Medvedev - \'cánh tay phải\' một thời của Putin
Video quay từ máy bay không người lái được thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đăng lên YouTube năm 2017. Navalny cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev sở hữu chúng, cùng với một vườn nho Italy, nhiều du thuyền, cung điện và những ngôi nhà ở nông thôn. Một trong các bất động sản còn có khu phức hợp nuôi vịt và nhiều loài thủy cầm khác.
Navalny nói thêm rằng Medvedev từng cho vợ sử dụng riêng một máy bay thương mại của hãng Bombardier, trị giá 50 triệu USD. "Ai đã trả tiền cho những thứ này? Chiếc máy bay thuộc về ai?", Navalny đặt ra câu hỏi trong đoạn video. Theo thủ lĩnh đối lập, Thủ tướng Nga có cuộc sống giống như một tỷ phú và cáo buộc ông biển thủ 1,2 tỷ USD.
Đoạn video thu hút hàng chục triệu lượt xem, làm dấy lên các cuộc biểu tình tại hơn 80 thành phố trên khắp nước Nga, với một số người thậm chí mang theo áp phích in hình những con vịt. Cơn thịnh nộ được cho là xuất phát từ việc mức sống của người Nga đang giảm sút vì những lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Medvedev phủ nhận các cáo buộc. Điện Kremlin cũng khẳng định thông tin của Navalny không đáng lưu tâm bởi người này có tiền án gian lận.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hôm 15/1. Ảnh: AP.
Medvedev, 55 tuổi, lớn lên ở St. Petersburg, là người con duy nhất trong gia đình có bố là kỹ sư hóa học và mẹ làm giáo viên, sau đó bà chuyển nghề làm hướng dẫn viên du lịch. Ông theo học ngành luật và được truyền cảm hứng bởi Anatoly Sobchak, giáo sư yêu thích của ông, đồng thời là người ủng hộ cải cách.
Năm 1990, Sobchak trở thành chủ tịch hội đồng thành phố St. Petersburg, khi đó có tên Leningrad, và mời Medvedev làm cố vấn. Đây là thời điểm Medvedev lần đầu tiên gặp Putin, người cũng là học trò cũ của Sobchak và đang giữ chức chủ tịch ủy ban đối ngoại. Họ dần trở nên gắn bó.
Năm 1991, Medvedev làm việc cho chiến dịch tranh cử của Sobchak, giúp giáo sư luật này trở thành thị trưởng St. Petersburg, sau đó gia nhập đội ngũ của Sobchak trong tòa thị chính. Putin cũng được bổ nhiệm làm cấp phó đầy quyền lực của Sobchak.
Sau khi Sobchak mất chức vào năm 1996 vì cáo buộc tham nhũng và lạm quyền, Putin chuyển đến Moskva để làm việc cho chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin và được bổ nhiệm làm thủ tướng hồi năm 1999. Cùng năm, Putin trở thành quyền tổng thống sau khi Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và chỉ định Medvedev vào vị trí cấp cao trong đội ngũ.
Medvedev giúp Putin điều hành chiến dịch tranh cử thành công vào năm 2000. Những năm sau đó, ông cũng đóng vai trò chủ chốt trong tập đoàn khí đốt Gazprom, giúp cải tổ và hiện đại hóa công ty quốc doanh vô cùng quan trọng này.
Năm 2005, Medvedev được bổ nhiệm làm phó thủ tướng thứ nhất. Sau khi Putin mãn nhiệm hồi năm 2008 do hiến pháp quy định một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, Medvedev trở thành người kế nhiệm của ông chủ Điện Kremlin.
Một số người từng hy vọng rằng Medvedev sẽ thoát khỏi "cái bóng" của Putin để điều hành đất nước. Tuy nhiên, ông được cho là người thực thi ý tưởng của Putin và mở đường cho Tổng thống Nga quay lại nắm quyền vào năm 2012.
Theo bình luận viên Robyn Dixon của Washington Post, Medvedev từ lâu chịu sự chi phối của Putin, đồng thời hoạt động kém hiệu quả. Sự thăng tiến mà ông có được bị coi là hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ với Putin. Giới quan sát nhận định Putin rõ ràng luôn là người lãnh đạo thực tế của Nga.
