Vietnews.ru
Nhân vật

"James Bond - 007 của Nga" và những chiến tích khiến châu Âu khiếp sợ

27/11/2020 (Đọc 8 phút)


Là ông trùm gián điệp và là người tổ chức các chiến dịch tình báo ở mức độ tinh vi, Yakov Serebryansky biết quá nhiều bí mật.

Yakov Serebryansky.

Vào đầu những năm 1930, có một nhóm tình báo Liên Xô hoạt động ở châu Âu, châu Á và Mỹ, được gọi là "nhóm chú Yasha". Họ gieo rắc nỗi khiếp sợ ở mọi nơi, khi thực hiện một loạt các phi vụ đình đám - từ bắt cóc một vị tướng Sa hoàng cho đến làm nổ tung các con tàu.

Các tài liệu lưu trữ của cơ quan đặc nhiệm Nga về hoạt động của nhóm vẫn chưa được giải mật, đặc biệt là về người thủ lĩnh Yakov Serebryansky. Gần một thế kỷ sau, cái tên của nhân vật huyền thoại này đã làm rung động tâm trí người Nga hơn bất kỳ James Bond hư cấu nào trong tiểu thuyết hay phim ảnh.

Đến Ba Tư và trở lại

Yakov “Yasha” Serebryansky sinh năm 1891 tại Minsk trong một gia đình Do Thái. Giống như nhiều người Do Thái khác bị tước hầu hết mọi quyền trong Đế quốc Nga, ông đi theo cách mạng và phải ngồi tù vì sở hữu "những bức thư có nội dung bất hợp pháp".

Sau khi được trả tự do, ông chiến đấu và bị thương nặng trong Thế chiến I, sau đó tham gia phong trào cách mạng ở Bắc Caucasus. Cuối cùng, trong Nội chiến Nga, ông đến Ba Tư vào đúng thời điểm các nhà hoạt động Bolshevik đang thực hiện sứ mệnh trao trả những con tàu bị Bạch vệ bắt giữ. Tuy nhiên, quân nổi dậy địa phương còn muốn nhiều hơn thế, đó là muốn thành lập Cộng hòa Xô viết Xã hội Chủ nghĩa Ba Tư (còn được gọi là Cộng hòa Xô viết Gilan).

Đứng về phía những người Bolshevik ở Ba Tư, Serebryansky được giao nhiệm vụ trinh sát trong "cơ quan đặc biệt" mới của Hồng quân. Tuy nhiên, Moscow và Tehran đã sớm ký hiệp định đình chiến, nước cộng hòa bị giải tán, quân đội về nước, trong đó có Serebryansky.

Vỏ bọc phục quốc

Yakov đến Moscow, nơi ông gia nhập lực lượng an ninh Cheka. Tuy nhiên, ông không ở lại quê hương lâu mà khởi hành năm 1923 đến Palestine, nơi Chính phủ Liên Xô có các sĩ quan tình báo bí mật đóng quân. Nhiệm vụ chính của họ là khám phá các kế hoạch của người Anh trong khu vực và xác định tâm trạng của địa phương.

Tại đây, Serebryansky trong vai trò là tình báo viên đã được hưởng lợi rất nhiều bởi nguồn gốc Do Thái của mình. Cải trang thành một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và là người chiến đấu cho mục tiêu thành lập nhà nước Do Thái, ông đã tuyển mộ nhiều người Nga tại đây và thiết lập mạng lưới điệp viên, đầu tiên là ở Palestine, sau đó là những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở các nước khác.

Bên cạnh tiếng Nga, Serebryansky còn nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Do Thái. Vì vậy, các lãnh đạo tình báo Liên Xô đã cử ông đi tuyển mộ điệp viên ở khắp nơi, bao gồm Bỉ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ông lập ra một nhóm đặc biệt không nhằm mục đích tình báo mà là để phá hoại ở nước ngoài. Serebryansky đã đích thân tuyển dụng hơn 200 điệp viên, nhiều người trong số họ sau này đã trở thành huyền thoại tình báo theo đúng nghĩa.

