Thôi làm Thủ tướng, ông Medvedev giờ làm gì?
Giới phân tích nhận định, với tư cách là chủ tịch chính đảng cầm quyền, ông Medvedev có nhiều cơ hội trở lại vị trí quan trọng sau bầu cử Hạ viện Nga sắp tới.
Vai trò phụ trong Hội đồng an ninh liên bang
Ngày 15/1, Thủ tướng Dmitry Medvedev bất ngờ tuyên bố chính phủ Nga từ chức, nhằm mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin triển khai các cải cách về hiến pháp.
Tổng thống Putin sau đó đề nghị ông Medvedev tiếp nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cơ quan tham mưu cho tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông Medvedev đã đồng ý.
Theo các nhà bình luận, vai trò của ông Medvedev trong Hội đồng An ninh chỉ mang tính hình thức. Bởi vì Chủ tịch hội đồng là đương kim Tổng thống Putin. Ngoài ra, thành viên khác là các chính trị gia hàng đầu nước Nga hiện nay, như Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Trong mấy tháng qua, ông Medvedev cũng ít khi xuất hiện trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang. Lần gần xuất hiện gần đây nhất là vào ngày 17/4, ông Medvedev có cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông về dịch COVID-19 và các câu hỏi liên quan đến biện pháp trừng phạt của Mỹ hay một số vấn đề quốc tế khác.
Liên quan đến tình hình trong nước và quốc tế, cựu Thủ tướng Nga thường xuyên chia sẽ quan điểm trên tài khoản mạng xã hội Vkontakte hay Facebook.
Hôm 31/5, nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, ông Medvedev viết trên trang facebook cá nhân rằng: “Quan điểm của Nhà Trắng về Hiệp ước này đang phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Medvedev cũng đề nghị phía Mỹ tiếp tục thảo luận về các yêu sách đối với Hiệp ước với Ủy ban Tư vấn Bầu trời mở ở Vienna.
Hôm 21/5, tham dự Hội nghị quốc tế trực tuyến “Startup Village”, ông Medvedev đưa ra các dự báo về sự tiếp diễn của quá trình toàn cầu hóa sau đại dịch COVID-19.
Tổng thống Putin lần đầu tiên bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev làm Thủ tướng Nga vào tháng 5/2012, và tái bổ nhiệm vào năm 2018 sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4. Ông Medvedev từng là Tổng thống Nga từ năm 2008-2012 trong thời gian ông Putin giữ chức Thủ tướng.
Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất
Ngày 2/6, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống Nhất Dmitry Medvedev cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19, vòng bỏ phiếu sơ bộ trực tuyến diễn ra từ ngày 25-31/5 của đảng này diễn ra thành công. Theo đó, hình thức bỏ phiếu mới qua thư điện tử được thực hiện tốt, đạt kết quả cao.
Theo Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sơ bộ sẽ được công bố vào trong ngày 2/6. Các ứng cử viên chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ sẽ đại diện cho chính đảng cầm quyền tại Nga trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến giữa các chính đảng tại Nga, ông Medvedev đưa ra một số đề xuất về luật lao động, bảo đảm tiền lương cho người lao động, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người mất việc làm và gặp nhiều khó khăn đi tìm việc.
Theo Bộ Lao động Nga, trong tháng 5, nước này ghi nhận khoảng 3,7 triệu người thất nghiệp. Theo dự báo, số người thất nghiệp tại Nga có thể lên tới 5-6 triệu. Bình luận về vấn đề này, ông Medvedev cho biết, trong nhiều tuần qua Đảng Nước Nga Thống nhất đã nhận được nhiều báo cáo về tình hình khó khăn liên quan đến luật lao động và việc lao động bị sa thải.
“Chúng ta đã thảo luận những vấn đề này rất nhiều diễn đàn khác nhau. Và bây giờ chúng ta phải tìm một câu trả lời thỏa đáng cho người lao động”, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất nhấn mạnh, đồng thời cho biết cần sửa đổi các điều khoản trong Luật lao động Nga.
Ông Medvedev được bầu làm Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất tại Đại hội lần thứ 13 vào tháng 5/2012. Cho tới thời điểm từ chức Thủ tướng Nga và đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang, ông Medvedev vẫn giữ vị trí chủ tịch của chính đảng cầm quyền.
Tháng 12/2007, ông Medvedev được Đảng Nước Nga thống nhất đề cử chạy đua vào vị trí tổng thống Liên bang Nga, sau đó đắc cử và giữ chức vụ Tổng thống Nga từ năm 2008-2012.
