Vietnews.ru
Tham khảo

Khoa học cơ bản và tương lai nước Nga

28/09/2010 (Đọc 15 phút)

Xem thêm:

Lời giới thiệu của người dịch: Một nền khoa học kỹ thuật tầm cỡ thế giới được xây dựng trong hơn 80 năm tồn tại của Liên bang Xô Viết hiện đang có nguy cơ suy tàn và tụt hậu nặng nề trong khung cảnh phát triển kinh tế thị trường tư bản tại nước Nga. Với một nỗi lo âu sâu sắc cho số phận của đất nước, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vật lý Nga, hơn 200 nhà khoa học Nga đang nghiên cứu và giảng dạy tại các Viện, Trường đại học trên khắp thế giới đã ký vào bức thư ngỏ dưới đây gửi tới lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước. Tháng 10/2009 Tổng thống LB Nga D.A. Medvedev đã khẳng định trên internet là được biết về nội dung thư ngỏ và lá thư đã được chuyển tới các cơ quan hữu quan để nghiên cứu xử lý. Tuy cách xa về khoảng cách địa lý cũng như trình độ phát triển khoa học, chúng tôi nhận thấy những vấn đề nêu lên trong bức thư này có không ít tương đồng với hiện trạng khoa học của Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn bộ nội dung bức thư ngỏ để cùng tham khảo.

Ngày 09 tháng 09 năm 2009
Đmitri Anatolievich và Vladimir Vladimirovich kính mến,

Chúng tôi nhận thức được nghĩa vụ của mình phải khuyến cáo lãnh đạo đất nước hướng sự chú ý tới tình trạng thảm họa hiện nay của khoa học cơ bản (KHCB) nước nhà. Sự thụt lùi của KHCB vẫn đang tiếp tục diễn ra, với tầm cỡ và mức độ nguy hiểm của quá trình này, đang không được đánh giá đúng mức. Mức độ đầu tư cho KHCB của Nga đang rất mâu thuẫn với chỉ số tương ứng ở các quốc gia phát triển. Một vấn đề rất nghiêm trọng đã và đang tiếp tục thách thức nước Nga là dòng chảy liên tục lưu lượng lớn các nhà khoa học Nga rời bỏ tổ quốc ra làm việc ở nước ngoài.

Khoa học cơ bản và tương lai nước Nga
Tổng Thống Nga Medvedev thăm Phòng Thí nghiệm Phản ứng Hạt nhân thuộc Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân, Tp. Đup na, Nga.

Trong nhiều thập kỷ phát triển của mình, Liên Xô đã xây dựng được một cơ sở khoa học kỹ thuật (KHKT) hùng mạnh, với những cơ cấu chắc chắn cho một quá trình phát triển KHKT bền vững, bao gồm cả việc đào tạo và xây dựng nhân lực kế cận. Chính cơ sở này đã là một “kết cấu” khoa học độc đáo của xã hội chúng ta, góp phần đảm bảo quá trình phát triển không ngừng của KHKT, sức mạnh quốc phòng hùng hậu của đất nước… và duy trì được nền độc lập của quốc gia.

Quá trình phân hủy hiện nay của kết cấu này chắc chắn sẽ đưa đến, trong thời gian sắp tới, sự ngắt quãng hoàn toàn của những kết nối truyền thống giữa các thế hệ các nhà khoa học Nga, làm mai một đi nền khoa học của Liên bang Nga một thời đứng trên tầm cỡ thế giới, kèm theo một sự mất mát tri thức sáng tạo đến những mức độ thảm họa nguy hiểm.

Trong số các vấn đề nhức nhối nhất của KHCB và giáo dục đào tạo, chúng tôi xin nhấn mạnh những điểm nóng sau:

