Vietnews.ru
Tham khảo

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Nga...

19/04/2014 (Đọc 16 phút)

Xem thêm:

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Nga lo Ukraine bán công nghệ

Tên lửa R-36M2, "quái vật" huyền thoại của thời Chiến tranh lạnh, là đòn báo thù kinh hoàng nhất cho bất cứ kẻ nào muốn hướng bom đạn vào lãnh thổ Liên Xô.

Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã xuất hiện một số thông tin truyền thông về các cuộc đàm phán giữa công ty Ukraine "Yuzhmash” (ở Dnepropetrovsk) với đại diện một số nước để bán công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-36M2 Voyevoda.

Động thái này của Ukraine khiến Nga vô cùng lo ngại, Moscow đã lên tiếng yêu cầu Kiev phải tuân thủ luật quốc tế về cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, không bán công nghệ tên lửa đạn đạo cho những nước thứ ba.

"Chúng tôi cho rằng bất chấp tình hình chính trị nội bộ khó khăn ở Ukraine, việc không có một chính quyền hợp pháp có chủ quyền, các nhà lãnh đạo hiện nay của Ukraine sẽ có trách nhiệm tương ứng, hoàn toàn tuân thủ các trách nhiệm theo quy định của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) và Quy tắc ứng xử La Haye (PCC), đồng thời kiềm chế trước những bước đi có thể hủy hoại cơ chế cấm phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD)", RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Vậy loại tên lửa đạn đạo R-36M2 có sức mạnh khủng khiếp tới mức nào mà khiến Nga lo ngại như vậy?

Sự ra đời của "Ác quỷ"

Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Nga...

Sau khi trở thành vị Tổng thống thứ 40 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Ronald Reagan ban hành công khai các chính sách cứng rắn nhằm đối đầu với Liên Xô, trong đó ưu tiên phát triển một tiềm lực quân sự mạnh mẽ.

Cuộc chạy đua vũ trang tổng lực Đông-Tây được đẩy lên cao trào vào tháng 3/1983, Reagan giới thiệu Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI ) hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”, một dự án quốc phòng sẽ sử dụng các hệ thống có căn cứ trên không gian và mặt đất để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược và không loại trừ sẽ được phát triển thêm khả năng tấn công từ ngoài vũ trụ.

Liên Xô ngay lập tức phải có phản ứng với kế hoạch này, thế cân bằng chiến lược đang có nguy cơ lệch về phía đối thủ. Ngày 9/8/1983, Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ra quyết định phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới, to lớn nhất, mạnh mẽ nhất, có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ hiện tại - tương lai và hủy diệt đối phương. Đây sẽ là đòn báo thù kinh hoàng nhất cho bất cứ kẻ nào muốn hướng bom đạn vào lãnh thổ Liên Xô. Và rồi, một trong những "quái vật" huyền thoại của thời Chiến tranh Lạnh đã ra đời, đó là ICBM R-36M2 Voyevoda/SS-18 Satan.

Uy lực tương đương 1.500 quả bom nguyên tử

R-36M2 (ký hiệu của Tổng cục Pháo binh-Tên lửa quân đội Liên Xô/Nga (GRAU): 15A18M, ký hiệu trong Hiệp ước START: RS-20V), thực ra là một bản nâng cấp từ dòng tên lửa vốn đã rất ”khét tiếng” R-36M và xa hơn nữa là từ thiết kế nguyên bản R36 mà bắt đầu được triển khai từ năm cuối những năm 60. Đó là những thiết kế đã làm nên tên tuổi cho OKB 586 và vị tổng công trình sư đầu tiên Mikhail Kuzmich Yangel .

Như vậy, tuy không phải là một hệ thống tên lửa hoàn toàn mới nhưng R-36M2 đã được cải tiến rất sâu và hoàn thiện hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm. Cần biết rằng so với R36, R-36M đã tăng 3 lần về độ chính xác, 4 lần về khả năng sẵn sàng chiến đấu, 1,4 lần về năng lượng, 15-30 về khả năng sống sót, tối ưu hóa khối lượng thiết bị phóng lên 2,4 lần, thời gian khai thác tăng lên 1,4 lần.

