Vietnews.ru
Cộng đồng

Báo Việt ở Nga

15/07/2012 (Đọc 12 phút)

Xem thêm:

Cứ sau 12 giờ bay là báo từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có thể nhập cảnh vào xứ sở băng tuyết được rồi. Thế nhưng, báo chí "đánh" từ Việt Nam sang chủ yếu là An ninh, Pháp luật, Công an nhân dân…

Biết tôi sắp sang Nga công tác, Nguyễn Huy Hoàng, bạn tôi, nguyên là Phó TGĐ Trung tâm Thương mại Bến Thành tại Mátxcơva, đồng thời là cộng tác viên giảng dạy văn học Nga tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp gọi điện bảo, nhớ mang vài chục tờ báo Văn nghệ, Đất Việt, Thanh niên, Tuổi trẻ... Loại đặc sản tinh thần này cánh trí thức, sinh viên rất thích. Ở nước Nga xa xôi, giá lạnh này, với họ báo chí là món quà quý và thiết thực đấy.

Đúng như lời Hoàng, những ngày ở nước Nga, tôi có dịp đến các ốp, các chợ của người Việt ở Nga, bên cạnh các núi hàng quần áo may sẵn và sự bề bộn, ngổn ngang của các mặt hàng ăn uống là những quầy báo in bằng tiếng Việt và chỉ để cho người Việt đọc. Nhìn ngày tháng in trên mặt báo mới thấy báo ở đây còn tươi roi rói, như vừa rời khỏi nhà in. Cứ sau 12 giờ bay là báo từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có thể nhập cảnh vào xứ sở băng tuyết được rồi. Thế nhưng, báo chí "đánh" từ Việt Nam sang chủ yếu là An ninh, Pháp luật, Công an nhân dân…Nghĩa là loại có tòa án, có đâm chém, có lừa đảo, có truy lùng, có xử án thì anh em lao động ta đọc mới sướng, mới hả. Một loại báo khác lại được chị em lao động rất quan tâm, đó là các báo thời trang, làm đẹp, bí quyết giữ gìn tình yêu, sắc đẹp, tuổi xuân, các phụ trương xanh đỏ với những cái đầu đề kêu kêu và ấn tượng. Còn các báo mà bạn tôi dặn mang sang tuyệt nhiên không thấy một tờ nào. Vì thế loại báo này rất có giá. Một tờ Văn nghệ trẻ giá gần 2 đô la (khoảng 70 rúp), tờ Thanh niên hoặc Tuổi trẻ cũng khoảng 1,8 đô la (gần bằng 60 rúp). Một cái giá quá đắt với những trí thức, sinh viên chỉ suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Nếu chịu khó chạy chợ hoặc đi bỏ mối hàng tỉnh này, tỉnh kia, giỏi lắm mấy chàng sinh viên, trí thức này cũng chỉ kiếm đủ tiền ăn và mua được khoảng 20 tờ báo loại này.

Báo Việt ở Nga
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga gặp mặt, giao lưu với các nhà báo.

Bà Đỗ Thị Liên, theo chồng sang Nga đã 6 năm. Quầy báo của bà nằm gọn lỏn giữa sự náo nhiệt, ồn ào tại một khu chợ giống như chợ Bắc Qua của ta. Chỉ có điều đây là khu chợ bán buôn lớn ở Mátxcơva của người nước ngoài với hàng trăm quầy hàng. Bà cho biết, mỗi ngày bà bán được hơn 60 tờ báo và tạp chí đưa từ trong nước sang và gần 30 ấn phẩm bằng tiếng Việt do người Việt Nam tại Nga biên tập và in ấn. Trừ ăn uống, mỗi tháng bà Liên bỏ túi hơn 400 đô la.

Trên sạp báo của bà Liên, còn thấy bày bán các loại sách học tiếng Nga do một số trí thức đã từng tu nghiệp ở Nga biên soạn và in ấn. Bên cạnh số ít báo "đánh" từ trong nước sang còn có các ấn phẩm tự sản, tự tiêu, khổ to, khổ nhỏ, nhiều trang, ít trang, in ốp sép, in rônêô…do các nhóm người Việt tại Nga làm chủ báo. Khác với kiểu bán báo rong với chiếc loa phóng thanh ầm ĩ ở nước ta, cứ sớm sớm, tại các ốp, các chợ của người Việt, các phát thanh viên với những lời rao báo mùi mẫn, giật gân chạy lên, chạy xuống và cuối cùng dừng lại ở các cầu thang chào mời người qua lại mua cho một tờ báo.

