Học giả Nga: Đối sách với tham vọng mới của Bắc Kinh
Xin giới thiệu bài phân tích của Aleksandr Vasilievich Shlydov đăng trên tuần báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 23/3/2018 về thực trạng sức mạnh Quân đội Trung Quốc (PLA), các tham vọng của Bắc Kinh và những biện pháp cần thiết của Nga.
Mấy dòng ngắn về tác giả Aleksandr Vasilievich Shlydov: Phó tiến sỹ khoa học lịch sử, Giáo sư Viện Hàn lâm khoa học quân sự, Đại tá, Trưởng phòng biên tập Tạp chí “Các vấn đề Viễn Đông” (Nga). Vì bài quá dài nên chúng tôi có lược đi một số ý.
Các ảnh và chú thích đều là của tác giả.
Không lâu nữa,Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về công nghiệp chế tạo tăng . Ảnh: Trang chính thức của BQP Trung Quốc. |
“TRĂM HOA ĐUA NỞ”
Trong 15 năm trở lại đây- tức khoảng thời gian mà tiến trình hiện đại hóa tổ chức quân sự Trung Quốc được tiến hành ráo riết nhất, - Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc:
Đã xây dựng được tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh, đã tổ chức nghiên cứu và khai thác những công nghệ quân sự tiên tiến nhất đảm bảo thay đổi một cách căn bản diện mạo của PLA.
PLA đã từ một quân đội điển hình của Thế giới thứ ba trước đây trở thành một quân đội có những khả năng tác chiến ngang hàng với các cường quốc quân sự hàng đầu trên thế giới, còn nếu xét theo một số tiêu chí thậm chí còn giữ những vị trí dẫn đầu.
Bên cạnh đó còn một yếu tố nữa gây chú ý- đó là việc hiện đại hóa tổ chức quân sự của nước này được tiến hành đồng bộ, các bước đi đều được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.
Trước khi tái trang bị các loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại nhất cho PLA, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển các trường phái khoa học và thiết kế, lựa chọn và phân tích các thiết kế, công nghệ chế tạo và sản xuất vũ khí- trang bị kỹ thuật trên thế giới, trang bị cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng các loại máy móc, trang bị mới nhất.
Đồng thời, Trung Quốc cũng nghiên cứu học thuyết quân sự của các nước tiên tiến và áp dụng những ưu điểm của những học thuyết này trong xây dựng học thuyết quân sự riêng của mình, hoàn thiện hệ thống chỉ huy các lực lượng vũ trang và toàn bộ hệ thống tổ chức quân sự quốc gia.
Trong giai đoạn đầu (quá trình hiện đại hóa-ND), Bắc Kinh cắt giảm đáng kể Các lực lượng vũ trang, - những nguồn tài chính đáng kể tiết kiệm được nhờ sự cắt giảm này sử dụng để phát triển kinh tế, và chính sự phát triển kinh tế này đã có hiệu ứng lan tỏa trên tất cả các hướng quyết định sức mạnh đồng bộ của một quốc gia như chất lượng dân số, quy mô GDP, trình độ phát triển khoa học- kỹ thuật và giáo dục, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, ứng dụng trí thức và các công nghệ tiên tiến v.v.
Tất cả những thành tựu trên lại cho phép (Trung Quốc) mở rộng một cách có kế hoạch quy mô cải cách tổ chức quân sự, tăng chiều sâu cải cách, liên tục tăng cường ngân sách quân sự, tăng khối lượng cung cấp vũ khí- trang bị kỹ thuật mới cho Quân đội, nâng cao chất lượng quân đội.
Một chi tiết gây ấn tượng là việc thực hiện khẩu hiệu truyền thống Trung Quốc “ răm hoa đua nở”, trong thời gian đầu Trung Quốc chế tạo rất nhiều loại vũ khí- trang bị kỹ thuật nhưng chỉ sản xuất từng chủng loại với khối lượng hạn chế.
Sau khi được thử nghiệm tại các đơn vị, những mẫu tốt nhất được lựa chọn và chúng được sản xuất hàng loạt để đưa vào trang bị cho PLA.
