Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ có quyền và nghĩa vụ gì?
Việc Nga bị đình chỉ tư cách thành viên tại Hội đồng Nhân quyền đánh dấu lần đầu tiên 1 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Tại phiên họp đặc biệt ngày 7-4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Nghị quyết này được thông qua sau khi phương Tây cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ hàng trăm dân thường bị giết hại ở thị trấn Bucha, Ukraine. Tuy nhiên, Matxcơva bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định vụ Bucha bị dàn dựng.
Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 quốc gia thành viên được Đại hội đồng LHQ bầu vào với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên kéo dài 3 năm.
Theo báo New York Times, các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ chịu trách nhiệm xác định các vi phạm quyền con người trên toàn cầu và đưa ra các khuyến cáo liên quan. Nga đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hội đồng Nhân quyền cũng cho phép các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Trong thời gian bị đình chỉ tư cách thành viên, Nga không thể đề xuất và biểu quyết các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ vấn đề liên quan trực tiếp tới Nga, theo báo New York Times.
Việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga sẽ có hiệu lực cho tới khi Đại hội đồng LHQ quyết định dỡ bỏ hoặc cho đến cuối năm 2023, khi nhiệm kỳ thành viên của Nga kết thúc.
Phản ứng trước vụ việc này, Nga tuyên bố kết thúc sớm nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Ông Rolando Gomez, người phát ngôn của Hội đồng Nhân quyền LHQ, cho rằng Nga quyết định rời khỏi Hội đồng Nhân quyền là vì nước này muốn tránh bị tước tư cách quan sát viên tại cơ quan này.
Dù các quyết định của Hội đồng Nhân quyền không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng chúng gửi đi những thông điệp chính trị quan trọng.
Bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại LHQ, gọi việc thông qua nghị quyết là một "khoảnh khắc lịch sử" và "gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng sự đau khổ của các nạn nhân và người sống sót sẽ không bị lãng quên".
Dù nghị quyết nhận đến 93 phiếu thuận, nhưng cũng có đến 24 phiếu chống. Giải thích cho quyết định không ủng hộ nghị quyết, một số quốc gia lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Nga vi phạm tội ác chiến tranh vì quá trình điều tra vẫn đang diễn ra. Họ cho rằng việc thông qua nghị quyết sẽ làm giảm uy tín của Hội đồng Nhân quyền và LHQ.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ coi việc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết hoặc thậm chí bỏ phiếu trắng là những hành động "không thân thiện", gây ra hậu quả cho mối quan hệ giữa Matxcơva và các quốc gia đó. Tuy nhiên, Nga vẫn cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ nhân quyền.
Đây không phải lần đầu tiên một thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ bị đình chỉ tư cách. Trường hợp gần nhất trước Nga là Libya vào tháng 3-2011, do bị cáo buộc đàn áp người biểu tình dưới thời Tổng thống Gaddafi.
Tuy nhiên, trường hợp của Nga đánh dấu lần đầu tiên 1 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của LHQ.
Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga là nghị quyết thứ 3 liên quan xung đột Nga - Ukraine được Đại hội đồng LHQ thông qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2.
Trước đó, vào ngày 24-3, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết thứ hai, với nội dung kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Nghị quyết đầu tiên liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine đã được thông qua vào ngày 2-3, với nội dung kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Theo Tuoi Tre
TIN LIÊN QUAN
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022