. Tại đấy, ông lại được sinh hoạt như chưa từng bị đau ốm gì. Sáng đọc báo, ban ngày ký đủ thứ giấy tờ của một đại biểu Xô viết tối cao… Rồi ông còn đọc cả sách nữa... Nhưng cũng có lúc căn bệnh ung thư lại trỗi dậy hành hạ ông. Tuy nhiên, ông không cho phép các bác sĩ tiêm thuốc moócphin giảm đau. Ông chỉ cần mỗi lúc căn bệnh hành hạ thì vợ ông tới đặt tay lên trán ông thôi - có cảm giác như mọi cơn đau đều biến mất.

Ông thù hận nỗi bất lực ngày càng xâm chiếm mình. Nhưng ông vẫn không ngừng hút thuốc. Và thỉnh thoảng ông lại sực nhớ tới một việc gì đó mà mình có nghĩa vụ phải làm. Lúc thì là lời hứa tặng cho thư viện một xóm nào đó cuốn Sông Đông êm đềm có kèm theo chữ ký. Lúc thì là thời hạn phải nộp Đảng phí. Lúc thì là chuyện in bộ tuyển tập mới các tác phẩm chọn lọc... Đêm 21/2/1984, ở ngay chính nhà mình, M. Solokhov đã trút hơi thở cuối cùng, trong căn phòng ngủ ở tầng hai. Đồng hồ lúc đó chỉ 4 giờ 40 phút. Ngoài cửa sổ, những cơn gió từ sông Đông thổi vô hồi vào cửa sổ

Theo cand.com.vn


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Rạp chiếu phim trực tuyến Premier tăng trưởng gấp đôi số người đăng ký trong nửa đầu năm - lên 2,1 triệu

Văn hóa,

01/08/2022

Theo quyết định của ban tổ chức, năm nay, Nga sẽ không trao giải thưởng văn học toàn Nga 'Sách bán chạy quốc gia', trong khi những cuốn sách trong danh sách bình chọn phản ánh một cách đáng ngạc nhiên tâm trạng của công chúng năm 2022.

Văn hóa,

26/04/2022

Vào ngày chủ nhật 24.4.2022, toàn thể thế giới Kitô bao gồm các tín hữu Chính thống giáo, Công giáo và Tin Lành cùng hân hoan đón thánh lễ Phục sinh. Đây cũng được coi là ngày lễ cổ xưa nhất nước Nga, xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ X.

Hải quan Phần Lan viện dẫn lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) xung quanh tình hình Ukraine rồi thu giữ các tác phẩm nghệ thuật được mượn từ Nga để trưng bày ở châu Âu.

Văn hóa,

08/04/2022

Viện Ngôn ngữ Nga quốc gia mang tên A. S. Pushkin đã công bố "Chỉ số về vị trí của tiếng Nga trên thế giới" trong năm 2021, theo đó tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới.

Văn hóa,

31/03/2022

Lễ hội Tiễn mùa đông Maslenitsa là truyền thống từ lâu đời của người dân “xứ sở Bạch Dương”. Trong suốt lễ hội, mọi người vui chơi xả láng hết cả tuần.

Văn hóa,

14/03/2022

Bộ sách "Siêu lý tình yêu" của triết gia người Nga Vladimir Soloviev vừa được Nhà xuất bản Tri thức tái bản sau nhiều năm vắng bóng.

Văn hóa,

11/03/2022

Sau hai tuần quay phim trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, nữ nghệ sĩ và đạo diễn điện ảnh Nga có một phi hành gia tháp tùng đã trở về Trái đất bình an.

Nam diễn viên Heo Sung-tae đóng vai trùm xã hội đen Jang Deok Soo với số áo «101» trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc «Trò chơi con mực» («The Squid Game») hóa ra là một người thạo tiếng Nga, thậm chí có thời anh từng làm việc ở nước Nga.

Văn hóa,

13/10/2021

Sau thời gian tập huấn và chuẩn bị, một đoàn làm phim Nga sẽ được đưa lên vũ trụ. Bộ phim đầu tiên quay ngoài không gian bấm máy trong tháng 10.

Văn hóa,

04/10/2021

Phần Lan cắt 90% thị thực du lịch Nga

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine.

Gần 50.000 du khách Nga 'vượt khó' tới Croatia

Ngày 12/8, hãng thông tấn nhà nước Hina của Croatia đưa tin, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, gần 50.000 du khách Nga đã tới nước này.

13.08.2022

Chính phủ Nga dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh do dịch COVID-19

Nga thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã được áp đặt với công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia trong thời gian đại dịch.

04.07.2022

Vyborg - thành phố cổ phong cách Thụy Điển trong lòng nước Nga

Vyborg là thành phố cổ thuộc tỉnh Leningrad, nằm cách thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga khoảng 2 tiếng lái xe ôtô (140km) và cách biên giới Phần Lan chỉ 30-50km.

15.06.2022

Khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp vùng Bắc Kavkaz, Nga

Dự kiến lượng khách đến thăm vùng Bắc Kavkaz sẽ tăng 10%, ít nhất lên đến đến 1,2 triệu người. Năm 2022, lần đầu tiên Bắc Kavkaz lọt vào top 5 điểm du lịch bán chạy nhất ở Nga, trong các công ty lữ hành.

13.06.2022