So với R-36MU (15A18), cũng là một bản nâng cấp từ R-36M, R-36M2 vượt 1,3 lần về năng chính xác, giảm 2 lần thời gian sẵn sàng chiến đấu, tăng thời gian trực chiến lên 3 lần, tăng sức tên lửa mạnh lên 12%, năng lực của đầu đạn cũng được tăng lên. R-36M2 đã bước lên đẳng cấp của tên lửa thế hệ 4. Những biến thể R-36M đều được NATO gọi chung là SS-18 Satan một phần vì màu sơn đen một phần để ám chỉ sức hủy diệt kinh hoàng của chúng, tựa như con ác quỷ đáng sợ nhất theo Kinh Thánh. R-36M2, tất nhiên là con quỷ Satan mạnh nhất và cuối cùng còn “sống” cho đến ngày nay. Còn về “nick name” Nga: Voyevoda của loại ICBM siêu nặng này, đây là một từ bắt nguồn từ tiếng Slavic cổ, có nghĩa như người thống lĩnh hay chiến binh cầm đầu một đạo quân.


Tên lửa R-36M2 trong một cuộc thử nghiệm

ICBM R-36M2 có chiều dài 34.3m, đường kính 3m, tổng trọng lượng 211 tấn trong đó khoảng 188 tấn nhiên liệu lỏng dinitrogen tetroxide (N2O4) và heptyl (UDMH). Đây chính là tên lửa chiến đấu lớn nhất trong lịch sử.

Thừa hưởng đặc điểm của họ R-36M, tên lửa được thiết kế với hai tầng đẩy chính. Tầng đầu tiên gồm bốn động cơ RD-0273 cung cấp lực đẩy tuyệt đối 504,9 tấn. Việc điều chỉnh quỹ đạo bay ở giai đoạn này được thực nhiện bằng cách thay đổi hướng của loa phụt động cơ. Các loa phụt này được chế tạo đặc biệt để có thể chỉnh lệch đi 7 độ về mọi phía so với trục thẳng đứng của nó. Đó là những động cơ vector 3 chiều khổng lồ.

Sự cải tiến trong hệ thống động lực của tên lửa R-36M2 bắt đầu được thể hiện rõ ở tầng thứ hai. Ở tầng này sử dụng động cơ chính duy nhất RD-0255/0256 sức đẩy 83,5 tấn, được cải tiến thu gọn và gắn liền với thùng nhiên liệu, thiết kế này trước đây chỉ có trong những tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm. Điều này cho phép tạo ra một thể tích rỗng lớn hơn để có thể tăng lượng nhiên liệu mang theo hoặc phát triển thêm các hợp phần mới cho tên lửa. Ngoài ra còn có 4 động cơ phụ dung để điều chỉnh chính xác quỹ đạo RD-0257.

Sự khác biệt lớn nhất của R-36M2 là nó có thêm “tầng đẩy thứ 3” gắn trên các đầu đạn hạt nhân. Động cơ RD-869 được phát triển riêng cho “tầng” này, nó sẽ giúp tăng vận tốc tấn công vốn đã khủng khiếp của các đầu đạn lên cao hơn nữa, đồng thời đảm bảo độ linh hoạt và chính xác của chúng khi tiếp cận mục tiêu. Chịu trách nhiệm cho hệ thống động lực là Trung tâm thiết kế động lực Energomash ở Khimki gần Moscow và cục thiết kế Khimavtomatiki có trụ sở tại Voronezh.

Khối lượng phần chiến đấu được thiết kế tới 8,8 tấn, vì vậy ICBM có thể mang theo một hoặc nhiều đầu đạn cực mạnh. Với một đầu đạn, đó sẽ là loại 15F178 - đầu đạn uy lực nhất trong kho vũ khí Xô Viết có đương lượng nổ 20-25 MT, sức mạnh này có thể so sánh với 1.500 quả bom nguyên tử Little Boy (loại bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản). Tầm bắn tối đa của tên lửa đạt khoảng 16.000 km.