Nếu tính về quy mô tiếp nhận đưa vào trang bị các mẫu vũ khí –trang bị kỹ thuật quân sự mới hoặc đã hiện đại hóa sâu thì PLA vượt trội bất kỳ một cường quốc quân sự tiên tiến nào, kể cả Mỹ và Nga.
Cần phải đặc biệt chú ý rằng việc cắt giảm tương đối đáng kể quân số của Lục quân PLA được thực hiện song song với hiện thực hóa chính sách tăng mạnh khả năng cơ động và khả năng tác chiến đồng thời vẫn xác định Lục quân là lực lượng có vai trò và ý nghĩa hàng đầu khi tiến hành các chiến dịch tại các chiến trường trên bộ.
PLA cũng đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh với thành phần chủ yếu được tuyển chọn từ các đơn vị đổ bộ đường không, lính thủy đánh bộ, các đơn vị kỵ binh đường không của đặc nhiệm.
Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ tăng cường tiềm lực tấn công của Lục quân. Nếu tính theo số lượng các xe tăng chủ lực và các xe chiến đấu bọc thép đang có trong trang bị của PLA thì Trung Quốc vượt bất kỳ nước nào trong khối NATO, kể cả Mỹ.
Xuất phát từ những khả năng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng (THCNQP) Trung Quốc, thì ngay trong tương lai gần nhất thì Trung Quốc cũng sẽ vượt Nga nếu xét cũng theo tiêu chí trên.
Về khả năng cơ động, sức mạnh hỏa lực và khả năng tự bảo vệ, các xe tăng chủ yếu và xe chiến đấu bọc thép của Trung Quốc không thua kém các mẫu tương tự tốt nhất của nước ngoài. Nếu tính theo tiêu chí số lượng và chất lượng pháo nòng và pháo phản lực, không lâu nữa Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nga.
Nhưng cũng cần phải thấy rằng các hệ thống pháo phản lực bắn dàn cỡ đạn lớn có trong trang bị của PLA có tầm bắn xa hơn các hệ thống này của Nga.
Bên cạnh đó, những mẫu pháo phản lực bắn dàn mới nhất của Trung Quốc được trang bị đạn pháo có điều khiển chính xác cao, và vì thế trên thực tế có thể xếp chúng vào lớp vũ khí chính xác cao.
Trung Quốc đã thiết kế và bắt đầu sản xuất ổn định các tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng gần tương đương với các hệ thống kiểu “Iskander” của Nga. Khối lượng các hệ thông như thế này trong Lục quân Trung Quốc đang ngày càng tăng.
Số lượng và và hiệu quả tác chiến của các phương tiện phòng không Lục quân PLA cũng không ngừng tăng. Không quân lục quân PLA đang trong tiến trình khắc phục những tụt hậu về số lượng và chất lượng.
VAI TRÒ NGÀY CÀNG TĂNG CỦA KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN
Giới lãnh đạo Trung Quốc xác định không quân sẽ giữ một vai trò chủ chốt trong các hoạt động tác chiến hiện đại, và không quân PLA cùng với các tổ hợp tên lửa chính xác cao mặt đất sẽ phương tiện tấn công chủ yếu trong các cuộc chiến tranh mạng tương lai.
Quân đội Trung Quốc đang được huấn luyện để tác chiến trong các điều kiện mùa đông. |
Cùng với đó, thành phần chủ chốt của lực lượng máy bay không quân PLA ngay trong tương lai gần sẽ là các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4 và các biến thể tiếp theo của chúng.
Nhiều khả năng các chuyên gia Trung Quốc trong vòng 3-4 năm nữa có thể copy được các máy bay tiêm kích Su-35 của Nga mới bán cho Trung Quốc.
Các máy bay tiêm kích thế hệ 5 do Trung Quốc tự thiết kế sẽ được đưa vào trang bị với một khối lượng hạn chế và có chức năng chủ yếu là gây tác động tâm lý, nhưng trong một số trường hợp cụ thể chúng có thể được sử dụng để đối phó với các mẫu máy bay tương tự của đối phương.
