Putin “hất” G8, lấy BRICS-G20 làm đối trọng Mỹ-EU
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự hội nghị các lãnh đạo khối BRICS lần thứ 6, được tổ chức ngày 15 và 16/7, tại Fortaleza - Brazil. Tại Hội nghị này, nguyên thủ 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã đạt được những thỏa thuận lịch sử, đưa vị thế của BRICS lên một tầm cao mới.
Các nhà lãnh đạo BRICS đã nhất trí với việc thành lập Ngân hàng Phát triển của BRICS và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung - một mục tiêu đặt ra từ lâu nhằm cạnh tranh với các định chế quốc tế tại Washington (Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF), mà các nước này cho rằng, họ không có được vị thế đúng mực ở đây.
Tại phiên họp toàn thể của hội nghị thượng đỉnh, ông Putin tuyên bố ngân hàng BRICS - được Ấn Độ đưa ra ý tưởng thành lập trong cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính của nhóm vào năm 2012 tại Mexico - sẽ là một trong những cơ chế phát triển tài chính đa phương lớn của thế giới, với số vốn 100 tỷ USD. Khối lượng tiền tệ tương đương cũng được đưa vào Quỹ dự trữ ngoại tệ chung.
Ngân hàng và kho tiền tệ với tổng nguồn lực khoảng 200 tỷ USD sẽ tạo ra khuôn khổ nhằm phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giúp các nước BRICS ít phụ thuộc vào chính sách tài chính của các cường quốc phương Tây. Ngân hàng Phát triển sẽ có trụ sở tại Thượng Hải và một trung tâm khu vực tại Nam Phi, Chủ tịch đầu tiên của nó là Ấn Độ.
Tổng thống Nga Putin nhận xét rằng, Ngân hàng Phát triển và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung với nguồn lực tài chính hùng mạnh sẽ đặt nền móng cho sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giữa các nước thành viên BRICS, có tổng dân số hơn 3 tỷ người với tổng GDP danh nghĩa là 16.000 tỷ USD và tổng dự trữ ngoại hối khoảng 4.000 USD.
Việc tạo ra một "mô hình tương đương thu nhỏ" của IMF và Ngân hàng Thế giới chưa thể làm cho BRICS độc lập hoàn toàn trước phương Tây. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển cũng như Quỹ dự trữ ngoại tệ chung đều là những bước đi thực tế giúp BRICS đảm bảo tính ổn định trong các tình huống khủng hoảng tài chính trên thế giới.
BRICS sẽ trở thành đối trọng trong tương lai của G8
“Mục đích chính là nhằm bảo vệ các thành viên BRICS cũng như các nước ít nhiều chia sẻ với ý tưởng của BRICS trước biến động liên tục trên thị trường tài chính thế giới. Bản thân nền chính trị thế giới cũng thúc đẩy hệ thống tài chính toàn cầu đi vào cải cách. Sự xuất hiện của Quỹ dự trữ ngoại tệ chung và Ngân hàng Phát triển BRICS cũng tạo cơ hội đem lại sự ổn định vững chắc hơn cho nền tài chính và kinh tế toàn cầu.”
Theo Giáo sư Học viện Ngoại giao Liên bang Nga Volodin, việc năm nước hình thành nhóm và loạt quốc gia xếp hàng chờ sự chấp nhận tham gia, chứng tỏ ý tưởng BRICS là những hạt giống lành mạnh. Các nước trong khối cần xây dựng một kiến trúc tài chính cân đối và công bằng hơn và BRICS có khả năng trở thành trường lực dẫn hấp mới trong thế giới đa cực.
Các chuyên gia cho rằng, sự hợp tác của BRICS sẽ diễn ra trong phương thức liên minh tự do. Một phần nguyên nhân là do các nước trong nhóm có những mục tiêu rất khác nhau về chính sách đối ngoại. Nhưng yếu tố được nêu không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tồn tại của BRICS.
Theo ông Putin, các nước BRICS nên hoạt động tích cực hơn trong không gian thông tin toàn cầu. Điều này sẽ cho phép bảo vệ vững chắc nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền con người và quyền tự do, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Nga đang phải chịu nhưng biện pháp bao vây, cấm vận nặng nề từ phía Mỹ và các đồng minh của họ, do lập trường của Moscow trong vấn đề Ukraine, đặc biệt trong “nghi án” máy bay Boeing 777/MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị tên lửa Buk bắn rơi trên lãnh thổ Ukrraine.
