Vietnews.ru
Nhân vật

Andrey Arshavin và câu chuyện dài về vụ chuyển nhượng tới Arsenal

01/12/2020 (Đọc 23 phút)


Andrey Arshavin là cầu thủ người Nga đầu tiên và duy nhất xưa nay từng khoác áo Arsenal. Sự nghiệp của tiền đạo này trong hơn 4 năm khoác áo CLB chủ sân Emirates, 2009-2013 khó có thể nói là thành công như kỳ vọng nhưng đủ để fan “Pháo thủ” có những kỷ niệm sâu sắc về anh.

Tuy nhiên, rất ít người biết tường tận về vụ chuyển nhượng của Arshavin, từ Zenit sang Arsenal đầu năm 2009. Vụ chuyển nhượng mà những diễn biến và trăm ngàn tình tiết của nó hoàn toàn có thể dựng thành một bộ phim bom tấn…


Dennis Lachter, người Do Thái gốc Ukraine, sinh ra tại Nga là một doanh nhân, chuyên gia môi giới, có quan hệ sâu rộng với nhiều nhân vật nổi tiếng tại Mỹ như Mike Tyson, Guy Ritchie và Madonna. Lachter cũng chính là đạo diễn một trong những vụ chuyển nhượng ly kỳ nhất, trắc trở nhất và khó tin nhất trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại: Andrey Arshavin tới Arsenal.

Nhưng vào mùa Thu 2007, Lachter, trong chuyến công cán tại Ghana, tuyệt nhiên không có một chút liên hệ nào với Andrey Arshavin. Đó là thời điểm ông nhận được một cuộc gọi từ Nga. Một giọng Nga lạ hoắc nhưng với thông điệp rõ ràng: “Chúng tôi muốn nói chuyện với ông về Arshavin”.

Lachter biết Arshavin, một ngôi sao bóng đá đang nổi như cồn ở Zenit. Nhưng chàng trai này không phải là khách hàng của ông. Vài cuộc điện thoại sau đó đủ để Lachter nắm bắt được vấn đề: có một nhân vật “cỡ bự” tại Nga, có quan hệ với Zenit - CLB chủ quản của Arshavin, muốn tiếp cận ông để bàn về chuyện tương lai của chàng tiền đạo 26 tuổi.

“Tôi không thích những cuộc điện thoại kiểu này. Nhưng người đang cố tiếp cận tôi chắc chắn là một “Cá Lớn” (Big Fish). Tôi rời Nga từ năm 1992 để sang Mỹ lập nghiệp nhưng tôi sinh ra tại Nga và biết thừa những chuyện này là như thế nào. Hoàn toàn mờ ám” – Lachter.

Vài tháng sau, Lachter trở lại Moscow để dự tiệc sinh nhật một người bạn. Tại đây ông có cuộc gặp định mệnh với “Cá Lớn”.

Một gã mặc đồ đen tiến lại phía tôi và nói: “Chúng tôi có chuyện cần bàn với ngài”. Tôi đáp “Anh là ai?”. Gã trả lời: “Ông chủ của tôi đang ở đây và muốn nói chuyện với ngài”. Tôi theo chân gã và chính thức “diện kiến”… “Cá Lớn”.

“Cá Lớn” thủng thẳng mở lời: “Gặp được cậu đúng là chẳng dễ dàng”. Tôi đáp: “Không cần phải vòng vo. Hãy vào thẳng công việc luôn”.

“Công việc” ở đây là Andrey Arshavin.

“Cá Lớn” muốn Lachter tìm cho Arshavin một CLB mới, ở 1 trong những giải bóng đá hàng đầu châu Âu. Theo “Cá Lớn” thì Arshavin đã chán ngấy với việc phải chơi bóng tại Nga cho Zenit và muốn tiến lên một cấp độ cao hơn: “Thằng bé đủ giỏi để tìm kiếm vận may ở nước ngoài”.

Nhưng có 1 vấn đề, Arshavin đã có đại diện hợp pháp, người mà theo mô tả của “Cá Lớn” chỉ là dạng “ếch ngồi đáy giếng”. Kế hoạch sơ bộ được “Cá Lớn” phác thảo: Lachter tìm kiếm những CLB quan tâm tới Arshavin và sau đó cung cấp những thông tin đó cho đại diện của cầu thủ này.