Theo thống kê, hiện có gần 20 tờ báo loại này được in và bán trong cộng đồng người Việt như "Vạn sự", "Ngày nay", "Ngày mới, "Bưu điện", "Nhân hoà", "Việt báo", "for you"…Tuy nhiên, loại báo này chủ yếu là dịch từ các báo nước ngoài với những tin tức giật gân, đâm chém, lừa đảo, tai nạn. Một chủ báo loại này cho biết: Toàn bộ khâu viết bài, biên dịch, in ấn rồi phát hành, chúng tôi chỉ có ba người. Vẫn biết nếu đầu tư thêm mục thời sự và cho phóng viên đi viết về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở đây mà bỏ bớt những chi tiết rẻ tiền, câu khách thì tờ báo sẽ có chỗ đứng hơn. Song nhà xưởng, phương tiện in ấn đã hạn chế mà tìm được những phóng viên có nghề, tâm huyết ở nước Nga này rất khó bởi nghề báo bên này được xếp vào loại thu nhập thấp nhất trong tất cả các nghề mà người Việt làm.

Khác với những tờ báo trên, tờ "Thông tin và thời đại" lại rơi vào một trạng thái khác là chỉ đơn thuần đưa tin vụn vặt, chắp vá. Mỗi tin chỉ vài trăm chữ và có vị trí bằng chiếc bao diêm hoặc quân tú lơ khơ trên tờ báo. Thế nhưng, người soạn tin lại không đề ngày tháng mà chỉ đại loại là "vừa qua", "vừa rồi", "mới đây", \'cách đây không lâu", "tuần trước"…Với cái kiểu này thì tin ở bất cứ giai đoạn nào cũng xài được. Những người chịu khó đọc loại báo này bảo rằng cứ khoảng một năm thì các loại tin này lại được quay vòng dùng lại. Hai tờ "Tuần tin đất nước" và "Khoa học cộng đồng" cũng có nhiều ý kiến khen chê. Sau khi được góp ý, "Tuần tin đất nước" đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, gia tăng thêm phần tin cộng đồng và phần văn nghệ. Vì thế "Tuần tin đất nước" đã dần dần có chỗ đứng trong làng báo Việt ở Nga.

Người anh em sinh đôi của "Tuần tin đất nước" là "Tạp chí đất nước". Phải nói là xứ sở "nhà nhà đánh quả, người người kiếm ăn" như ở Mátxcơva và nước Nga hiện nay nhưng vẫn có một số người tâm huyết, nhiệt tình viết bài văn nghệ cho tạp chí thì thật quý. Đây là tờ tạp chí được bạn đọc đánh giá là có chất lượng. Đọc nó, người ta tự hào bởi cái chất thông minh, sáng tạo, cần cù của người Việt, song không khỏi xót xa, cay đắng cho bao nỗi khốn khó, vất vả của lao động người Việt mưu sinh ở nơi đất khách quê người. Rồi cả những bài phản ánh việc cảnh sát Nga lục soát, đánh đập, moi tiền, bao vây những ốp của người nước ngoài, trong đó có người Việt.

Ra đời muộn hơn, nhưng tờ "Khoa học và cộng đồng", tiếng nói của "Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga" là tờ báo duy nhất có giấy phép của Hội báo chí và xuất bản Nga. Tờ báo có trụ sở, có ban biên tập gồm các tiến sĩ chuyên ngành, nó không chỉ mang tính khoa học thuần tuý mà còn có nhiều thông tin về thế giới, về Việt Nam, về số phận của người lao động ở các nước và có cả phần văn nghệ, giải trí.