BRICS đã nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cùng với Nga chống lại “các biện pháp trừng phạt đơn phương” đối với các quốc gia không có chung quan điểm với Mỹ và các đồng minh của họ mà phương Tây ngày càng sử dụng thường xuyên hơn.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, Moscow biết ơn các nước BRICS đã lên án hành động đó dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, ông kêu gọi các nguyên thủ rút ra kết luận cụ thể từ những gì đang xảy ra và có phương án đối phó nếu một mai những nước thành viên khác của BRICS gặp phải tình trạng này.
Tại Hội nghị này các nước đối tác đã thảo ra hệ thống biện pháp chung để ngăn chặn “cuộc truy kích” các nước không đồng ý với những quyết định trong chính sách đối ngoại của Mỹ và các đồng minh của họ. Tuy nhiên, các biện pháp đó không quy định việc thành lập một liên minh quân sự-chính trị. Bởi vì, trong chương trình nghị sự của Hội nghị không có nội dung thành lập bất kỳ khối liên minh quân sự nào.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đã thảo luận về hệ thống tham khảo ý kiến, trao đổi thông tin, có thể là về việc thành lập các cơ chế phân tích hoạt động thường xuyên giống như các cơ chế tương tự đang hoạt động trong khuôn khổ SCO. Mục đích chính là thảo ra và phối hợp đường lối chính trị chung trong những tình huống khủng hoảng trên vũ đài quốc tế.
Ông Vladimir Putin cũng đề xuất sáng kiến thành lập cơ chế tham vấn về các cuộc xung đột khu vực khác nhau. Cơ chế này sẽ giúp các nước BRICS đạt lập trường chung và cùng nhau góp phần giải quyết tình huống khủng hoảng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Nga sẽ rời bỏ G8 và có thể thay thế bằng G20?
Các nước BRICS cảm nhận thấy nhu cầu thành lập một cơ chế như vậy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sớm để dự đoán về hình dáng cụ thể của một cơ chế phản ứng chung. Đây sẽ là chủ đề tiếp theo của các cuộc đàm phán ngoại giao của khối này trong tương lai.
Theo lời ông Putin, đã tới lúc cần thiết nâng cao vai trò của BRICS trên chính trường thế giới. Lãnh đạo các nước BRICS nhất trí mở rộng các trao đổi tham vấn và phối hợp hành động tại các tổ chức quốc tế, trước hết là Liên Hợp Quốc. Như vậy, tham vọng của 5 nước thành viên BRICS cũng không phải là nhỏ. Rất có khả năng một đối trọng của G-8 sẽ ra đời.
Tuy Tổng thống Nga khẳng định điều này không đồng nghĩa với một liên minh chính trị và quân sự nhưng trong bối cảnh Nga đã bị khai trừ khỏi G8 và đang chịu lệnh bao vây, cấm vận ngay càng nặng nề của Mỹ và EU, việc Nga cầm chịch khối BRICS - gồm toàn các nước không thân phương Tây - đi theo hướng làm đối trọng với G8 cũng là điều dễ hiểu.
Một quan chức ngoại giao Pháp cho biết, lý do G7 loại Nga ra khỏi nhóm chính là “G8 là sự thống nhất của các quan điểm giá trị, Nga cho đến nay đã không còn phù hợp”. Trước đây, ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận Nga vào nhóm G8, trong số 7 nước kia cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhất là về giá trị quan.
Để Nga gia nhập nhóm cường quốc công nghiệp, về hình thức G8 đã công nhận Nga là một nước công nghiệp hóa, là cùng “giá trị quan”. Nhưng lúc đó, Liên bang Nga đang trải qua thời kỳ khó khăn, kinh tế trì trệ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Thực lực kinh tế kém rất xa so với nhóm G7, đến nay cục diện này vẫn chưa được cải thiện nhiều lắm.
Hiện nay, cùng với quyền lực tuyệt đối của Putin, giá trị quan và lợi ích địa - chính trị giữa Nga và G7 ngày càng khác xa nhau rõ rệt, ranh giới phân chia G7 và Nga ngày càng sâu đến mức độ khó có thể điều hòa. Vì thế, Nga ra khỏi G8 là đúng, và để làm đối trọng với G8 về chính trị Nga đã có BRICS, còn về kinh tế thì không gì khác hơn là G20.
Tổng thống Putin một mình lạc lõng trước các nguyên thủ G8
Đối mặt với các lệnh cấm vận, nền kinh tế Nga tuy có khó khăn nhưng không phải là quá nguy ngập.
