Vietnews.ru
Nhân vật

Nghệ sĩ Nga Vladimir Vysotsky: Người hát thơ bất tử

28/03/2012 (Đọc 10 phút)

Xem thêm:

Có những người làm thơ rất thành công với đương thời, thậm chí còn được quyền cao chức trọng, nhưng các tác phẩm chỉ tồn tại khi tác giả của chúng còn sống. Có những thi sĩ mà vinh quang thực sự chỉ tới với họ sau khi họ đã qua đời. Vladimir Vysotsky là một trường hợp khác. Anh đã không thể than phiền rằng anh đã không nổi tiếng khi còn sống nhưng phải nói rằng, càng xa ngày anh vĩnh viễn ra đi vào thế giới bên kia, các tác phẩm của anh càng trở nên thiết thân với đồng bào anh, những người Nga.

Nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh kiêm nhà thơ - nhạc sĩ - ca sĩ Nga Vladimir Vysotsky sinh ngày 25/1/1938 và qua đời vào ngày 25/7/1980. Khi còn sống, anh từng rất được hâm mộ với những nhân vật tuyệt vời cả trong nhà hát lẫn trên màn ảnh. Anh cũng đã là người hát thơ được hâm mộ nồng nhiệt nhất trong những năm 70 của thế kỷ trước ở Nga. Thế nhưng, càng có khoảng lùi ra xa sau ngày anh mất, người ta càng nhận ra hơn những chân giá trị của con người từng khảng khái cất lên câu hát: “Tôi tới đây không phải để làm cho ai đó thích. Tôi tới đây để nói ra sự thật”. Xưa nay, người nói thật sẽ luôn được tồn tại bền lâu.

Đa dạng nhưng nhất quán

Trong nền nghệ thuật Nga nửa cuối thế kỷ XX, Vysotsky là một trong những hiện tượng đặc sắc và đặc biệt nhất. Anh đã kết hợp nhiều tài năng đa dạng vì một mục đích nhân văn duy nhất. Một nghệ sĩ sân khấu có hạng trong đội hình nhà hát Taganca nổi tiếng dưới thời đạo diễn Yuri Liubimov, với những vai có thể để đời như vai vị hoàng tử vạn kiếp trăn trở về ý nghĩa cuộc đời Hamlet trong kịch Shakerspears hay vai Pugachiov, người anh hùng khởi nghĩa nông dân ở vùng sông Vonga trong vở kịch thơ của Esenin...

Ngay ở Việt Nam ta cũng có nhiều người nhớ các vai diễn điện ảnh của Vysotsky trong một loạt các bộ phim Xô viết từng rất phổ cập một thời. Vysotsky không nhận mình là ca sĩ vì “không được thiên phú đặc tính thanh nhạc gì”, nhưng giọng hát khàn khàn của anh cho tới giờ vẫn còn làm day dứt bao nhiêu trái tim, như tiếng nhắc nhở của lương tâm mình (có bao giờ lương tâm nói giọng ngọt như mía lùi đâu!). Và hơn tất cả, anh là một nhà thơ đầy cá tính, có cái nhìn mọi sự kiện một cách tinh tường và tinh tế, dám nói lên mọi góc độ xù xì nhất để cảnh báo cho lương tâm xã hội. Thời đại Xô viết đã được thể hiện trong các tác phẩm của Vysotsky một cách sinh động và trung thực tới xót xa.

Yosif Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga, người Do Thái, giải Nobel văn học năm 1987, đã viết về Vysotsky: “Đó là một người tài năng không thể tả được, một người làm thơ được thiên phú nhiều vô cùng và hoàn toàn tuyệt diệu. Vần điệu của anh ấy rất mới mẻ và dị thường. Trong anh ấy có một linh cảm ngôn ngữ đích thực”.

Vysotsky sinh ra tại Moskva ba năm trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông trung học, anh thi đậu vào Trường Đại học Xây dựng Moskva và đi theo tiếng gọi của trái tim nghệ sĩ. Tuy nhiên, con đường đến tới sàn diễn của Vysotsky không dễ dàng. Với những ai quen hình dung nghệ thuật theo những tiêu chí truyền thống đôi khi hoá thành sáo mòn, Vysotsky có vẻ như không thích hợp với vai trò nghệ sĩ. Anh dân dã và quá nhiều góc cạnh. Giọng nói của anh không êm ái mượt mà, rót mật vào tai người nghe: khi anh cất tiếng thì đó là những thanh âm như rứt ruột mới có và vì thế, người nghe luôn sẵn sàng đặt niềm tin vào những ý tưởng mà anh truyền bá.

