Vietnews.ru
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thấy "cơ" trong "nguy" từ khủng hoảng Nga – Ukraine

07/03/2022 (Đọc 13 phút)


Việc Nga bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và có thể chuyển hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nhận định này được Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội Nguyễn Duy Ninh chia sẻ tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, chiều 7/3.

DOANH NGHIỆP ĐANG Ở TÌNH THẾ “DÒ DẪM”

Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu may mặc sang Nga, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, đơn vị này đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ ảnh hưởng của cuộc xung đột này.  

Việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga. “Khoảng 1 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất nhưng chưa được thanh toán. Về vận tải, lô hàng đã đến Hà Lan cũng bị giam ở kho chưa thể chuyển sang Nga”, ông Ninh dẫn chứng.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm. Ảnh - Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm. Ảnh - Chu Xuân Khoa.

Cũng theo ông Ninh, ngoài các đơn hàng đã xuất đi, hiện doanh nghiệp này còn những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, khi chuyển sang thành phẩm tương đương với 100 container trị giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải đàm phán lại giữa hai bên, do hiện nay nền kinh tế Nga đang giảm nhu cầu tiêu thụ, người dân Nga cũng thắt lưng buộc bụng hơn.

Điều đó dẫn đến những lo ngại về việc các doanh nghiệp may bị mất đơn hàng là có thể xảy ra. “Dưới góc độ doanh nghiệp trực diện, chúng tôi hiện đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh nhất và đang loay hoay để giải quyết”, ông Ninh thừa nhận.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng xuất hiện nhiều khó khăn hơn. Ông Ninh nhận định, doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung đường dài hơn với những phương thức vận chuyển khác. “Trước đây dùng phương thức vận chuyển rẻ nhất, giờ có thể sắp phải vận chuyển bằng đường sắt hay hàng không, nhưng hai đường này hiện cũng rất vòng vèo. Quãng thời gian vận chuyển dài hơn sẽ có những rủi ro xảy ra, ví dụ chúng tôi có lô hàng kẹt ở Hà Lan đang lưu kho, thêm ngày nào mất tiền ngày đấy”, ông Ninh cho biết.

Ở tầm vĩ mô, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng, lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài lo lắng này, từ lạm phát thì ảnh hưởng trước hết là đến người lao động. Trên diện rộng, đây là những đối tượng bị phụ thuộc bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khi kinh tế giảm sút khiến thị trường của doanh nghiệp bị co hẹp lại, thì chi phí về lương, an sinh xã hội và các chế độ khác cho người lao động đương nhiên sẽ phải cân nhắc.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, đáng lo ngại hơn là chúng ta chưa thể đoán trước được tình hình cuộc xung đột giữa hai nước sẽ diễn biến theo hướng nào. Nếu các lệnh trừng phạt cấm không giao thương với Nga xảy ra, thì “kể cả doanh nghiệp có lạng lách hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác cũng không thể làm gì”. Điều này sẽ ảnh hưởng hai chiều đến cả doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga và ngược lại doanh nghiệp Nga đang đầu tư tại Việt Nam.

“Tất cả các dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga đều phải dừng lại, tính bất định này khiến doanh nghiệp Việt Nam – Nga hiện nay đang phải dò dẫm, ngày nào biết ngày đó, đây là thực tế”, ông Ninh thừa nhận.

TẬN DỤNG CƠ HỘI ĐỂ TIẾN SÂU VÀO THỊ TRƯỜNG NGA

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là không thể phủ nhận, song lãnh đạo Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng, nếu nhìn tích cực vẫn thấy nhiều cơ hội. Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nga chỉ chiếm khoảng 1%, trong khi hai nước đang mong muốn hợp tác phát triển chặt chẽ hơn, đây chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga. “Nga chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, chúng ta lại có mối quan hệ lịch sử với Nga thì phải tận dụng tốt cơ hội này”, ông Ninh nói.

Tuy nhiên, trở ngại lớn về vận tải là hiện chi phí logistic của Việt Nam cao, cần tái cơ cấu lại và phát triển hơn. Về du lịch, ông Ninh nhận định người Nga sẽ không dễ dàng du lịch sang Mỹ hoặc phương Tây, mà họ sẽ có nhu cầu đi du lịch các nơi khác, trong đó có Việt Nam.

“Để nắm bắt được các cơ hội đó, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước, và chính sách để hiện thực hóa, còn các vấn đề về thanh toán, vận chuyển, tỷ giá, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật để làm. Vấn đề ở đây là không chỉ chúng ta nhìn thấy cơ hội mà tất cả các nước châu Á cũng vậy, vì thế ai nhanh sẽ nhận trái ngọt nhiều hơn”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động vấn đề logistics, bởi Việt Nam là nền kinh tế có giao thương nhiều các nước trên thế giới, nhưng hệ thống logistics lại phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. “Là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi mong muốn phải chủ động hơn trong vấn đề này để không còn bị phụ thuộc, làm sao có những doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được cho chính chúng ta.

Về thể chế, cần có những cơ chế mạnh mẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển, chuyển đổi số, tận dụng cơ hội cách mạng 4.0 lẫn cơ hội thay đổi địa chính trị. Cuối cùng, không chỉ doanh nghiệp mà tất cả người dân đều muốn môi trường ổn định chính trị, an cư lạc nghiệp thì mới phát triển được kinh tế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.