Ba chiến dịch hàng đầu

Cha con Leon Trotsky, Lev Sedov.

Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất của "nhóm chú Yasha" là vụ bắt cóc tướng quân Bạch vệ Alexander Kutepov. Trong năm 1928-1930, Kutepov là người đứng đầu Liên minh toàn quân sự Nga, một tổ chức chiến đấu do những người Bạch vệ ở Pháp. Tình báo Liên Xô nhận được tin rằng liên minh đang chuẩn bị các hành động khủng bố ở nước Nga Xô Viết, do đó lãnh đạo của nhóm cần phải bị bắt về Liên Xô.

Năm 1930, các mật vụ của Serebryansky bắt giữ Kutepov ngay tại trung tâm Paris và cố đẩy người này vào một chiếc xe hơi đang chờ sẵn. Tuy nhiên, vị tướng này đã chống trả quyết liệt. Cuối cùng, ông bị đâm bởi một người cộng sản Pháp cải trang thành cảnh sát. Kutepov chết vì vết thương sau đó.

Trong Nội chiến Tây Ban Nha, Serebryansky đã thực hiện các chiến dịch phức tạp ở mức độ đáng kinh ngạc, nhờ đó ông đã nhận được Huân chương Lenin danh giá. Ông mua sắm vũ khí và vận chuyển cho những người thuộc phe cộng hòa Tây Ban Nha chống lại tướng Franco và được Liên Xô ủng hộ. Một trong những hoạt động tinh vi nhất là giao 12 máy bay quân sự mà Serebryansky giấu chúng dưới vỏ bọc của thiết bị bay thử nghiệm.

Năm 1936, nhóm tiến hành một chiến dịch danh tiếng khác ở Paris. Serebryansky đã cài một điệp viên của mình vào đoàn tùy tùng của Lev Sedov, con trai Lev Trotsky – đối thủ chính của lãnh tụ Stalin.

Tình báo Liên Xô biết rằng khi chạy trốn khỏi đất nước, Trotsky đã mang theo một kho tài liệu khổng lồ mà Điện Kremlin muốn tiêu hủy. Dưới sự lãnh đạo của Serebryansky, đặc vụ chìm đã đánh cắp và gửi một phần tư liệu khổng lồ này tới Moscow.

Nhiệm vụ tiếp theo là bắt cóc Lev Sedov. Sedov đang chuẩn bị phát biểu tại đại hội sắp tới của Quốc tế Cộng sản, và chính quyền Liên Xô lo sợ rằng ông sẽ kêu gọi các hoạt động lật đổ hoặc thậm chí là một cuộc chiếm đoạt quyền lực. Kế hoạch bắt cóc đã sẵn sàng để thực hiện, nhưng con trai của Trotsky lại đột ngột qua đời.

Vén màn hoạt động bí mật của Serebryansky

Căn cước của Serebryansky khi hoạt động ở Mỹ.

“Cha tôi được cho là đã hoạt động gọn gàng đến mức mà cả ở Nga và nước ngoài cũng không có những thông tin thực tế chính xác về ông”, tác giả Nikolai Dolgopolov dẫn lời con trai của Serebryansky là Anatoly trong cuốn sách “Điệp viên huyền thoại”.

Ngay cả Anatoly cũng không biết chính xác cha mình đã làm gì, chẳng hạn như ở Trung Quốc hay Mỹ: “Có rất nhiều lời truyền miệng về công việc của cha tôi ở Mỹ. Ví dụ, khi Serebryansky ở Mỹ, cơ quan phản gián đã theo dõi ông. Nhưng, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh không bỏ tù mà chỉ trục xuất vì không muốn làm hỏng quan hệ với nước Nga Xô Viết”.

Anatoly coi câu chuyện này là không chính xác. “Nếu lúc đó người Mỹ biết rằng Serebryansky là một sĩ quan tình báo Liên Xô, thì ông đã chết trong tù”.