Nghệ sĩ Nga Vladimir Vysotsky: Người hát thơ bất tử
Cũng như bất cứ một nhân cách lớn nào, Vysotsky sinh ra không để đáp ứng các tiêu chí sẵn có, mà là để tạo nên hệ thống tiêu chí mới, sát hợp và trung thực với đời sống hiện đại hơn. Cái mới bao giờ cũng gặp khó khăn khi vừa xuất hiện nhưng theo dòng thời gian, nếu là đích thực thì bao giờ nó cũng được khẳng định.

Thật tới tận cùng

Ngay từ khi còn trong giai đoạn học nghề sân khấu, Vysotsky với cây ghi ta gỗ giản dị và giọng hát đặc thù đã bắt đầu giới thiệu những ca khúc - thơ của mình. Đó thường là những bài hát giai điệu không phức tạp nhưng luôn sâu sắc về ý tứ, “không nói dối dù chỉ là một chữ”. Đối với Vysotsky, âm nhạc đã là đôi cánh để chở lời thơ đi vào trái tim người nghe đầy đủ, sâu sắc hơn. Trong những ca khúc - thơ của mình, Vysotsky luôn thể hiện nhân vật từ ngôi thứ nhất và nhờ thế, tạo nên được độ tự sự cao, khiến người nghe nhận thức được gần gụi hơn những tâm sự trầm luân của kiếp nhân sinh. Là một nghệ sĩ kịch, Vysotsky hoá thân như thật thành đủ mọi vai trong cả thơ. Nhân vật chính trong các tác phẩm của anh thường thuộc giới bình dân, chịu nhiều thiệt thòi và mất mát nhưng vẫn luôn có trái tim nhân hậu, rộng mở, luôn cố gắng hướng thiện và mong muốn:

“Uống mừng nước Nga nhà tù không còn nữa,
Mừng nước Nga hết còn trại giam người!”...

Vysotsky cũng viết khá nhiều bài về chiến tranh, với độ chân thực trong cả tâm trạng và chi tiết tới mức mà nhiều cựu chiến binh khi nghe anh hát đã nói, chỉ có những ai từng thực sự biết mùi khói súng mới có thể làm được như anh. Đây là bài Mưa sao của anh:

Trận đánh này tôi quên sao nổi,
Không khí tràn mùi chết chóc quanh tôi.
Và tự trên cao, như cơn mưa lặng lẽ,
Sao rơi, sao rơi...

Thêm ngôi nữa rơi. Và tôi thầm đoán
Trong trận này chắc tôi không hy sinh.
Đấy, tôi đã gắn đời mình vội vã
Với ngôi sao ngốc nghếch, vô tình.

Tôi đã nghĩ: Thế là qua tai hoạ,
Thế là tôi thoát hiểm nguy rồi.
Nhưng thẳng tự trời, ngôi sao lạc lối
Găm đúng vào chính trái tim tôi.

Mệnh lệnh: Phải chiếm điểm cao!
Mệnh lệnh: Không cần tiếc đạn!
Đấy, ngôi sao thứ hai rơi xuống
Dính chặt vào ve áo các anh.

Sao giữa trời hằng hà sa số,
Sao giữa trời thừa chia cho tất cả.
Không xanh cỏ, chắc tôi cũng đã
Đỏ ngực như đồng đội bây giờ.

Giá có con trai, tôi đã dành cho nó
Ngôi sao kia như kỷ vật sau cùng.
Ở giữa trời, sao mãi treo lơ lửng,
Bởi nếu rơi, ai nhận thay giùm?!”

Anh viết về ngôi mộ chung:

“Trên mộ chung không trồng thánh giá,
Không một người vợ goá khóc than.
Chỉ có hoa khách mang tới viếng
Và Ngọn lửa vĩnh hằng lung linh quanh năm.

Trước ở đây đất chồm lên dữ dội,
Giờ dưới đá hoa cương, đất ngủ yên rồi.
Mọi số phận đã hoà chung một khối,
Không thể tách riêng số phận từng người.

Nhưng trong Ngọn lửa vĩnh hằng ta luôn thấy
Cháy những hình nhà gỗ, xe tăng,
Những Smolensk, Berlin chìm trong khói
Và trái tim người chiến sĩ rực hồng.

Cạnh mộ chung goá phụ không vật vã,
Khách thăm đây đều cứng cỏi lòng hơn.
Trên mộ chung không trồng thánh giá,
Nhưng phải đâu nhờ thế đỡ đau buồn?”

