Re: Bí ẩn nước Nga - Bài 1: Không tin vào những giọt nước mắ
Với dân “phượt”, một khái niệm mới trong giới trẻ Việt Nam có hàm ý đi du lịch dân dã kiểu “Ta ba lô” thì Baikal là điểm đến trong mơ. Được coi là thiên đường hạ giới, hồ Baikal- theo giải thích của một pháp sư (saman) có bàn tay 6 ngón và khuôn mặt dường như là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn vốn ngồi hành nghề coi tướng số dưới chân tượng đài V.I. Lênin ở trung tâm thành phố Irkutsk - còn là nơi chọn “đăng ký hộ khẩu” của khá nhiều vị thần đủ mọi quốc tịch. Và nếu đúng như vậy thì hẳn các vị thần thánh linh thiêng cũng phải mỉm cười khi thấy sau 25 triệu năm hình thành, đến giờ hồ này vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, đẹp đến mê hoặc dù có hay không giọng ca của nàng tiên cá.
Đảo Olkhon ở hồ Baikal.
1. Người Nga thường gọi Baikal là “viên ngọc trai” và “mắt xanh” của Siberia. Còn người Buryat, một tộc người Mông Cổ, sống nhiều thế kỷ quanh hồ lại đặt cho nó cái tên “biển thiêng”. Thú thật, khi ngắm Baikal từ ven bờ hay từ bên trên những tảng đá cao chót vót, tôi thấy nó giống với đại dương thứ năm hơn là “hồ”, bởi đơn giản nếu gọi là hồ thì các loại hồ của chúng ta như hồ Tây, hồ Ba Bể,… chắc chỉ đáng gọi là cái ao làng hoặc cái “vuông tôm” không hơn không kém. Để thấy được sự độc nhất vô nhị của Baikal cần biết rằng đây là hồ nước ngọt cổ nhất, sâu nhất, lớn nhất, trong nhất, chiếm tới 20% tổng lượng nước ngọt không bị đóng băng quanh năm trên bề mặt Trái đất với nơi sâu nhất đo được ở mốc 1.637m.
Về diện tích, Baikal rộng đến mức ta có thể nhét trọn cả nước Bỉ hay Hà Lan bên trong làn nước trong như ngọc bích. Dĩ nhiên, sự phong phú và đa dạng của hệ động, thực vật thì khỏi phải nói: có tới 2/3 trong số 1.700 loại đang sống ở Baikal ta không thể tìm đâu ra trên Trái đất. Ở bảo tàng cạnh một ga xe lửa trên tuyến đường sắt cổ xuyên Siberia, người phụ nữ bán đồ lưu niệm thấy tôi chăm chú đọc một cuốn cẩm nang du lịch bày bán với giá 550 rúp (khoảng 25 USD) đã vồn vã giới thiệu một đặc sản của hồ Baikal là cá Golomianka.
“Chỉ có ở Baikal. Còn không có tên gọi tiếng La-tinh” - bà nói và cho biết thêm nếu ăn sống cá có mùi vị của mỡ heo muối (salo) nhưng thanh thoát và dễ chịu hơn. Thật ra, Golomianka không phải là loại cá ngư dân ở đây đánh bắt vì nhiều mỡ đến mức đem chiên xù trong chảo nó chỉ còn độc bộ xương sống. Điểm độc đáo nhất ở Golomianka là nó trong suốt, qua phần đuôi có thể nhìn rõ lục phủ ngũ tạng bên trong giống như ta đọc trang sách từ những chữ cái lớn và khác biệt với mọi loài cá khác, Golomianka không đẻ trứng mà đẻ thẳng ra cá con.
Tất nhiên ta không thể không nói đến hải cẩu Nerpa lừng danh Baikal. Là loài hải cẩu duy nhất sống trong môi trường nước ngọt, với số lượng ước khoảng 80.000 con, đến nay người ta còn tranh cãi không biết làm cách nào nó chui được vào Baikal. Đa phần các chuyên gia nghiêng về giả thuyết hải cẩu Nerpa vào Baikal từ Bắc cực qua ngả sông Enisei - Angara từ thời kỷ băng hà. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó là loài đặc hữu, là “thổ dân” sinh ra cùng với Baikal.
