Nước Nga một lát cắt tháng 9 -2015
Các thiếu sinh quân Nga thao diễn trên quảng trường Đỏ ngày 1-9-2015. Người đầu tiên bên phải là Dmitri, 12 tuổi. Ảnh: P.X.L.
Nhìn bề ngoài, cuộc sống ở Matxcơva, ở thành phố miền nam Kuban Krasnodar, hay ở cố đô Saint Petersburg... có vẻ chẳng bị những con số nhảy nhót ấy chi phối mấy.
Ga metro ở Matxcơva vẫn sầm sập chân người vào giờ cao điểm và tiếng rít của những toa tàu chạy trên đường ray vẫn không khác hàng chục năm trước. Trên đường phố Saint Petersburg, thực khách cố hưởng những ngày ấm áp cuối cùng bên những bàn cà phê bày tràn ra phố, dù những bông hoa trang trí đã chớm tàn.
Ở trạm xe điện gần Trường đại học Tổng hợp Kuban (Krasnodar), vẫn những cụ bà bán những bó thì là, vài củ khoai tây và dăm ba bó hoa cắt từ vườn nhà. 50 rúp một bó hoa tím mỏng manh có cái tên dân dã hoa trà Ivan.
Trong các cửa hàng, thực phẩm nhiều chủng loại nhưng chủ yếu là hàng trong nước đầy ắp. Ngày cuối tuần, người ta vẫn đi cửa hàng dù những bà mẹ dường như đứng lâu hơn để tính toán giá cả trước khi mua...
Cuộc sống không quá thiếu thốn như người ta từng mường tượng khi đọc tin về nước Nga những ngày này. Ít ra bề mặt là thế. Còn sự thật thì sao? Giá dầu chạm đáy, rồi cấm vận của phương Tây đánh vào Nga liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea có ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường dân Nga không?
Chị Irina L., một biên tập viên nhà xuất bản đã về hưu người Matxcơva, phẩy tay khi nghe tôi hỏi. “Biết nói sao? Vì trước chúng tôi sống sao thì giờ vẫn thế. Dĩ nhiên đồng đôla tăng giá nên vật giá cũng tăng theo”.
Bức tranh kinh tế nói chung không hẳn khả quan. Chị Irina cho biết lương hưu của chị và mẹ chị - một bác sĩ - gộp lại chỉ vừa đủ cho hai người ăn uống tiết kiệm, còn ốm đau hay nếu có “sự cố” gì thì chẳng biết thế nào. Chị đùa: “Tôi bảo mẹ à, mẹ làm gì thì làm nhưng đừng bệnh và đừng chết vì bệnh nhé”.
Chị có mảnh vườn nhỏ ở khu nhà nghỉ cách Matxcơva một giờ rưỡi đi bằng metro và xe buýt. Ở đó chị và mẹ trồng trọt những thứ có thể trồng được, theo kiểu “tự cung tự cấp”: bí đỏ, thì là, dưa, cà, táo, lê, anh đào. Mùa hè vào rừng gần nhà nghỉ hái nấm rồi đóng hộp dùng dần. Táo, lê thì ép lấy nước quả... Bảo đảm ngon mà sạch.
Chị bảo sợ nhất là bệnh. Bảo hiểm y tế của Nga không tốt lắm, thuốc nhập giá rất đắt, nay cấm vận thì thêm khan hiếm. Còn đi lại, sử dụng phương tiện giao thông, vào viện bảo tàng, người về hưu như chị đều được miễn giảm.
Cô sinh viên năm cuối khoa báo chí Đại học Tổng hợp Kuban Svetlana Svetlakova cho biết với sinh viên, giá sử dụng phương tiện giao thông cũng được miễn giảm tùy loại. Nhà ăn trong trường cũng giảm giá cho sinh viên tới 50%, giá tiền ở ký túc xá sinh viên chỉ khoảng 500 rúp/niên khóa (chưa tới 9 USD nếu tính tỉ giá là 60 rúp/đôla).
