Nga tính kiếm lợi từ khủng hoảng vùng Vịnh
Theo truyền thông Nga, nhiều khả năng Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul-Aziz Al Saud sẽ đến thăm Nga sau Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tại Hamburg vào ngày 7-8/7 tới. Cuộc khủng hoảng tại Qatar sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia.
Nga và Saudi Arabia hiện vẫn đang bất đồng trong một loạt vấn đề chính trị. Chính Riyadh đã khởi xướng cuộc khủng hoảng ở Qatar, và Moscow đang tìm kiếm cách tiếp cận với cả 2 bên trong cuộc xung đột này.
Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul-Aziz Al Saud
Cuối tuần qua, ông Putin đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani và chủ đề trong cuộc đối thoại này chính là cách thức để thoát khỏi những bế tắc ngoại giao.
Điện Kremlin ra tuyên bố: “Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực về chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết những khác biệt còn tồn tại và bình thường hoá tình hình khó khăn hiện nay”. Đây cũng là vấn đề được đề cập trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin với Quốc vương Bahrain Hamad Isa Al Khalifa.
Tuy nhiên, báo chí Nga nhấn mạnh tới vấn đề hợp tác kinh tế-thương mại với Saudi Arabia hơn là chủ đề khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Dẫn chứng được đưa ra là hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Khaled Al-Faleh đã tuyên bố rằng Moscow và Riyadh thậm chí còn có thể xây dựng quỹ đầu tư chung.
Leonid Isaev, giảng viên cao cấp về khoa học chính trị thuộc Khoa kinh tế cao cấp, Đại học Nghiên cứu quốc gia Nga, cho rằng: “Mục đích của Saudi Arabia trong việc xây dựng quan hệ kinh tế với Nga được xem là nỗ lực để thuyết phục Nga về các vấn đề chính trị trong khu vực. Tôi không nghĩ rằng chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia chỉ liên quan duy nhất đến những gì đang diễn ra với Qatar”.
Nga đang cân nhắc lợi ích trong việc can dự vào cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Ông Isaev thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng ở Qatar cho phép Moscow gặt hái nhiều thành công trong các cuộc đàm phán với phía Riyadh. Ông nói: “Vấn đề mang tính nguyên tắc nằm ở chỗ chúng ta có thể đề nghị trao đổi. Trên thực tế, chúng ta đã trao đổi trong cuộc khủng hoảng Yemen để có được tình hình thuận lợi của Nga trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm ổn định tình hình thị trường dầu khí”.
Tuy nhiên, ông Isaev tỏ ra hoài nghi việc Nga có thể công khai quan điểm ủng hộ Saudi Arabia để đổi lấy các lợi ích về kinh tế: “Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận như trên sẽ không diễn ra. Nga quan tâm đến việc đóng vai trò cân bằng để duy trì mối quan hệ với tất cả các bên trong xung đột”.
Ông Isaev dự đoán 3 kết quả có thể có trong cuộc hội đàm sắp tới: “Thứ nhất, chúng ta sẽ duy trì mức độ hợp tác vốn có. Thứ 2 là, nhiều khả năng hơn, chúng ta có thể sẽ hợp tác trong một số vấn đề bao gồm kinh tế, vốn đã được ấn định trong cuộc gặp lần trước giữa Tổng thống Putin và Nhà vua Bin Salman. Và thứ 3, có lẽ ít xảy ra nhất, chính là khả năng chúng ta sẽ đàm phán với Riyadh về các quan điểm mới mang tính nguyên tắc hơn”.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, trang National Interest của Mỹ cho rằng, Qatar đã ủng hộ những kẻ thù của Mỹ và các đồng minh Arab. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại rằng Doha tài trợ các nhóm chân rết của al-Qaeda hay IS tại Syria và Iraq, lực lượng Hamas mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Trong khi đó, Bahrain cho là Qatar hậu thuẫn các lực lượng đối lập có vũ trang chống lại gia đình hoàng gia, còn Saudi Arabia chỉ trích Qatar vì cung cấp tài chính cho quân nổi dậy Houthi ở Yemen cũng như nhóm đối lập đang hoành hành ở vùng Al-Qatif.
Qatar vẫn đứng vững và "quay lưng" trước tối hậu thư
Qatar cũng hậu thuẫn tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn bị xem là khủng bố trong mắt nhiều quốc gia Arab, và quan trọng hơn là dám “giao hảo” với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Saudi Arabia và các đồng minh.
Trong khi các nước láng giềng mâu thuẫn với Iran, Qatar lại có mối quan hệ thương mại khá gần gũi với nước Cộng hòa Hồi giáo này, và hai bên cùng chia sẻ mỏ dầu Pars Sud, một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới.
Khi Iran bị cấm vận, Qatar vẫn tiếp tục bán khí đốt của Iran tới châu Âu. Chính việc chia sẻ mỏ dầu Pars Sud đã giúp Qatar tạo một “vỏ bọc” hoàn hảo cho đối tác thân thiết của mình lách khỏi các đòn trừng phạt. Thay vì dùng tuyến đường biển nhiều rủi ro để vận chuyển dầu mỏ, Qatar đã đề xuất xây dựng một đường ống dẫn đi qua Syria để đưa mặt hàng này tới châu Âu song Chính quyền Damascus đã từ chối thỏa thuận.
Những hỗ trợ mà Qatar dành cho Iran đã trở thành giọt nước tràn ly. Gần cuối tháng 6, Saudi Arabia và các đồng minh đã đưa ra 13 yêu cầu đối với Qatar, buộc nước này phải nhượng bộ nếu muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Hội đồng Quan hệ vùng Vịnh (GCC) từng đối mặt kể từ khi thành lập năm 1981. Theo giới phân tích, những yêu cầu trong "tối hậu thư" là "quá sức" đối với Doha, và để tuân thủ đầy đủ chúng, Qatar sẽ phải thay đổi toàn bộ chính sách đối ngoại của mình.
Binh sĩ Qatar
Chấp nhận các yêu cầu, như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, đồng nghĩa với việc Doha sẽ phủi bỏ hoàn toàn những nỗ lực trong suốt hai thập kỷ qua nhằm xây dựng quyền lực mềm trong khu vực của mình.
Qatar khó có khả năng chấp nhận những yêu sách còn Saudi Arabia và UAE lại khó có thể bỏ qua cho Qatar. Bởi vậy, rạn nứt giữa Qatar và phần còn lại của GCC là điều hiển nhiên.
Căng thẳng hiện nay khó có thể dẫn đến đối đầu quân sự, mà chỉ có thể khiến Qatar bị loại khỏi GCC. Bất chấp sức ép từ phía Mỹ, “bộ tứ” vẫn cương quyết muốn gửi một thông điệp tới Qatar, buộc quốc gia này phải thay đổi, cho dù họ phải đánh đổi bất kỳ điều gì.
Tờ National Interest đã vạch ra "lối thoát" cho Qatar là cần biết hành xử đúng cách. Theo tờ báo này, điều mà Qatar cần làm là chấm dứt hậu thuẫn tài chính cho các tổ chức mà Saudi Arabia và UAE coi là khủng bố, đồng thời trục xuất những thủ lĩnh khủng bố đang lưu vong tại Qatar.
Theo http://baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022