Vietnews.ru
Chính trị

Covid-19 thử thách 'tình bạn' Nga - Trung

18/05/2020 (Đọc 8 phút)


Covid-19 đang tạo ra không ít áp lực lên mối quan hệ được cho là ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Bắc Kinh.

Hai nước đã tuyên bố sẽ hợp tác với nhau để chiến đấu chống Covid-19 và cùng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc làm đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, Covid-19 đang khiến mối quan hệ nồng ấm đó trở nên căng thẳng.

Trong khi Trung Quốc về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, Nga lại trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với số ca nhiễm nCoV tăng chóng mặt. Tình hình dịch bệnh ở Nga đang đe dọa thành quả của Trung Quốc trong cuộc chiến chống nCoV, đặc biệt là tại tỉnh biên giới Hắc Long Giang.

Tổng thống Nga Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cam kết duy trì một mặt trận thống nhất chống Covid-19. Cả hai từng ba lần điện đàm kể từ tháng ba đến nay.

Nhưng một số nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế chật vật không chỉ vì lệnh phong tỏa mà còn do tình trạng giá dầu sụt giảm trên toàn cầu, Nga đang ngả dần về phía Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin, từng được ông Tập gọi là "người bạn tốt nhất", đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump 6 lần trong cùng khung thời gian kể trên.

Hai lãnh đạo Nga - Mỹ ngày 26/4 ra một tuyên bố chung kỷ niệm 75 năm ngày diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa các binh sĩ Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến II bên bờ sông Elbe.

Tuyên bố nhấn mạnh "tinh thần sông Elbe" là một "ví dụ điển hình về cách hai nước chúng ta có thể gạt bỏ khác biệt, xây dựng lòng tin và hợp tác nhằm theo đuổi một mục tiêu lớn hơn". 

"Trong khi chúng ta cùng nhau chống lại những thử thách quan trọng nhất của thế kỷ 21, chúng ta bày tỏ kính trọng đối với tinh thần quả cảm và can đảm của những người đã chung tay đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chiến công anh hùng của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên", tuyên bố có đoạn.

Nhiều chuyên gia phân tích coi đây là dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa Moskva và Washington.

"Tuyên bố ngày 26/4 cho thấy Nga và Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác với nhau", Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định. "Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang xấu đi, mối quan hệ cá nhân giữa Putin và Trump vẫn được duy trì".

Nga đã ghi nhận gần 282.000 ca nhiễm và hơn 2.600 ca tử vong vì nCoV. Hắc Long Giang, tỉnh Trung Quốc giáp biên giới với Nga, hiện báo cáo hơn 380 ca nhiễm "nhập ngoại", chủ yếu đến từ nước láng giềng.

Theo giáo sư Thời, Covid-19 đã tạo ra bóng đen bao trùm lên mối quan hệ Nga - Trung, một phần bắt nguồn từ việc Nga đóng cửa biên giới giữa hai nước hồi cuối tháng 1 bất chấp Trung Quốc phản đối.

"Nga đóng biên với Trung Quốc rất sớm, khiến nhiều công dân Trung Quốc tại Nga rơi vào cảnh khó khăn", ông Thời nói.

Ông cũng cho rằng bản thân Nga đang phạm sai lầm trong nỗ lực khống chế dịch ngay bên trong lãnh thổ của mình. "Ở giai đoạn dịch mới bùng phát, chiến lược kiềm chế virus mà Nga áp dụng khá lỏng lẻo và nay tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng. Với tình cảnh như bây giờ, Putin dường như đang cố né tránh. Cách xử lý như vậy không thể khiến Trung Quốc hài lòng... và giờ đây số ca nhiễm của họ tăng vọt, đe dọa cả Trung Quốc", giáo sư này nhận xét.

Dmitri Trenin, giám đốc viện chính sách quốc tế Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng dù Covid-19 đặt mối quan hệ Nga - Trung vào thử thách, hiện tại "hai nước dường như đều đã vượt qua bài kiểm tra".

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập ngày 16/4, Putin cho biết Moskva phản đối mọi hành vi bôi nhọ Bắc Kinh trong cách họ ứng phó với đại dịch, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cả hai nước không nêu tên bên thứ ba nào trong thông báo đưa ra, nhưng giới chuyên gia đều tin họ đang ám chỉ tới Mỹ, nước thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc vì thất bại trong việc kiềm chế dịch bệnh, khiến Covid-19 lan rộng trên toàn cầu.

Trong một cuộc điện đàm khác ngày 8/5, Chủ tịch Trung Quốc so sánh nỗ lực đánh bại Covid-19 giống như cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít thời Thế chiến II.

Trung Quốc bên cạnh đó cũng gửi các nhóm chuyên gia và vật tư y tế tới Nga.