Hiện cô đi làm thêm cho một kênh truyền hình thiếu nhi và từ lâu không cần chu cấp thường xuyên của cha mẹ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, cô chưa biết thế nào. Cô kể bạn mình ra trường làm ở một tờ báo địa phương Kuban, lương chỉ 8.000 rúp/tháng (chưa tới 150 USD với thời giá hiện nay). Cô nói: “Chị bảo với đàn ông, 8.000 rúp/tháng thì sống làm sao?”.
Bác tài taxi Sasha người Krasnodar cũng thừa nhận kinh tế khó khăn khiến thu nhập của bác sụt giảm. Hiện nay mỗi tháng bác kiếm được chỉ khoảng 30.000 rúp (khoảng 500 USD) so với trước đây có khi được 40.000 rúp mà giá đồng rúp chưa giảm như bây giờ. Giới “cổ cồn trắng” cũng không khác. Anna E., một nhà báo, cho biết tờ báo
Nhưng nếu Irina L. và Anna E. cho rằng lẽ ra ông V. Putin nên tập trung nhiều hơn cho vấn đề kinh tế, sao cho cuộc sống người dân đỡ nặng nề hơn “thay vì suốt ngày cứ vận động để phát triển Crimea” - như lời chị Irina, thì bác tài Sasha cho rằng “ông ấy không thể làm khác, vì Mỹ và phương Tây ép nước Nga như thế, ông ấy phải bảo vệ nước Nga trước đã”.
Nếu có một người ủng hộ tổng thống Nga nhiệt thành hơn, phải kể tới bà Liuba Yakovleva, 89 tuổi, người Krasnodar. Là cựu binh chiến tranh vệ quốc, bà kể lương hưu của bà khá ổn: 25.000 rúp/tháng. Mà bà chẳng cần gì nhiều vì ăn uống đã có con gái nấu mang tới mỗi ngày. Việc giặt giũ, dọn dẹp căn hộ đã có người ở thành phố cử tới giúp, ốm đau cũng được chăm sóc tốt, theo tiêu chuẩn dành cho các cựu binh chiến tranh vệ quốc.
Cựu binh chiến tranh vệ quốc Liuba Yakovleva khoe thư thăm hỏi của Tổng thống V. Putin -Ảnh: P.X.L.
Và đây là điều bà tâm sự: “Trước V. Putin có ai nhận ra chúng tôi đâu? Có ai quan tâm đến chúng tôi đâu? Còn ông ấy thì không chỉ tăng lương hưu, cho người chăm sóc, mà kỷ niệm ngày chiến thắng 9-5 năm nào cũng gửi thiệp chúc mừng chúng tôi”. Như để làm bằng, bà lôi từ trong chiếc giỏ mang theo người (dù đó là buổi sáng và bà đang ngồi phơi nắng trong công viên nhỏ cạnh Trường đại học Tổng hợp Kuban) từng tấm thiệp chúc mừng có chữ ký của tổng thống Nga, chỉ cho tôi xem.
Bà bảo: “Putin không phải người xấu. Nếu ông ấy tái ứng cử, tôi sẽ lại bỏ phiếu cho ông ấy, nếu tôi còn sống” và cười móm mém.
Về chuyện sẽ bỏ phiếu cho ông V. Putin nếu ông ra tái cử thì không chỉ mình bà Liuba Yakovleva khẳng định. Những người Nga tôi gặp đều nghiêng về phương án này vì “còn có ai khác đâu?”. Thái độ này đã lý giải nghịch lý vì sao cuộc sống còn khó khăn mà tỉ lệ ủng hộ ông Putin vẫn hơn 80% liên tiếp nhiều tháng qua. Liên quan đến vấn đề Crimea, họ đều cho rằng ông Putin đã “làm việc phải làm”.
Cô sinh viên Svetlana Svetlakova thì khỏi phải nói: cô vốn là người Crimea! Hỏi cô cảm nghĩ trong những ngày bão táp tháng 3 năm ngoái ở Crimea, khi chỉ trong vài ngày Crimea từ Ukraine đã về với Nga không một tiếng súng, Svetlana kể: “Hồi trước các đại biểu Quốc hội Ukraine có ai quan tâm đến chúng tôi? Đường phố thì bẩn thỉu, mất an ninh. Cuộc sống nhếch nhác.