Chuyên gia kinh tế nêu 4 việc doanh nghiệp cần làm ngay để ứng phó khủng hoảng Nga - Ukraine

Tại tọa đàm "Xung Đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều 7/3, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đã đưa ra 4 giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang tác động toàn diện tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Lực, trước hết doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua.

Thứ hai, phải đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Trên thế giới, doanh nghiệp Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã bắt đầu đi theo hướng này.

"Ví dụ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nga vừa qua đã chuyển sang thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ để tránh tác động và rủi ro", ông Lực cho biết.

Thứ ba, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh.

"Hiện có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng hàng hóa của họ đang bị ách tắc ngoài biển. Do đó, bây giờ chính là lúc phải suy nghĩ thêm xem có đường vòng hay kênh thay thế nào không nhằm giải tỏa ách tắc và tránh hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy hải sản", ông nói.

Nhà kinh tế trưởng của BIDV cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại toạ đàm chiều ngày 7/3/2022 - Ảnh: Chu Xuân Khoa

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại toạ đàm chiều ngày 7/3/2022 - Ảnh: Chu Xuân Khoa

Cũng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, trước hết là vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương.

"Trên thực tế, Việt Nam và Nga đã thiết lập kênh thanh toán song phương khi Moscow bắt đầu bị cấm vận năm 2014. Kênh này thời gian qua chưa hoạt động mạnh mẽ thì nay phải làm quyết liệt hơn. Về thay đổi đồng tiền thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm vào cuộc để xem xét nếu cần", ông Lực nói.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá.

"Hiện tại, ở các tổ chức tín dụng đều có các công cụ phòng ngừa rủi ro qua công cụ phái sinh. Đây là điều doanh nghiệp có thể nghiên cứu triển khai thơi gian tới", ông khuyến nghị.

Một điểm nữa là các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có phương án đa dạng hóa các phương thức dữ trự, bao gồm dự trữ ngoại hối. Song song với đó, ông Lực nhấn mạnh rằng cần tiếp tục thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được thông qua.

Chính phủ cần nghiên cứu lồng ghép các giải pháp ở trên vào chương trình phục hồi, phối hợp chính sách thật tốt để vừa thúc đẩy phục hồi, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa kiểm soát lạm phát.

"Tôi cũng xin đề xuất một điểm quan trọng nữa liên quan tới việc bảo hộ công dân. Khi Việt Nam chứng kiến làn sóng hồi hương của kiều bào Iraq năm 1993, BIDV đã được phép phát tiền hồi hương cho họ. Tới đây, ta phải xem xét có đưa ra gói cứu trợ nào không, nếu có thì thực hiện như thế nào. Thời gian tới, tôi dự báo có thể có vài chục nghìn kiều bào từ Ukraine, Belarus hồi hương", ông Lực chia sẻ tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ thì mới đảm bảo các chương trình, cơ chế chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và quyết liệt.

Trong trung và dài hạn, chuyên gia kinh tế này đề xuất cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh bất định; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ.

"Cần ổn định môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô, vừa để an lòng dân, doanh nghiệp vừa để thu hút đầu tư", TS. Cấn Văn lực đề xuất.

Tại tọa đàm, bên cạnh những tác động tiêu cực, các diễn giả cũng phân tích những cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine như tiến sâu hơn vào thị trường Nga, thúc đẩy hút du khách Nga, đa dạng hóa kênh thanh toán...

Nga và Ukraine là hai đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, còn Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Theo vneconomy.vn


Tags: Doanh nghiệp thấy "cơ" trong "nguy" từ khủng hoảng Nga – Ukraine
#Nga-Ukraine #Nga- Việt Nam


TIN LIÊN QUAN

Vĩnh Hoàn và Sao Ta có kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ nhu cầu phục hồi và hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine.

Booking Holdings Inc đã nộp khoản phạt 1,3 tỷ ruble (16,66 triệu USD) cho nước này do vi phạm luật chống độc quyền.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố hôm 7-4, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 3 giảm sâu, chỉ đạt 46,9 triệu USD, bằng 14% và 26% so với tháng 1 và 2.

Thông báo của ông lớn dầu mỏ Shell cho thấy những tác động tài chính đối với các nhà khai thác dầu phương Tây sau khi rút khỏi Nga.

Exxon Mobil Corp. dự kiến ​​sẽ thu về 4 tỷ USD cho việc phát triển dầu Sakhalin-1 ở Nga khi công ty cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng sau cuộc tiến quân vào Ukraine.

Nhà sản xuất tuabin điện gió Đan Mạch Vestas, giống như các công ty phương Tây khác trước đó, đã thông báo vào hôm thứ Ba rằng họ sẽ rút khỏi Nga, nơi họ có hai nhà máy, do cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Công ty sản xuất chip của Mỹ Intel Corp ngày 5/4 đã đình chỉ hoạt động kinh doanh ở Nga, trở thành công ty công nghệ phương Tây mới nhất rút khỏi Moskva sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tập đoàn năng lượng ExxonMobil (Mỹ) đã ngừng việc xây dựng nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở vùng Viễn Đông của Nga, trong thời gian nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nga lao dốc sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng đó là lúc David Amaryan mua vào.

Cuộc xung đột Nga và Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, xăng dầu dẫn đến chi phí logicstic tăng cao...

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022