Và tuy quý và hiếm vậy nhưng Nerpa vẫn có thể bắt gặp… ở chợ Irkutsk trong hình hài những chiếc mũ lông che kín đầu trong cái lạnh cay nghiệt của mùa đông Siberia. Khi tôi hỏi làm sao mục kích được con hải cẩu Nerpa trong môi trường tự nhiên, các hướng dẫn viên du lịch nói rằng phải có giấy phép đặc biệt đến đảo Usannhi và dĩ nhiên cần rất nhiều tiền: Để tham quan khu bảo tồn trên đảo và chụp ảnh Nerpa, người ta lấy phí mỗi người 1.000 rúp (khoảng 35 USD). Thôi thì đành chọn một loài khác “phổ thông” hơn để làm quen và thưởng thức - loài cá Omyl, một đặc sản thực sự bày bán khắp trong và ngoài Irkutsk.
Buôn bán ven hồ Baikal.
Tại đảo Olkhon, đảo lớn nhất ở hồ Baikal (Baikal có cả thảy 26 đảo lớn, nhỏ) có diện tích 720km², một người Buryat hành nghề đánh cá cho tôi biết Omyl thuộc loại cá hồi trắng sống ở độ sâu 30 - 50m, đánh bắt bằng lưới. Một con cá Omyl sống đến 25 năm chỉ dài cỡ 20cm và cân nặng chưa tới 1kg - “nghĩa là 1 năm nó chỉ tăng trọng có vài chục gram” - ông lão đánh cá giải thích tại sao đi Baikal mà chưa ăn Omyl thì coi như chưa tới Baikal.
Tôi cũng đã thử ăn Omyl ở đủ thể dạng: ăn sống, ăn chiên, ăn cá muối, cá xông khói, cá hấp xửng và cảm giác là chưa cá nước ngọt nào ngon cỡ vậy, thậm chí người không ăn cá cũng sẽ không từ chối hương vị mê hoặc của đặc sản này. Ở Siberia, người ta có cách chế biến cá Omyl khá lạ: cá sau khi rửa qua bằng nước hồ lạnh, để ráo nước, bỏ ruột và mang cá, rồi chà xát muối bên trong đầu, thân và lườn cá, muối sử dụng phải là muối hột to bản vì nếu không độ mặn trong và ngoài sẽ không đều. Nếu muốn có loại xông khói lạnh thì công đoạn tiếp sau là đem phơi khô trong phòng có gió lùa trong khoảng 2 ngày. Làm đúng cách, bề mặt cá khô nhưng bên trong thịt còn tươi nguyên.
Còn muốn có loại cá Omyl xông khói nóng thì phải dùng gỗ táo hoặc anh đào còn nguyên vỏ, tuyệt đối không dùng gỗ bạch dương vì làm cá có vị chát. Nhưng tuyệt nhất có lẽ vẫn là món ukha (canh cá hay cá ám kiểu Nga nấu với cá Omyl tươi, chút gạo, khoai tây và hành tây) đun trên bếp lửa ngoài thiên nhiên hoang vắng. Tôi đã trải qua tâm trạng phấn khích đến khó quên khi thưởng thức món ukha này vào một buổi chiều tà bên bờ hồ Baikal với rừng thông xào xạc xen lẫn tiếng sóng vỗ ì oàm dội đến từ những khối đá và càng thấy da diết hơn khi bài ca “Biển vinh quang - Baikal thần thánh” cất vang.