Còn từ sau tháng 3 đến nay, khi Crimea đã về với Nga, chúng tôi cảm thấy rất vui. Trật tự được vãn hồi, bộ mặt thành phố sạch sẽ hơn, những biển quảng cáo tràn lan được gỡ bỏ. Cảnh sát đi tuần cùng với chó, kỳ lạ thay lại làm chúng tôi thấy an tâm. Giới trẻ chúng tôi rất thích cuộc sống hiện nay vì vui hơn trước. Có nhiều lễ hội như ngày 8-3, lễ hội chiến thắng 9-5, hay ngày thành lập nước 12-6, còn có trại hè nữa...”.
“Nhưng vì cô là người Nga, còn người Tatar ở Crimea chẳng hạn, liệu họ có ủng hộ không?” - tôi chặn ngang. Svetlana trầm ngâm: “Vâng, chỉ một số người Tatar ủng hộ Nga và tôi không phủ nhận đa số họ ủng hộ Ukraine. Họ không che giấu điều đó và còn mang các biểu tượng của Ukraine để thể hiện thái độ nữa.
Nhưng chị đừng quên đa số người Crimea là dân gốc Nga hoặc có dây mơ rễ má với Nga nhé, và hơn nữa Crimea đã được tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô hồi đó Khriushev trao cho Ukraine mà có hỏi ý kiến dân Nga đâu? Hồi đó vấn đề có vẻ chỉ là một ranh giới hành chính vì chúng tôi nằm trong một liên bang mà?”.
Hài lòng với cuộc sống này, tìm thấy niềm vui ở đó tương tự Svetlana, nhưng ở một mức độ hồn nhiên hơn là các cậu bé tôi gặp trên quảng trường Đỏ sáng 1-9. Chuẩn bị cho các hoạt động mừng thành phố Matxcơva 868 tuổi vào ngày 5-9, các cậu bé trong đội thiếu sinh quân tự nguyện này biểu diễn những bài bồng súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hỏi Dmitri, 12 tuổi, vì sao em tham gia hoạt động này, em trả lời đơn giản: “Vì nó hay, thú vị và em thích, vậy thôi”.
Bác tài Anatoli Belov không đồng tình chính sách lương hưu-P.X.L.
Tất cả những người Nga tôi gặp đều không vui vì cuộc chiến ở Ukraine. Một bác tài taxi khác, ông Anatoli Belov, 56 tuổi, người Petergof (gần Saint Petersburg), khẳng định: “Tôi rất thương người Urkaine. Họ đã bị lừa dối. Họ tưởng có chính phủ mới thì cuộc sống sẽ ổn hơn, nào ngờ đâu...”. “Ai lừa dối?”. “Những người cầm quyền hiện nay chứ còn ai nữa”. “Nhưng chính quyền Yanukovich trước đây bị tố cáo tham nhũng mà?”. “Vâng, họ là kẻ cắp. Họ đã lãnh đạo yếu kém để người ta có cớ mà tổ chức Maidan” - ông nhìn nhận.
Anatoli Belov phân trần: “Phải nói là bây giờ chúng tôi có tự do. Tôi muốn phát biểu gì cũng được, dĩ nhiên không phải ăn nói hồ đồ hay thô lỗ. Đây nhé, tôi nói thẳng, tôi không đồng ý chính sách lương hưu của ông Putin. Làm sao một bà cụ cả đời đã cống hiến dù vào thời nào chăng nữa, Xô viết hay Nga, giờ nhận lương hưu chỉ 10.000 rúp/tháng? Lỡ ốm đau thì sao? Tôi thì với lương hưu 15.000 rúp/tháng còn có thể làm thêm bằng cách lấy ôtô của mình chạy taxi mỗi cuối tuần kiếm cũng được 30.000 - 40.000 rúp mỗi tháng.
