Bài phát biểu giảm tông với phương Tây của ông Putin
Trái với dự đoán, ông Putin không tuyên chiến với Ukraine hay leo thang với phương Tây trong diễn văn Ngày Chiến thắng, mà đưa ra thông điệp trấn an người Nga.
Giới lãnh đạo và quan chức quốc phòng phương Tây đã dành nhiều tuần suy đoán những gì Tổng thống Vladimir Putin có thể tiết lộ về bước đi mới trong chiến dịch quân sự tại Ukraine khi ông có bài phát biểu quan trọng tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 ở Quảng trường Đỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 3/5 dự đoán ông Putin có thể "tuyên chiến" với Ukraine trong bài phát biểu này nhằm leo thang chiến dịch quân sự đặc biệt. Một số quan chức phương Tây thì nhận định Tổng thống Nga sẽ tuyên bố một thắng lợi quan trọng nào đó của chiến dịch để tạo cơ sở rút quân.
Tuy nhiên, trong phát biểu rất được trông đợi của mình tại Quảng trường Đỏ, ông chủ Điện Kremlin đã không tuyên bố chiến thắng hay "nhiệm vụ hoàn thành", cũng không hứa hẹn rằng chiến dịch ở Ukraine có thể kết thúc sớm. Trái với mọi dự báo của phương Tây, ông không ban bố lệnh tổng động viên, không cảnh báo về đòn tấn công hạt nhân, cũng không đề cập đến cuộc đối đầu khốc liệt với phương Tây.
Thay vào đó, ông chỉ đề cập đến "mối đe dọa tân phát xít" ở Ukraine, tái khẳng định chiến dịch quân sự ở nước này là nhằm mục đích "phi phát xít hóa". Tổng thống Putin khẳng định quân đội Nga sẽ tiếp tục chiến dịch ở Ukraine, nhưng không cho thấy bất kỳ nỗ lực nào để chuẩn bị cho người dân về một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Thông báo chính sách duy nhất mà ông đưa ra trong bài phát biểu là một sắc lệnh vừa được ông ký để hỗ trợ con em của những người lính thương vong trong chiến sự.
Anton Troianovski, bình luận viên kỳ cựu về chính trị Nga của NY Times, cho rằng thông điệp trấn an mà ông Putin đưa ra trong diễn văn này là người Nga có thể tiếp tục cuộc sống của họ và Điện Kremlin sẽ không khiến chiến sự ở Ukraine vượt tầm kiểm soát.
"Ông ấy biết rõ cái gì có thể và không thể", Gleb Pavlovsky, người từng là cố vấn thân cận của ông Putin, giải thích lý do Tổng thống Nga không ban bố lệnh tổng động viên như dự đoán của phương Tây.
Diễn văn của Tổng thống Nga hôm 9/5 cũng được cho là giảm tông hơn nhiều so với những tuyên bố quyết liệt nhắm vào phương Tây mà ông từng đưa ra trong những dịp khác kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Khi đề cập đến mối đe dọa từ lực lượng NATO ở châu Âu, ông Putin nói: "Mọi việc đều cho thấy cuộc đụng độ với những kẻ tân phát xít, những phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine, vốn được Mỹ và những đối tác của họ trông cậy, là không thể tránh khỏi".
"Mối nguy hiểm tăng lên từng ngày. Nga đã đẩy lùi hành động ngang ngược đó bằng phương án phủ đầu. Đó là quyết định duy nhất đúng, và là động thái kịp thời", ông nói. "Quyết định của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và hùng mạnh".
Tuyên bố này không mới, cũng không gay gắt như những phát biểu trước đây, khi ông từng cảnh báo về "lằn ranh đỏ" trong quan hệ của phương Tây với Nga. Cuối tháng trước, ông cảnh báo các quốc gia "tạo ra mối đe dọa chiến lược với Nga" rằng họ có thể phải hứng chịu các cuộc tấn công trả đũa "nhanh như chớp".
Cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay vẫn tập trung vào những điều quen thuộc, như các đội hình quân nhân và khí tài như mọi năm. Màn biểu diễn trên không, với đội hình tiêm kích hình chữ "Z" mang tính biểu tượng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã bị hủy vào phút chót. Điện Kremlin giải thích rằng đội hình không quân không biểu diễn vì lý do thời tiết xấu.
Dàn quân nhân, khí tài tại Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ ngày 9/5. Video: Zvezda.
Một số nhà phân tích cho rằng dù các cuộc thăm dò cho thấy đông đảo công chúng Nga ủng hộ chiến dịch quân sự ở Ukraine, Điện Kremlin dường như có những lo ngại rằng sự ủng hộ này không đủ sâu sắc. Cuộc thăm dò ý kiến của Levada vào tháng trước chỉ ra 39% người Nga ít quan tâm đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Trong bối cảnh đó, một lệnh tổng động viên để huy động thêm lực lượng, hoặc chuyển sang nền kinh tế thời chiến nhằm dồn lực cho chiến dịch có thể làm suy yếu sự cân bằng mà ông Putin đã duy trì ở Nga, theo các nhà phân tích.
"Nhiều người có thể sẵn sàng ủng hộ cuộc chiến khi ngồi trước màn hình TV ở nhà, nhưng không muốn cầm súng chiến đấu", Pavlovsky nói.
Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập công ty phân tích chính trị R. Politik tại Pháp, người đã dành năm nghiên cứu về ông Putin, cho rằng Tổng thống Nga có thể nhận định lễ Duyệt binh Chiến thắng không phải thời điểm phù hợp để đưa ra thông điệp leo thang chiến dịch, đặc biệt khi nhiều người Nga vẫn đang tận hưởng kỳ nghỉ truyền thống vào đầu tháng 5.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo ngay cả khi ông Putin không đưa ra thông điệp cứng rắn như những gì phương Tây suy đoán trong ngày 9/5, chiến sự tại Ukraine sẽ không sớm hạ nhiệt. Giao tranh vẫn sẽ kéo dài, khi Ukraine tiếp tục nhận viện trợ vũ khí từ phương Tây để đối phó với lực lượng Nga dọc theo chiến tuyến hơn 480 km ở vùng Donbass, phía đông đất nước.
Quân đội Ukraine cho biết Nga đã triển khai 19 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, mỗi nhóm khoảng 1.000 quân, đến thành phố biên giới Belgorod của Nga để chuẩn bị cho đợt tấn công mới nhắm vào lực lượng Ukraine ở thành phố Kharkov và chọc thủng tuyến phòng thủ ở những nơi khác.
Câu hỏi hiện nay là liệu ông Putin sẽ làm gì tiếp theo trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng khi đà tiến trên mặt đất chậm lại, lực lượng Nga sẽ tăng cường các đợt không kích hoặc tập kích bằng tên lửa tầm xa.
"Điều đó rất đáng lo ngại, vì những cuộc tấn công bằng vũ khí hỏa lực mạnh như vậy có xu hướng gây ra thiệt hại lớn cho dân thường và cơ sở hạ tầng", Angela Dewan, nhà phân tích của CNN, cho hay.
Sau khi rút quân khỏi phía bắc Ukraine và xung quanh thủ đô Kiev, lực lượng Nga chưa giành được những thành quả đáng kể trong chiến dịch ở phía đông và nam, dù có nhiều lợi thế hơn về hỏa lực so với các đơn vị phòng thủ Ukraine.
"Cho dù có điều gì thay đổi liên quan tới Ngày chiến thắng hay không, một chương mới trong chiến dịch chắc chắn sẽ cần phải được viết sớm", Dewan nhận định.
Theo: VnExpress
https://vnexpress.net/bai-phat-bieu-giam-tong-voi-phuong-tay-cua-ong-putin-4461405.htmlTIN LIÊN QUAN
Trái với dự đoán, ông Putin không tuyên chiến với Ukraine hay leo thang với phương Tây trong diễn văn Ngày Chiến thắng, mà đưa ra thông điệp trấn an người Nga.
10/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022