Lachter bắt tay ngay vào việc. Thông qua Jonathan Barnett, một trong những chuyên gia môi giới cầu thủ có tiếng ở Anh, Lachter đã có trong tay bản danh sách đối tác tiềm năng nhất. Nhưng khi trực tiếp cung cấp danh sách này cho đại diện của Arshavin thì thứ mà Lachter nhận được lại là câu trả lời… ngoài dự kiến: “Thân chủ của tôi KHÔNG BAO GIỜ có ý định rời Zenit”.

Bất ngờ nhưng với Lachter thì cũng chẳng sao hết, coi như thoát khỏi mớ bùng nhùng này. Lachter gần như quên luôn Arshavin và “Cá Lớn” sau cuộc nói chuyện với đại diện của ngôi sao người Nga.


Cuối năm 2007. Lachter lại ở Ghana. Lại một cuộc gọi số lạ khác. Và lại một giọng Nga không quen biết khác. Đi thẳng vào vấn đề: “Ngài đã có tin gì tốt cho Arshavin của chúng tôi chưa vậy?”. Theo lời giải thích sau đó thì Arshavin đã liên tục hỏi người đại diện của mình để tìm một CLB mới, nhưng câu trả lời là “Không có đối tác nào quan tâm hết”.

Lachter lúc này thực sự nổi đóa. “Nghe này, Cái quái gì đang xảy ra thế. Thằng này đã đưa trực tiếp cho đại diện của Arshavin một danh sách dài những CLB quan tâm nó. Nhưng tay đại diện nói Arshavin “đếch” muốn rời Nga. Nếu Arshavin thực sự muốn đi, bảo thằng nhóc gọi điện cho tôi”.

Chưa đầy nửa giờ sau. Một cuộc gọi từ Nga cho Lachter. Lần này là Arshavin!

“Arshavin nói: Tôi biết ngài là ai. Vì thế tôi sẽ nói ngắn gọn thôi…. Tôi muốn chơi bóng ở nước ngoài. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đó không, thưa ngài?”.

Lachter nói thẳng với Arshavin rằng “Mọi chuyện đều có thể, với 1 điều kiện cậu phải giải quyết vấn đề người đại diện hiện tại”. Ba ngày sau, Lachter trở thành người đại diện hợp pháp duy nhất cho mọi hoạt động đàm phán để có thể chuyển nhượng Arshavin tới 1 CLB Tây Âu.

Một công việc không hề đơn giản. Tại Nga không chỉ có một “Cá Lớn”. Còn nhiều “Cá Lớn” khác muốn can thiệp vào chuyện tương lai của Arshavin, theo chiều ngược lại. Zenit, trong khi đó, không chỉ là 1 CLB bóng đá bình thường tại Nga.

Đó là đội bóng… thần tượng của tổng thống Nga Vladimir Putin, một người sinh ra và lớn lên ở St. Petersburg. Arshavin, thời điểm đó, là cầu thủ mà Putin đặc biệt yêu thích. Zenit, CLB thuộc sở hữu siêu tập đoàn Gazprom, vốn dĩ không hề thiếu tiền lại có mối quan hệ chính trị cao cấp.

Trong quá trình đàm phán với Zenit và tìm kiếm CLB mới cho Arshavin, Lachter đối mặt với vô vàn áp lực, chịu sự giám sát gắt gao từ chính… Chính Phủ Nga.

“Có lần, một sĩ quan đã đến thắng nhà tôi tại Moscow và nói: “Tôi nhận lệnh gửi giấy mời ông đến làm việc với FSB – Tổng cục An ninh Liên bang Nga (tiền thân là KGB - Ủy ban an ninh Quốc gia Nga). Sau đó, họ đưa tôi tới Lubyanka, văn phòng cũ của KGB và để mặc tôi một mình ở đó trong cỡ 2 tiếng” – Lachter nhớ lại.

“Sau 2 giờ, một sĩ quan bước vào. Anh ta lên tiếng: “Dennis này, ông đã sống ở nước ngoài một thời gian dài nên có lẽ không hiểu Arshavin với Zenit có Ý NGHĨA như thế nào. Nói thẳng luôn nhé, chúng tôi muốn Arshavin phải ở lại Nga”.

