Những ảnh hưởng khi Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ
Việc Nga vỡ nợ có thể sẽ không gây ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống tài chính của châu Âu, tuy nhiên, điều này "sẽ là ác mộng đối với một số ngân hàng nhất định".
Kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nào nếu Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ? Theo nhận định của báo Asahi Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho biết, nợ nước ngoài của Chính phủ Nga hiện ở mức 67 tỷ USD, trong đó, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ có giá trị 20,5 tỷ USD, chiếm quy mô không lớn trên thị trường tài chính nói chung.
Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS vào ngày 13/3, khi được hỏi về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ quy mô thế giới khi Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã nói rằng: "Điều này là không thể xảy ra ở thời điểm hiện nay".
Tác động đối với châu Âu, các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, cũng được cho là có giới hạn. Theo Reuters, ngày 15/3, Chủ tịch Ban Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria cho rằng: "Ảnh hưởng trực tiếp của kinh tế Nga đối với các ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ có giới hạn".
Tuy nhiên, khi xét riêng từng quốc gia, từng tổ chức tài chính riêng biệt, sẽ xuất hiện trường hợp chịu ảnh hưởng lớn, do đó, cũng có những lo lắng về làn sóng bất an lan rộng trên thị trường tín dụng.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ảnh hưởng có thể xuất hiện đối với những tổ chức nắm giữ số lượng lớn tài sản tài chính liên quan đến Nga, trong đó, tại Italy có những tổ chức tài chính hiện nắm giữ tài sản tài chính giá trị khoảng 15 tỷ USD và tại Pháp là 10 tỷ USD.
Một nhà phân tích tài chính tại công ty quản lý tài sản ở châu Âu cho biết ông không tin rằng việc Nga vỡ nợ sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thể hệ thống tài chính của châu Âu, tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo "sẽ là ác mộng đối với một số ngân hàng nhất định và không ai có thể biết cuối cùng điều gì sẽ xảy ra".
Theo BIS, tính đến cuối tháng 9/2021, số dư nợ tín dụng của các tổ chức tài chính Nhật Bản như các khoản cho vay và trái phiếu của Nga là khoảng 9,2 tỷ USD. Trong số này, khoảng 2 tỷ USD thuộc các tổ chức công như Chính phủ Nga, bao gồm một phần là trái phiếu chính phủ Nga.
Mizuho là tổ chức tài chính có dư nợ tín dụng lớn nhất đối với Nga là 217,7 tỷ yen (1,8 tỷ USD), tiếp theo là Mitsubishi UFJ với 214 tỷ yen và Sumitomo Mitsui với 96,4 tỷ yen (tính đến cuối tháng 9/2021). Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng có dư nợ 134,5 tỷ yen (tính đến cuối tháng 3/2021).
Giám đốc điều hành tại một ngân hàng của Nhật Bản cho biết: "Lợi nhuận và hệ thống tài chính sẽ không bị ảnh hưởng khi xét đến quy mô dư nợ tài chính của các tổ chức tài chính Nhật Bản".
Tuy nhiên, lo lắng nhất của thị trường đó là những hậu quả không thể lường trước được. Trên thị trường tài chính, có một loại bảo hiểm bồi thường tổn hại trong trường hợp trái phiếu nắm giữ của các nhà đầu tư không thể thanh khoản (CDS) đang được giao dịch và CDS được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nếu Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu chính phủ, các công ty CDS được cho là sẽ phát sinh các khoản chi trả lớn, tuy nhiên, hiện không rõ tổ chức tài chính nào và giao dịch CDS ở mức độ bao nhiêu.
Theo Financial Times, công ty quản lý trái phiếu khổng lồ Pimco của Mỹ đã bán một lượng CDS đáng kể trên trái phiếu Chính phủ Nga, và nếu Nga vỡ nợ, công ty này dự kiến sẽ mất hàng tỷ USD. Nếu các khoản lỗ lần lượt được ghi nhận trong các quỹ đầu cơ, sự bất ổn của thị trường sẽ gia tăng và không thể phủ nhận nguy cơ nảy sinh tình trạng rối loạn.
Ngoài ra cũng có những lo ngại về tác động đối với các khoản vay khác liên quan đến Nga. Nếu trái phiếu chính phủ - vốn có mức tín nhiệm cao nhất, trở thành khoản vỡ nợ, thì tín nhiệm đối với trái phiếu tư nhân của Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Một chuyên gia cho biết: "Chúng tôi không sở hữu trái phiếu Chính phủ Nga nên không chịu tác động trực tiếp, tuy nhiên, nếu điều này thành sự thật, chúng tôi sẽ phải trích dự phòng rủi ro lên đến hàng chục tỷ yen cho các khoản vay đối với các công ty Nga và quy mô có thể tăng lên".
Một lãnh đạo của một ngân hàng lớn khác cũng không che giấu sự lo lắng khi nói về khả năng "mọi khoản nợ của Nga đều có thể vỡ nợ".
Theo Bnews
TIN LIÊN QUAN
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022
Máy bay riêng của giới nhà giàu Nga đổ xô đến Dubai để tránh bị tịch thu, nhưng đến đây rồi cũng không thể rời đi.
10/04/2022
Các gói trừng phạt của phương Tây nhắm đến các ngân hàng Nga đang cản trở hoạt động kinh doanh của quốc gia này. Song, những nỗ lực đó vẫn gặp hạn chế vì sự phụ thuộc của châu Âu đối với dầu khí của Nga.
10/04/2022