Độ tụt dốc đáng kể của khoa học Nga khỏi một nền khoa học tầm cỡ thế giới.
Thiếu một kế hoạch chiến lược phát triển cùng những mục tiêu được đặt ra rõ ràng.
Chế độ đãi ngộ tài chính đối với các nhà khoa học đang tích cực làm nghiên cứu hoàn toàn không còn thích hợp và vì thế đưa tới sự sụp đổ nhanh chóng của uy tín ngành nghề khoa học và hiện trạng thiếu thốn nhân lực khoa học.
Sự xuống cấp nghiêm trọng của tiêu chí giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, cùng với chất lượng đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Những vấn đề trên đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách ở mức quốc gia trong việc xây dựng kế hoạch phát triển khoa học. Chúng tôi tin rằng một chương trình Quy hoạch Chiến lược Khoa học phải được điều hành trực tiếp bởi Tổng thống và/hoặc Thủ Tướng Chính phủ LB Nga, với mục đích có được càng sớm càng tốt một kế hoạch tổng thể để khôi phục sự ổn định và tiếp tục phát triển KHCB cũng như trình độ giảng dạy đào tạo khoa học tự nhiên ở nước Nga. Sự đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học xuất sắc đầu ngành, đại diện các Bộ trong Chính phủ, đại diện các ngành công nghiệp cũng như các chuyên gia quốc tế là tối cần thiết trong quá trình xây dựng kế hoạch tổng thể trên. Đây phải là một đội ngũ các cá nhân rất tích cực làm việc, tâm huyết hướng đến tương lai với tầm tư duy vĩ mô vì lợi ích quốc gia.

Sau đây là một số đề nghị cụ thể của chúng tôi cho kế hoạch chiến lược tổng thể phát triển KHCB ở Liên bang Nga:

• Điều chỉnh tăng đầu tư cho khoa học ở mức độ hợp lý đối với các nhiệm vụ, mục tiêu của đất nước cũng như đảm bảo những điều kiện lao động sáng tạo và mức sống của các nhà khoa học.

• Xác định được các hướng quan trọng nhất cho quá trình phát triển KHKT cùng những chương trình KHKT cụ thể làm chỉ số đặc trưng cho phát triển KHKT mà sẽ mang lại được cho đất nước những thành quả nền tảng tương tự như các chương trình công nghệ vũ trụ và hạt nhân của Liên Xô trước đây.

• Tích cực triển khai trên lãnh thổ Liên bang Nga những chương trình nghiên cứu KHKT lớn tầm cỡ thế giới. Mục đích chính của những dự án như vậy là góp phần đưa trọng tâm của nghiên cứu khoa học tiền tiến trở lại nước Nga. Việc này có ý nghĩa rất lớn, giúp động viên tinh thần cộng đồng cũng như thực sự đẩy mạnh phát triển khoa học và đồng thời là một chỉ số quan trọng của phát triển KHKT. Một khả năng độc đáo như vậy là việc thiết kế, xây dựng một máy gia tốc hạt cơ bản năng lượng cao thuộc thế hệ mới. Dự án này chắc chắn đòi hỏi phát triển nhiều dạng công nghệ hiện đại nhất mà sẽ có những tiềm năng ứng dụng rất lớn trong phát triển công nghiệp năng lượng, các công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu và nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng của những công nghệ hiện đại này trong thiết kế và xây dựng những lò phản ứng hạt nhân an toàn với hiệu năng cao. Như vậy, dự án sẽ góp phần đưa nước Nga vào vị trí tiên phong trong việc phát triển một nền kinh tế sản xuất có hàm lượng khoa học cao (lá thư trình bày một trong những phương án khả thi của dự án này đã được gửi đến Tổng thống và Chính phủ Liên bang Nga trong tháng 7 năm 2008).

• Đảm bảo sự tường minh tuyệt đối trong các nguồn tài chính của khoa học, theo chuẩn mức đạt được ở những chương trình nghiên cứu quốc tế lớn.

• Kiên quyết nâng cao mức độ hội nhập của khoa học Nga vào nền khoa học thế giới, tiến tới vị trí đi đầu của nước Nga trong nhiều dự án khoa học quốc tế quan trọng nhất. Nga tham gia tích cực vào thị trường lao động khoa học hàn lâm quốc tế: tạo mở các vị trí công việc hàn lâm ở mức quốc tế, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của các ứng cử viên ngoại quốc vào các chỗ làm này (bao gồm các vị trí tạm thời và biên chế vô thời hạn), đảm bảo điều kiện sống và làm việc hấp dẫn đối với những ứng cử viên trúng tuyển.

• Đưa các chuẩn mực quốc tế vào việc đánh giá lao động khoa học, xây dựng và củng cố cơ chế tài trợ độc lập các dư án khoa học.

