Vietnews.ru
Thế giới

Phương Tây loay hoay tìm lối thoát cho 25 triệu tấn lương thực Ukraine

02/06/2022 (Đọc 10 phút)


Giới chức phương Tây vạch ra nhiều phương án để giải phóng lượng ngũ cốc khổng lồ bị mắc kẹt ở Ukraine, song đối mặt những thách thức rất lớn.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ukraine là một trong những "vựa lương thực" của thế giới, cung cấp 42% dầu hướng dương, 16% ngô và 9% bột mì cho thị trường toàn cầu. Nước này vận chuyển hầu hết nông sản qua cảng Odessa trên Biển Đen và cảng Azov ở thành phố Mariupol.

Tuy nhiên, chiến sự đã khiến cảng Azov bị tê liệt hoàn toàn, trong khi cảng Odessa bị Hạm đội Biển Đen của Nga phong tỏa. Hoạt động rải thủy lôi của cả Nga và Ukraine khiến các tàu hàng không thể ra vào khu cảng từng rất tấp nập này.

Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái đang mắc kẹt và có nguy cơ bị hỏng ở Ukraine khi cảng biển bị phong tỏa, khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Tình hình có thể nghiêm trọng hơn khi thêm 50 triệu tấn ngũ cốc dự kiến được Ukraine thu hoạch trong vụ mùa sắp tới. Các kho chứa ngũ cốc ở Ukraine đang nhanh chóng đầy lên và sớm muộn sẽ không còn chỗ chứa.

Nông dân Ukraine sắp phải gieo hạt vụ mùa thứ hai, khiến giải phóng số ngũ cốc mắc kẹt trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này với Kiev cũng như nhiều quốc gia phương Tây.

Ngũ cốc được trữ tại một trang trại ở ngoại ô thành phố Lviv, miền tây Ukraine. Ảnh: NY Times.
Ngũ cốc được trữ tại một trang trại ở ngoại ô thành phố Lviv, miền tây Ukraine. Ảnh: NY Times.

"Trước đây, chúng tôi chỉ quan tâm tới lợi nhuận", Andrii Holovanych, quản lý trang trại Zakhidinyi Buh ở miền tây Ukraine, gần thành phố Lviv, cho biết. "Nhưng giờ đây, tôi thực sự cảm thấy công việc chúng tôi làm tạo ra khác biệt, không chỉ cho Ukraine, không chỉ tạo ra của cải, mà còn vì an ninh lương thực trên thế giới".

Kiev cùng các đồng minh phương Tây đang cân nhắc nhiều phương án để đưa số ngũ cốc vô cùng quan trọng này ra khỏi Ukraine khi Biển Đen bị phong tỏa, như thông qua cảng Klaipeda ở Litva, chuyển bằng sà lan qua sông Danube, hoặc vận chuyển bằng xe tải và tàu hỏa qua Ba Lan và Romania.

Nhằm đưa lương thực nhanh chóng từ Ukraine đến các khu vực đang cần chúng nhất như Trung Đông hay châu Phi, tuyến vận chuyển qua Litva dường như khả thi hơn cả, dù đây cũng là một chặng đường dài, giới chuyên gia nhận định.

Cảng nước sâu Klaipeda của Litva trên bờ biển Baltic có các hầm chứa ngũ cốc lớn cùng tuyến đường sắt kết nối với Ukraine. Nó cũng tiếp nhận các tàu hàng lớn, giúp đưa ngũ cốc Ukraine đến Ai Cập, Yemen hay các quốc gia khác đang tuyệt vọng vì thiếu lương thực.

"Nạn đói đã cận kề và chúng tôi có mọi thứ cần thiết để đưa ra một giải pháp khắc phục hậu quả", Algis Latakis, giám đốc cảng vụ Klaipeda, nói, khẳng định cảng của ông có thể giúp thế giới ngăn chặn khủng hoảng lương thực bằng cách giải cứu những núi ngũ cốc khổng lồ đang mắc kẹt ở Ukraine.

Tuy nhiên, Latakis thừa nhận phương án này có một vấn đề lớn. Để chở được ngũ cốc Ukraine đến cảng Klaipeda, các đoàn tàu sẽ phải đi qua lãnh thổ Belarus, một đồng minh thân cận của Nga. Belarus nắm giữ các tuyến đường sắt giúp vận chuyển trực tiếp ngũ cốc từ Ukraine đến Klaipeda cũng như các cảng trên biển Baltic khác với chi phí rẻ nhất và thời gian nhanh nhất.