Các biện pháp phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn virus lây lan gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của cả hai nước, nhưng Nga chịu tổn thương nghiêm trọng hơn do giá dầu sụt giảm thời gian gần đây.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo xuất khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng sau khi một công ty làm việc cho Gazprom, nhà sản xuất khí đốt của Nga, thông báo sẽ ngừng hoạt động tại mỏ dầu Siberia, nơi cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, do hàng loạt công nhân bị nhiễm virus.

Nhưng Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moskva, đánh giá cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Mặt khác, nỗ lực hồi sinh nền kinh tế của họ có thể làm gia tăng nhu cầu dầu mỏ, khí đốt từ Nga.

Theo Reuters, nhập khẩu dầu thô tháng ba của Trung Quốc từ Arab Saudi đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng mua từ Nga lại tăng 31%. Hồi đầu tháng, Gazprom cho biết họ vẫn sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc như kế hoạch.

"Về dầu khí, mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, Trung Quốc có vị thế thuận lợi giúp họ lựa chọn liệu có nên giảm lượng mua từ Vùng Vịnh hay Mỹ Latin hay không", Gabuev nói. "Các nước khác ở Vùng Vịnh đều là đồng minh hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ. Nếu Trung Quốc muốn biến khủng hoảng thành cơ hội, Nga và Trung Á chắc chắn là con đường họ cần hướng tới. Và tôi tin đó sẽ là một trong những xu hướng quan trọng của năm 2020".

Gabuev cũng cho rằng nếu Nga muốn bán nhiều dầu hơn cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể ra điều kiện để các doanh nghiệp của họ có khả năng tiếp cận tốt hơn tới những mỏ dầu Nga. 

Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn rất cao và Nga vẫn là nhà cung cấp năng lượng ổn định nhất.

"Thương mại song phương có thể bị ảnh hưởng trong vài quý đầu do dịch bệnh, nhưng tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố nhỏ không đủ khả năng làm chệch hướng mối quan hệ giữa hai quốc gia", Li nhận định.

Theo Li, Nga đã xây dựng được một kho dự trữ vàng và ngoại hối khá dồi dào nhằm chống lại tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, do đó, họ có khả năng đối phó với tác động kinh tế từ dịch bệnh tốt hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến 1/5, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đạt 556 tỷ USD.

"Nền kinh tế Nga kiên cường hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới bởi họ có kinh nghiệm chống lại những biện pháp trừng phạt của phương Tây từ năm 2014 và Nga đã học được cách đối phó với các khủng hoảng như vậy", Li nhấn mạnh.

Theo VnExpress




TIN LIÊN QUAN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov ngày 25/4 cho biết đã có khoảng 400 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi 28 quốc gia phương Tây kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chính trị,

26/04/2022

Không dừng lại ở các biện pháp trừng phạt kinh tế, Mỹ và đồng minh phương Tây còn muốn chấm dứt hoàn toàn hoạt động hợp tác với Nga.

Chính trị,

24/04/2022

Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Nga đã ra lệnh đóng cửa các lãnh sự quán của Latvia, Litva và Estonia, đồng thời yêu cầu toàn bộ nhân viên của các cơ quan ngoại giao của những nước ngoài này rời khỏi Nga.

Chính trị,

21/04/2022

Tờ Reuters đưa tin vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga sẽ nhằm vào năng lượng và các ngân hàng, đặc biệt là Sberbank.

Chính trị,

17/04/2022

Tỉ phú Nga Roman Abramovich được cho là đã sang Kyiv để kết nối việc đối thoại giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh hai nước cho rằng đàm phán đang đi vào ngõ cụt.

Chính trị,

17/04/2022

Nga đã đưa ra cảnh báo với NATO về việc chấm dứt đối thoại về một Baltic 'phi hạt nhân' nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh này.

Chính trị,

14/04/2022

Hôm qua (12/4), cả Nga và Ukraine đều bày tỏ không lạc quan về cuộc hòa đàm từ sau cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước.

Chính trị,

13/04/2022

Moscow yêu cầu chi nhánh ở Nga của các tổ chức phi chính phủ nổi tiếng của Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan phải đóng cửa.

Chính trị,

09/04/2022

Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow vào Ukraine vẫn tiếp diễn.

Chính trị,

09/04/2022

Kể từ khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24-2, EU đã đưa vào danh sách đen khoảng 700 cá nhân liên quan đến Điện Kremlin hoặc bị cáo buộc hỗ trợ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow.

Chính trị,

09/04/2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022

Dừng khai thác đường bay đến Nga

Tối 22/3, Vietnam Airlines thông báo dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội - Moskva từ ngày 25/3 cho tới khi có thông báo mới.

22.03.2022