Ở các cấu hình khác, R-36M2 có thể mang 10 đầu đạn không điều khiển 15F173, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ 0.8 MT hoặc 10 đầu đạn hỗn hợp, gồm 6 đầu đạn không điều khiển và 4 đầu đạn trang bị bộ dẫn đường. Bộ dẫn có đầu đạn được phát triển bởi cục thiết kế Arsenal, St Petersburg. 10 đầu đạn sẽ được xếp thành hai tầng trong phần chiến đấu của tên lửa. Thực ra, Voyevoda có thể mang 20, thậm chí là 36 đầu đạn như vậy nhưng những hiệp ước START đã ngăn việc đó lại. Bù lại, người Nga tăng số lượng đầu đạn giả trong mỗi tên lửa. Mang 10 đầu đạn khiến bán kính chiến đấu của tên lửa ngắn đi, còn khoảng 11.000 km…

Công việc xác định, tinh chỉnh cho quỹ đạo của tên lửa cũng như các đầu đạn có thể hoàn toàn độc lập nhờ bộ dẫn đường quán tính và hệ thống máy tính tinh vi. Thiết kế này đảm bảo cho sự miễn nhiễm với các biện pháp áp chế điện tử thường dùng để phá hoại liên lạc giữa tên lửa với trung tâm mặt đất hay các bộ phận tình báo, hướng dẫn từ xa, điều quan trọng là R-36M2 đủ lớn để tích hợp một hệ thống dẫn đường tinh vi độc lập. Kết quả tên lửa có sai số CEP từ 250-500m.

Khi đã được đặt trong giếng phóng, tên lửa R-36M2 duy trì trạng thái trực chiến 24/24 giờ và sẵn sàng tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào chỉ 62 giây sau khi có lệnh.

Để có cái nhìn khách quan hơn về sức mạnh của R-36M2, hãy cùng so sánh với một số đối thủ của Mỹ:

LGM-30 Minuteman là loại ICBM phóng trên đất liền chủ lực của Mỹ có tầm bắn 13.000 km. R-36M2 gấp LGM-30: 6 lần về khối lượng, 7,6 lần về khối lượng chiến đấu mang theo, số lượng đầu đạn hạt nhân mang theo gấp hơn 3 lần, sức tàn phá cũng gấp hơn 8,8 lần.



Ngay cả khi so với tên lửa MX “huyền thoại” của Mỹ đã bị loại bỏ sau hiệp ước START II hay còn gọi là Peacekeeper, R-36M2 gấp 2.4 lần về trọng lượng, 1.65 lần về tầm xa, tuy lượng đầu đạn tối đa có thể mang theo ngang nhau nhưng các đầu đạn của Peacekeeper có sức mạnh kém hơn. Thế nhưng, một trong những tham số quan trọng mà các ICBM Mỹ vượt là CEP nhỏ hơn, CEP Minuteman là 200m, CEP của MX là 40m. Nguyên nhân quan trọng là công nghệ dẫn đường điện tử cho các tên lửa liên lục địa được phương Tây sử dụng sớm hơn tới chục năm.


Tên lửa Peacekeeper. Ảnh: Wiki

Rõ ràng, các nhà quân sự Liên Xô muốn những tên lửa cực mạnh, tầm bắn bao trùm lãnh thổ đối phương. Điểm yếu về độ chính xác của tên lửa được giải quyết bằng sức hủy diệt trên một diện tích rộng lớn của đầu đạn mang theo. Như Đại tướng Viktor Yesin, cựu chỉ huy lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược Nga chia sẻ, ưu điểm lớn nhất của R-36M2 là kích thước khổng lồ của nó, kích thước lớn đồng nghĩa với năng lượng lớn, tầm bắn xa và khối lượng phần chiến đấu có thể mang theo nặng hơn. Nhiều đầu đạn hạt nhân hạng “khủng” sẽ tạo ra một cuộc tấn công dồn dập và không thể kháng cự.

R-36M2 là sức mạnh răn đe lớn nhất của Bộ đội tên lửa chiến lược (RVSN) Liên Xô/Nga và còn thực hiện nhiệm vụ là đòn trả đũa khủng khiếp sau khi đối phương phát động tấn công trước. Chính vì vậy, hệ thống phải tồn tại được sau những đợt tấn công khốc liệt của kẻ thù.