“Khi tôi đến Lubyanka, họ lấy thắt lưng của tôi, lấy dây buộc giày, giữ điện thoại, tất cả mọi thứ của tôi. Trong 6 giờ dài đằng đằng ấy, không ai biết Dennis này ở đâu, kể cả bà xã đang mang thai của tôi. Họ còn nói: “chúng tôi biết mẹ ông sống ở đâu” và “để đảm bảo rằng mẹ của ông vẫn ổn” thì nên suy nghĩ thật chín trước khi định làm bất kỳ điều gì”.

“Có ngu mới không biết “điều gì” ở đây chính là Arshavin. Khi được “phóng thích” khỏi đó, trong tôi có cả sự sợ hãi và nỗi tức giận. Nhưng cũng ngập tràn một quyết tâm: “Có chết thì thằng này cũng phải đưa Arshavin đi khỏi Zenit bằng được”.


Tháng 3/2008, Lachter có mặt tại Marseille để xem trận Zenit làm khách trước Marseille ở vòng 1/8 Cúp UEFA. Một nguồn tin thân cận báo với Lachter rằng, dự khán Velodrome hôm ấy có một nhân vật đặc biệt: Arsene Wenger. Được biết, Wenger đến để xem giò Samir Nasri, thần đồng 20 tuổi của Marseille.

Sau 55 phút, Zenit của Arshavin bị đội chủ nhà dẫn 3-0. Được giới thiệu với Wenger, Lachter ngay lập tức mở lời: “Ngài đánh giá thế nào về số 10 của Zenit, Arshavin? Wenger trả lời: “Chàng trai này là cầu thủ hay nhất trên sân. Tôi đáp lại: Ngài đùa tôi chắc, làm sao mà cầu thủ thuộc đội đang thua 0-3 mà lại hay nhất cơ chứ. Wenger thủng thẳng: “Tin tôi đi, tôi biết mình đang nói gì”.

“Gần cuối hiệp hai, Arshavin thực hiện một pha đi bóng từ giữa sân, vượt qua 2 cầu thủ Marseille và ghi 1 bàn thắng tuyệt vời”, Lachter hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ phản ứng của Wenger. Ông ấy tràn ngập niềm hứng khởi. Tôi biết, từ lúc ấy, Wenger có cảm giác ĐẶC BIỆT với Arshavin”.

Lachter và Wenger vẫn giữ liên lạc khi Zenit tiếp tục tiến băng băng trên hành trình chinh phục UEFA Cup mùa ấy, với đỉnh cao là thắng lợi 2-0 trước Rangers ở trận chung kết. Trận đấu diễn ra tại Etihad, Manchester, Anh. Arshavin đặt dấu giày trong cả 2 pha lập công của Zenit và nhận giải cầu thủ Xuất sắc nhất trận chung kết.

Nhưng phải đến VCK EURO 2008, cái tên Arshavin mới thực sự gây bão. Bị treo giò 2 trận đầu tiên vòng bảng, Arshavin vẫn tỏa sáng rực rỡ ở giải đấu mà anh là thủ quân của tuyển Nga. Đỉnh cao chính là trận thắng Hà Lan 3-1 ở tứ kết.

Trong nỗ lực đẩy nhanh vụ chuyển nhượng Arshavin, Lachter đã gọi điện cho Wenger. “Gần như ngay lập tức Wenger ngắt lời tôi: Cậu có nói gì cũng vô ích, chàng trai này không dành cho chúng tôi”. Không hiểu ý của Wenger lắm nên tôi hỏi lại và đây là câu trả lời: “Sau màn trình diễn xuất sắc vừa rồi (trận Nga thắng Hà Lan), chắc chắn sẽ có rất nhiều CLB hàng đầu theo đuổi cậu ấy. Tôi thích Arshavin nhưng hoàn cảnh tài chính hiện tại của Arsenal không cho phép. Tôi rất tiếc, nhưng thực sự Arsenal chẳng thể làm được gì trong lúc này”.

Thời điểm đó, Wenger đang ở Vienna, nơi chỉ cách khách sạn đội tuyển Nga đóng quân khoảng 1.6 km. Lachter muốn thiết kế một cuộc gặp trực tiếp giữa Wenger và Arshavin. Nhưng HLV người Pháp từ chối. “Tôi thích Arshavin. Nhưng gặp trực tiếp lúc này là điều không nên. Thêm nữa tôi cũng không muốn rơi vào cuộc chiến khốc liệt với hàng loạt CLB hàng đầu khác” – Wenger giải thích với Lachter.

