Nga sẽ hội nhập kinh tế sâu hơn với châu Á để đối phó với phương Tây?
Trong những thập niên tới, các nền kinh tế châu Âu sẽ không phải là nơi có nhu cầu lớn nhất về năng lượng và khoáng sản của Nga mà thay vào đó là những nền kinh tế sôi động của khu vực châu Á.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, các nước phương Tây và đồng minh đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Moscow.
Một số ngân hàng lớn của Nga đã bị đưa ra khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT) có trụ sở tại Bỉ. Các giao dịch với Ngân hàng Trung ương của Nga đã bị Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngăn cấm, khiến Nga không thể sử dụng phần lớn nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD.
Các vụ phong tỏa và tịch thu tài sản được thực hiện đối với các thành viên cấp cao của giới tinh hoa chính trị và kinh tế của Nga; các máy bay Nga bị từ chối bay vào tất cả các không phận châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, một cuộc tẩy chay không chính thức đối với Nga đã khiến hơn 300 doanh nghiệp quốc tế đình chỉ hoạt động tại nước này, bao gồm các thương hiệu lớn như Apple, Disney, Zara, Visa, IKEA và Coca-Cola.
Chỉ trong vòng vài tuần, đồng Ruble Nga đã mất giá khoảng 40% so với đồng USD. Cuộc chiến kinh tế được thiết kế để cô lập chính phủ của Tổng thống Putin và chấm dứt chiến dịch của Nga.
Thế khó của châu Âu
Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng của Nga. Nước này cung cấp 40% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên, 46% than và 27% lượng nhập khẩu dầu của EU. Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, nhà sản xuất phân bón hàng đầu và sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn.
Các biện pháp trừng phạt và tẩy chay chống lại Nga do đó có lẽ nên được gọi là cuộc chiến tài chính. Mặc dù các động thái về quản lý hành chính và kế toán như vậy chắc chắn có thể gây ra khó khăn đáng kể trong ngắn hạn và trung hạn, các biện pháp này không thể thay đổi thực tế rằng Nga sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị và hữu ích.
Trong bối cảnh nước Mỹ, với lợi thế độc lập về năng lượng, thúc đẩy các biện pháp trừng phạt năng lượng, Đức nhận ra họ đang ở một vị thế ngày càng khó khăn.
Trong nhiều thập niên, giới chính trị và kinh doanh của Đức đã thực hiện một quá trình chuyển đổi diện rộng từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân sang điện gió, điện Mặt trời và nhiên liệu sinh học.
Quá trình chuyển đổi năng lượng này luôn là một chiến lược tham vọng, song không được xây dựng trên cơ sở vững chắc đối với nước Đức - là cường quốc công nghiệp và sản xuất hàng đầu của châu Âu.
Công nghiệp nặng đòi hỏi nguồn năng lượng ổn định và dồi dào - những thứ mà các tấm pin quang điện có thể cung cấp trên lý thuyết nhưng không phải ở Đức với thời tiết u ám và nhiều mây.
Với các nhà máy điện hạt nhân hiện gần như đóng cửa hoàn toàn, việc chuyển đổi năng lượng của Đức đã dẫn đến sự phụ thuộc vào năng lượng Nga cao hơn đáng kể so với mức trung bình của EU, với 55% nhập khẩu khí đốt tự nhiên đến từ Nga vào năm 2020.
Liệu thực tế trên có thay đổi? Trước tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine, chính phủ Đức đã để ngỏ khả năng trì hoãn việc đóng cửa một số nhà máy hạt nhân còn lại, trước khi ra quyết định chống lại điều này và nhấn mạnh kế hoạch tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và phát triển năng lượng tái tạo.
Trong khi Mỹ công bố kế hoạch cấm nhập khẩu năng lượng của Nga ngay lập tức, các kế hoạch mới của châu Âu để giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga mặc dù ít tham vọng hơn trên giấy tờ nhưng sẽ khó đạt được hơn.
Điều đang ngăn cản các nước châu Âu cắt giảm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga là họ không sẵn sàng trả chi phí cho giá nhập khẩu năng lượng cao hơn, chẳng hạn như nhập khẩu LNG từ Mỹ, Trung Đông, châu Phi, hoặc tiếp tục trợ cấp cho việc xây dựng và vận hành các cơ sở năng lượng tái tạo.
Trong khi Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất châu Âu thì lục địa này lại là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow. Việc mất hoàn toàn mối quan hệ thương mại này sẽ có những tác động tiêu cực hơn đối với nền kinh tế và tài sản nhà nước của Nga so với các biện pháp trừng phạt tài chính hiện tại.
Tuy nhiên, điều chưa được xem xét rộng rãi là khả năng Nga hoan nghênh kết quả này. Nếu Moscow đang đặt cược vào sự ly khai kinh tế đối với châu Âu, bao gồm cả năng lượng, thì các biện pháp trừng phạt sẽ giúp Nga thực hiện chiến lược này.
Nga sẽ thay thế châu Âu bằng châu Á?
Thật vậy, chính phủ của Tổng thống Putin đã có kế hoạch trả đũa bằng chiến tranh kinh tế của riêng mình.
Moscow đã chuẩn bị danh sách các quốc gia "không thân thiện" để cấm xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, và đe dọa đóng cửa khí đốt đối với Đức thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để trả đũa việc Berlin ngừng chứng nhận dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Có lẽ những động thái này có thể được coi là phản ứng mang tính biểu tượng, nhưng chúng có thể phù hợp với một chiến lược rộng lớn hơn về việc thay thế châu Âu bằng châu Á với vai trò là khách hàng quan trọng của Nga đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Moscow đã và đang đầu tư mạnh vào phát triển và cơ sở hạ tầng ở khu vực Bắc Cực và cận Bắc Cực, nơi sản xuất phần lớn nhiên liệu hóa thạch và một phần đáng kể các khoáng sản có giá trị.
Chính phủ Nga đã đi xa đến mức lập kế hoạch cho một "Tuyến đường biển phía Bắc" đến châu Á dọc theo bờ biển Bắc Cực rộng lớn của Nga, thường được coi là quá lạnh và nguy hiểm đối với vận tải hàng hải thông thường.
Một tuyến đường như vậy có thể chứng minh tầm quan trọng địa chính trị, ngay cả khi chúng không có giá trị về kinh tế, trong trường hợp tàu Nga bị từ chối cập cảng phương Tây, như Anh đã làm.
Vì mục đích này, Nga cũng đã hồi sinh đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và xây dựng trạm năng lượng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới để cung cấp điện cho các khu vực xa xôi của Siberia, với nhiều trạm khác đang tiếp tục được xây dựng.
Nga đã phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Điều đó sẽ không thay đổi. Nhưng trong những thập niên tới, các nền kinh tế châu Âu sẽ không phải là nơi có nhu cầu lớn nhất về năng lượng và khoáng sản.
Thay vào đó, nền kinh tế công nghiệp đang phát triển của Trung Quốc, cùng với nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa của Ấn Độ và các nước châu Á và châu Phi khác, sẽ là thị trường tăng trưởng chính cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Cả Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, các quốc gia vùng Vịnh, nhiều nước ở châu Phi và Mỹ Latinh đều không chọn trừng phạt Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều đó cho thấy sự phân tách kinh tế ngày nay cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn đối với châu Âu.
Theo Baotintuc.vn
#Nga-Ukraine #kinh tế Nga
TIN LIÊN QUAN
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022