Vietnews.ru
Tham khảo

Dòng tiền Nga vẫn ngầm chảy

29/03/2022 (Đọc 9 phút)


Trong gần một thập kỷ, lệnh trừng phạt tài chính gần như chẳng có nghĩa lý đối với giới tài phiệt Nga. Liệu chính phủ các nước phương Tây có thể thật sự thành công trong lần này?

Khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt và cấm cửa khỏi hệ thống tài chính vào năm 2014, ông Arkady Rotenberg chỉ phải chờ khoảng 8 tuần để mua một bức tranh trị giá 7,5 triệu USD tại New York, theo các điều tra viên.

Trong nhiều năm sau đó, các lệnh trừng phạt hầu như không có ảnh hưởng tới hoạt động tài chính của ông Rotenberg, người bạn lâu năm và bạn tập judo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các nhà điều tra đã truy ra ít nhất 91 triệu USD được rót vào nền kinh tế Mỹ từ những tài khoản có liên hệ với gia đình Rotenberg. Khối tài sản trong tay vị tỷ phú người Nga hiện được ước tính là 3 tỷ USD.

Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy sự thiếu hiệu quả của các biện pháp được coi là “án tử hình kinh tế”.

Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh giáng đòn mới vào giới tài phiệt Nga vì khủng hoảng Ukraine, ví dụ của ông Rotenberg đặt câu hỏi liệu phương Tây có thể đảm bảo hiệu quả trừng phạt hay không, khi mà trước đó họ gần như không thể làm được điều ấy.

Vén màn mạng lưới của cải

Thông qua phân tích hồ sơ công ty toàn cầu, New York Times đã xác định gần 200 công ty có liên hệ với gia đình Rotenberg trải khắp 3 lục địa và hàng chục quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp trong số này đã ngưng hoạt động nhưng kể cả sau khi đã bị trừng phạt vào năm 2014, ông Rotenberg vẫn có thể mua cổ phần trong ít nhất 7 công ty tại các thiên đường thuế ngoại biên của châu Âu. Boris, em trai ông Rotenberg, trở thành tỷ phú sau khi bị trừng phạt.

Arkady Rotenberg, một doanh nhân Nga bị Mỹ trừng phạt từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Ảnh: New York Times.
Arkady Rotenberg, một doanh nhân Nga bị Mỹ trừng phạt từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Ảnh: New York Times.

Gần nhất vào năm 2020, ông Rotenberg trở thành chủ sở hữu hai công ty tại Luxembourg, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nổi tiếng là thiên đường thuế cho các công ty bình phong. Hồ sơ doanh nghiệp cho thấy ông Rotenberg vẫn sở hữu các công ty này.

Theo các nhà điều tra, để lập ra mạng lưới công ty bình phong ngoại biên, giới tài phiệt Nga như gia đình Rotenberg tìm đến Mark Omelnitski, một người Anh sinh tại Moscow.

Điều tra viên của Thượng viện Mỹ còn tìm được một cuốn sổ tay công ty cho thấy chỉ với 1.000 USD, Tập đoàn Markom của ông Omelnitski đã có thể lập ra các công ty ngoại biên cho khách hàng.

Sở dĩ tỷ phú người Nga và người thân vẫn giàu có trong suốt những năm qua là bởi chính phủ các nước ít khi điều tra hoặc cố gắng vén màn mạng lưới của cải của những người bị áp lệnh trừng phạt.

Trong khi giới tài phiệt chịu bỏ ra nhiều tiền thuê kế toán, luật sư và các bên trung gian để giúp che giấu tài sản, chính phủ phần lớn vẫn để cho ngân hàng và doanh nghiệp tự xác định xem liệu mình có đang giao dịch với người nằm trong danh sách đen hay không.

“Khi nói về vấn đề tài chính phi pháp, thái độ chung là không quá quan tâm”, ông Phil Mason, cựu cố vấn cấp cao cho chính phủ Anh về vấn đề tham nhũng quốc tế trong gần 20 năm, cho biết. Theo ông Mason, các nhà lập pháp nhìn nhận dòng tiền Nga là nguồn lợi đem lại việc làm và đầu tư.

Cho tới gần đây, chính phủ Mỹ và Anh đều không ưu tiên điều tra mạng lưới tài sản của giới phân tích tài liệu. Nguyên nhân một phần là do công việc ấy sẽ tiêu tốn thời gian, nhân lực và cần tới sự hợp tác quốc tế.

Nhà chức trách Pháp gần đây tịch thu Amore Vero, du thuyền thuộc về Igor Sechin, giám đốc một tập đoàn dầu mỏ của Nga. Ảnh: AFP.
Nhà chức trách Pháp gần đây tịch thu Amore Vero, du thuyền thuộc về Igor Sechin, giám đốc một tập đoàn dầu mỏ của Nga. Ảnh: AFP.

