Báo Nga: Mỹ tăng 43% nhập khẩu dầu từ Nga, 100.000 thùng mỗi ngày
Phó thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Mikhail Popov cho biết Mỹ đã tăng lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga tới 43% trong tuần qua, lên mức 100.000 thùng/ngày.
Trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda của Nga ngày 3-4, Phó thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Mikhail Popov cho biết: "Mỹ đã buộc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga nhưng Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga và còn tăng 43% lượng dầu nhập trong tuần qua, lên mức 100.000 thùng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Washington đã cho phép các công ty Mỹ nhập khẩu phân bón từ Nga, công nhận đây là mặt hàng thiết yếu".
Theo ông Popov, trong khi đó, Mỹ lại không muốn các nước châu Âu thực hiện chính sách tương tự Washington. Quan chức Nga này cho rằng sẽ có nhiều diễn biến "bất ngờ" khác từ phía Mỹ.
Tuyên bố của ông Popov gây nhiều sự chú ý vì trước đó, vào ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hiện phía Mỹ chưa bình luận về những thông tin do ông Popov cung cấp.
Slovakia ngỏ ý trả khí đốt Nga bằng rúp
Slovakia, nước phụ thuộc tới 85% khí đốt nhập khẩu từ Nga, trở thành nước EU đầu tiên tuyên bố sẵn sàng trả bằng đồng rúp "nếu có điều kiện" dù nước này ủng hộ lập trường chung của Liên minh châu Âu (EU) là chỉ trả bằng euro hoặc USD.
"Nếu có điều kiện trả bằng rúp, chúng tôi sẽ trả bằng loại tiền đó", Hãng tin Reuters trích lời Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik trong một chương trình của Đài RTVS ngày 3-4.
Nga đã yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Nhóm các quốc gia này gồm chủ yếu là những nước châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt Nga bất chấp việc phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Hôm 1-4, Ủy ban châu Âu tuyên bố các công ty châu Âu có hợp đồng quy định thanh toán bằng đồng euro hoặc đôla sẽ không đáp ứng yêu cầu của Nga.
Đáp lại cùng ngày, Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ không cung cấp miễn phí và nhắc châu Âu hạn thanh toán bằng đồng rúp sẽ đến vào giữa tháng 4 và đầu tháng 5.
Trong chương trình ngày 3-4, Bộ trưởng Sulik thừa nhận sự phụ thuộc của Slovakia vào nguồn cung năng lượng từ Nga và nhấn mạnh các đường ống dẫn khí đốt "không thể bị tắc nghẽn".
Ông khẳng định nước này vẫn ủng hộ lập trường chung của EU là chỉ trả bằng euro hoặc USD. Công ty khí đốt nhà nước SPP của Slovakia đã thanh toán tiền tháng 3 bằng đồng rúp theo đúng những gì ghi trong hợp đồng với Nga.
Tuy nhiên theo ông, nước này không thể không có khí đốt và chỉ còn 6 tuần để tìm cách trước khi khoản thanh toán tiếp theo cho Nga đến hạn ngày 20-5.
Ngày 3-4, Công ty khí đốt Latvijas Gaze của Latvia cho biết sẽ "nghiên cứu" việc thanh toán bằng đồng rúp và tin rằng điều này sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU, theo Hãng thông tấn Tass.
Tâm lý lo lắng thiếu khí đốt luôn xuất hiện tại châu Âu vào mùa đông, thời điểm nhu cầu tăng cao khi các doanh nghiệp và hộ gia đình cần nhiều khí đốt để sưởi ấm và sản xuất.
Theo Tuoi Tre
#xuất nhập khẩu #Nga-Mỹ #dầu khí Nga
TIN LIÊN QUAN
Ủy ban châu Âu cho rằng các công ty có thể mở tài khoản thanh toán khí đốt Nga bằng ruble và điều này không vi phạm lệnh cấm vận.
24/04/2022
Các nhà kinh doanh và sản xuất đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật sư để tiếp tục mua món hàng này từ Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
23/04/2022
Trong một thông báo ngày 22/4, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga để xuất, theo đó thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moskva. Mặc dù vậy, hiện chưa rõ quy trình này sẽ được thực hiện như thế nào.
22/04/2022
Bộ Tài chính Vương quốc Anh ngày 22/4 thông báo cho phép thanh toán tiền mua khí đốt của Nga thông qua ngân hàng Gazprombank đến ngày 31/5. Động thái này nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho EU.
22/04/2022
Ngày 22/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có bất cứ thay đổi nào về thời gian biểu của Nga yêu cầu các công ty nước ngoài thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
22/04/2022
Xuất hiện một “thị trường mờ” nhằm che giấu nguồn gốc dầu thô từ Nga, khi ngày càng có nhiều tàu chở dầu xuất bến từ Nga mà không có điểm đến chính xác.
22/04/2022
Nga ngày 21/4 cho biết, dự định sẽ phát hành đồng ruble kỹ thuật số có thể thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế vào năm tới.
22/04/2022
Ngày 20/4, Bộ Kinh Tế Nga cho biết lạm phát năm của nước này đã tăng cao đến mức 17,62% tính đến ngày 15/4, cao nhất từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó.
21/04/2022
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết sẽ không tiết lộ danh tính các công ty sử dụng Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
21/04/2022
Hồi đầu tháng Szijjarto cho biết Hungary phản đối lệnh cấm vận nguồn cung năng lượng từ Nga.
20/04/2022