Các trận địa Voyevoda phải được bảo vệ cực tốt. Tên lửa được chứa trong ống phóng, ống phóng được đặt trong các giếng phóng (silo) thẳng đứng. Các ống phóng kiêm ống bảo quản làm từ composite sợi thủy tinh rất bền và nhẹ được chế tạo tại khu liên hiệp Vanguard . Vật liệu này cũng không bị han gỉ và đặc biệt trơ về hóa học nên tạo ra một môi trường kín, tên lửa có thể được “bọc” trong ống này nhiều năm mà không cần phải bảo trì. Đặc biệt, giếng phóng siêu cứng và kiên cố 15P718M dùng cho R-36M2 . Kết quả đến từ sự hợp tác của phòng thiết kế chuyên về cơ sở hạ tầng mặt đất cho các chương trình vũ trụ KBTKHM, Moscow và phòng thiết kế kỹ thuật đặc biệt KBSM, St Petersburg.

Quá trình lắp đặt R-36M2 vào giếng phóng cố định, ống bảo quản vẫn được giữ lại

Giếng tên lửa sâu khoảng 40m, được thiết kế rất đặc biệt, riêng phần nắp giếng đã nặng hơn 100 tấn. Đây là loại giếng phóng vững chắc nhất thế giới. Thiết kế ban đầu nó có thể chịu được áp lực 7.000 PSI (500kg/cm2) trong khi những giếng phóng ICBM bình thường của Nga chỉ được xây dựng ở mức 2.500 PSI, giếng chứa của Mỹ thậm chí còn yếu hơn nhiều. Với độ vững chắc của mình, 15P718M gần như miễn nhiễm với các cuộc tấn công trực tiếp bằng vũ khí thông thường. Đối với vũ khí hạt nhân, theo tính toán, nếu một đầu đạn công suất vài trăm kiloton phát nổ cách giếng vài chục mét thì vẫn không hề hấn gì. Các nhà quân sự phương Tây thừa nhận rằng với hai đầu đạn loại W76 công suất 100KT dùng trên SLBM Trident-1C-4, cơ hội phá hủy giếng 15P718M gần như bằng không.

Sự ra đời của những vũ khí tấn công chính xác uy lực cực lớn khiến các giếng chứa này tiếp tục được nâng cấp. Rất may giếng phóng đắt đỏ 15P718M có thể tái sử dụng nhiều lần vì R-36M2 sử dụng cơ chế phóng lạnh. Đây cũng là đặc điểm thừa hưởng từ R-36M. Một lần nữa ta phải nhắc lại những đóng góp to lớn của tổng công trình sư Mikhail Yangel dù ông không trực tiếp tham gia chương trình Voyevoda nhưng là cha đẻ của R-36 và R-36M. Nhà thiết kế tên lửa huyền thoại đã mạnh dạn đề ra ý tưởng phóng lạnh nhằm tái sử dụng được giếng phóng cũng như thu gọn nhiều lần kích thước giếng nếu so với thiết kế theo kiểu truyền thống, nghĩa là phải xây dựng thêm các khoang thông khí khổng lồ giúp giải thoát lượng khí thải từ động cơ khi tên lửa khởi động. Nói thì dễ, nhưng thực hiện được là một vấn đề khó hơn nhiều. Phải chế tạo một bộ đẩy lạnh để tung "con quỷ" nặng 211 tấn lên độ cao 20m, tức là phải cung cấp một năng lượng trên 41 triệu Jun! Viện Yuzhnoye của Yangel đã cùng viện Soyuz ở Lubertsy tạo ra thiết kế phi thường đó. Một máy đẩy điện khí mạnh nhất trong lịch sử dành cho Voyevoda.

Khi đã được đặt trong giếng phóng, R-36M2 duy trì trạng thái trực chiến 24/24 giờ và sẵn sàng tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào chỉ 62 giây sau khi có lệnh. Tên lửa có thể xuyên qua đám mây bụi hình nấm chứa những sản phẩm phân hạch vô cùng nguy hiểm từ vụ nổ hạt nhân ngay trên nó. Khả năng đó đến từ những thiết kế đặc biệt của hệ thống điện tử cũng như lớp sơn màu đen bí ẩn quanh tên lửa. So với R36MU, R-36M2 chịu được một vụ nổ hạt nhân ở khoảng gần hơn 20 lần, sức kháng tia X tăng 10 lần, kháng bức xạ gamma-neutron tăng 100 lần.