“Wenger giống như một nhà tiên tri nhìn thấy được tương lai qua quả cầu pha lê vậy. Bởi chỉ vài phút sau cuộc nói chuyện với ông ấy, tôi nhận được cuộc gọi từ Barcelona”, Lachter nhớ lại. “Nhưng đó không phải là tin tốt. Đại diện của Barcelona gọi cho tôi chỉ để thông báo rằng đề nghị mua Arshavin vừa bị Zenit từ chối”.

Đại diện của Barcelona nói với Lachter rằng CLB xứ Catalan đã gửi tới Zenit một đề nghị hỏi mua Arshavin với giá 25 triệu euro. Và câu trả lời từ phía Zenit thì sốc hơn cả sốc: “Arshavin. OK, nhưng đổi lại chúng tôi muốn có Messi với giá 30 triệu”.

Barcelona là CLB trong mơ của Arshavin từ thời thơ ấu. Vì thế khi Lachter thông báo với Arshavin về việc Zenit đã ném đề nghị của Barca vào sọt rác, cầu thủ này hoàn toàn suy sụp. “Cậu ấy ngồi bệt trên thảm, không nói không rằng, bất động như 1 xác ướp, đôi mắt trống rỗng”. Tất cả những gì Lachter có thể làm vào lúc ấy là nói với Arshavin: “Hãy tập trung chơi cho tốt. Việc còn lại để tớ lo”.


Tottenham là CLB nghiêm túc nhất với Arshavin. Cuối Hè 2008, Jonathan Barnett, mối ruột của Lachter ở Anh, được Tottenham ủy quyền thay mặt CLB đàm phán vụ chuyển nhượng này với phía Zenit.

Lachter và Barnett gặp chủ tịch Zenit - Alexander Dyukov tại St. Petersburg. Nhưng các cuộc đám phán tốn nhiều thời gian và công sức chẳng đạt được bất kỳ tiến triển tích cực nào. Barnett gần như mất kiên nhẫn: “Bọn họ có thực sự muốn bán Arshavin không vậy, hay đây chỉ là một trò đùa chó chết”.

Lachter, một người Nga, sớm nhận ra vấn đề. “Zenit được chống lưng bởi Gazprom, hoàn toàn không chịu bất kỳ áp lực tài chính nào để phải bán đi ngôi sao hay nhất. Họ đơn giản là “đếch” muốn bán và đang cố tình chơi chúng ta bằng việc tăng giá vô tội vạ, hết lần này đến lần khác”.

Giọt nước tràn ly đến vào cuối tháng Tám năm ấy, trước trận tranh Siêu cúp châu Âu giữa Zenit và Man United, khoảng 3-4 ngày trước khi kỳ chuyển nhượng bóng đá Anh đóng cửa. Theo thỏa thuận đạt được từ các phía, đại diện của Tottenham, Zenit sẽ ngồi với nhau lần cuối sau trận đấu để chốt hạ vụ chuyển nhượng Arshavin. “Chúng tôi ngồi đó, với Arshavin và đại diện Tottenham, chờ dài cổ nhưng bọ họ (Zenit) không bao giờ xuất hiện” – Lachter.

Đại sảnh khách sạn Hotel de Paris, Monte Carlo, khi đó chỉ còn lại hai người, Lachter và một Arshavin đang chán chường khi hi vọng cuối cùng có thể rời Zenit trong kỳ chuyển nhượng Hè 2008 vụt khỏi tầm tay với.

“Nghe này chàng trai, nếu cậu thực sự muốn rời Zenit bằng mọi giá, chúng ta cần thay đổi chiến thuật. Đi với ma thì đành phải mặc áo giấy vậy”.

Những ngày sau đó, Lachter đã thông báo tình hình “vụ Tottenham – Arshavin” cho rất nhiều đầu báo và các hãng thông tấn của Anh, từ Sky Sports, Daily Telegraph đến Daily Mail. “Tôi đã cố làm điều này, nhiều lần, với các tờ báo Thể thao Nga, nhưng không một dòng tin nào về chuyện Arshavin xuất hiện. Còn báo Anh, bạn biết rồi đấy”.

