Người Việt ở Nga 'lòng như lửa đốt' trước Covid-19
Từ hơn tháng nay, chợ đóng cửa, chị Minh Thùy chắt bóp sống qua ngày, cũng không dám đi đâu vì sợ nhiễm nCoV.
Vay mượn người thân để sang Nga làm ăn mấy năm qua, bây giờ chị Minh Thùy, 43 tuổi, lại mong được về Việt Nam hơn bao giờ hết. Từ hôm 28/3, khi chính phủ Nga ban lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh, Trung tâm Thương mại Moskva, hay còn gọi là Chợ Liu, cũng đóng cửa, khiến hàng loạt tiểu thương người Việt như chị rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Chúng tôi về nghỉ Tết vừa sang lại hồi giữa tháng hai thì Covid-19 bùng phát. Mấy năm nay kinh tế Nga sa sút, việc buôn bán đã không mấy thuận lợi, giờ thêm dịch bệnh càng khó khăn hơn", chị Thùy nói.
Cả gia tài nằm ở chợ nay đắp chiếu, vợ chồng chị Thùy sống qua ngày bằng ít vốn liếng còn lại. Tích trữ thực phẩm đủ dùng cho nửa tháng, họ gần như không bước chân ra ngoài vì sợ nhiễm nCoV.
Nga trong ba ngày liên tiếp vừa qua đều ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới nCoV trên 10.000, đưa tổng số ca nhiễm vượt 150.000, trong đó thủ đô Moskva là tâm dịch. Con còn ẵm ngửa, chồng có bệnh nền tiểu đường, lòng dạ chị Thuỳ lúc nào cũng như lửa đốt.
"Các bệnh viện quá tải. Nhỡ không may bị nhiễm thì rất nguy hiểm", chị nói, giọng đầy lo âu.
Sự hoang mang xuất hiện trong cộng đồng kể từ khi trường hợp người Việt mắc Covid-19 đầu tiên tại Moskva được ghi nhận hồi cuối tháng 3. Buôn bán trong các khu chợ kín và làm việc với nhiều thương lái người Trung Quốc, họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nCoV cao. Tuy nhiên, do đa phần không thông thạo tiếng Nga, thiếu cập nhật thông tin, không hiểu biết về hệ thống y tế sở tại và không có bảo hiểm y tế nên khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người không biết xoay xở thế nào.
Nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga", một nhóm tình nguyện người Việt chuyên tư vấn, phiên dịch và hỗ trợ bà con liên hệ khám chữa bệnh và nhập viện, cho hay 14 ngày đầu tháng 4 là khoảng thời gian bùng phát dịch lớn nhất trong cộng đồng người Việt tại Moskva.
"Đội ngũ gồm 60 tình nguyện viên của nhóm đã phân chia thời gian làm việc để luôn có người hỗ trợ bà con 24/24h, nhưng trên thực tế, nhiều thành viên đã làm việc từ sáng đến đêm vì lượng người gọi đến tổng đài xin trợ giúp rất đông", chị Vân Anh, một thành viên nhóm tương trợ, cho biết.
Công việc của nhóm là tiếp nhận thông tin người cần hỗ trợ, đăng ký cho họ khám, chữa bệnh tại các cơ sở gần nhà nếu có triệu chứng nghi nhiễm, gọi cấp cứu và phiên dịch qua điện thoại giúp họ trao đổi với y bác sĩ. Với các trường hợp cần nhập viện, nhóm vẫn tiếp tục hỗ trợ phiên dịch trong suốt quá trình bệnh nhân nằm viện cho đến khi ra viện.
Sau khi bệnh nhân ra viện, nhóm tiếp tục hỗ trợ họ liên hệ với các bác sĩ khu vực, hoặc cơ quan bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan dịch tễ nếu có yêu cầu theo dõi sức khỏe.
Chị Chung Lê, một thành viên khác của nhóm tương trợ, cho hay do phần đa người Việt là lao động thu nhập thấp, họ thường thuê chung gần chục người một phòng trọ, hoặc sống cùng cộng đồng trong các ký túc xá, nên tình trạng lây nhiễm rất dễ xảy ra.