Các ngân hàng được yêu cầu phải thông báo cho nhà chức trách khi phát hiện hoạt động đáng ngờ. Nhưng kể cả khi đã nhận thông báo, quan chức chính phủ có thể hành động vẫn chậm.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, chính quyền các nước đã cản trở những động thái vốn sẽ khiến lĩnh vực tài chính trở nên minh bạch hơn.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) năm 2018 thông qua quy định cho phép công chúng được tiếp cận thông tin về chủ sở hữu các doanh nghiệp châu Âu, kể cả những doanh nghiệp được bao bọc trong công ty bình phong.

Nhưng bốn năm đã trôi qua, cơ sở dữ liệu đăng ký như được mô tả trong quy định trên vẫn chưa tồn tại do sự trì hoãn của 17 quốc gia.

Năm 2021, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật tương tự về minh bạch thông tin nhưng phải tới tuần này, các nhà lập pháp mới cung cấp ngân sách 63 triệu USD để thực thi đạo luật trên.

Một cách tiếp cận mới

Cũng như sự kiện 11/9 từng làm thay đổi thái độ về vấn đề nguồn tiền tài trợ khủng bố, các quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu ở Mỹ và châu Âu đều cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ là bước ngoặt trong việc đối phó tài sản phi pháp từ Nga.

Những động thái các nước phương Tây tung ra gần đây, như đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga và cấm nhập dầu Nga vào Mỹ, đều mang tính chất chưa từng có tiền lệ.

Nỗ lực trừng phạt giới tài phiệt cũng đã có quy mô rộng hơn, được phối hợp nhịp nhàng hơn: EU và Mỹ đi đầu, sau đó là Anh - nước trước đó từng khá do dự.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hai quan chức hàng đầu của EU, Charles Michel và Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hai quan chức hàng đầu của EU, Charles Michel và Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP.

Australia, Nhật Bản, Canada và các nước khác lần lượt theo sau, từ đó thu hẹp thị trường toàn cầu dành cho tài sản của giới tài phiệt Nga. Ngay cả Thụy Sĩ cũng tuyên bố sẽ đóng băng tài sản của Nga.

Gần đây, cả Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh đều thông báo thành lập các đội ngũ chuyên trách để truy vết tài sản từ Nga và đảm bảo thực thi lệnh trừng phạt.

Dù vậy, chính phủ các nước có lẽ sẽ cần điều chỉnh quy định pháp lý để giải quyết vấn đề với giới tài phiệt.

Tại Mỹ, nhà chức trách có thẩm quyền rộng trong việc thu giữ tài sản nếu nghi ngờ đã có tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, các điều tra viên cho rằng công việc khó hơn lúc này là xác định những giao dịch mà người mua trốn sau công ty vỏ bọc và ngân hàng nước ngoài, giống những gì gia đình Rotenberg đã làm trong nhiều năm qua.

Tại Pháp, chính phủ đang xem xét đạo luật cho phép nhà chức trách không chỉ đóng băng mà còn thu giữ tài sản thuộc người trong danh sách đen. Trước mắt, chính phủ Pháp chỉ có thể thu giữ tài sản khi có bằng chứng tội phạm.

Tương tự, chính phủ Anh tuần trước đã tịch thu một chuyên cơ riêng nghi thuộc về tỷ phú người Nga Roman Abramovich, trên căn cứ lệnh cấm không phận đối với máy bay Nga. Tuy nhiên, căn cứ pháp lý ấy chưa từng được áp dụng trong thực tiễn và chiếc máy bay nghi vấn được đăng ký tại Luxembourg, không phải ở Anh hoặc Nga.

Và dù đã có những sự thay đổi, một số lỗ hổng vẫn tồn tại.

Chẳng hạn, hồi năm 2020, Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về tác động tiêu cực của thị trường mua bán tác phẩm nghệ thuật lên các lệnh trừng phạt. Sau khi báo cáo chỉ ra cách tỷ phú Arkady Rotenberg mua tranh ở Mỹ dù bị trừng phạt, các nhà lập pháp đã cố buộc giới kinh doanh nghệ thuật phải minh bạch thông tin như ngân hàng.

Tuy nhiên, dưới sự vận động mạnh của các nhà bán đấu giá, các nhà lập pháp từ bỏ ý tưởng trên và cho phép người mua tác phẩm nghệ thuật được giữ kín danh tính.

Theo Zingnews


Tags: Dòng tiền Nga vẫn ngầm chảy
#tỷ phú Nga


TIN LIÊN QUAN

Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.

Tham khảo,

27/04/2022

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.

Tham khảo,

23/04/2022

Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.

Tham khảo,

19/04/2022

Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).

Tham khảo,

19/04/2022

Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.

Tham khảo,

17/04/2022

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".

Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.

Tham khảo,

14/04/2022

Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.

Tham khảo,

13/04/2022

Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.

Tham khảo,

12/04/2022

Máy bay riêng của giới nhà giàu Nga đổ xô đến Dubai để tránh bị tịch thu, nhưng đến đây rồi cũng không thể rời đi.

Tham khảo,

10/04/2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022

Dừng khai thác đường bay đến Nga

Tối 22/3, Vietnam Airlines thông báo dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội - Moskva từ ngày 25/3 cho tới khi có thông báo mới.

22.03.2022