Hàng trăm bài viết liên quan đến Arshavin được xuất bản. Telegraph còn tiến xa hơn khi trích dẫn “lời tâm sự” của Arshavin: “Mọi khúc mắc nằm ở CLB chủ quản và giờ chỉ có Tottenham đủ… can đảm theo đuổi cuộc đàm phán. Mong muốn ra đi của tôi rất mãnh liệt. Hiện tại vẫn vậy. Dù thực tế tôi chẳng thể làm được gì, ngoài mong đợi một phép màu xuất hiện. Nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu để được ra đi, được chơi bóng ở 1 CLB hàng đầu châu Âu. Nếu bỏ cuộc lúc này, e rằng tôi chẳng còn cơ hội nào nữa. Tôi luôn hy vọng, vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, các ông chủ của Gazprom thức dậy với tâm trạng vui vẻ và quyết định: “Chúng ta đã nghe đủ lời than vãn của Arshavin rồi – hãy để gã này đi thôi”.

Một số tờ báo khác thậm chí đưa tin Arshavin đang cân nhắc việc đình công để chống lại Zenit. Mức độ tác động khủng khiếp của truyền thông Anh khiến Zenit chột dạ. Đại diện cho phía Zenit, HLV trưởng CLB thời điểm đó - Dick Advocaat lên tiếng trấn an dư luận tại Nga: “Chúng tôi vẫn làm đúng mọi trình tự của 1 vụ chuyển nhượng. Có lẽ Tottenham sẽ quay lại với một đề nghị làm hài lòng tất cả các bên. Zenit vẫn đang chờ điều đó”.

Nhưng cuộc chiến được Lachter khơi mào khiến ông gần như mất… sạch bạn bè tại Nga và bị khủng bố liên tục bởi Zenit. “Cứ mỗi 2 tiếng, họ (Zenit) lại nã điện thoại cho tôi. “Anh đang làm cái quái gì thế? Anh điên à? Anh nghĩ mình là ai mà dám “chơi” chúng tôi như vậy?”.

Áp lực là rất lớn nhưng Zenit có lẽ không biết, tôi là một kẻ kiên định đến cùng. “Rất tiếc, tôi đã hứa với những đứa nhóc nhà tôi rằng, bố nó sẽ làm tất cả để đưa Arshavin rời khỏi nước Nga”.

Arshavin mất 1 ngày để được tổng giám đốc Zenit duyệt đơn “xin phép gặp Wenger để đàm phán về 1 vụ chuyển nhượng tới Arsenal”. Văn bản này sau đó được fax cho phía Wenger và tất nhiên HLV Arsenal đồng ý gặp Arshavin tắp lự.

Lachter là một họ hiếm. Dennis Lachter luôn tin rằng, ông nội của mình, Aaron là người sống sót duy nhất sau khi gia tộc Lachter bị tàn sát trong các trại tập trung người Do Thái ở Thế chiến thứ hai. Nhưng trong nỗ lực tìm đường ra cho Arshavin, Định Mệnh đã đưa Dennis đến với một “nhánh” Lachter khác.

Đó là Joe Lachter, hoạt động trong ngành công nghiệp giày và cũng là một fan hâm mộ cuồng nhiệt CLB bóng đá Southend United, sống tại ngoại ô London. Anh họ của Joe, Daniel Lachter là một chuyên gia về xe hơi. Tại văn phòng người bạn Jonathan Barnett, Dennis, Joe và Daniel đã… nhận họ hàng.

“Chúng tôi đã nói chuyện suốt 5 giờ liền hôm ấy. Dù không thể phân biệt ngôi thứ rõ ràng nhưng chúng tôi tin chắc rằng, ông nội của tôi – Aaron và ông nội của 2 người họ có mối quan hệ máu mủ”.

Những bức hình xưa cũ được lục lại, nhưng câu chuyện quá khứ được chắp nối và sự liên kết trở nên rõ ràng. Tất cả họ, Dennis, Joe và Daniel đều là những thành viên của gia tộc Lachter còn sót lại. Và cũng chính từ cuộc trùng phùng khó tin của nhà Lachter, vụ chuyển nhượng Arshavin có được một lối ra.