Sau khi trở lại ghế tổng thống, Putin giành được sự ủng hộ trong nước với việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, đồng thời tái xây dựng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nhiều khu vực khác. Trong khi đó, Medvedev, trên cương vị thủ tướng, quay cuồng với một loạt vấn đề của Nga như nền kinh tế trì trệ, lương và phúc lợi thấp, tình trạng tham nhũng kéo dài.
Năm 2016, trong chuyến thăm Crimea, Medvedev gây ấn tượng không tốt khi gạt bỏ khiếu nại của những người cao tuổi rằng họ không thể sống nhờ lương hưu. "Mặc dù không có tiền, đừng bỏ cuộc. Chúc mọi người những điều tốt lành nhất", ông nói trước khi quay đi.
Cáo buộc tham nhũng hồi năm 2017 được cho là gây tổn hại nghiêm trọng tới sự nghiệp chính trị của Medvedev và nhiều người thậm chí dự đoán ông sẽ phải rời chính quyền. Sau khi Putin tái đắc cử năm 2018, Medvedev một lần nữa được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong bối cảnh chiến lược "hậu tổng thống" của Putin, được cho là bắt đầu hình thành. Medvedev hôm 15/1 thông báo trên truyền hình rằng ông cùng toàn bộ quan chức chính phủ từ chức để tạo điều kiện cho Putin sửa hiến pháp. Chức vụ mới của Thủ tướng Nga là phó chủ tịch Hội đồng An ninh, cơ quan Putin làm chủ tịch.
Một số nhà bình luận cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Medvedev đã bị Putin "thất sủng". Theo bình luận viên Dixon, một trong những lý do thúc đẩy Putin thay Medvedev có thể là lo ngại uy tín thấp của Thủ tướng Nga sẽ làm giảm mức tín nhiệm của ông. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức tín nhiệm của Putin khoảng 68-70%, thấp hơn khá nhiều mức trên 80% trong nhiệm kỳ trước.
Sau thông báo từ chức của Medvedev, Putin đã cảm ơn "cánh tay phải" một thời của ông vì sự nghiệp phục vụ chính phủ. "Về phần mình, tôi muốn cảm ơn vì tất cả những việc đã được thực hiện trong sự hợp tác của chúng ta tới nay, đồng thời bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được", Putin nói với Medvedev.
"Không phải chính sách nào cũng hoàn toàn hiệu quả, nhưng cuộc đời là vậy", Putin nói thêm.
Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine, có thu nhập cao gấp 10 lần ông Putin trong năm 2021.
16/04/2022
Chàng trai được ví như Mark Zuckerberg phiên bản Nga này sở hữu nhiều thành tựu công nghệ lớn nhưng phải phiêu bạt khắp nơi, bị đuổi khỏi công ty của chính mình vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.
12/04/2022
Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.
30/03/2022
Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Nga hiện có 2 tỷ phú dưới 40 tuổi là Timur Turlov (34 tuổi) và Pavel Durov (37 tuổi).
24/03/2022
Ông Anatoly Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Nga từ ngày 4/12/2020.
23/03/2022
Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo từ bỏ quyền quản lý câu lạc bộ Chelsea. Nhưng động thái này chẳng qua như chiêu “rút củi đáy nồi” của nhà tài phiệt Nga vốn lọc lõi trên thương trường và cả chính trường.
18/03/2022
Tỉ phú Nga Roman Abramovich được phát hiện trông có vẻ mệt mỏi trước khi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông chủ CLB Chelsea bị Chính phủ Anh trừng phạt.
15/03/2022
Các nhà chức trách Italia, ngày 11/3, đã bắt giữ siêu du thuyền của nhà tài phiệt Nga Andrey Melnichenko.
12/03/2022
Tỷ phú Nga Roman Abramovich sẽ không thể bán câu lạc bộ Chelsea sau khi lĩnh đòn trừng phạt của chính phủ Anh.
10/03/2022