Như bất cứ một nhân cách lớn nào của nước Nga, Vysotsky luôn bị giày vò bởi những câu hỏi vĩnh cửu về lẽ đúng sai phải trái, về sứ mệnh của con người trong xã hội, thiên nhiên... Những trăn trở đó không xa lạ với nhân loại và vì thế, càng ngày danh tiếng của anh càng được mở rộng ra trên trường quốc tế. Năm 1966, trong ca khúc Giã biệt núi, anh đã viết:

“Chúng ta trở về cùng đô thành náo nhiệt
Và những dòng xe cộ - trốn chúng, biết vào đâu!
Chúng ta rời những đỉnh cao đã chinh phục được
Để lại trái tim mình trong núi sâu.

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm-
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên.

Giữa tai hoạ ai muốn rồi đơn độc,
Cưỡng tiếng gọi con tim, thực sự có ai đành?
Nhưng chúng ta vẫn rời những đỉnh cao đã chinh phục được,
Biết làm sao, - đến thần thánh kia rồi cũng phải xuống trần!

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm -
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên.

Bao ngôn từ, hy vọng, bao ca khúc, chủ đề,
Núi đánh thức trong ta và nài ta ở lại.
Nhưng chúng ta vẫn hạ sơn-người chỉ trong 1 năm, người-mãi mãi-
Dù sao chúng ta luôn luôn có nghĩa vụ trở về.

Vậy hãy bỏ những bàn luận phiếm -
Mọi sự cho mình, tôi đã chứng minh:
Tuyệt hơn núi chỉ thể là những đỉnh
Núi ta còn chưa lên...”

Danh ngôn có câu: Để sống cùng hậu thế, nhà thơ cần phải luôn đi trước thời đại. Vysotsky đã làm được hơn thế. Sinh thời, anh đã rất nổi tiếng, các tác phẩm của anh được biết tới và yêu chuộng cả ở trong cả Điện Kremli lẫn các trại giam ở Siberi. Trong cuốn sách tự thuật của mình, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tâm sự rằng, lúc còn trẻ, ông thường xuyên tự đệm ghi ta và hát ca khúc - thơ của Vysotsky...

Đã hơn ba mươi năm năm sau khi qua đời, Vysotsky càng trở nên cần thiết hơn đối với người Nga và không chỉ riêng người Nga. Tiếng hát của lương tâm không bao giờ lỗi mốt.

* Những tác phẩm thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Theo antgct.cand.com.vn


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Trong ảnh là họa sĩ Nga Sergei Nikolaevich Andriyaka, 63 tuổi, người được chính thức ghi nhận là họa sĩ có nhiều tác phẩm được bài trí tại Điện Kremlin, nơi ở và làm việc của đương kim Tổng thống Vladimir Putin.

Nhân vật,

17/05/2022

Việc làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga đang giúp tỷ phú Roman Abramovich tránh né các lệnh trừng phạt từ Mỹ, thứ vốn có thể đóng băng hàng tỷ USD tài sản cá nhân của ông.

Nhân vật,

06/05/2022

Không giống như nhiều nhà tài phiệt khác của Nga, tỷ phú này không bị Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt với cáo buộc “có liên quan” đến chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Nhân vật,

05/05/2022

Khoảng 900 người Nga và người nước ngoài gốc Nga đã lọt vào danh sách tỷ phú năm 2022 của Forbes.

Nhân vật,

04/05/2022

Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine, có thu nhập cao gấp 10 lần ông Putin trong năm 2021.

Nhân vật,

16/04/2022

Chàng trai được ví như Mark Zuckerberg phiên bản Nga này sở hữu nhiều thành tựu công nghệ lớn nhưng phải phiêu bạt khắp nơi, bị đuổi khỏi công ty của chính mình vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.

Nhân vật,

12/04/2022

Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.

Nhân vật,

30/03/2022

Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Nga hiện có 2 tỷ phú dưới 40 tuổi là Timur Turlov (34 tuổi) và Pavel Durov (37 tuổi).

Nhân vật,

24/03/2022

Ông Anatoly Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Nga từ ngày 4/12/2020.

Nhân vật,

23/03/2022

Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo từ bỏ quyền quản lý câu lạc bộ Chelsea. Nhưng động thái này chẳng qua như chiêu “rút củi đáy nồi” của nhà tài phiệt Nga vốn lọc lõi trên thương trường và cả chính trường.

Nhân vật,

18/03/2022

Mùa Hè vắng khách du lịch Nga

Các quốc gia như Thái Lan, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ được du khách Nga đặc biệt ưa chuộng. Những điểm đến này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người Nga không thể đi du lịch.

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

28.04.2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022