Joe là thành viên của một CLB bóng đá nghiệp dư. Trong số những đồng đội của Joe có Phil Smith, một người hoạt động trong lĩnh vực môi giới cầu thủ. Phil và anh trai Jon Smith đều làm việc cho First Artis, một công ty có liên kết tốt với thị trường Nga, từng đưa thành công cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev tới Anh diễn thuyết năm 1990.

Joe giới thiệu Dennis với anh em nhà Smith và thỏa thuận hợp tác làm ăn giữa họ hình thành với mục tiêu số 1 trước mắt là tìm đối tác tiềm năng có thể mua Arshavin khi kỳ chuyển nhượng tháng 1/2009 mở cửa. Anh em nhà Smiths có kinh nghiệm làm việc và quan hệ tốt với các CLB Anh, đặc biệt là… Arsenal.


Mùa thu 2008, Dennis và anh em nhà Smith sắp xếp được một cuộc gặp trực tiếp với Wenger tại trung tâm huấn luyện Arsenal – London Colney. 4 người họ “chém gió” về đủ các chuyện trên trời dưới bể, chính trị, xã hội, thế giới trong 45 phút. Sau BỐN MƯƠI LĂM phút, gương mặt Wenger trở nên hoàn toàn nghiêm túc, 2 bàn tay đan vào nhau, rướn người về phía Dennis và mở lời: “Giờ thì hãy kể cho tôi về Arshavin!”

Dennis dĩ nhiên không để lãng phí một giây nào để nói về thân chủ của mình với những mỹ từ xuất sắc nhất. Nhưng Wenger thì thủng thẳng: “Tôi biết Arshavin giỏi như thế nào nhưng ở vị trí của cậu ấy tôi đã có Cecs, hay không kém”.

Wenger nói thế, nhưng sự quan tâm của ông với Arshavin thì không bao giờ mất đi. Arsenal vừa chia tay Aleksandr Hleb cho Barcelona, sau khi CLB xứ Catalan thất bại trong thương vụ Arshavin. Nasri đã gia nhập từ Marseille nhưng chấn thương dài hạn của Tomas Rosicky và sau đó là Cesc Fabregas khiến Wenger phải tính đến chuyện bổ sung 1 cầu thủ sáng tạo cho Arsenal.

Mục tiêu số 1 để có thể thuyết phục hoàn toàn Wenger là phải sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp giữa Arshavin và HLV người Pháp.

Tháng 12, Arshavin ở lại London 2 ngày để thực hiện buổi ghi hình quảng cáo cho Nike. Dennis xác định đây chính là thời điểm tạo ra bước ngoặt. Ông liên hệ với Wenger thông báo về lịch trình của Arshavin và ngỏ ý về một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa họ.

Nhưng Wenger, 1 HLV chuyên nghiệp và nguyên tắc hàng đầu… từ chối: “Thật tuyệt, nhưng tiếc là chúng tôi không thể gặp cậu ấy bởi Arshavin vẫn còn hợp đồng với Zenit. Như thế là đi đêm, là trái luật”.

Dennis sau đó gọi lại cho Arshavin và “vẽ đường” cho ngôi sao người Nga. Arshavin mất 1 ngày để được tổng giám đốc Zenit duyệt đơn “xin phép gặp Wenger để đàm phán về 1 vụ chuyển nhượng tới Arsenal”. Văn bản này sau đó được fax cho phía Wenger và tất nhiên HLV Arsenal đồng ý gặp Arshavin tắp lự.

Joe Smith đón Arshavin sau buổi chụp hình, nhanh chóng đưa anh vào xe riêng. Sau đó 2 người phi thẳng đến Công viên Drayton, nơi một chiếc xe khác do Phil Smith điều khiển chờ sẵn. Hai xe đỗ song song nhau và Arshavin, với mũ lưỡi trai che quá nửa khuôn mặt “phi” sang chiếc Maserati cáu cạnh của Phi, thẳng tiến Emirates. Họ hoàn toàn không bị phát hiện!
Tại văn phòng làm việc của Wenger tại Emirates có sự hiện diện của giám đốc Ken Friar.

Wenger gần như ngay lập tức vào thẳng vấn đề. “Tôi có 2 câu hỏi dành cho cậu, Andrey. Thứ nhất, cậu có thực sự muốn chơi cho Arsenal. Arshavin dĩ nhiên nói Có. Thứ hai, người này – chỉ sang Dennis Latcher có phải là đại diện chính thức của cậu? Arshavin gật đầu cái rụp”.