Trở thành người phát ngôn Hạ viện Nga?
Theo một số nguồn tin giấu tên, Điện Kremlin dự định tổ chức bầu cử sớm cho Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) vào tháng 9 (theo kế hoạch là vào tháng 12/2020). Hơn nữa, nguồn tin này cho biết, khả năng cựu Thủ tướng Medvedev có thể trở thành người phát ngôn Hạ viện Nga.
Ngoài ra, ít nhất 3 nguồn tin có liên quan đến văn phòng Tổng thống Nga cũng xác nhận về khả năng này. Các thông tin khẳng định, Đảng Nước Nga thống nhất đang cố gắng khởi xướng các cuộc bầu cử sớm ở Hạ viện.
Sáng kiến tổ chức các cuộc bầu cử Hạ viện sớm có thể xuất phát người đứng đầu Đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev. Theo đó, trong cuộc bầu cử tới đây ông Medvedev có xác suất cao là sẽ đảm nhận chức vụ người phát ngôn của Duma Quốc gia.
Nghị sỹ Nga Irina Gusev lần đầu tiên chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội và nói rõ rằng, ông Medvedev có khả năng sẽ trở thành người phát ngôn của Duma Quốc gia. Tuy nhiên, Đảng Nước Nga thống nhất sau đó đã phủ nhận thông tin trên.
Một số cơ quan truyền thông Nga phân tích, có khả năng ông Medvedev vội vàng thúc đẩy quyết định bầu cử sớm vì liên quan đến việc các chính đảng mới đang ra sức củng cố vị trí và tăng số ghế trong Quốc hội Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin sau đó phản đối ý định tổ chức bầu cử sớm này. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, hiện không có bất cứ sự đồng thuận nào về vấn đề bầu cử sớm và không phải tất cả các đảng phái đều sẵn sàng cho vấn đề trên.
Do đó, Điện Kremlin vẫn giữ quan điểm rằng, các cuộc bầu cử Duma Quốc gia sẽ không được tổ chức vào tháng 9 như dự đoán trước đó, mà là vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, thông tin về tương lai của ông Medvedev, hiện Kremlin chưa có bình luận nào.
Sau khi ông Medvedev rời khỏi chính phủ, nhiều dự đoán đã được đưa ra về tương lai của cựu Thủ tướng Nga. Tuy nhiên, kể từ khi dịch virus corona tấn công nước Nga, tất cả các kế hoạch trước đây của Điện Kremlin liên quan đến vị trí của ông Medvedev dường như bị lãng quên.
Tuy nhiên, theo giới nhận định, khả năng ông Medvedev trở thành người phát ngôn Duma Quốc gia hoặc quay trở lại chính trường Nga là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo VTC.vn
TIN LIÊN QUAN
Vladimir Medinsky, trợ lý đặc biệt của Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình với Ukraine, có thu nhập cao gấp 10 lần ông Putin trong năm 2021.
16/04/2022
Chàng trai được ví như Mark Zuckerberg phiên bản Nga này sở hữu nhiều thành tựu công nghệ lớn nhưng phải phiêu bạt khắp nơi, bị đuổi khỏi công ty của chính mình vì từ chối cung cấp dữ liệu người dùng.
12/04/2022
Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.
30/03/2022
Theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes, Nga hiện có 2 tỷ phú dưới 40 tuổi là Timur Turlov (34 tuổi) và Pavel Durov (37 tuổi).
24/03/2022
Ông Anatoly Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Tổng thống Nga từ ngày 4/12/2020.
23/03/2022
Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo từ bỏ quyền quản lý câu lạc bộ Chelsea. Nhưng động thái này chẳng qua như chiêu “rút củi đáy nồi” của nhà tài phiệt Nga vốn lọc lõi trên thương trường và cả chính trường.
18/03/2022
Tỉ phú Nga Roman Abramovich được phát hiện trông có vẻ mệt mỏi trước khi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông chủ CLB Chelsea bị Chính phủ Anh trừng phạt.
15/03/2022
Các nhà chức trách Italia, ngày 11/3, đã bắt giữ siêu du thuyền của nhà tài phiệt Nga Andrey Melnichenko.
12/03/2022
Tỷ phú Nga Roman Abramovich sẽ không thể bán câu lạc bộ Chelsea sau khi lĩnh đòn trừng phạt của chính phủ Anh.
10/03/2022