"Tháng trước, khi số ca nhiễm nCoV ở Nga chưa nhiều, việc gọi xe cấp cứu còn dễ dàng. Tuy nhiên bây giờ, chúng tôi có khi phải chờ tới 12 tiếng mới có xe đến đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Có những người vào viện cũng phải xếp hàng 3-4 tiếng mới được bố trí giường vì lượng bệnh nhân quá tải", chị Chung nói.
Mấy tuần qua, chị nấu cơm hộ rồi gửi xe chuyển tới bệnh viện cho một người đàn ông Việt mắc Covid-19 nguy kịch. Gia đình bệnh nhân này có tới 8 người cùng nhiễm nCoV, trong đó người chồng đã phải thở máy gần một tháng.
Tuy nhiên, trường hợp khiến chị nặng lòng nhất là một phụ nữ tên Nguyệt, gần 60 tuổi, không chồng, làm thuê kiếm sống qua ngày.
"Đầu tháng 4, bà Nguyệt gọi điện tới tổng đài của tôi trong tình trạng sốt rất cao, khó thở. Tuy nhiên, bà nhất định không chịu gọi xe cấp cứu đi bệnh viện vì lo cho con trai thiểu năng không ai chăm sóc", chị Chung kể.
Ba ngày sau, bệnh tình người phụ nữ vốn có tiền sử ung thư, huyết áp cao này chuyển biến xấu nên bà cuối cùng đồng ý để chị Chung hỗ trợ nhập viện. May mắn sau 10 ngày, bà Nguyệt cắt sốt, thở lại được bình thường và được xuất viện, dù người vẫn chưa khỏe hẳn. Con trai bà cũng nhiễm nCoV nhưng không nghiêm trọng nên được nhóm tương trợ gọi giúp bác sĩ khu vực và điều trị tại nhà. Nhóm tương trợ cùng một số người đã quyên góp tiền mặt, gạo và nhiều thực phẩm giúp bà vượt qua thời gian khó khăn này.
Hiện có khoảng 80.000-100.000 người Việt đang sinh sống tại Nga. Theo số liệu được Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cập nhật từ cộng đồng, đến ngày 15/4, có khoảng 100 trường hợp người Việt tại Nga nhập viện điều trị bệnh viêm phổi thông thường và viêm phổi do nCoV. Trong số này, có ít nhất 80 trường hợp tại Moskva tự cho biết đã nhận kết quả dương tính nCoV.
Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thành lập nhóm sinh viên y khoa và "Mạng lưới chống dịch toàn liên bang Nga" với những buổi tư vấn trực tiếp cùng các bác sĩ tại Việt Nam, công việc của nhóm "Tương trợ người Việt" đã được giảm tải nhiều và bà con cũng được hỗ trợ tốt hơn. Quỹ ủng hộ người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng liên tục nhận được đóng góp từ các nhà hảo tâm. Mỗi gia đình có người thân tử vong được hỗ trợ 50.000 rúp (700 USD) để lo hậu sự.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thông báo hãng Hàng không Quốc gia dự kiến tổ chức chuyến bay thương mại vào ngày 12/5 để đưa khoảng 200 người Việt tại Nga là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, du học sinh không có nơi lưu trú về nước.
Nhận được thông báo nằm trong danh sách ưu tiên về Việt Nam đợt này cùng con nhỏ, chị Minh Thùy vội vàng vay mượn người nhà để trả 1.300 USD tiền vé máy bay.
"Khoản nợ vay để sang Nga còn chưa trả hết, nhưng bây giờ tôi chỉ mong về quê, chờ bao giờ hết dịch bệnh rồi sang lại, dù lúc đó cũng chẳng biết buôn bán thế nào. Đó là nỗi lo chung của bà con ở Nga", chị nói.