Sau đó Wenger đưa Arshavin dạo quanh Emirates. Và ở khán đài Tây Nam Emirates, Wenger hỏi Arshavin câu cuối cùng: “Vậy, cậu muốn chơi ở vị trí nào?”. Arshavin đáp: “Tôi rất thích chơi số 10”. Và Wenger nhìn thằng vào mắt Arshavin rồi nói: “Đó là câu trả lời sai nhé, một cầu thủ giỏi thì có thể chơi ở bất kỳ đâu. Và cậu là 1 cầu thủ như thế”.

Các mảnh ghép đã khớp. Giờ là nhiệm vụ quan trọng cuối cùng cho vụ chuyển nhượng Arshavin: Arsenal phải đạt được thỏa thuận với phía Zenit.


Một tuần trước khi kỳ chuyển nhượng tháng 1/2009 đóng cửa, không có thỏa thuận nào hết giữa Zenit và Arsenal. Bất chấp CLB thành London tỏ rõ thiện ý, từ việc tăng mức giá đề nghị lên 12 triệu bảng và sẵn sàng mời Zenit tham dự giải giao hữu Emirates Cup, có thể đem lại nguồn doanh thu khoảng 0.5 triệu nữa cho CLB Nga.

Ngày 31/1/2009 rơi vào thứ Bảy vì thế hạn chót để đóng cửa thị trường chuyển nhượng tại Anh dời sang 17h chiều thứ Hai tuần sau. Cùng thời điểm, Arshavin đang trong những ngày tập trung cuối cùng với CLB Zenit tại Dubai.

Dennis và anh em Smith đi đến quyết định, ngay khi chuyến tập huấn tại Zenit ở Dubai kết thúc (trưa 31/1), Arshavin sẽ được “bốc” sang châu Âu vì nếu theo đội trở lại Nga, tất cả sẽ không thể cứu vãn được. Zenit chấp thuận nhưng Arshavin sẽ trú tại Paris thay vì London.

Tại một khách sạn 3 sao gần sân bay Charles de Gaulle ở Paris, Arshavin cùng đại diện Arsenal đã trải qua nhiều giờ để đàm phán về mức lương. Quan điểm của Arsenal là mong muốn Arshavin nhận mức lương chỉ bằng 70% so với những gì anh được hưởng ở Zenit, để bù đắp cho chi phí chuyển nhượng đang bị đội lên rất cao. Nhưng Arshavin thì không chấp thuận điều đó.

“Tranh cãi đã nổ ra. Thậm chí tôi còn nghe thấy tiếng Arshavin la hét. Tôi hiểu rằng mình phải lên tiếng” – Dennis Latcher nhớ lại.

“Andrey này, nếu tất cả những câu chuyện này chỉ là về tiền – thì tôi nghĩ cậu nên trở lại Zenit. Cậu đang có một cuộc sống chẳng thể chê vào đâu được ở Nga. Nhưng nếu cậu muốn thử thách bản thân mình, muốn trở thành một Arshavin-toàn-cầu, một Arshavin được được cả thế giới biết đến, một Arshavin tỏa sáng ở Premier League thì đây là cơ hội DUY NHẤT của bạn. Và bạn phải chấp nhận trả một cái giá nào đó…”.

Dennis vừa dứt lời cũng là lúc Arshavin đứng phắt dậy và nói: “Tôi nghe đủ rồi, giờ tôi bận xem quần vợt”. Arshavin bước ra khỏi phòng. Nhưng 1 tiếng sau, anh quay lại và nói với Dennis: “Tôi đã sẵn sàng, vứt hết mớ thỏa thuận kia đi, chúng ta cùng nhau đến Anh luôn bây giờ được không”. Nhóm Dennis – Arshavin đáp chuyến bay cuối cùng của Air France rời Paris tới London ngay đêm đó.

6h sáng thứ Hai, ngày 2/2/2009. Anh em Smith đón Dennis và Arshavin và đưa thẳng tới London Colney, nơi thực hiện cuộc kiểm tra y tế. “Phải mất 4-5 tiếng chờ đợi để xong cái khâu… chết tiệt này. Đó chắc chắn là buổi kiểm tra y tế dài nhất trong sự nghiệp của tôi” – Dennis hồi tưởng.