Tổng số lượng các máy bay thế hệ 4, 4+, 4++ của PLA hiện đã lớn hơn tổng số máy bay cùng loại của Không quân Nga và đảm bảo cho Không quân PLA khả năng chiếm ưu thế tuyệt đối trên không tại chiến trường Viễn Đông (chiến trường giả định Nga- Trung).
Trung Quốc vượt Nga tương đối xa về số lượng máy bay không người lái (UAV). PLA đã đưa vào trang bị các tổ hợp sử dụng UAV có khả năng giải quyết cả các nhiệm vụ trinh sát lẫn các nhiệm vụ tấn công.
Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong một khoảng thời gian tương đối ngắn đã thiết kế và bắt đầu sản xuất các mẫu tổ hợp tên lửa phòng không tương tự như S- 300 và các biến thể S-300 của Nga.
Trong thời gian tối đa 3-5 năm tới, người Trung Quốc có thể sao chép xong các tổ hợp tên lửa phòng không S-400E ( mà Nga mói bán cho Trung Quốc-ND) “Triumph” có khả năng bắn hạ cả các tên lửa đạn đạo tầm trung.
Trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh, Trung Quốc đã đuổi kịp Nga và Mỹ. Các tên lửa Trung Quốc có thể tiêu diệt các vật thể vũ trụ ở các quỹ đạo thấp và cả ở các quỹ đạo cao.
Trong Hải quân PLA, hiện số lượng các tàu chiến hiện đại được đưa vào trang bị đang tăng với một tốc độ chưa từng có. Nếu tính theo số lượng, Trung Quốc hiện đã giữ vị trí số một trên thế giới, không chỉ vượt Nga, mà còn vượt cả Mỹ.
Với tốc độ đóng các tàu chiến như hiện nay, Trung Quốc trong tương lai gần đã có thể vượt Mỹ ở tiêu chí tổng trọng tải, trở thành cường quốc quân sự biển lớn nhất thế giới hiện đại, có khả năng tiến hành các chiến dịch quy mô lớn ở bất cứ khu vực nào trên các đại dương.
Để đảm bảo cho hoạt động của Hải quân Trung Quốc , Thiên Triều hiện đã đang cho đóng các tàu đảm bảo đồng bộ lớn nhất trên thế giới, đang xây dựng mạng lưới tương đối rộng các căn cứ hải quân và các trung tâm đảm bảo vật chất- kỹ thuật với tên gọi trong các văn kiện liên quan của Trung Quốc là “Nhất xuyến Trân Châu” (Chuỗi Ngọc trai”).
Giới lãnh đạo quân sự- chính trị Trung Quốc giành sự ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ phát triển Bộ đội tên lửa PLA. PLA đang phát triển với một tốc độ tương đối nhanh cụm quân trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm chiến lược (tầm xa), đồng thời tích cực cải thiện tính năng kỹ- chiến thuật của các tên lửa này.
Một phần trong số các tên lửa đạn đạo các lớp nói trên mang khối tác chiến thông thường. Các công trình sư Trung Quốc đã lần đầu tiên trên thế giới chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chính xác cao tầm xa (1.500-2.000km) có chức năng tiêu diệt các tàu mang máy bay (tàu sân bay) và các cụm quân không quân tấn công (tên lửa Xô Viết tương tự là R-27K chỉ có tầm bắn 900km- “ Ban biên tập NVO”).
Trong tương lai gần, Trung Quốc đã có kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ chế tạo tên lửa chống hạm có tầm bắn 3.000km. Đầu tác chiến siêu thanh của nó có thể chọc thủng hệ thống phòng không hiện đại nhất.
Các phân đội lục quân PLA được trang bị các phương tiện chống tăng hiện đại nhất. Ảnh: Cổng thông tin chính thức của PLA
Các nhà lý luận quân sự Trung Quốc cho rằng việc sử dụng đồng bộ, theo một kế hoạch thống nhất cả Lục quân, Không quân, Hải quân và Bộ đội tên lửa (chủ yếu là tên lửa tầm trung và tầm gần trang bị đầu tác chiến thông thường) sẽ đem lại một hiệu ứng tác chiến đa chiều, cho phép đánh sập một hệ thống phòng thủ dù là mạnh nhất (của đối phương).