Nhưng còn các cụ bà này? Đấy, tôi phê bình ông ấy về tiền lương hưu này”. “Ông phê bình bằng cách nào? Làm sao tới tai ông ấy?” - tôi hỏi. Bác tài Belov nhìn tôi: “Cô có biết đường dây nóng hằng năm ông ấy trả lời dân không? Đấy, nếu muốn thì tôi cứ gửi phê bình tới đó”.
Bà Vera Timofeyevna, cựu kế toán viên một nhà máy cơ khí người Matxcơva, thì bảo: “Ông V. Putin đối ngoại tốt nhưng đối nội thì không bao quát hết. Quan chức tham nhũng mà chẳng thấy ông ấy trừng phạt”. Chị Irina L. trầm ngâm: “Tôi đã sống qua nhiều thời rồi.
Khriushev, Chernenko, Andropov, Gorbachev, rồi Yeltsin và nay là Putin. Tôi ưu tư điều gì? Nhiều chứ...
Ngoài những vấn đề kinh tế, tôi cũng không thích giáo dục hiện nay. Bài tập đa số là trắc nghiệm khiến học sinh mất khả năng tự luận. Nhiều năm rồi đời sống văn hóa chưa thấy gì đặc sắc. Nhạc hay, phim hay cũng ít”.
V. Kondratiev
Nhưng cũng có thể là chưa có những bài hát thiếu nhi mới nào đi vào lòng người như những bài hát cũ này? Cũng giống con phố Arbat mà chúng tôi ngồi chiều hôm ấy đã “mất đi một phần hồn vía của mình”, theo lời chị Irina, vì những trung tâm thương mại mới xây, những ngân hàng, nhà hàng choán mất hoặc làm biến mất phần nào những ngôi nhà cũ, nhỏ tiêu biểu của Arbat cổ.
Nhưng Saint Petersburg thì không, đại lộ Nevsky vẫn lộng lẫy bóng dáng quá khứ. Cầu Anhichkov bắc qua sông Fontanka vẫn còn đó bốn kỵ sĩ thuần ngựa, và những chiếc cột lớn trước nhà thờ Isaak vẫn còn nguyên những vết xước do đạn pháo của hơn 900 ngày Leningrad bị phát xít bao vây, những đường nứt, xước mà người Nga cố tình để lại để nhắc nhở hậu thế.
Ở Saint Petersburg, “hồn vía” nước Nga còn đó dù người ta thấy rõ quá khứ và hiện đại đan xen. Thi thoảng trên đường phố thênh thang của đại lộ Nevsky gầm rú vút qua một môtô phân khối lớn, mốt chơi mới của giới trẻ Nga.
Tối 13-9, một ngày sau lễ rước thánh tích Alexander Nevsky, hai ngọn hải đăng của thành phố, thiết kế từ đầu thế kỷ 19, được thắp sáng và giới trẻ Saint Petersburg đã hào hứng nhảy salsa ngay dưới chân ngọn hải đăng. Kinh tế thị trường cũng lộ rõ khi từ công viên nhỏ trên đại lộ Nevsky, những “nữ hoàng Yekaterina đệ nhị” hay “hoàng đế Piyotr đệ nhất” bước ra... mời du khách chụp hình.
Quảng cáo, bị cấm sử dụng bừa bãi không gian thành phố, đã “hạ thổ” xuống nền gạch lát đường với những hàng chữ mời gọi các “dịch vụ tình yêu”, rao bán bất động sản, cho vay tín dụng...
Trong ngôi nhà kiến trúc cổ kiểu Ý, số 41 đại lộ Nevsky (Saint Petersburg) xuất hiện một bảo tàng mới mà cái tên không khỏi khiến khách bộ hành tò mò: “Bảo tàng hình thành dân chủ của nước Nga hiện đại mang tên Sobchak”. Bảo tàng do vợ cố thị trưởng Saint Petersburg Anatoli Sobchak, bà Liudmila Narusova, thành lập sau khi ông qua đời.
Cái họ Sobchak ở Nga còn nổi tiếng khi tuy ông bố thuở sinh thời là một người trong đội ngũ của Tổng thống V. Putin, nhưng cô con gái Ksenia Sobchak của ông lại được phương Tây xem như một “nhà đối lập”. Vào xem bảo tàng này và nghe những ý kiến trái chiều về vai trò của nhà Sobchak, người ta cảm nhận rõ hơn về một nước Nga mới, cởi mở hơn, cũng đang đối phó với không ít khó khăn trên con đường của mình...