Thay vào đó, Nga phát triển công nghiệp và xây đắp thành công mối quan hệ với phương Đông. Và sự biến đổi của hình thức G8 không làm cho Moscow sứt mẻ trọng lượng chính trị. Ngược lại, điều đó giúp Nga hướng năng lượng phát triển sang những hình thái khác giàu tiềm năng và triển vọng hơn.
Có thể nhận định rằng Nga thực sự không còn muốn ở trong G8, mà thực chất là G7+Nga. Định dạng “Nhóm 8” trong chính sách đối ngoại của Nga đã được thay bằng "Nhóm 20”. Hình thái này mới chỉ 4 năm tuổi, nhưng đang tỏ rõ là cấu trúc toàn diện đầy đủ giá trị, phân định chính sách kinh tế của toàn cầu và khu vực.
Khởi đầu thành lập của G7 là một liên minh kinh tế, nhưng sau do định hướng của Mỹ, khối này dần chuyển sang lĩnh vực chính trị. Hơn nữa, cùng với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính và sự nổi lên của một số cường quốc mới, nhóm G20 hình thành tại hội nghị Pittsburgh vào tháng 09-2009 đã dần thay thế vị trí của nhóm G8 trong lĩnh vực kinh tế.
G20 - tổ chức kết hợp những nước đang phát triển có đủ khả năng thay thế cho G8. Trong nhóm này bao gồm những đại diện của các châu lục khác nhau, cụ thể là những quốc gia nặng ký và cùng nằm trong BRICS như Trung Quốc và Ấn Độ hoặc một số nước phát triển khác như Australia. Đặc điểm đó đem lại những kết nối và tiếp cận đa dạng trong quá trình tạo lập mô hình kinh tế.
Trong định hướng tổ chức của “G20” thì yếu tố chính trị ít hơn nhiều, còn những cuộc thảo luận trong chương trình nghị sự rõ ràng nhắm vào những vấn đề mang tính chất cấp thiết trước mắt, chứ không phải là hoạt động mang chiến lược tầm xa như thúc đẩy lợi ích địa-chính trị của các thành viên.
G-20: Tổ chức kết hợp những nước đang phát triển
Tuy G20 chiếm 2/3 dân số thế giới và 90% tổng sản lượng GDP, nhưng nhóm này là một tổ chức không có cơ cấu thường trực, thành viên lại đông nên rất khó đạt được sự thống nhất cao trong giải quyết các sự vụ. Thế nhưng, nếu lấn sân sang lĩnh vực chính trị thì mới nan giải, còn chỉ đi theo định hướng kinh tế, vấn đề này không khó để giải quyết.
Nga là nước chủ nhà cầm chịch hội nghị thượng đỉnh hồi năm ngoái và đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình thảo luận. Bởi Moscow là đối tác năng lượng lớn nhất của nhiều nước tham gia G20. Ngoài ra, Nga đang tích cực mở rộng hoạt động ngoại thương với tất cả các khu vực, từ châu Phi đến châu Mỹ Latinh.
Nga đại diện cho Liên minh Hải quan như là một đề án hội nhập liên kết độc đáo trên không gian hậu Xô-viết và là mảng phân khúc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế hiện đại. Nếu thiếu Nga sẽ không thể giải quyết các vấn đề ở EU, Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Bắc Mỹ, từ Snowden cho đến hoạt động của IMF”.
Năm nay, Chủ tịch của nhóm G20 là Australia, vẫn bảo lưu những vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự như Nga đã đề xuất một năm trước: Đó là đầu tư, việc làm cho cư dân và thương mại. Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tuyên bố rằng ông mong đợi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 11 ở Brisbane, tại hội nghị thượng đỉnh của khối.
Nhà kinh tế học người Anh Angus Maddison từng dự đoán, cho đến nay “câu lạc bộ con nhà giàu” G8 vẫn chiếm 44% tổng quy mô kinh tế thế giới, nhưng đến năm 2030 sẽ giảm xuống 31%. Trong khi đó, 12 thành viên còn lại của G20 sẽ tăng trưởng từ 39% lên 51%, tiếng nói của G8 sẽ dần dần không còn mang tính chất chi phối quyết định nữa.
Trong bối cảnh Mỹ và EU sẽ càng xiết chặt lệnh cấm vận Nga sau sự việc chiếc máy bay Boeing 777 thuộc chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi, người ta càng có cơ sở nhận định rằng Nga sẽ đẩy mạnh cơ chế hợp tác của BRICS và G20 nhằm làm đối trọng với G8, mà nòng cốt là Mỹ và EU.
TIN LIÊN QUAN
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022