Sức mạnh Nga tại MAKS 2011
Triển lãm hàng không MAKS 2011 chính thức khai mạc vào ngày 16.8 và kéo dài đến hết ngày 21.8, tại thị trấn Zhukovsky, đông nam thủ đô Moscow của Nga, theo hãng tin ITAR-TASS. Sự kiện này có sự tham gia của 473 doanh nghiệp Nga và 154 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Triển lãm MAKS 2011 quy tụ 200 loại máy bay khác nhau và nhiều hệ thống tên lửa tân tiến đến từ hơn 30 nước. Trong đó, các biểu tượng của không quân Mỹ như máy bay chiến đấu F-15 và F-16, máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay tấn công A-10, máy bay vận tải C-130 và TC-10 cũng được trưng bày. Triển lãm lần này còn có sự góp mặt của hai máy bay thương mại đình đám là Airbus A380 và Boeing 787 Dreamliner.
Không chỉ quảng bá sản phẩm, các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới còn đạt được nhiều hợp đồng có giá trị lớn tại MAKS 2011. Vladimir Borisov, Tổng giám đốc triển lãm MAKS, tin rằng tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết tại MAKS 2011 sẽ đạt mốc 10 tỉ USD. Khoảng 10 thỏa thuận đã được ký kết ngay trong hai ngày đầu tiên của triển lãm MAKS 2011 và chiếm phần lớn trong số này là các nhà sản xuất máy bay Nga. Hãng Russian Helicopters đã ký hợp đồng cung cấp 40 máy bay trực thăng MI-171, trị giá 380 triệu USD, cho hãng Hàng không UTair của Nga. UTair cũng đặt mua 24 máy bay thương mại Sukhoi Superjets 100, theo RIA Novosti. Tập đoàn OAK cũng của Nga thì dự kiến sẽ bán được tổng cộng 100 chiếc máy bay các loại Sukhoi Superjets 100 và MS-21.
Đây cũng được xem là dịp quan trọng để các nhà sản xuất máy bay quân sự Nga tăng cường quảng bá, góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vũ khí của nước này. Nhà sản xuất máy bay trực thăng, động cơ máy bay và hệ thống phòng không Oboronprom dự định ký được các hợp đồng có tổng trị giá lên đến 21 tỉ USD.
Nga đã đề ra mục tiêu đạt được doanh thu xuất khẩu vũ khí không dưới 9 tỉ USD trong năm nay, tăng đáng kể so với con số 8,5 tỉ USD của năm ngoái. RIA Novosti dẫn lời ông Anatoly Isaikin, Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, khẳng định: "Tôi chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua con số 9 tỉ USD".
Nước Nga phô diễn
Tại triển lãm MAKS 2011, Nga gây ấn tượng mạnh bằng một lực lượng hùng hậu nhiều loại máy bay quân sự, từ máy bay tiêm kích đến máy bay trực thăng săn tàu ngầm. Tâm điểm nổi bật nhất chính là máy bay chiến đấu Sukhoi T-50 do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển. Sukhoi T-50 là máy bay chiến đấu đầu tiên do Nga chế tạo thuộc thế hệ thứ năm và có khả năng tàng hình. Moscow dự định sẽ dùng T-50 thay thế cho các máy bay Mig-29 và Sukhoi-27, vốn đóng vai trò chủ đạo trong không quân Nga kể từ những năm 1980. Với trần bay 20.000m, máy bay tàng hình này có tốc độ tối đa đạt Mach 2,45 (tức gấp 2,45 lần tốc độ âm thanh, tương đương 3.000 km/giờ). Ngoài súng máy 30 mm, T-50 có thể mang 10 - 16 tên lửa hoặc bom để tác chiến đa nhiệm đối không, đối đất và chống tàu chiến. Theo kế hoạch, T-50 sẽ trở thành đối thủ của các loại máy bay chiến đấu thế hệ năm do Mỹ sản xuất là F-22 Raptor và F-35 Lightning II.
Bên cạnh Sukhoi T-50, Nga còn đẩy mạnh quảng bá các dòng máy bay chiến đấu khác. Chương trình Mig-31BM giúp nâng cấp và kéo dài tuổi thọ Mig-31, vốn được xem là loại máy bay tiêm kích đánh chặn trên không mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay, cũng đã hoàn thiện. Trong dịp này, đại tướng Alexander Zelin, Tư lệnh không quân Nga, khẳng định: "Chúng tôi không từ bỏ dự án Mig-35D". Được trưng bày lần đầu tiên vào năm 2007, Mig-35 là máy bay chiến đấu thế hệ "4++" do Nga sản xuất và tích hợp nhiều cải tiến công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ 5. Ngoài ra, Nga còn có thêm một loại máy bay chiến đấu thế hệ "4++" khác là Su-35.
