“Bà Liên Xô” và những kỷ niệm với nước Nga
“Bà Liên Xô” là tên gọi mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh, người đã trải qua 80 mùa xuân của cuộc đời nhưng có tới 65 năm dành để học tập, giảng dạy, nghiên cứu chuyên ngành Nga học.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh là tại lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất nhà cách mạng Nguyễn Chánh-thân sinh của bà. Thế rồi, qua vài lần gặp gỡ, trò chuyện sau đó, chúng tôi biết thêm nhiều thông tin về bà, nhất là khi nghe bà Natalia Shafinskaya, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, dành những lời nhận xét đầy quý mến, trân trọng về bà.
“Với tôi, nước Nga trở thành quê hương thứ hai. Những điều tôi đã và đang làm là sự trả ơn nước Nga, nhân dân Nga. Nếu sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ cố gắng đóng góp hết sức vào sự nghiệp gìn giữ và phát triển việc dạy học tiếng Nga ở Việt Nam”, nói rồi PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh đưa chúng tôi ngược dòng hồi ức trở lại những ngày không thể quên của bà ở nước Nga...
PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: Tuyết Hoa |
Bà kể: “Tháng 10-1954, tàu liên vận Bắc Kinh-Moscow đưa chúng tôi-100 thiếu niên Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Bác Hồ giao-sang nước Nga học tập. Gần 10 ngày trên tàu xuyên qua hồ Baikal, chúng tôi đã kịp ngắm thiên nhiên và cả phố xá vào cuối thu. Ấn tượng này vẫn giữ mãi trong tâm trí tôi đến tận bây giờ về mùa thu muộn ở nước Nga là lúc giao mùa tôi yêu nhất.
Chúng tôi được đưa về ở trong một ngôi nhà nhỏ 3 tầng ở phố Korolenko, gần công viên Sokolniki, nơi đã có ông giám đốc và khoảng chục thầy cô giáo trẻ đang đón chờ. Chúng tôi được trông nom, chăm sóc như một “nhà trẻ tuổi 15, 16”. Một trăm học sinh Việt Nam được chia thành 10 lớp, học hai buổi một ngày. Buổi sáng được học kiến thức, còn buổi chiều nghe giảng về những kỹ năng thực hành tiếng Nga. Thời ấy, vì chưa có từ điển nên cách học của chúng tôi cũng rất đặc biệt. Giáo viên chỉ vào từng đồ vật và hỏi: "Đây là cái gì?" hoặc "Đây là ai?".
Chúng tôi sống theo nền nếp của một trường thiếu sinh quân: Đi ngủ, thức dậy, ăn cơm, học bài, đi chơi luôn đúng giờ và đều xếp hàng ngay ngắn. Hằng ngày, từ nhà ra công viên chúng tôi dắt nhau đi thành hàng, có cô giáo kèm hai bên. Các thầy, cô giáo là những người cha, người mẹ hết lòng thương yêu chúng tôi như con vì chúng tôi là con của nhiều chiến sĩ đang chiến đấu chống ngoại xâm ở Việt Nam. Thông thường, sau bữa tối có hai cô giáo ở lại trực, dạy chúng tôi những điệu nhảy cơ bản, như: Valse, tango. Hằng tuần, cứ đến tối thứ bảy, chúng tôi được đưa đến nhà hát xem ba lê hoặc nghe hát opera...
Thật không ngờ chỉ học với phương pháp “thô sơ” vậy mà khoảng 6-7 tháng sau, chúng tôi đã bắt đầu đọc được sách bằng tiếng Nga. Tôi nhớ quyển đầu tiên tôi đọc là “Không gia đình” của Hector Malot, sau đến “Ruồi trâu” của Ethel Lilian Voynich. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao thầy cô lại giới thiệu những cuốn sách này cho chúng tôi đọc. Đơn giản vì sách dịch bao giờ ngôn ngữ cũng dễ hiểu hơn, nội dung lại rất hấp dẫn, giúp người đọc dễ cảm nhận. Sau một năm rưỡi học tiếng Nga, 80 người trong chúng tôi được về nước đảm nhiệm công tác phiên dịch cho Bác Hồ và lãnh đạo cao cấp thuộc các ngành khác nhau; một số khác về công tác ở Bộ Ngoại giao, như: Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan; đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Hồ Huấn Nghiêm... Còn 20 người trong đó có tôi được giữ lại tiếp tục “vượt rào” vào đại học, bỏ qua cấp 3 (lớp 8, 9, 10). Năm đầu, nghe bài giảng của các giáo sư về những môn học như: Dẫn luận ngôn ngữ học, dẫn luận văn học, văn học dân gian Nga... quả thực chúng tôi "như vịt nghe sấm". Sau mỗi bài học tại hội trường với gần 200 người, chúng tôi mượn vở ghi chép của các bạn Nga về nhà đánh vần, tìm hiểu để nắm nội dung và chuẩn bị cho giờ thảo luận ở lớp. Khoảng 20 người được chia nhỏ ra từng khoa. Chúng tôi bao giờ cũng được phân vào mỗi lớp 2, 3 người. Ở ký túc xá, mỗi phòng 4 người thì có 3 người Nga, 1 người Việt. Vì vậy đã tạo ra môi trường học ngoại ngữ tuyệt vời. Đến kỳ thi, đề cương thường có 30 câu hỏi, chúng tôi chia thành các nhóm, chuẩn bị câu trả lời rồi trao đổi, ôn luyện với nhau nên ngay học kỳ đầu, tất cả hầu hết được điểm 4 và 5. Riêng môn chính tả thì chúng tôi bao giờ cũng đạt điểm cao hơn vì viết theo quy tắc chứ không phải do nghe thầy đọc như các bạn Nga...