Để tạo ra một tên lửa siêu hạng như Voyevoda, yêu cầu áp dụng các kỹ thuật rất cao, trong đó phần lớn là hoàn toàn mới và chưa từng có tiền lệ. Dễ hiểu tại sao quá trình phát triển và thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Trong loạt 43 lần phóng thử đầu tiên, có tới 7 lần thất bại. Lần phóng số 1, diễn ra ngày 21/3/1986 tại Baikonur kết thúc bằng một thảm họa. Tên lửa sau khi được máy phóng lạnh đẩy lên đã bị rơi ngược lại giếng phóng do động cơ giai đoạn đầu không thể hoạt động. Sau đó là sự bùng nổ của gần 200 tấn nhiên liệu…giếng phóng bỗng chốc biến thành một ngọn núi lửa. Rất may không có thương vong về người.

Trung đoàn tên lửa R-36M2 đầu tiên đi vào trực chiến từ 11/8/1988. Tuy nhiên cũng như nhiều siêu vũ khí Soviet cùng thời, lực lượng tên lửa chiến lược này không bao giờ được sản xuất và triển khai một cách đầy đủ như kế hoạch ban đầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga buộc phải thu hồi một lượng lớn Voyevoda đang triển khai ở các quốc gia liên bang cũ, đặc biệt là 104 hệ thống triển khai ở Kazakhstan. Trong hàng loạt các hệ thống bị cho nghỉ hưu, một số được hoán cải thành tên lửa đẩy Dnepr. Nga đã đưa hơn 20 vê tinh các loại lên quỹ đạo bằng loại tên lửa này.

Tính đến năm 2014, nước Nga duy trì trực chiến cho 52 tổ hợp R-36M2 Voyevoda. Các đơn vị chiến đầu gồm: sư đoàn tên lửa số 13 Dombarovsky với 24 tổ hợp và sư đoàn tên lửa Cận vệ số 62 Uzhur với 28 tổ hợp.

Nếu việc chế tạo các tên lửa vốn diễn ra ở Ukraine bị ngừng lại, Nga cũng có thể xây dựng dây chuyền chế tạo, tuy nhiên việc này sẽ rất đắt đỏ.

Việc Ukraine bán công nghệ tên lửa đạn đạo R-36M2 sẽ mang lại ảnh hưởng lớn tới Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (RVSN) khi họ chưa tìm được “truyền nhân” xứng đáng cho Voyevoda. Trong thành phần RSVN hiện tại có những tên lửa RS-24 Yars rất hiện đại nhưng phù hợp với các nhiệm vụ khác, thiết kế uy lực của chúng không đạt đến tầm hủy diệt như R-36M2, trong khi dự án ICBM phóng từ silo cố định thế hệ thứ 5 Sarmat vẫn còn trong trứng nước.

(Theo Trí thức trẻ)


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.

Tham khảo,

23/04/2022

Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.

Tham khảo,

19/04/2022

Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).

Tham khảo,

19/04/2022

Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.

Tham khảo,

17/04/2022

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".

Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.

Tham khảo,

14/04/2022

Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.

Tham khảo,

13/04/2022

Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.

Tham khảo,

12/04/2022

Máy bay riêng của giới nhà giàu Nga đổ xô đến Dubai để tránh bị tịch thu, nhưng đến đây rồi cũng không thể rời đi.

Tham khảo,

10/04/2022

Các gói trừng phạt của phương Tây nhắm đến các ngân hàng Nga đang cản trở hoạt động kinh doanh của quốc gia này. Song, những nỗ lực đó vẫn gặp hạn chế vì sự phụ thuộc của châu Âu đối với dầu khí của Nga.

Tham khảo,

10/04/2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022

Dừng khai thác đường bay đến Nga

Tối 22/3, Vietnam Airlines thông báo dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội - Moskva từ ngày 25/3 cho tới khi có thông báo mới.

22.03.2022

©2022 - - All Rights Reserved. VietNews.ru