• Thành lập một Viện Nghiên cứu Cao cấp (VNCCC) của nước Nga với sự tài trợ từ ngân sách nhà nước và tài chính tư nhân theo mẫu các viện tương tự ở Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản. Tạo mở trong VNCCC này các vị trí hàn lâm mời các nhà bác học trình độ cao nhất của Nga và thế giới đến làm việc trên cơ sở tuyển chọn cạnh tranh đúng theo các chuẩn mức quốc tế, khởi động các chương trình trao đổi, hợp tác khoa học quốc tế năng động.

• Xây dựng một chương trình thống nhất quốc gia tiến hành phổ biến và tuyên truyền tri thức khoa học đến học sinh phổ thông cùng các tầng lớp xã hội trong cả nước.

Chúng tôi tin rằng việc phải ngăn chặn ngay quá trình suy tàn của nền khoa học nước nhà, xây dựng cấp tốc và áp dụng ngay một mô hình mới cho phát triển KHKT phải là một trong các công việc ưu tiên nhất của lãnh đạo Liên bang Nga.

Chúng tôi, tất cả những người ký tên dưới đây, không có liên quan tới bất kỳ quan tâm chính trị, quyền lợi kinh tế của công ty tập đoàn nào trong nước Nga. Cùng chia sẻ một cảm súc – nỗi lo âu sâu sắc về số phận nước Nga, chúng tôi kêu gọi lãnh đạo quốc gia hãy có những bước đi kiên quyết để xử lý các vấn đề đặt ra trong thư này và chúng tôi luôn sẵn sàng dùng những kinh nghiệm, tri thức và sức mạnh hiểu biết của mình để cung cấp hỗ trợ chuyên môn trong các câu hỏi trên.

Kính thư,

Các tác giả của bức thư ngỏ (hơn 206 người) đồng ký tên.

Hai tháng sau khi nhận được bức thư ngỏ của trên 200 các nhà khoa học gửi tới lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước, Tổng thống D.A. Medvedev, Thủ tướng V.V. Putin và các lãnh đạo cao cấp khác của chính phủ Nga đã có phản hồi nhanh chóng và đưa ra những chính sách quan trọng về kế hoạch phát triển khoa học, kỹ thuật và giáo dục của đất nước trong những năm tới.

>>> Khoa học cơ bản và tương lai nước Nga

Sự tôn trọng, thực sự cầu thị

Ngày 09 tháng 09 năm 2009 bức thư ngỏ của các nhà khoa học Nga gửi đi, chỉ một tháng sau; ngày 7 tháng 10 năm 2010, Tổng thống Medvedev đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu các đề xuất trong bức thư ngỏ.


Phi thuyền không gian của Nga

Và sau đó là biến những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học Nga thành những chính sách và biện pháp phat triển khoa học và giáo dục. Các nội dung quan trọng đó cũng được đưa vào thông điệp của Tổng thống Medvedev đọc trước cuộc họp liên bang ngày 12/11/2009 và đưa vào báo cáo của Thủ tướng Putin đọc trong phiên họp toàn thể của đại hội lần thứ XI đảng cầm quyền đảng Nước Nga Thống nhất ngày 21/11/2009.

Từ bức thư ngỏ viết bởi các công dân trí thức Nga đến sự phản ứng nhanh chóng và có trách nhiệm của các nhà lãnh đạo cao nhất đất nước Nga, từ các kiến nghị của tập thể công dân đến những nội dung trong đường lối phát triển khoa học giáo dục đất nước, con đường đi đó chỉ hai tháng.

Hai tháng! Về mặt thời gian tính từ khi tiếp nhận đến lúc xử lý kiến nghị của công dân về những việc lớn của đất nước, đó quả là một kỷ lục, ở các nước dân chủ phát triển khác chúng tôi không rõ, nhưng ít nhất là ở Việt Nam ta. Về thái độ tôn trọng, tinh thần cầu thị thực sự của cấp lãnh đạo đối với công dân nước mình, điều này cũng đáng làm mọi người, mọi cấp ở ta suy nghĩ.

Ưu tiên hàng đầu: khoa học và giáo dục

Đây là một nội dung quan trọng nằm trong báo cáo của Thủ tướng V.V. Putin đọc trong phiên họp toàn thể của đại hội lần thứ XI đảng Nước Nga Thống nhất. Chính phủ Nga đã mạnh dạn đưa ra chủ trương và biện pháp cụ thể đầu tư xây dựng các trường đại học mới, trang bị hạ tầng cơ sở, các phòng thí nghiệm hiện đại, thu hút nguồn chất xám từ nước ngoài đề biến các trường này thực sự là các trung tâm nghiên cứu khoa học mới của đất nước.