“RỐN TRÁI ĐẤT” VỚI CHIẾC DÙI CUI HẠT NHÂN
Hiện nay Trung Quốc không bố trí các cụm quân lớn tại các khu vực giáp biên giới với Nga.
Các quốc gia chúng ta (Nga- Trung) đang phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị trong khuôn khổ cái gọi là “đối tác chiến lược tin cậy”.
Trong nhiều vấn đề của thế giới hiện đại, Matxcova và Bắc Kinh có quan điểm gần gũi hoặc tương đồng, và điều đó đảm bảo cho hai bên khả năng hành động phối hợp với nhau trong việc thi hành chính sách đối ngoại.
Không nghi ngờ gì việc Nga cần phải tiếp tục làm tất cả để tiếp tục củng cố mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi với người hàng xóm này. Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, đã có mọi tiền đề cần thiết để làm việc đó.
Mặc dù vậy, giới lãnh đạo tối cao Nga cần phải luôn giữ trong đầu ý nghĩ thường trực rằng Trung Quốc bây giờ đã là một đối tác rất phức tạp, và cùng với việc (Trung Quốc) củng cố sức mạnh tổng hợp của mình, họ sẽ ngày càng cứng rắn hơn trong việc bảo vệ và tìm kiếm thêm các lợi ích cho mình. Và cần phải hiểu rất rõ những đặc điểm dân tộc trong tư duy chính trị của dân tộc Trung Hoa.
Từ chiều sâu lịch sử, Trung Quốc đã tự coi mình là trung tâm trong mối quan hệ với các nước chung biên giới và coi các nước cùng biên giới là các phiên thuộc của mình. Một thế giới quan như vậy đã được thể hiện rõ qua tên gọi trong chữ tượng hình của nước này- cái tên Trung Quốc có nghĩa là “Quốc gia trung tâm”- “Cái rốn của Đất”.
Người Trung Quốc, đặc biệt là các giới tinh hoa trong xã hôi, có một đặc điểm trong tư duy là làm gì cũng có mưu đồ, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị và quân sự.
Điều đó có nghĩa là- mọi hành động đều phải được thực hiện trong một chuyển động liên tục, tính kỹ cho từng giai đoạn và cho cả một thời kỳ dài cho đến khi đạt được mục tiêu chiến lược đã định trước.
Tính mưu đồ không chỉ thể hiện trong các học thuyết chính trị và các kế sách quân sự thời Trung cổ của Trung Quốc, mà còn thể hiện rõ cả trong những câu chuyện dân gian, các câu tục ngữ Trung Quốc.
Một số câu tục ngữ Trung Quốc như vậy cũng được biết tới tương đối rộng rãi tại Nga. Các phương tiện thông tin đại chúng Nga rất hay sử dụng một trong các câu đó:
“Đi chậm tiến xa” (dịch ý). Người Trung Quốc biết chờ đợi và lưu giữ mãi trong đầu những sự kiện trong quá khứ, - khi Trung Quốc bị các nước Phương Tây, trong đó có cả Nga, đàn áp và hạ nhục. Trung Quốc lập kế hoạch chiến lược không phải cho một số năm, thậm chí cho không phải cho nhiều thập kỷ, mà là cho hàng trăm năm về sau.
TỪ TÌNH HỮU NGHỊ ĐẾN LÒNG CĂM THÙ- CHỈ MỘT BƯỚC NGẮN
Vấn đề lãnh thổ giữa CHNDTH và Nga trên cấp độ chính thức được coi là đã giải quyết xong. Nhưng trên một số phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc, cũng như trong các công trình nghiên cứu khoa học, “bán” khoa học (khoa học giả hiệu) và thậm chí trong giới quân sự Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các cuộc tranh luận về sự bất hợp pháp và mang tính sỉ nhục đối với Trung Quốc của những hiệp ước phân định lãnh thổ với Nga trước đây .