Đôi bạn trẻ và một người vô gia cư trong công viên trên đại lộ Nevsky, tháng 9-2015-P.X.L.
Con đường đó sẽ như thế nào? Khó có một câu trả lời rõ ràng. Nhưng so với những năm tháng trước, tính dân tộc và sức mạnh tinh thần đang được tôn vinh dù đôi khi cái nhìn đầy sự tự trào. Trong nhà sách sầm uất ở đại lộ Nevsky, những người khách nước ngoài dừng chân trước những tấm thiệp vẽ theo kiểu apphich tuyên truyền thời Xô viết.
Chẳng hạn hình đổ bỏ thực phẩm phương Tây nhập lậu vào Nga, hay việc cười nhạo phương Tây cấm vận Nga theo “chỉ thị” của Washington. Tôi tìm thấy trên tạp chí
“
Trên một biển quảng cáo ngay phía trước khách sạn Top Hill trên phố Dimitrova (Krasnodar) là dòng vận động tranh cử của ứng viên thống đốc vùng Krasnodar Veniamin Kondratiev (Đảng Nước Nga thống nhất): “Nếu không có sự phát triển tinh thần, không đồng tiền nào có thể cứu được chúng ta”. Bầu cử đã diễn ra ngày 13-9 và ông Kondratiev đã đắc cử với hơn 83% phiếu ủng hộ. Đọc báo sau đó thấy Đảng Nước Nga thống nhất giành phần lớn thắng lợi trong các cuộc bầu cử đại biểu địa phương. Phải chăng nước Nga hiện đại đang dựa vào sự “phát triển tinh thần” đó cho con đường của mình?
Theo http://tuoitre.vn
TIN LIÊN QUAN
Tài phiệt khai mỏ Alisher Usmanov đổ vỡ nhiều thương vụ vì lệnh trừng phạt, còn Roman Abramovich muốn đòi bồi thường hơn 1 triệu USD.
19/07/2022
Nhờ nguồn thu từ dầu khí lên cao, Moskva tăng hỗ trợ cho trẻ em, người về hưu và cấp tiền từ ngành hàng không đến bất động sản.
04/07/2022
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nga và Viện Chính sách kinh tế Gaidar, từ tháng 1 đến 5/2022, số người di cư lao động ở Nga tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn những người đến Nga làm việc đều sẵn sàng sinh sống hợp pháp, nhờ chính sách “ân xá di cư” trong thời kỳ đại dịch.
03/07/2022
Nga ngày 1/7 thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong do dịch bệnh này giảm đều.
Người đứng đầu cảnh sát giao thông Mikhail Chernikov cho biết tại Nga vào cuối năm nay, họ có kế hoạch đưa vào sử dụng bằng lái xe điện tử. Giấy chứng nhận đăng ký xe (CTCK) cũng sẽ được chuyển sang dạng điện tử.
Kết quả phân tích dữ liệu di cư hé lộ hơn 15.000 triệu phú dự kiến sẽ rời khỏi Nga trong năm nay. Điều này được tin một phần vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
14/06/2022
Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh thay thế thương hiệu McDonald's ở Nga bắt đầu hoạt động với tên gọi "Vkusno i tochka" (Ngon tuyệt, chấm hết!).
12/06/2022
Cây cầu bắc qua sông Amur, nối liền thành phố Blagoveshchensk của Nga với thành phố Hắc Hà của Trung Quốc, được khánh thành sau 6 năm xây dựng.
Nhiều công ty và cá nhân người Nga đang kiện các lệnh trừng phạt của châu Âu ra trước tòa án.
08/06/2022
Vợ tỷ phú Nga Andrey Melnichenko cho rằng, việc EU áp lệnh trừng phạt với bà là không hợp lý, vì bà chưa bao giờ có quốc tịch Nga hoặc cư trú ở Nga.
05/06/2022