Bộ trưởng Giao thông Litva Marius Skuodis cho hay phương án vận chuyển ngũ cốc Ukraine bằng đường sắt qua ngả Belarus sẽ "giúp xoa dịu đáng kể tình hình", nhưng cũng đặt ra "những vấn đề nghiêm trọng".

Hợp tác cùng Belarus cũng đồng nghĩa phương Tây sẽ phải bắt tay với một đồng minh thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thực tế này làm bật lên tình thế khó xử của giới lãnh đạo phương Tây khi họ cố gắng ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ở ngay trước mặt.

"Đây là quyết định mà các chính trị gia cần đưa ra chứ không phải tôi", giám đốc cảng vụ Latakis nói. "Họ cần cân nhắc xem điều gì là quan trọng nhất".

Cảng Klaipeda ở Litva. Ảnh: NY Times.
Cảng Klaipeda ở Litva. Ảnh: NY Times.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tuyên bố rằng đảm bảo nhu cầu lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu của họ. Song ở hậu trường, đang có những cuộc tranh cãi quyết liệt về việc làm thể nào để thực hiện mục tiêu đó mà không phải thỏa hiệp với Nga hay Belarus.

Vấn đề lớn nhất trong số này là việc Tổng thống Aleksandr Lukashenko muốn EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với phân bón của Belarus. Minsk là một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, giúp mang về nguồn thu đáng kể cho nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/5 bác bỏ cáo buộc rằng Nga là nguyên nhân gây ra các vấn đề với nguồn cung lương thực cho thị trường toàn cầu, cho hay chính Ukraine đang "cản trở các chuyến tàu chở lương thực rời cảng" ở Biển Azov và Biển Đen.

Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón để đóng góp đáng kể vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực, với điều kiện "phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mang động cơ chính trị". Cả Ukraine và phương Tây đều bác bỏ khả năng dỡ lệnh trừng phạt với Nga.

Trước tình thế ngày càng tuyệt vọng trong nỗ lực giải phóng lượng ngũ cốc bị mắc kẹt, Ukraine đang dần cởi mở hơn với ý tưởng nới lỏng biện pháp trừng phạt nhắm vào phân bón Belarus. Tuy nhiên, phương Tây đến nay chưa đạt được thỏa thuận với Belarus trong vấn đề này.

Người Ukraine cũng tỏ ra hoài nghi về phương án vận chuyển ngũ cốc qua Litva. Torben Reelfs, đồng sở hữu trang trại Biorena ở ngoại ô Lviv, miền tây Ukraine, cho biết quá trình chuyển 25 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine bằng tàu hỏa đến Litva sẽ cần khoảng 400.000 toa tàu hàng.

"Nếu xếp chúng nối đuôi nhau thì nó sẽ dài 7.500 km, bằng khoảng cách từ New York đến Sao Paulo. Đây là điều không thể", ông nói.

Một phương án khác đang được cân nhắc là chuyển lương thực Ukraine qua ngả Ba Lan và Romania. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay các tuyến vận chuyển qua hai nước này "chỉ có thể giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực một cách hạn chế", bởi khối lượng lương thực cần giải phóng là rất lớn.

Theo ông, giải pháp tốt nhất là Nga dỡ phong tỏa cảng Odessa hoặc để các nước phương Tây cử tàu chiến hộ tống tàu chở ngũ cốc rời Ukraine. Song Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh "đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với rất nhiều rủi ro về an ninh".

Ông từ chối bình luận về phương án hợp tác với Belarus, nhưng nói rằng Ukraine "rất muốn xuất khẩu lương thực của mình càng sớm càng tốt, bằng bất cứ cách nào có thể".

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết ông đã đến London vào tuần trước để thuyết phục Anh điều tàu chiến đến Biển Đen, mở một hành lang an toàn cho các tàu chở ngũ cốc rời Ukraine. Tuy nhiên, Anh không phải hồi yêu cầu này.