Khác với chuyến bay về nước trước đây, lần này chị Thùy còn mang giúp lọ tro cốt của một đồng hương Hải Phòng vừa qua đời vì Covid-19. Thông qua Facebook của nhóm "Tương trợ người Việt tại Nga", nhiều gia đình có người tử vong đã được giúp đỡ đưa tro cốt về an táng.
"Cùng cảnh xa quê, họ gặp chuyện không may, tôi hay bất cứ ai cũng sẽ làm thế", chị Thùy nói.
Trong khi đó, những người ở lại giữa "tâm bão" Covid-19 của Nga bày tỏ tin tưởng và lạc quan rằng Moskva sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian tới.
Chị Vân Anh cho biết toàn bộ quá trình chăm sóc và điều trị Covid-19 ở Nga đều được miễn phí, bất kể bạn là ai, công dân nước nào. Nếu trong một căn hộ có người nghi nhiễm nCoV thì toàn bộ thành viên trong gia đình đều được hệ thống y tế của thành phố theo dõi sát sao, thăm khám, làm xét nghiệm tại nhà và đưa vào diện cách ly bắt buộc cũng như chữa bệnh nếu cần thiết.
"Khi chúng tôi liên hệ hỏi thăm sức khỏe của các bệnh nhân người Việt đang được điều trị, các bác sĩ luôn khẳng định rằng họ sẽ chiến đấu đến cùng bảo vệ từng sinh mạng. Với số lượng bệnh viện dã chiến đang gấp rút hoàn thiện, tôi tin thành phố sẽ kiểm soát tốt tình hình trong thời gian ngắn tới đây", chị nói.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN
Loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga, tác động lớn đến đời sống và công việc làm ăn của nhiều người Việt tại đây.
20/03/2022
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, không chỉ cộng đồng người Việt ở nước này gặp khó khăn, mà ngay cả bà con ta tại Liên bang Nga cũng phải đối mặt với không ít thách thức…
14/03/2022
Các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan tình hình xung đột Ukraine gây tác động đến nền kinh tế và xã hội nước Nga. Vậy đời sống của du học sinh Việt Nam tại Nga đang bị ảnh hưởng thế nào?
11/03/2022
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đơn phương liên tiếp được áp đặt nhằm vào Nga khiến nền kinh tế nước này đối mặt với thử thách chưa từng có. Công việc của bà con người Việt Nam tại đây, đặc biệt tại thành phố Voronezh, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
10/03/2022
Sinh sống tại Nga hơn 30 năm, ông Lê Xuân Khái đánh giá biến động lần này là lớn nhất nhất song ông tin rằng trong khó khăn thì tố chất cần cù, chịu khó, sáng tạo của người Việt cũng được phát huy.
10/03/2022
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cung cấp một số thông tin cùng các đầu mối liên lạc tại Nga để bà con người Việt tại Ukraine liên hệ nếu sơ tán sang đây.
05/03/2022
Trong khuôn khổ các giải thường niên của Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga (ViTAR), Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga phối hợp với Câu lạc bộ tennis Neva và tập đoàn Golden Age của người Việt ở St. Petersburg đã tổ chức giải tennis Mùa thu Vàng ViTAR-NEVA 2021 trong hai ngày 9-10/10 tại thành phố St. Petersburg xinh đẹp.
11/10/2021
Tối 20/9 (tức 14/8 âm lịch), cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại khu phố Bratislavsk ở thủ đô của Nga đã tổ chức Đêm hội Trăng rằm vui tươi, đầy ý nghĩa cho những người Việt sống ở đây và khu vực xung quanh đó.
21/09/2021
Tại Nga, nhiều người Việt đã trải qua hành trình tự cách ly và phục hồi tại nhà, trong khi một số người phải nhập viện điều trị khi mắc Covid-19.
19/07/2021
Đúng ngày kỷ niệm 318 năm sinh nhật thủ đô phương Bắc Saint Petersbrug của nước Nga, ngày 27/5, tại khách sạn Grand Tchaikovsky, tập đoàn Golden Age Group đã tổ chức buổi giới thiệu dự án tòa nhà tổ hợp đa năng Multi Complex Building “6/3”.
29/05/2021