Vietnews.ru
Văn hóa

Miền ký ức Nga

20/02/2015 (Đọc 10 phút)

Xem thêm:

[img]http://laodong.com.vn/Uploaded/luuthienhuong/Xuan/Phong%201_TGEK.jpg.ashx?width=660[/img]
Ngôi biệt thự Boris Pasternak khuất trong khu vườn yên tĩnh.


Nước Nga xa xôi lắm, nhưng nó gần gũi với tôi qua những trang sách, những tên tuổi tráng lệ làm nên nền văn học Nga đồ sộ. Đến nước Nga, tôi đi tìm những tên tuổi đó, và bất ngờ gặp một nước Nga rất riêng, như đang thoát khỏi những náo nhiệt của tranh giành và súng đạn, như đang lặng lẽ dưỡng nuôi tâm hồn Nga đẹp đẽ và nhân hậu.

Hai thiên tài thơ nông nổi

Trên con phố cổ Arbat với tuổi đời hơn 5 thế kỷ, có căn nhà lưu niệm nhà thơ A.S Puskin. Con người được vinh danh là mặt trời thi ca của nước Nga, được thế giới nghiêng mình về tài thơ bởi vì ông để lại cho đời một di sản thơ ca vĩ đại. Nhà lưu niệm Puskin lưu giữ nhiều kỷ vật của ông, quý giá vô cùng. Tôi thực sự xúc động khi ngắm nhìn những trang viết của ông, bút tích của một nhà thơ lớn. Cây đàn piano như còn tiếng ngân, tủ đựng sách như đang còn mở vì chủ nhân ra đi quá vội chưa kịp khép lại. Phòng tiếp khách của ông như còn hồn vía của giai nhân tài tử đến trò chuyện văn chương với nhà thơ.

Sinh thời, Puskin là người quảng giao, ham chơi và phong lưu, nên hình ảnh giữ lại cho thấy một chân dung lãng tử quý tộc. Cũng từ những hiện vật và tư liệu được lưu trữ, có thể hiểu thêm cuộc đời của một Puskin mãi chơi, mãi yêu và yêu cho đến chết. Yêu như ông viết: "Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng. Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen. Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm. Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em" (Tôi yêu em).

Các nhà Puskin học không chỉ nghiên cứu thơ văn của ông, mà còn sưu tầm những câu chuyện thú vị về cuộc đời ông. Puskin là con ma cờ bạc, đến nổi Nga hoàng Nicolai Pavlovich phải khuyên can. Nhưng thay vì nghe lời vua, Puskin nói: "Thưa bệ hạ, cờ bạc cứu thần khỏi những u sầu. Còn thơ sau đó là phương tiện để thần trả những món nợ cờ bạc". Hóa ra, Puskin làm thơ để có tiền trả nợ cờ bạc. Rất chi là thơ.
Puskin làm thơ hay, nhưng có lẽ người cùng thời cũng như hậu thế bị quyến rũ bởi cái tính nông nổi của ông. Ông là một chàng trai quá mẫn cảm và thích gây sự. Cả đời ông có tới 29 lần nhận lời đấu súng và thách thiên hạ đấu súng. Nhưng cuối cùng, trận đấu súng vì vợ ông - nàng Natalia Goncharova xinh đẹp - đã không còn cho ông cơ hội để nông nổi thêm một lần nào nữa.

Tất cả những câu chuyện hấp dẫn và bi thảm của cuộc đời ngắn ngủi mà nhà thơ thiên tài trải qua, đã được người Nga lưu lại khá đầy đủ trong nhà lưu niệm. Du khách thập phương đến phố cổ Arbat ở thủ đô Moscow, có thể dành chút thời gian để tìm hiểu về Puskin. Nước Nga tự hào có Puskin và đã không bỏ sót những kỷ vật quan trọng thuộc về ông, họ nâng niu từng bản thảo của Puskin như báu vật.