Một chuyến tàu vận chuyển phân bón từ Belarus đến cảng Klaipeda ở Litva hồi tháng một. Ảnh: NY Times.
Một chuyến tàu vận chuyển phân bón từ Belarus đến cảng Klaipeda ở Litva hồi tháng một. Ảnh: NY Times.

Roman Slaston, người đứng đầu cơ quan vận động hành lang nông nghiệp chính của Ukraine, cho rằng trong tình cảnh bế tắc hiện nay, vận chuyển ngũ cốc bằng xe tải có thể là phương án khả thi. Mục tiêu của ông là chở 40.000 tấn ngũ cốc khỏi Ukraine mỗi ngày bằng xe tải, tức là cần khoảng 1.000 xe.

Nhưng phương án này cũng có những vấn đề riêng. Với việc hàng loạt sân bay, cảng biển bị đóng cửa, mọi hoạt động giao thương đều được thực hiện bằng đường bộ và các cửa khẩu biên giới Ukraine đã bị ùn tắc nhiều km.

Trong lúc đó, nông dân Ukraine đang phải dựa vào các biện pháp tình thế như mua thùng nhựa để bảo quản ngũ cốc.

Holovanych từ trang trại Zakhidinyi Buh cho biết giải pháp tạm thời như vậy khiến ông thất vọng. "Chúng tôi không trồng lương thực để dự trữ", ông nói. "Người dân ở châu Phi sẽ bị đói, còn ngũ cốc của chúng tôi chất đống trên các cánh đồng".

Theo: VnExpress https://vnexpress.net/phuong-tay-loay-hoay-tim-loi-thoat-cho-25-trieu-tan-luong-thuc-ukraine-4470934.html


Tags: Phương Tây, lương thực, Ukraine,
#Nga-Ukraine


TIN LIÊN QUAN

Giới chức phương Tây vạch ra nhiều phương án để giải phóng lượng ngũ cốc khổng lồ bị mắc kẹt ở Ukraine, song đối mặt những thách thức rất lớn.

Thế giới,

02/06/2022

EU mới đây đã công bố chiến lược cập nhật của mình về phát triển năng lượng mang tên REPowerEU với mục tiêu chính là phát triển nhanh chóng NLTT để loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt từ Nga.

Thế giới,

24/05/2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và Thống đốc bang Florida (Mỹ) Ron DeSantis có tên trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất” năm 2022 của tạp chí Time.

Thế giới,

24/05/2022

Washington được cho là sẽ chặn hoàn toàn việc Nga trả tiền cho chủ nợ Mỹ sau khi quy định miễn trừ hết hiệu lực tuần tới.

Thế giới,

18/05/2022

Đức đang đẩy mạnh nỗ lực đạt được các thỏa thuận với các nhà cung cấp dầu khác vì nước này có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022, ngay cả khi Liên minh châu Âu đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Bloomberg News trích dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên trong chính phủ Đức cho biết.

Thế giới,

17/05/2022

Moskva tuyên bố rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic, cáo buộc tổ chức này đang trở thành "công cụ của chính sách chống Nga".

Thế giới,

17/05/2022

Việc Nga ngừng cấp khí đốt cho Bulgaria đang khiến nhiều công ty nước này thấp thỏm vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng vọt.

Thế giới,

06/05/2022

Ủy ban châu Âu (EU) dự kiến loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga trong vòng từ 6-8 tháng, nhưng một số nước thành viên EU phản đối và đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga.

Thế giới,

05/05/2022

Các Bộ trưởng năng lượng EU nhóm họp ngày 2/5 nhằm tháo gỡ những khó khăn của khối về năng lượng. EU đang đứng trước những bài toán khó cả trước mắt và lâu dài vì các đòn trừng phạt giữa EU và Nga trong lĩnh vực năng lượng càng ngày càng gây “sát thương” lớn hơn đối với nền kinh tế.

Thế giới,

03/05/2022

Quan chức thân Nga tại tỉnh Kherson, lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát, cho biết khu vực này sẽ bắt đầu dùng đồng ruble của Nga từ ngày 1/5.

Thế giới,

28/04/2022

Mùa Hè vắng khách du lịch Nga

Các quốc gia như Thái Lan, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ được du khách Nga đặc biệt ưa chuộng. Những điểm đến này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người Nga không thể đi du lịch.

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

28.04.2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022