Đại học Tổng hợp Maxcơva mang tên Lomonosov (Nga)

Sau đây là nguyên văn phần trích dịch báo cáo nói trên của Thủ tướng Putin (Người dịch: Đào Tiến Khoa). Ông Putin nói:

“Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng ta là khoa học và giáo dục.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc phải công nhận rằng nhiều trường đại học và trung tâm khoa học nổi tiếng của đất nước chúng ta hiện vẫn còn lạc hậu nhiều so với các cơ sở tiên phong trên thế giới về hạ tầng cơ sở và trang bị kỹ thuật. Những kết quả nghiên cứu đột phá cũng như sự hiện diện của các trang bị máy móc kỹ thuật hiện đại nhất vẫn chỉ là một vài trường hợp đặc biệt.

Chúng ta đã bắt đầu các công việc để hiện đại hóa lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH), bao gồm cả NCKH trong các trường đại học. Ở đây chúng ta cũng cần hướng tới sự hỗ trợ cũng như tập hợp được tất cả những tri thức sáng tạo tiền tiến nhất.

Trong những ngày qua, Chính phủ đã thông qua một chương trình trong thời gian 5 năm, thành lập 14 trường đại học chuyên sâu NCKH với tổng kinh phí gần 50 tỷ rúp (tỷ giá hiện nay 1 USD đổi được gần 30 rúp, ND). Trong đó ít nhất một nửa được chi từ ngân sách Liên bang.

Sau khi đánh giá những nguồn dự trữ đang có, chỉ cách đây 2-3 ngày chúng tôi đã đi đến kết luận là cần phải thực hiện tiếp một số bước bổ sung cho chương trình này. Vì vậy, tôi đề nghị là sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta chi bổ sung trong 3 năm tới thêm 90 tỷ rúp nữa để hỗ trợ các trường đại học đầu ngành của đất nước, tức là khoảng 30 tỷ rúp mỗi năm.

Những kinh phí này sẽ được chi để nâng cấp hạ tầng cơ sở NCKH cùng các phòng thí nghiệm đang có, chi cho các chương trình trao đổi khoa học để thu hút được sự tham gia giảng dạy và NCKH của các nhà khoa học đầu ngành, kể cả các nhà khoa học Nga đang làm việc ở nước ngoài. Đối với Bộ khoa học và giáo dục thì đây là một nhiệm vụ bổ sung: cần xây dựng được trình tự giải ngân cho chương trình này với sự lựa chọn thích đáng các cơ sở giáo dục đại học và NCKH tương ứng.

Kết quả là các trường đại học chuyên sâu NCKH như vậy sẽ phải đạt được các vị trí dẫn đầu theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng (ranking) giáo dục đại học và NCKH quốc tế và đồng thời trở thành những cơ sở mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống phát triển và đổi mới khoa học công nghệ quốc gia.

Chúng ta cũng sẽ tiếp tục các công việc tiến hành xây dựng những trung tâm NCKH hùng mạnh của đất nước có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế. Một trong những trung tâm như vậy đã được hình thành cách đây không lâu trên cơ sở Viện năng lượng nguyên tử Kurchatov. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để hỗ trợ phát triển trung tâm này với kinh phí 10 tỷ rúp trong 3 năm tới, để cho tất cả thấy rằng việc thành lập một trung tâm NCKH tiền tiến như vậy không chỉ đơn giản trên các thủ tục tổ chức hành chính mà còn thực sự được nhà nước hỗ trợ.”

Theo Vietnamnet


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.

Tham khảo,

28/04/2022

Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.

Tham khảo,

27/04/2022

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.

Tham khảo,

23/04/2022

Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.

Tham khảo,

19/04/2022

Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).

Tham khảo,

19/04/2022

Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.

Tham khảo,

17/04/2022

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".

Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.

Tham khảo,

14/04/2022

Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.

Tham khảo,

13/04/2022

Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.

Tham khảo,

12/04/2022

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022

©2022 - - All Rights Reserved. VietNews.ru