Triển lãm lần này còn chứng kiến sự ra mắt của máy bay không người lái đầu tiên của Nga, do Công ty Vega sản xuất. RIA Novosti dẫn lời đại diện nhà sản xuất Vega cho biết máy bay không người lái của họ mang theo được 150 - 170 kg vũ khí kèm thiết bị điều khiển, có tầm bay do thám 250 - 300 km và có thể nâng lên thành 500 km. Với tổng trọng tải tối đa 800 kg, máy bay không người lái trên có thể bay với tốc độ 270 km/giờ.
Một vũ khí ấn tượng khác mà Nga giới thiệu tại MAKS 2011 là hệ thống tên lửa Bomb In a Box (tạm dịch: Hộp chứa bom) được tích hợp gọn gàng trong một container 40 feet thông thường. Nhờ đó, hệ thống tên lửa gọn nhẹ này có thể khai hỏa ngay từ trên tàu thủy, xe tải, tàu lửa… để tấn công tàu chiến hoặc các mục tiêu di động có kích thước lớn. Bomb In a Box được sản xuất bởi Tập đoàn Morinformsystem-Agat JSC, chỉ cần 2 người điều khiển và có tốc độ siêu thanh 2.500 km/giờ cùng tầm bắn 270 km.
Những kế hoạch mới
Sukhoi T-50 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa có giá cụ thể nhưng truyền thông Nga đưa tin giá một chiếc sẽ không hơn 100 triệu USD. Nước này cũng tự tin sẽ chính thức nhận đơn đặt hàng loại máy bay này trong năm 2015. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm ngoái, Thủ tướng Nga Vladimir Putin từng nói ông tin rằng T-50 sẽ tiêu thụ được 1.000 chiếc, trong đó có 400 chiếc dành sẵn cho quân đội hai nước, theo Reuters. Vì thế, triển lãm MAKS 2011 là cơ hội để Nga chào mời dòng máy bay chiến đấu tàng hình này đối với các quốc gia bên ngoài.
Thông qua MAKS 2011, Moscow không chỉ phô diễn các loại máy bay quân sự và hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, mà còn khẳng định sẽ tăng cường sức mạnh không quân. RIA Novosti dẫn lời Tư lệnh Alexander Zelin cho biết, không quân Nga sẽ nhận thêm 6 máy bay chiến đấu Su-34 và các máy bay ném bom hạng nặng như TU-95, TU-160 trong thời gian tới. Máy bay siêu thanh ném bom hạng nặng có thể mang tên lửa là Tu-22M3 cũng được tái tổ chức lại để tăng cường sức mạnh cho hải quân Nga, cụ thể là Hạm đội Thái Bình Dương. Ông Zelin nói thêm rằng không quân Nga hy vọng sớm nhận được máy bay vận tải quân sự Il-476 vào năm 2013.
TIN LIÊN QUAN
Tuyên bố này nhằm bác bỏ thông tin trước đó cho rằng người dùng Google có thể nhìn thấy hình ảnh phân giải cao về các cơ sở quân sự quan trọng của Nga, như kho vũ khí hạt nhân, bãi phóng ICBM, tuần dương hạm Đô đốc Kunetzov...
19/04/2022
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 13-4 thông báo sẽ 'ngừng hợp tác' với Nga trong ba sứ mệnh lên Mặt trăng và sứ mệnh khám phá sao Hỏa ExoMars đã lên kế hoạch trước đó.
14/04/2022
Nga quyết định nối lại chương trình Mặt trăng gắn với việc phóng tổ hợp robot Luna-25, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
13/04/2022
Nhiều dự án khoa học đang được thực hiện tại Nga và có ý nghĩa lớn đối với khoa học thế giới đã bị ngừng trệ vô thời hạn do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.
11/04/2022
Ít nhất có ba công ty lớn - Sberbank, Yandex và VK - đang cạnh tranh để tạo ra một giải pháp thay thế cho các cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play, tờ Kommersant trích dẫn các nguồn tin cho biết. Theo công bố, chính phủ Nga vẫn chưa chọn nhà phát triển chính.
08/04/2022
Danh sách được đề xuất có 15 phần, bao gồm các ứng dụng tin nhắn, trình duyệt web, phần mềm chống vi-rút, siêu thị online và dịch vụ taxi.
08/04/2022
Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đang gặp khó vì sự thiếu hụt nguồn cung Palladium - thứ kim loại quý hơn vàng từ Nga.
07/04/2022
Với chính sách tách riêng Internet từ giữa những năm 2010 cùng động lực từ xung đột Nga - Ukraine, Nga đang tiến gần hơn đến một mạng Internet nội địa của riêng mình
04/04/2022
Nga khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước như một công cụ thay thế cho Instagram, YouTube hay Google Play.
01/04/2022
Không màu mè tươi sáng như Instagram, màu sắc đen trắng chủ đạo của ứng dụng mang lại cho người dùng một cảm giác trầm buồn.
01/04/2022