Ở Việt Nam tôi đã nghe danh của tờ Tạp chí "Người bạn đường" bởi nó thực sự đi bằng đôi chân của mình và do các nhà văn, nhà thơ người Việt góp sức làm nên. Sang Nga, khi tôi tỏ ý muốn đến thăm công sở của toà soạn, nhà thơ Châu Hồng Thủy, Tổng biên tập của Tạp chí nhăn nhó, gãi đầu, gãi tai nói với tôi: "Nhà báo cứ như người ngoài hành tinh. Gọi là Hội Văn học-Nghệ thuật VN tại Liên bang Nga nhưng chúng tôi toàn là dân nghèo, bất kể hoạt động gì cũng phải ngửa tay xin các "soái" (các ông chủ tại các chợ của người Việt) thì lấy đâu ra trụ sở của Hội và của Tạp chí. Sau này tìm hiểu, tôi biết, điều anh Thủy nói là thật.. Không trụ sở, không tiền bạc và chỉ có con dấu "củ khoai", vậy mà các nghệ sĩ lãng tử của ta làm được khá nhiều việc. Đây là nơi hội tụ các sáng tác của các văn nghệ sĩ Việt Nam tại Nga và các tác giả viết bài nhưng tình nguyện không lấy nhuận bút. Cách hoạt động theo kiểu "mỡ nó rán nó" cộng với sự tài trợ của các "soái" đã giúp cho Tạp chí "Người bạn đường" có một uy tín khá lớn trong làng báo Việt ở Nga. Gần đây tạp chí in khá công phu, tuyển chọn chu đáo, công bố nhiều tác phẩm thi ca, truyện, phê bình các cây bút có tên tuổi và góp phần phát triển những tài năng trẻ. Từ ngày có tên nhà thơ Trần Đăng Khoa trong ban biên tập in ở cuối Tạp chí, số lượng Tạp chí phát hành tăng lên khá nhiều.

Tuy thế, gắng gỏi và bươn chải nhất phải kể đến Tạp chí "Đồng hương". Trụ sở của tạp chí đồng thời là chỗ ở của ông Tổng biên tập tờ Tạp chí này vẻn vẹn 7 mét vuông nằm trên tầng 4 của một ốp người lao động Việt Nam. Cầm trên tay tờ tạp chí trang nhã với nội dung dày dặn, hiếm ai biết được tờ tạp chí mang cái tên có tính chất tập hợp ấy chỉ do một người vừa là Tổng biên tập, vừa là Thư ký tòa soạn, vừa đánh máy, chế bản và phát hành. Có thể nói không quá lời, mỗi trang tạp chí đều thấm đẫm mô hôi và cả sự bươn chải của người làm ra nó.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến sự có mặt của một số tờ báo mang tính hợp tác liên doanh của các báo trong nước với các tổ chức kinh tế của người Việt Nam ở Nga mà tiên phong là báo An ninh thế giới. Theo nhà báo Hữu Ước, Tổng biên tập báo An ninh thế giới: Việc in báo tại Nga không chỉ cập nhật thông tin, tiết kiệm phí vận chuyển mà còn đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần cho công động người Việt. Trong làng báo Việt tại Nga thì đây là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất. Nhà văn Hữu Uớc cho biết, hiện báo An ninh thế giới đã phát hành tới hơn 10 nước với số lượng hơn 4 vạn bản.

Cách đây 5 năm, tại cuộc họp do "Tạp chí đất nước" tại Nga tổ chức, nhiều ý kiến phàn nàn rằng, cộng đồng người Việt ở Nga rất bí thông tin. Báo chí quốc nội đưa sang theo con đường chính thức thì thông tin đã nguội lạnh, không còn tính thời sự. Báo chí xuất bản tại Nga của người Việt thì nghèo nàn, cá biệt có tờ thông tin không lành mạnh. Giờ đây, có thể nói, làng báo Việt ở Nga đã khá phong phú, hấp dẫn, phần nào đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng ở trong nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cần quan tâm hơn đến đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng người Việt, hướng người đọc vào những tờ báo có thông tin lành mạnh, bổ ích. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện và khuyến khích các báo phát hành ra nước ngoài, đầu tư cho những tờ báo làm ăn nghiêm túc, lành mạnh nhằm phục vụ người lao động tại Nga.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng gần 1.000 người trong tổng số 90.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Nga sống bằng nghề làm báo. Tuy nhiên, theo ông Ngô Gia Sơn, nguyên Phân xã trưởng Thông tấn xã Việt Nam tại Nga thì trong hàng trăm nghề mà người Việt đang làm ở Nga thì nghề báo có thu nhập thấp nhất. Trừ in ấn, giấy bút, thu nhập của anh em làm báo chỉ bằng người đi chợ gắng thêm một buổi. Trong khi hầu hết người Việt ở Nga mang "đô" đi mở "ốp" thì giữa những ngày đông tuyết phủ hoặc đêm trắng nước Nga, không ít nhà báo, nhà thơ Việt Nam vẫn lặng lẽ, âm thầm theo đuổi cái nghiệp của mình là làm thơ, viết báo với cuộc sống đạm bạc mà Nguyễn Huy Hoàng - bạn tôi, là một người như thế.