Gần Nhà lưu niệm Puskin là Bảo tàng nhà thơ M.Yu Lermontov. Đến đây mới biết, một người sống trên đời chỉ 27 năm nhưng đã làm được nhiều việc mà kẻ trăm tuổi cũng không thể, điều này chỉ giải thích bằng hai chữ duy nhất: thiên tài. Bảo tàng Lermontov có mảnh vườn nhỏ phía sau, nơi năm xưa ông ngồi đọc sách. Bảo tàng lưu giữ nhiều bút tích sáng tác của ông, không chỉ kịch, thơ, âm nhạc, mà còn cả hội họa. Những bức tranh Lermontov vẽ phong cảnh vùng Kavkaz, nơi ông sống thời thơ ấu đẹp đến sững sờ. Bảo tàng còn giữ bàn cờ của Lermontov từng ngang dọc cùng ông. Đến đây mới hay, Lermontov từng là tay cờ vô địch ở thời của ông, một kỳ thủ "độc cô cầu bại".

Tài vô cùng nhưng cũng vô cùng nông nổi. Sau trận đấu súng của Puskin, Lermontov từng viết bài thơ "Cái chết của một thi sĩ" rất nổi tiếng, có đoạn: "Cây súng sẽ vững vàng trong tay kẻ giết người mang trái tim tàn nhẫn".

Miền ký ức Nga
Tiếng đàn của nhà thơ A.S Puskin như vẫn còn ngân đâu đó

Và cuối cùng, Lermontov cũng không thoát khỏi số phận tàn nhẫn của một thiên tài nông nổi. Vì danh dự và tình yêu dành cho người đàn bà mà mình theo đuổi, ông đã nhận lời thách đấu và ngã xuống dưới họng súng của đối thủ. Chỉ tiếc rằng, sau ông, không còn nhà thơ thiên tài nào viết về cái chết của ông như ông từng dành cho Puskin. Ông cũng như Puskin, yêu hết mình: "Em cứ gọi giấc mơ là hy vọng. Điều dối gian là chân lý cho rồi. Em chớ tin lời cam đoan, ca tụng. Nhưng hãy tin, hãy tin ở tình tôi" (Em cứ gọi giấc mơ là hy vọng). Hình như các nhà thơ thứ thiệt đến rồi đi khỏi chốn nhân gian này đều nhẹ như thơ.

Đến bảo tàng Lermontov, một điều thú vị khác là là gặp một đoàn học sinh trung học tham quan nhà thơ. Học sinh học văn không chỉ là đọc tác phẩm, mà dành thời gian để tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của tác giả ở bảo tàng. Những chuyến đi thực tế đến bảo tàng nhà văn của học sinh, sinh viên chắc chắn sẽ tạo ấn tượng mạnh trong suy nghĩ và thẩm mỹ của các em. Người Nga đã giáo dục thế hệ trẻ về văn chương, học thuật theo cách như vậy.

Giải Nobel còn mãi

Xa xa ngoại ô Moscow có ngôi biệt thự khuất trong khu vườn yên tĩnh, đó là nơi Boris Pasternak sống những ngày cuối đời. Một nhà thơ, nhà văn, dịch giả hàng đầu của nước Nga, được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn chương năm 1958 "vì sự đóng góp lớn lao về nền thi ca hiện đại của thế giới cũng như vào lĩnh vực truyền thống vĩ đại của các nhà văn Nga" - lại có cuộc sống cuối đời gần như bị quên lãng.

Con đường vào ngôi biệt thự của Boris Pasternak đẹp như thơ. Chiếc bàn làm việc, nơi ông viết "Bác sĩ Zhivago" vẫn còn hồn vía của ông. Chiếc máy ghi âm ghi lại giọng nói của ông đặt trên bàn, cho du khách thưởng thức, để nhớ về một nhà thơ, một tiểu thuyết gia từng được giải Nobel nhưng buộc phải từ chối nhận giải. Thời ông sinh ra có đủ chất liệu cho ông viết nên tác phẩm văn chương bất hủ, nhưng thời đó không chứa nổi tư duy của ông, trái tim của ông. Bi kịch của cuộc đời Boris Pasternak không thể nói hết, chỉ cảm nhận được ít nhiều khi nhìn những tấm ảnh, ghi lại những nét khắc khổ, u sầu, cay đắng trên gương mặt ông.