2. Ở đảo Olkhon đã là ngày thứ hai. Đảo quạnh hiu với cái thị trấn nhỏ khoảng 1.500 người sinh sống. Từ ngôi nhà bằng gỗ thông trên đồi, tôi có thể thỏa thuê ngắm những con bò lười nhác gặm cỏ bên bờ hồ. Xa xa là những ghềnh đá dựng đứng. Và ngút ngàn rừng thông, rừng bạch dương chạy xa tít đến tận chân trời...Xưa kia khi đến Siberia, hình như đại văn hào Nga Chekhov từng viết rằng sức mạnh và sự quyến rũ của rừng taiga không phải ở những cây cao khổng lồ, không phải ở trong sự tĩnh mịch tột cùng mà là ở chỗ chỉ có những đàn chim bay ngang mới biết nơi cánh rừng kết thúc. Điều đó thật đúng với cảm xúc của tôi khi du ngoạn Baikal.
Đến đây ngày đầu tiên bạn sẽ thấy dửng dưng với mọi thứ, sang ngày thứ hai mới bùng lên cảm giác ngạc nhiên thú vị, còn những ngày tiếp theo thì chắc chắn bạn sẽ không muốn rời xa điều kỳ diệu mang tên Baikal. Đã chớm thu, lá cây bắt đầu ngả sang màu vàng. Tôi cùng một nhóm khách người Nga, Pháp, Thụy Điển leo lên chiếc xe Uaz đít vuông cổ lỗ sĩ đi tham quan đảo. Chiếc xe - nói như một du khách Nga - chắc là xuất xưởng từ thời cố Tổng Bí thư Brejnhev còn cắp sách đi học - không biết bằng phép lạ nào cũng nổ máy được.
Đường đi với 4 điểm tham quan dài chừng 30 cây số khá quanh co hiểm trở, giống với địa hình “một đèo, một đèo, lại một đèo” của vùng Tây Bắc khiến chúng tôi cứ nhảy dựng trong xe, đến nỗi bà khách đồ sộ ngồi phía trước nhắm tịt mắt, há hốc mồm khoe nửa hàm răng bịt vàng SJC sáng lòa cả xe. Bù lại, cảnh quan thật tuyệt với các mỏm đá cứng nhọn hoắt tạo đủ hình dáng mà đầu óc con người có thể hình dung ra. Mũi Khoboi (tiếng Buryat nghĩa là răng nanh) thì giống pho tượng phụ nữ bán thân trong kiến trúc Hy Lạp cổ mà theo truyền thuyết đó là một phụ nữ người Buryat do lòng tham và đố kỵ đã bị trời đày biến thành đá. Cách không xa là bãi đá tình yêu với hình hài một phụ nữ nằm ngửa co gập 2 chân.
Và tin hay không tin là tùy bạn nhưng người ta nói rằng nếu chưa có con thì hãy đi vào đây, sang khoảng chân bên trái sẽ thụ thai con gái, sang phải là con trai, còn đi vào “chính điện” thì rất tiếc sử sách không đề cập có trường hợp sinh đôi hay chỉ còn lại niềm vui sướng tột đỉnh?! Dù gì Baikal cũng ngập tràn giấc mơ thật và ảo, đến mức bạn phải đập tay vào đầu mới tin sự huyền bí là có thật. Ở đây, ảo ảnh là hiện tượng bình thường, xảy ra hàng ngày do sự khác biệt về nhiệt độ làm các tia sáng bị bẻ cong từ luồng không khí nóng sang luồng không khí lạnh hơn ở mặt nước.
Chính sự khúc xạ ánh sáng này đã tạo sự liên tưởng kỳ dị như hình ảnh một người đi xe đạp trong ráng chiều bỗng thoắt trở thành kẻ cưỡi trên chiếc máy bay Boeing, một chiếc thuyền bồng bềnh trên mặt hồ thì giống với con tàu Titanic đang nhả khói… Dường như mặt nước hồ phẳng lặng mất hút ở nơi nào đó xa, xa xa lắm... Và thứ lỗi cho tôi, sau 1 ly vodka “za zdorovie” (chúc sức khỏe), tôi lờ mờ nhận thấy các cô gái Nga dù đã tuyệt đẹp - nhưng nói như trong chuyện cổ tích - soi bóng mình dưới mặt nước lại thấy Baikal còn “muôn phần đẹp hơn”…
TIN LIÊN QUAN
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022