Ba mũi nhọn đưa Nga lặng lẽ trở lại châu Phi
Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng có ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đối với các quốc gia châu Phi.
Liên Xô đã hỗ trợ các phong trào đấu tranh đòi độc lập cả về vật chất lẫn tinh thần ở châu Phi khi các nước châu Phi muốn giải phóng khỏi ách thuộc địa của phương Tây.
Nga đã trợ giúp đào tạo và giáo dục cho nhiều nhà lãnh đạo châu Phi.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ mọi thứ đã thay đổi. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, mọi thứ lại đang thay đổi một lần nữa.
Tham vọng toàn cầu của Nga đã tăng lên, và chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới châu Phi vào đầu tháng 3 vừa qua đã cho thấy nỗ lực lấy lại ảnh hưởng của Nga.
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov (ngoài cùng bên trái) và Tổng thống Namibia Hage Geingob (giữa) |
Sự thay đổi rõ nét trong quan hệ của phương Tây với châu Phi (hiện đang tập trung chủ yếu vào vấn đề di cư và an ninh) là thời điểm tốt cho các quốc gia mới bên ngoài thể hiện dấu ấn. Ngoài Trung Quốc, Nga rõ ràng cũng là một bên hưởng lợi rõ rệt.
Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan tới sự kiện sáp nhập Crimea, Nga phải tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế.
Ở châu Phi, Nga có không gian để có thể xây dựng một khối quyền lực mới đôi bên cùng có lợi.
Việc Nga thúc đẩy sân chơi ngang bằng và tạo một sự cân bằng quyền lực hơn trong quan hệ quốc tế dường như đang hấp dẫn các nhà lãnh đạo châu Phi.
Hơn nữa, Nga không phụ thuộc vào khía cạnh hàng hóa, có nghĩa là quan hệ kinh tế của Moskva với châu Phi có điểm khác biệt khi so sánh với các đối thủ khác và điều này tạo cho Nga một lợi thế.
Phương thức thương mại và đầu tư của Nga ở châu Phi (không có điều kiện hoặc các tiêu chuẩn của phương Tây) cũng mở đường cho các tương tác kinh tế tại châu lục này.
Trên thực tế, thương mại và đầu tư giữa Nga và châu Phi đã chứng kiến sự tăng trưởng 185% trong giai đoạn từ 2005 đến 2015.
Ông Rex Tillerson trong chuyến thăm tới Ethiopia trên cương vị Ngoại trưởng ngày 7/3 |
Với các điều kiện chín muồi để tái gắn kết, cách tiếp cận của Nga trong ngắn hạn có thể là một sự kết hợp của quyền lực cứng và mềm.
Trong bối cảnh này, chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Lavrov, diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, là quan trọng.
Theo chuyên gia Alex Vines thuộc Chatham House, trọng tâm của hai chuyến thăm là khác nhau: “Chuyến thăm của Nga thực sự liên quan đến các ưu tiên thương mại và có một phần liên quan đến khía cạnh quốc phòng, trong khi đó, trọng tâm chuyến thăm của Mỹ hầu hết được đặt vào vấn đề hòa bình và an ninh”.
Những lợi ích năng lượng của Nga bao gồm dầu, khí và hạt nhân, với việc các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ở cả Bắc Phi và Nam Phi.
Ảnh hưởng an ninh của Nga được thể hiện qua việc Nga hiện diện đáng kể trong các đơn vị gìn giữ hòa bình, cung cấp vũ khí, cũng như thực hiện huấn luyện tại châu lục này.
Sức mạnh mềm của Nga được triển khai thông qua việc đưa ra những chính sách ngoại giao và hỗ trợ không lấy phương Tây làm trung tâm.
Cũng có ý kiến đánh giá điều này nhằm chọc giận các thành viên thường trực của HĐBA LHQ gồm Pháp, Anh và Mỹ.
Phát huy sở trường
Nga có ảnh hưởng quân sự rất đáng kể ở châu Phi, cả về số lượng binh lính trên thực địa lẫn các can thiệp quân sự ở các nước trong khu vực này. Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho châu Phi.
Nhiều quốc gia châu Phi trực tiếp tham gia “các cuộc diễn tập quân sự” do Nga tổ chức hoặc đóng vai trò quan sát.
Đáng chú ý hơn cả là việc Nga đóng góp nhiều binh lính cho các đơn vị gìn giữ hòa bình của LHQ. Binh lính gìn giữ hòa bình của Nga ở châu Phi lớn hơn tổng số binh lính của Pháp, Anh và Mỹ.
Binh sĩ Nga tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ |
Về mặt kinh tế, trọng tâm được đặt lên ngoại giao năng lượng. Các khoản đầu tư chủ chốt thuộc lĩnh vực dầu, khí và năng lượng hạt nhân với các "ông lớn" như Gazprom, Lukoil và Rosatom. Những công ty này có dự án đầu tư hoặc có những lợi ích ở Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Uganda và Angola.
Do hầu hết các tập đoàn lớn của Nga hoàn toàn hoặc một phần thuộc sở hữu của nhà nước nên phần lớn lợi ích kinh tế từ Nga ở châu Phi thuộc dạng các quan hệ đối tác công-tư. Các khoản đầu tư của Nga hầu hết là do nhà nước chủ trì và thường liên quan đến các lợi ích quân sự và ngoại giao.
Châu Phi được đánh giá có lợi ích chiến lược đối với Nga, bắt nguồn từ sự ủng hộ về mặt địa chính trị mà châu lục này đem lại, do các quốc gia châu Phi tạo thành khối bỏ phiếu về địa lý lớn nhất trong hàng loạt hiệp định ngoại giao, an ninh và kinh tế toàn cầu và đáng chú ý nhất là Hội đồng Bảo an LHQ. Sự ủng hộ của châu Phi là quan trọng đối với Nga khi nước này hy vọng khẳng định ưu thế và giá trị của mình trên toàn thế giới.
Mặc dù Moscow mất nhiều công cụ “sức mạnh mềm” sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, trong đó có việc không còn Ban châu Phi của Đài Phát thanh Moscow, nhưng Kênh truyền hình Russia Today vẫn tiếp tục đưa tin tích cực về châu Phi.
Việc Nga thành lập một cơ quan xếp hạng tín nhiệm thay thế vào năm 2015, nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của các cơ quan xếp hạng của phương Tây đối với khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển đến nguồn tài chính, đã nhận được sự đồng tình từ các nhà lãnh đạo châu Phi.
Vũ khí Nga được nhiều nước châu Phi ưa chuộng |
Những động thái mới đây của Nga, như miễn thị thực cho công dân Nam Phi và cấp học bổng cho các công dân từ các nước đang phát triển, tiếp tục là bằng chứng về sức mạnh mềm của nước này trên thực tế.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, khả năng của Nga ở châu Phi vẫn bị hạn chế. Nga thiếu sức mạnh tài chính và quy mô để tái hiện thành công của Liên Xô ở khu vực này, trong khi châu Á và châu Âu vẫn là những ưu tiên lớn hơn.
Giới phân tích châu Phi chỉ ra rằng “vị thế của Nga chưa thực sự thay đổi nhiều trong một vài năm trở lại đây, cụ thể là việc mặc cả cho sự ủng hộ của châu Phi trong các định chế đa phương để đổi lấy những lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ”.
Tuy vậy, thông qua ngoại giao năng lượng chiến lược, sức mạnh quân sự và quyền lực mềm, Nga sẽ dần gia tăng ảnh hưởng của mình ở châu Phi ở cấp độ tăng dần chứ không có sự đột biến.
Theo baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022