Giới lãnh đạo quân sự- chính trị Thiên triều dành sự quan tâm đặc biệt cho nhiệm vụ phát triển Không quân lục quân. Ảnh từ Công thông tin chính thức của PLA |
Mặc dù quan hệ Trung-Nga đang phát triển dưới cái nhãn “đối tác chiến lược”, nhưng một bộ phận không hề nhỏ các chuyên gia Trung Quốc tiếp tục khẳng định là có tới 1,5 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc đã bị nước Nga Sa Hoàng chiếm đoạt trái phép và cách tiếp cận của Chính quyền Xô Viết đối với vấn đề lịch sử này là không công bằng.
Điều đó nói lên rằng những yêu sách lãnh thổ đối với nước ta (Nga) dù đang tạm thời được gác lại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng có thể sẽ lại được đưa ra vào bất kỳ lúc nào.
Liên quan đến vấn đề, cần phải nhớ rằng cách hiểu tiến trình thời gian của người Trung Quốc khác hẳn với cách nhìn nhận tiến trình thời gian của chúng ta. Nền văn minh Phương Tây mà chúng ta là một bộ phận coi tiến trình thời gian như một đường thẳng, và vì thế đã loại trừ khả năng lặp lại của các sự kiện.
Chúng ta cho rằng thời gian đi qua không trở lại và “không thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhưng người Trung Quốc coi dòng chảy thời gian như một chuyển động vòng tròn và trong tiến trình lịch sử sẽ có những sự kiện được lặp lại.
Có nghĩa là vòng tròn “tình hữu nghị vĩ đại” giữa Bắc Kinh và Matxcova (hiện này) chỉ là một trong những giai đoạn của vòng quay thời gian vĩnh cửu, và không loại trừ lại có những thời gian mà quan hệ Nga-Trung lại căng thẳng, thậm chí sẽ xảy ra xung đột vũ trang, như đã từng nhiều lần xảy ra trong lịch sử.
Ở đây, chỉ cần nhắc lại một thời kỳ mà “tình hữu nghị vĩ đại” đã kết thúc bằng xung đột vũ trang trên đảo Damanski và tại khu vực Zalanashkol tại Kazakhstan.
Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Nga luôn phải nhận thức rõ rằng không nên hiểu theo nghĩa đen phát biểu của Đặng Tiểu Bình về việc “Trung Quốc cần im lặng giấu mình” (“Giấu mình chờ thời”).
Khi còn công tác tại Trung Quốc, tác giả bài báo này (tức Shlydov) đã làm quen với một giáo sư Trường Đại học tổng hợp Bắc Kinh.
Trong một trong rất nhiều lần trò truyện tôi đặt cho vị này một câu hỏi: bàn chất thực sự trong phát biểu nói trên của cha đẻ những cải cách
Trung Quốc là gì? Vị giáo sư già đó, vì những lý do tế nhị nên tôi sẽ không nêu tên, đã trả lời câu hỏi đó như sau:
Đặng Tiểu Bình, vốn là người am hiểu rất sâu những ngạn ngữ, lịch sử Trung Quốc cổ đại, đã diễn đạt gần nguyên vẹn ý nghĩa của những sự kiện lịch sử đã xảy ra hàng nghìn năm trước đây, khi mà các vương quốc phong kiến tiến hành các cuộc chiến tranh liên miên chống lại nhau.
Một trong những vương quốc đó bị thất bại trước một nước láng giềng khác mạnh hơn và ông vua nước thua trận này dù phải hạ mình chịu nhiều sự nhục nhã nhưng đã làm tất cả, nín nhịn để không khiêu khích nước láng giềng mạnh đó.
Nước này (nước thua trận) bí mật tích lũy lực lượng, lương thảo và chờ thời điểm thuận lợi để báo thù và trừng phạt kẻ đã xúc phạm kia.