Có một việc mà tôi nhớ mãi đến giờ, đó là lần các bạn sinh viên Nga đã "đấu tranh" cho một bạn Việt Nam. Khi biết kết quả thi, bạn Việt Nam này được điểm 3, tổ chức Đoàn thanh niên Komsomol kiến nghị với thầy. Tôi nhớ đại ý là: Thầy có biết các bạn ấy đã học thế nào không? Ngày nào cũng học ở thư viện đến 7, 8 giờ tối, về nhà đêm đọc sách, không có ngày nghỉ. Chủ nhật, các bạn tham gia lao động đào khoai tây, làm cỏ ngô, hái táo... ở các nông trường cùng chúng em, khiêm tốn học hỏi chúng em, lẽ nào chỉ xứng đáng được điểm 3? Chúng em đề nghị thầy cho bạn ấy thi lại... Được thầy đồng ý, họ cùng nhau giúp bạn Việt Nam ôn kỹ 30 câu hỏi và thi lại được điểm 4 (vì nguyên tắc thi lại không cho điểm 5). Tình bằng hữu của thanh niên Xô viết là vậy đấy!
Tôi nhớ cả những tình cảm chân thành và cảm động của cả những người không quen biết mà chúng tôi gặp. Bọn con gái chúng tôi hay mua rau quả ở chợ Nông Trường, bao giờ họ cũng bán rẻ hơn và còn cho thêm, vì quanh chúng tôi có các con mắt "dòm ngó" của các cụ già, luôn nhắc nhở: “Bọn trẻ là người Việt Nam đó! Nước chúng nó đang có chiến tranh, không được bán đắt cho chúng!”. Người bán hàng cũng vui vẻ: “Biết rồi, cụ ạ!”. Sự đùm bọc, chở che của những tấm lòng nhân hậu đó làm sao tôi có thể quên được!
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi lại được cử sang Nga hợp tác biên soạn giáo trình dạy tiếng Nga cho khoa ngữ văn ở các trường đại học Việt Nam. Mỗi năm đi 4 tháng vào dịp hè. Đến năm 1986, tôi lại được cử sang Nga hợp tác biên soạn Đại từ điển Việt-Nga. Đây là dự án hợp tác khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia giao cho hai Viện Ngôn ngữ học Nga và Việt Nam thực hiện. Lần này, tôi được cử đi với tư cách cộng tác viên khoa học và được đưa theo gia đình. Chủ trì công trình bên Nga là thầy tôi-Viện sĩ Vadim Mikhailovich Solsev, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học phía Việt Nam là Giáo sư Hoàng Tuệ, người thầy đặt nền móng cho phương hướng nghiên cứu khoa học của chuyên ngành nghiên cứu mà tôi theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua: Ngôn ngữ học đối chiếu Nga-Việt. Điều kiện làm việc hồi đó rất khó khăn, nhưng với sự đồng tâm nhất trí cao, sau 16 năm miệt mài làm việc, chúng tôi cũng hoàn thành bản sơ thảo Đại từ điển Việt-Nga. Đến năm 2002, quỹ tài trợ cho công trình về phía Nga đã hết, tôi về nước tiếp tục biên tập cùng Ban Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, sau đó là Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam theo tài trợ của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hằng năm có hai tác giả phía Nga sang một tháng cùng biên tập những trường hợp mà một phía không thể giải quyết được. Ba năm cuối (2009-2011), phía Việt Nam cử 2 chuyên gia tiếng Việt và 2 chuyên gia tiếng Nga sang Nga một tháng để cùng bạn biên soạn, hoàn thiện cuốn từ điển.
Tôi rất cảm động về sự quan tâm của các đồng nghiệp trong tập thể tác giả. Mỗi lần sang Nga, chúng tôi đều được bạn tiếp đón nồng nhiệt. Hôm chia tay, bà Komarova, Trưởng ban biên soạn Đại từ điển Việt-Nga (phía bạn), đã ôm tôi và khóc, rồi dúi vào tay tôi 50USD để mua quà vì bà sợ sẽ khó có lần gặp sau. Dĩ nhiên là tôi cũng không cầm được nước mắt, bịn rịn tiễn bà xuống cổng, bà vừa đi vừa ngoái lại nhìn còn tôi cũng nhìn theo cho đến khi bà đi khuất.