Tôi lạnh người khi đến bên chiếc giường nhỏ, nơi Boris Pasternak qua đời. Trên chiếc giường có một bó hoa, người hôm nay nhớ ông, tặng ông những bó hoa tươi bằng cả tấm lòng. Boris Pasternak không có những tòa lâu đài nguy nga, nhưng ông sống trong trái tim văn chương của nhân loại đau đớn này.

Rời khỏi căn nhà và khu vườn thơ, tự nhiên nhớ câu nói của Boris Pasternak: "Con người ta sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống". Chỉ có tâm hồn thi sĩ mới nói câu nói yêu thương con người như vậy. Đúng rồi! Hãy cho con người quyền tự do và hạnh phúc từng ngày, đừng mong chờ một lâu dài hạnh phúc quá xa vời và phải xây lên bằng sự trả giá của máu xương và nước mắt.
Lặng lẽ Tolstoy

Đại văn hào vĩ đại Lev Tolstoy, người mà ai nghe đến tên cũng như sấm nổ bên tai. Nhưng khi đến thăm ông ở điền trang Yasnaya Polyana của ông ở TP Tula (cách thủ đô Moskva khoảng 200 km), chỉ thấy sự lặng lẽ. Bất chợt nhớ đến tên một bài hát của Trịnh Công Sơn: Lặng lẽ nơi này.

Điền trang Yasnaya Polyana là nơi Tolstoy được sinh ra, là nơi ông sống một thời tuổi thơ, là nơi ông dành hết tâm lực để viết hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina. Tôi đến Yasnaya Polyana một ngày chớm thu, sắc vàng còn thưa trên nền lá, nhưng đủ để rơi vào trên bàn viết của Tolstoy một vết thu Nga qua khe cửa. Đi qua những căn phòng đầy ắp sách của ông, mới thấy sức đọc của ông còn kinh khủng hơn sức viết. Tôi chợt nghĩ, Tolstoy sinh ra để trở thành một bác học của chữ nghĩa, và một bác sĩ chữa vết thương tinh thần cho nhân loại.


Học sinh vẫn ngày ngày đến thăm Đại văn hào vĩ đại Lev Tolstoy

Cũng ở điền trang này, Tolstoy tập hợp trẻ em trong vùng đến để ông dạy học. Ông yêu trẻ con, muốn chúng nó được học hành và ông đã dốc sức làm cái việc bình thường dung dị đó, bên cạnh việc viết ra những áng văn chương tuyệt tác cho muôn đời. Những bức tranh treo trên tường, vẽ lại hình ảnh bọn trẻ đến nghe ông dạy chữ, có thể gây xúc động cho bất cứ ai ngắm nhìn. Tolstoy vĩ đại không chỉ có văn chương.

Một tên tuổi lớn, để lại một gia sản văn chương kỹ vĩ, nhưng Tolstoy lặng lẽ ra đi trong một ngày đông, nơi một ga xép lạnh lẽo. Ông không phải kẻ lang thang vô định, mà ra đi có chọn lựa, như bức thư ông viết cho vợ ông, bà Sofia: "Xin đừng nghĩ ta bỏ đi bởi vì ta không yêu nàng. Ta yêu nàng và từ thẳm sâu trong lòng ta rất lấy làm hối tiếc, nhưng ta không thể làm khác được... Ta ra đi không phải vì ước nguyện, hay khát vọng nào đó của riêng ta, mà là vì sự yên bình của nàng, vì mối ứng xử hợp lẽ và bằng an với cuộc đời này. Thiếu vắng những điều đó, đối với ta, cuộc sống bên nàng cũng chẳng có nghĩa lý gì...Vĩnh biệt Sofia, cầu Chúa phù hộ cho nàng". Tolstoy yêu cho đến khi chết.