Nhiều năm sau, nước đã từng là người chiến thắng bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với một nước láng giềng khác nên đã bị suy yếu đáng kể. Và lợi dụng thời cơ đó, kẻ bại trận trước đó tấn công cựu thù và đã thành công, rửa được mối hận của mình.
TỰ MÌNH ĐỀ RA LUẬT CHƠI
Sức mạnh được tăng cường tới đâu, những tham vọng của Trung Quốc cũng lớn theo đến đó. Trung Quốc từng bước một bành trướng khu vực lợi ích quốc gia của mình. Khi đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, Trung Quốc sẽ mai phục chờ thời gian thuận lợi để tuyên bố về những lợi ích của mình từ vị thế sức mạnh đã tích lũy được.
Ngày 30/7/2017, tại một trong những trường bắn trên lãnh thổ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh bí mật nhân kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCS Trung Quốc và tại cuộc duyệt minh này, giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đã được tận mắt chứng kiến tất cả các mẫu vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự mới nhất của nước này.
Cuộc duyệt binh này do đích thân Chủ tịch CHNDTH, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quân sự Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.
Sau lễ duyệt binh, ông này đã có bài phát biểu trong đó có một ý nhấn mạnh là đất nước (Trung Quốc) chưa bao giờ cần phải có một quân đội mạnh như lúc này.
Tập Cận Bình cũng kêu gọi xây dựng PLA thành một sức mạnh quân sự tầm cỡ thế giới đồng thời tuyên bố rằng: “PLA có đủ khả năng chiến thắng bất kỳ đối thủ nào, có đủ năng lực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và những lợi ích phát triển của đất nước”.
Mặc dù cuộc duyệt binh trên được “xác định” là mật, nhưng các phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc lại đưa tin rộng rãi về sự kiện này và dĩ nhiên, cộng đồng thế giới có thể hiểu cách làm trên như là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng không chỉ bảo vệ mà còn mở rộng phạm vi lợi ích của mình ra quy mô toàn cầu, và để làm được điều đó, nước này cũng đã sẵn sàng sử dụng tất cả các phương tiện có thể, kể cả các phương tiện quân sự.
Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng tuyên bố trước chuyến thăm Bắc Kinh tháng 11/2013 của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (lúc đó):
“Đã đến lúc Trung Quốc trở thành một nước tự mình đề ra luật chơi (nguyên văn- các quy tắc), chứ không đơn giản là chỉ tuân thủ những quy tắc của kẻ khác”.
Ngoài ra, cũng cần phải tính đến một thực tế là sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh hạn chế sinh đẻ, dân số nước này sẽ tăng với tốc độ rất nhanh, và điều đó sẽ làm cho khả năng bành trướng dân số (di dân) của Trung Quốc trở thành một thực tế không thể tránh khỏ.
Nước Nga, một nước có biên giới rất dài với Trung Quốc, có thể sẽ trở thành đối tượng của cuộc bành trướng này. Như đã biết, người ta lấy những gì gần tay mình nhất. Vấn đề chỉ là ở chỗ, Trung Quốc ưu tiên chọn hình thức bành trướng dân số nào thôi.
Giới lãnh đạo chính trị Nga cần phải đặc biệt chú ý tới nhân tố Mỹ trong quan hệ Nga- Trung. Mỹ sẽ làm mọi cách để tách Trung Quốc khỏi Nga. Trong một giai đoạn nhất định nào đó Washington sẽ đề xuất với Bắc Kinh một số điều kiện có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc để cùng nhau phân chia ảnh hưởng trên thế giới, còn để đổi lại, Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chính sách thân thiện với Nga.
Cơ sở của một thỏa thuận như vậy đã được Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập tới trong chuyến thăm Trung Quốc vừa mới được nhắc tới ở trên- đó là Mỹ sẵn từ bỏ mô hình thế giới dơn cực và chuyển sang xây dựng một mô hình thế giới hai cực (Mỹ và Trung Quốc).