Những năm gần đây, tôi được gặp lại những cô giáo tiếng Nga đầu tiên của mình trong những chuyến sang Nga công tác. Các cô nay đã ngoài 90 tuổi, còn học trò 15 tuổi ngày nào giờ cũng sang tuổi 80. Thầy trò cùng hồi tưởng chuyện xưa. Thầy cô hết lòng yêu quý trò như con ruột của mình, còn trò vì trước đó không có điều kiện học nên ham muốn hiểu biết, say mê học tập, cố gắng để khỏi phụ lòng thầy. Có lẽ, bí quyết đầu tiên để chúng tôi trưởng thành chính là nhờ sự đùm bọc của cái nôi yêu thương ấy.
Năm 2017, vào cuối tháng 6, nhân dịp con gái tôi sang Nga công tác, vợ chồng tôi và cháu ngoại cùng sang, mục đích là chia tay với nước Nga, với hai cô giáo tiếng Nga đầu tiên của tôi và với các nhà Việt Nam học, cựu chiến binh của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga, là đồng tác giả của từ điển đều đã 94-95 tuổi. Chuyến đi thật mỹ mãn vì tôi đã gặp được những người cần gặp, đi đến những nơi tôi từng học, làm việc, đến ký túc xá sinh viên, nơi tôi từng sống nhiều năm khi học đại học và nghiên cứu sinh, quay về trường cũ, nơi bao năm miệt mài đèn sách, thăm Viện Ngôn ngữ học, nơi tôi đã 16 năm làm việc bên các đồng nghiệp Nga, đến ngôi nhà Viện Hàn lâm dành cho cộng tác viên nước ngoài ở để thực hiện những công trình hợp tác. Và điều tôi tâm nguyện nhất là được ra thăm mộ thầy Salchev, đốt nén tâm nhang tưởng nhớ đến thầy và báo cáo với thầy tôi đã dịch xong quyển sách về lý luận ngôn ngữ học “Ngôn ngữ là một tạo thể có tính hệ thống-cấu trúc”.
Những tưởng chuyến đi này là để tổng kết hơn 60 năm học tập, làm việc và sinh sống tại Nga và có lẽ cũng là chuyến thăm nước Nga cuối cùng của tôi. Ấy vậy mà sau chuyến đi, tôi gặp cô giám đốc trẻ của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, cô cứ tủm tỉm cười, nói: “Chắc gì đã là lần cuối bà đến nước Nga?”. Sau tôi mới biết, Đại sứ quán Nga ở Việt Nam đã đề xuất với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tặng thưởng Huy chương Pushkin cho tôi. Và đầu tháng 11-2017, một lần nữa tôi được trở lại quê hương thứ hai của mình, dự Lễ kỷ niệm ngày thống nhất các dân tộc Nga và vinh dự nhận Huy chương Pushkin tại Điện Kremlin do đích thân Tổng thống V. Putin trao tặng”.
PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh hiện là cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà nguyên là Phó chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo qdnd.vn
#người Việt #Liên Xô #nước Nga #cộng đồng #kỷ niệm
TIN LIÊN QUAN
Mức cắt giảm 700.000 thùng cao hơn 40% kế hoạch thu hẹp sản lượng mà Nga từng đề ra để đáp trả lệnh áp trần giá dầu của phương Tây.
08/04/2023
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga hai tháng đầu năm đạt hơn 205 triệu USD, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
26/03/2023
Thủ tướng Mikhail Mishustin cho hay kinh tế Nga đã "sống sót" và sẽ hoàn toàn thích nghi với các lệnh trừng phạt phương Tây vào năm sau.
25/03/2023
Nhà thờ thánh Basil hàng trăm năm tuổi ở Moskva sở hữu kiến trúc độc đáo với mái vòm củ hành và họa tiết trang trí rực rỡ.
19/03/2023
Ngân hàng trung ương Nga vừa ra thông báo cho hay, ngân hàng này sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức 7,5% lần thứ 4 liên tiếp, cho thấy khả năng tăng lãi suất trong trường hợp rủi ro lạm phát gia tăng.
19/03/2023
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đang "cắt đứt xương sống" của nền kinh tế Nga, nước này đang rất cần phát triển các thị trường mới cho các công ty dầu khí.
12/03/2023
Trong 10 tháng đầu năm tài khóa này, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Nga và Ấn Độ đạt mức kỷ lục 39,8 tỷ USD.
11/03/2023
Tổng tài sản ròng của những người giàu nhất nước Nga đã tăng 10,4 tỷ USD kể từ đầu năm bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với giới doanh nhân nước này.
08/03/2023
Tập đoàn vận chuyển và logistics A.P. Moller-Maersk chính thức chuyển nhượng quyền vận hành hai điểm logistics tại Nga cho công ty IG Finance Development.
08/03/2023
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 2,3% vào năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 tới thời điểm báo cáo.
08/03/2023