Arshavin khỏe mạnh 100%. Nhưng vào thời điểm đó vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra. “Chỉ còn 3 tiếng nữa là đóng cửa chuyển nhượng nhưng điều khoản cá nhân trong hợp đồng của Arshavin chưa được thực hiện, thỏa thuận giữa 2 CLB, Arsenal và Zenit, cũng chẳng thấy đâu” – Dennis.

Và vụ chuyển nhượng của Arshavin chỉ được chốt hạ với sự can thiệp cuối cùng của Alisher Usmanov – tỷ phú người Uzbekistan, một trong những cổ đông của Arsenal. “Đó là một ngày điên rồ. Tôi nói chuyện với Dyukov (chủ tịch Zenit) và Mitrofanov (tổng giám đốc Zenit) cùng lúc, qua 2 điện thoại khác nhau. Và rồi, thư ký của Usmanov gọi cho tôi nói ông ấy muốn nói chuyện với tôi.

“Usmanov nói: anh có chắc là Arshavin muốn chơi cho Arsenal không?. Tôi trả lời: đương nhiên muốn, hơn cả 100% luôn. Andrey đang ở đây, không tin ông có thể hỏi trực tiếp cậy ấy. Usmanov đáp: Không, đây là chuyện của chúng ta. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì Arshavin nhưng tôi phải chắc chắn cậu ấy muốn là 1 “Pháo thủ”.

Theo Dennis, chính mối quan hệ của Usmanov với Alexey Miller, giám đốc điều hành Gazprom đã giúp bôi trơn những bước cuối cùng của vụ chuyển nhượng Arshavin.

Arsenal và Zenit, sau tất cả, chốt xong mức phí chuyển nhượng Arshavin là 15 triệu bảng. Bản thân Arshavin cũng từ bỏ khoản thưởng 2.5 triệu euro mà anh xứng đáng được nhận sau mùa giải 2008 với Zenit để vụ chuyển nhượng được diễn ra thông suốt.

7h sáng thứ Ba, ngày 3/2/2019. Ken Friar gọi vào máy Dennis và nói: “Hãy cùng với chàng trai của cậu đến văn phòng tôi luôn nhé. Chúng ta có rất nhiều thứ phải làm cho ngày ra mắt của Arshavin”.

Rốt cuộc, sau gần 2 năm, từ mùa Thu 2007 đến mùa Xuân 2009, Dennis Latcher mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Điệp vụ bất khả thi, đưa Arshavin rời Zenit tới Arsenal, đã trở thành hiện thực…

Theo Thể thao Việt Nam


Tags: Arshavin, bóng đá,Arsenal,
#bóng đá #Arshavin #Arsenal


TIN LIÊN QUAN

Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine, có thu nhập cao gấp 10 lần ông Putin trong năm 2021.

Nhân vật,

16/04/2022

Chàng trai được ví như Mark Zuckerberg phiên bản Nga này sở hữu nhiều thành tựu công nghệ lớn nhưng phải phiêu bạt khắp nơi, bị đuổi khỏi công ty của chính mình vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.

Nhân vật,

12/04/2022

Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.

Nhân vật,

30/03/2022

Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Nga hiện có 2 tỷ phú dưới 40 tuổi là Timur Turlov (34 tuổi) và Pavel Durov (37 tuổi).

Nhân vật,

24/03/2022

Ông Anatoly Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Nga từ ngày 4/12/2020.

Nhân vật,

23/03/2022

Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo từ bỏ quyền quản lý câu lạc bộ Chelsea. Nhưng động thái này chẳng qua như chiêu “rút củi đáy nồi” của nhà tài phiệt Nga vốn lọc lõi trên thương trường và cả chính trường.

Nhân vật,

18/03/2022

Tỉ phú Nga Roman Abramovich được phát hiện trông có vẻ mệt mỏi trước khi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông chủ CLB Chelsea bị Chính phủ Anh trừng phạt.

Nhân vật,

15/03/2022

Các nhà chức trách Italia, ngày 11/3, đã bắt giữ siêu du thuyền của nhà tài phiệt Nga Andrey Melnichenko.

Nhân vật,

12/03/2022

Tỷ phú Nga Roman Abramovich sẽ không thể bán câu lạc bộ Chelsea sau khi lĩnh đòn trừng phạt của chính phủ Anh.

Nhân vật,

10/03/2022

Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận".

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022