Như J. Fridman đã viết trong cuốn sách “ Một trăm năm tiếp theo (George Friedman- nhà chính trị học người Mỹ, nhà sáng lập và là giám đốc Tổ chức tình báo tư nhân Stratfort-ND): “Nếu như người Mỹ, người Châu Âu và người Trung Quốc cùng liên hiệp với nhau để tiêu diệt nước Nga, thì vấn đề Nga, cuối cùng, cũng đã được giải quyết”.
CÁC KẾT LUẬN ĐỐI VỚI NƯỚC NGA
Trên cơ sở phân tích những kết quả hiện đại hóa PLA, cán cân vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự tấn công và phòng thủ của PLA,các nghiên cứu về những học thuyết quân sự của Trung Quốc, tính chất các cuộc tập trận mà nước này đang tiến hành, - có thể rút ra kết luận về việc Trung Quốc xác định ai là đối thủ tiềm tàng của mình.
Dĩ nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đối thủ số một của Trung Quốc tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vẫn là Washington và các đồng minh của Mỹ. Nhưng cũng phải thấy rằng chính Mỹ đã một tác nhân buộc Trung Quốc phải xác định như vậy vì Mỹ cũng xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ.
Giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga khi lập các kế hoạch dài hạn phải tính tới những yếu tố liên quan trực tiếp tới những lợi ích có tầm quan trọng sống còn đối với dất nước chúng ta, mà trước hết – đó là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Thứ nhất, phải có đủ số lượng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm gần, tầm trung và tầm giữa (tạm dịch – tên lửa đận đạo tầm giữa là những tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 3.000 km đến 5.500 km-ND).
Trung Quốc có thể vịn cớ Nga có thể sử dụng chúng (các tên lửa đạn đạo nói trên) chống Trung Quốc để tiến hành một cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn chống Nga bằng vũ khí thống thường, và để hợp pháp hóa cuộc tấn công đó.
Trung Quốc có thể sẽ tìm cách lợi dụng các thông tin bịa đặt lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới cho rằng vì dường như Nga đang đàn áp và truy bức thiểu số người Hoa tại Nga nên (Trung Quốc) phải hành động để cứu họ. Trung Quốc đã từng sử dụng chiêu trò này để làm cớ tấn công Việt Nam trong năm 1979.
Thứ hai. Do Trung Quốc sở hữu một số lượng lớn các máy bay vận tải hạng nặng và siêu nặng, một mạng các tuyến đường sắt cao tốc phát triển, và do sử dụng các tuyến giao thông ngắn hơn nhiều so với Nga nên nước này có thể vượt trước Nga rất xa tính cả về thời gian và quy mô lực lượng (sau khi đã triển khai các cụm quân tấn công ở khu vực biên giới)
Vì thế sẽ có ưu thế hơn hắn so với những lực lượng (Quân đội) của chúng ta đang dóng quân tại Đông Sibiri và Viễn Đông cả về sinh lực lẫn vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự.
Bên cạnh đó, trên các hướng tấn công chủ yếu, Bộ tư lệnh tối cao PLA có thể tập trung các cụm quân tấn công mạnh với một số lượng lớn các xe tăng chủ lực và xe bọc thép để chọc thủng tuyến phòng ngự của bộ đội ta, sau đó nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Nga với nhiệm vụ chủ yếu là cắt đứt các tuyến đường sắt Baikal- Amur và Transsibir (xuyên Sibiri) - các tuyến giao thông quan trọng và rất tiếc- là duy nhất nối phần phía Tây với phần phía Đông của lãnh thổ Nga trước khi Bộ đội Nga hoàn thành công tác chuyển quân từ phía Tây sang phía Đông.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh Trung Quốc có thể tìm cách tổ chức các hoạt động biệt kích- phá hoại trên các tuyến đường Baikal- Amur và Transsibir (xuyên Sibiri) nói trên.
Thứ ba. Giới lãnh đạo quân sự Nga cần phải chú ý đến một thực tế là Trung Quốc, do có ưu thế nhiều lần so với Nga trên chiến trường về số lượng các máy bay chiến đấu hiện đại, sẽ tìm mọi cách để đảm bảo ưu thế tuyệt đối trên không cho Không quân của mình, và bằng cách đó góp phần đáng kể vào việc thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặt ra cho PLA.