Nhưng, có những điều khác mà Anatoly quả quyết đó là sự thật. Ví dụ, vào năm 1932, Serebryansky phải trải qua cuộc phẫu thuật ruột thừa ở Mỹ. Ông đã thuyết phục bác sĩ gây tê cục bộ cho mình, bởi lo ngại gây mê toàn thân có thể khiến ông buột miệng nói tiếng Nga. Tuy nhiên, các bác sĩ đã nhầm lẫn và gây mê toàn thân cho ông. Sau đó, y tá nói rằng ông đã cố nghiến chặt hàm đến mức họ sợ ông sẽ nuốt phải lưỡi.

“Nếu cha tôi thốt ra một từ không phải tiếng Anh, đó sẽ là dấu chấm hết cho huyền thoại. Ngay cả trong tình trạng như vậy, ông vẫn xoay sở để đối phó”, Anatoly nói.

Sự sụp đổ của điệp viên huyền thoại

Với thành tựu tình báo của mình, Serebryansky đã nhiều lần được trao các phần thưởng, huy chương khác nhau của Liên Xô. Ông là một trong số ít người hai lần nhận được giải thưởng cao quý nhất - huy hiệu “Nhân viên danh dự của Cheka-GPU”.

Tuy nhiên, vào năm 1938, Serebryansky được triệu hồi về Moscow và đưa thẳng từ máy bay đến nhà tù, nơi ông bị ép cung và kết án tử hình vì cáo buộc làm gián điệp cho Anh, Pháp và chuẩn bị các cuộc khủng bố ở Liên Xô.

Nhưng sau cùng, phán quyết không được thực hiện do Thế chiến II đang cận kề và các sĩ quan tầm cỡ Serebryansky đang thiếu hụt. Ông được ân xá và trở lại nhiệm vụ.

Trong suốt cuộc chiến, Serebryansky chuyên thực hiện các hoạt động phá hoại khắp châu Âu. Nhưng vào năm 1953, ngay sau khi Stalin qua đời, ông bị truy tố một lần nữa và bị kết án 25 năm tù với cùng tội danh như trước. Ba năm sau, đặc vụ 65 tuổi chết vì đau tim trong một cuộc thẩm vấn khác.

Theo nguoiduatin.vn


Tags: gián điệp, tình báo,
#gián điệp #tình báo


TIN LIÊN QUAN

Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine, có thu nhập cao gấp 10 lần ông Putin trong năm 2021.

Nhân vật,

16/04/2022

Chàng trai được ví như Mark Zuckerberg phiên bản Nga này sở hữu nhiều thành tựu công nghệ lớn nhưng phải phiêu bạt khắp nơi, bị đuổi khỏi công ty của chính mình vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.

Nhân vật,

12/04/2022

Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.

Nhân vật,

30/03/2022

Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Nga hiện có 2 tỷ phú dưới 40 tuổi là Timur Turlov (34 tuổi) và Pavel Durov (37 tuổi).

Nhân vật,

24/03/2022

Ông Anatoly Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Nga từ ngày 4/12/2020.

Nhân vật,

23/03/2022

Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo từ bỏ quyền quản lý câu lạc bộ Chelsea. Nhưng động thái này chẳng qua như chiêu “rút củi đáy nồi” của nhà tài phiệt Nga vốn lọc lõi trên thương trường và cả chính trường.

Nhân vật,

18/03/2022

Tỉ phú Nga Roman Abramovich được phát hiện trông có vẻ mệt mỏi trước khi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông chủ CLB Chelsea bị Chính phủ Anh trừng phạt.

Nhân vật,

15/03/2022

Các nhà chức trách Italia, ngày 11/3, đã bắt giữ siêu du thuyền của nhà tài phiệt Nga Andrey Melnichenko.

Nhân vật,

12/03/2022

Tỷ phú Nga Roman Abramovich sẽ không thể bán câu lạc bộ Chelsea sau khi lĩnh đòn trừng phạt của chính phủ Anh.

Nhân vật,

10/03/2022

Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận".

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022

Dừng khai thác đường bay đến Nga

Tối 22/3, Vietnam Airlines thông báo dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội - Moskva từ ngày 25/3 cho tới khi có thông báo mới.

22.03.2022