Lang thang trong điền trang Yasnaya Polyana, tôi bắt gặp nấm mộ cỏ bên đường. Đó là mộ của Lev Tolstoy. Không bia mộ, không một dòng tên, không một phiến đá, chỉ có cỏ thôi. Thiên tài bất tử cần chi lăng tẩm. Lặng lẽ đến vô cùng và cũng vô cùng vĩ đại.

Theo http://laodong.com.vn


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Rạp chiếu phim trực tuyến Premier tăng trưởng gấp đôi số người đăng ký trong nửa đầu năm - lên 2,1 triệu

Văn hóa,

01/08/2022

Theo quyết định của ban tổ chức, năm nay, Nga sẽ không trao giải thưởng văn học toàn Nga 'Sách bán chạy quốc gia', trong khi những cuốn sách trong danh sách bình chọn phản ánh một cách đáng ngạc nhiên tâm trạng của công chúng năm 2022.

Văn hóa,

26/04/2022

Vào ngày chủ nhật 24.4.2022, toàn thể thế giới Kitô bao gồm các tín hữu Chính thống giáo, Công giáo và Tin Lành cùng hân hoan đón thánh lễ Phục sinh. Đây cũng được coi là ngày lễ cổ xưa nhất nước Nga, xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ X.

Hải quan Phần Lan viện dẫn lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) xung quanh tình hình Ukraine rồi thu giữ các tác phẩm nghệ thuật được mượn từ Nga để trưng bày ở châu Âu.

Văn hóa,

08/04/2022

Viện Ngôn ngữ Nga quốc gia mang tên A. S. Pushkin đã công bố "Chỉ số về vị trí của tiếng Nga trên thế giới" trong năm 2021, theo đó tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới.

Văn hóa,

31/03/2022

Lễ hội Tiễn mùa đông Maslenitsa là truyền thống từ lâu đời của người dân “xứ sở Bạch Dương”. Trong suốt lễ hội, mọi người vui chơi xả láng hết cả tuần.

Văn hóa,

14/03/2022

Bộ sách "Siêu lý tình yêu" của triết gia người Nga Vladimir Soloviev vừa được Nhà xuất bản Tri thức tái bản sau nhiều năm vắng bóng.

Văn hóa,

11/03/2022

Sau hai tuần quay phim trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, nữ nghệ sĩ và đạo diễn điện ảnh Nga có một phi hành gia tháp tùng đã trở về Trái đất bình an.

Nam diễn viên Heo Sung-tae đóng vai trùm xã hội đen Jang Deok Soo với số áo «101» trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc «Trò chơi con mực» («The Squid Game») hóa ra là một người thạo tiếng Nga, thậm chí có thời anh từng làm việc ở nước Nga.

Văn hóa,

13/10/2021

Sau thời gian tập huấn và chuẩn bị, một đoàn làm phim Nga sẽ được đưa lên vũ trụ. Bộ phim đầu tiên quay ngoài không gian bấm máy trong tháng 10.

Văn hóa,

04/10/2021

Khu rừng đỏ bí ẩn ở Nga

Rừng bách ở thung lũng Sukko, miền Nam nước Nga, mang một vẻ huyền bí như trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, đây không phải khu rừng tự nhiên. Nó được tạo nên từ bàn tay con người.

Phần Lan cắt 90% thị thực du lịch Nga

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine.

16.08.2022

Gần 50.000 du khách Nga 'vượt khó' tới Croatia

Ngày 12/8, hãng thông tấn nhà nước Hina của Croatia đưa tin, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, gần 50.000 du khách Nga đã tới nước này.

13.08.2022

Chính phủ Nga dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh do dịch COVID-19

Nga thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã được áp đặt với công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia trong thời gian đại dịch.

04.07.2022

Vyborg - thành phố cổ phong cách Thụy Điển trong lòng nước Nga

Vyborg là thành phố cổ thuộc tỉnh Leningrad, nằm cách thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga khoảng 2 tiếng lái xe ôtô (140km) và cách biên giới Phần Lan chỉ 30-50km.

15.06.2022

©2022 - - All Rights Reserved. VietNews.ru