Theo Baodatviet.vn


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga, tác động lớn đến đời sống và công việc làm ăn của nhiều người Việt tại đây.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, không chỉ cộng đồng người Việt ở nước này gặp khó khăn, mà ngay cả bà con ta tại Liên bang Nga cũng phải đối mặt với không ít thách thức…

Các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan tình hình xung đột Ukraine gây tác động đến nền kinh tế và xã hội nước Nga. Vậy đời sống của du học sinh Việt Nam tại Nga đang bị ảnh hưởng thế nào?

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đơn phương liên tiếp được áp đặt nhằm vào Nga khiến nền kinh tế nước này đối mặt với thử thách chưa từng có. Công việc của bà con người Việt Nam tại đây, đặc biệt tại thành phố Voronezh, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sinh sống tại Nga hơn 30 năm, ông Lê Xuân Khái đánh giá biến động lần này là lớn nhất nhất song ông tin rằng trong khó khăn thì tố chất cần cù, chịu khó, sáng tạo của người Việt cũng được phát huy.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cung cấp một số thông tin cùng các đầu mối liên lạc tại Nga để bà con người Việt tại Ukraine liên hệ nếu sơ tán sang đây.

Trong khuôn khổ các giải thường niên của Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga (ViTAR), Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga phối hợp với Câu lạc bộ tennis Neva và tập đoàn Golden Age của người Việt ở St. Petersburg đã tổ chức giải tennis Mùa thu Vàng ViTAR-NEVA 2021 trong hai ngày 9-10/10 tại thành phố St. Petersburg xinh đẹp.

Tối 20/9 (tức 14/8 âm lịch), cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại khu phố Bratislavsk ở thủ đô của Nga đã tổ chức Đêm hội Trăng rằm vui tươi, đầy ý nghĩa cho những người Việt sống ở đây và khu vực xung quanh đó.

Tại Nga, nhiều người Việt đã trải qua hành trình tự cách ly và phục hồi tại nhà, trong khi một số người phải nhập viện điều trị khi mắc Covid-19.

Đúng ngày kỷ niệm 318 năm sinh nhật thủ đô phương Bắc Saint Petersbrug của nước Nga, ngày 27/5, tại khách sạn Grand Tchaikovsky, tập đoàn Golden Age Group đã tổ chức buổi giới thiệu dự án tòa nhà tổ hợp đa năng Multi Complex Building “6/3”.

Khu rừng đỏ bí ẩn ở Nga

Rừng bách ở thung lũng Sukko, miền Nam nước Nga, mang một vẻ huyền bí như trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, đây không phải khu rừng tự nhiên. Nó được tạo nên từ bàn tay con người.

Phần Lan cắt 90% thị thực du lịch Nga

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine.

16.08.2022

Gần 50.000 du khách Nga 'vượt khó' tới Croatia

Ngày 12/8, hãng thông tấn nhà nước Hina của Croatia đưa tin, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, gần 50.000 du khách Nga đã tới nước này.

13.08.2022

Chính phủ Nga dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh do dịch COVID-19

Nga thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã được áp đặt với công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia trong thời gian đại dịch.

04.07.2022

Vyborg - thành phố cổ phong cách Thụy Điển trong lòng nước Nga

Vyborg là thành phố cổ thuộc tỉnh Leningrad, nằm cách thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga khoảng 2 tiếng lái xe ôtô (140km) và cách biên giới Phần Lan chỉ 30-50km.

15.06.2022