Giới lãnh đạo chính trị- quân sự Nga cần áp dụng những biện pháp gì để vô hiệu hóa các mối đe dọa nói trên từ phía Trung Quốc?
Theo quan điểm của tác giả (tức Shlydov), điều kiện đầu tiên và chủ yếu trong bối cảnh hiện nay để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga trong các đường biên giới hiện tại là đẩy mạnh phát triển kinh tế các khu vực phía Đông đất nước và làm gia tăng dân số tại các khu vực này.
Thêm nữa, cần phải tập trung mọi nguồn lực hiện có để giải quyết ngay các nhiệm vụ trên trong một khoảng thời gian rất ngắn. Lịch sử chỉ dành cho chúng ta tối đa là 25 đến 30 năm để làm việc này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta cũng không được cho phép người Trung Quốc sinh sống tập trung đông trên lãnh thổ chúng ta và thành lập cái gọi là “những khu phố Tàu“ (“China Town”) và hơn nữa, lại càng tuyệt đối không bao giờ cho phép thành lập các khu (các vùng lãnh thổ) tự trị (người Hoa) trên đất Nga.
Chúng ta cũng cần phải tái lập một hệ thống đã bị phá nát trong những năm 90 (thế kỷ trước) – đó là hệ thống chuẩn bị nguồn lực động viên (huấn luyện quân dự bị động viên-ND) ở quy mô toàn quốc,và dĩ nhiên, cả trên vùng phía Đông nước Nga.
Chúng ta cần phải khẩn cấp tăng một cách đáng kể năng lực lưu thông hàng hóa của các tuyến đường sắt Baikal- Amur và tuyến xuyên Sibiri.
Một điểm nữa cần đặc biệt chú ý là phải phát triển mạnh không quân vận tải. Để tăng năng lực vận chuyển của không quân vận tải, nên khôi phục lại công nghiệp sản xuất các máy bay vận tải hạng nặng kiểu An-22 và An-124.
Tính tới các khả năng của các hoạt động biệt kích của đặc nhiệm PLA và hoạt động của không quân PLA, cần phải tăng cường lực lượng chống biệt kích và khả năng phòng không cho các tuyến đường sắt nói trên.
Cần phải mở rộng mạng lưới các sân bay trong chiều sâu lãnh thổ Sibiri và Vùng Viễn Đông để có thể phân tán lực lượng trên những sân bay đó không chỉ của các đơn vị không quân tại chỗ mà còn cả cho lực lượng không quân được điều từ phía Tây sang.
Trong chiều sâu của phía Đông đất nước cần phải thành lập một quỹ doanh trại đủ lớn và xây dựng tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị quân đội đến từ phía Tây nước Nga, cần xây thêm các sở chỉ huy kiên cố, các kho chứa vũ khí và trang bị kỹ thuật, đạn dược, quân trang quân dụng và lương thực.
Hiện nay, Nga đang rất cần phải bố sung khẩn cấp trên phần phía Đông lãnh thổ Nga một lực lượng phòng không/ phòng chống tên lửa đủ mạnh, bởi vì có nhiều khả năng là trong giai đoạn đầu chiến sự, PLA sẽ dụng nhiều máy bay không người lái và các máy bay cũ loại biên đã được cải hoán thành máy bay không người lái làm mồi nhử để giảm nhanh khả năng tác chiến của các phương tiện phòng không Nga (làm tiêu hao nhiều đạn pháo, tên lửa phòng không Nga-ND) .
Khi thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, giới lãnh đạo chính trị- quân sự Nga cần phải hiểu rất rõ ràng rằng vai trò quyết định trong việc đảm bảo phòng thủ vùng Sibiri và Viễn Đông nước Nga thuộc về vũ khí hạt nhân chiến thuật, và nếu thiếu nó, như chúng tôi hình dung, thì nhiệm vụ giữ được phần phía Đông của lãnh thổ Nga, nói một cách nhẹ nhàng, sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Theo Baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.
18/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022