Vietnews.ru
Tham khảo

Học giả Mỹ khuyên nhủ nước Nga: Sự chân thành áp đặt

02/02/2016 (Đọc 20 phút)

Xem thêm:

Một sai lầm cố hữu của Mỹ: tìm cách áp đặt cách nhìn về một cơ cấu nhà nước được cho là lý tưởng, với Nga là không thể chấp nhận.


Mới đây, ngày 19/1, phóng viên báo “Lenta.ru” A.Naumov đã đến thăm trụ sở Viện Kennan tại Washington chuyên nghiên cứu về Nga và các nước trong không gian Hậu Xô Viết và đã có một cuộc trao đổi với Giám đốc Viện M. Rojansky về quan hệ Nga- Mỹ và một số vấn đề khác.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc để tham khảo. Các ảnh và chú thích ảnh trong bài là của “ Lenta.ru”.



Học giả Mỹ khuyên nhủ nước Nga: Sự chân thành áp đặt


Ảnh : Aleksandr Zemlianhichenko/ AP



Xin được lưu ý, George Frost Kennan (1904-2005), nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu chính trị và sử gia Mỹ. Năm 1933, phiên dịch cho đại sứ Mỹ đầu tiên tại Liên Xô William Bullitt . Từ 1934 đến 1938, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô, từ năm 1945 đến 1946 – cố vấn Đại sứ quán. Từ tháng 5 đến tháng 9/1952 – Đại sứ Mỹ tại Liên Xô.
Viện Kennan được thành lập năm 1974 chuyên nghiên cứu các khía cạnh chính trị , xã hội và kinh tế Liên Xô. Viện này đã mở chi nhánh tại Matxcova ngay sau khi Liên Xô tan rã. Xin nói thêm, đây là một trong nhà tư vấn chính sách chủ chốt cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Còn sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
"Lenta.ru”: Chúng ta hãy thử cùng hình dung tôi là Tổng thống Mỹ mới đắc cử và bắt đầu xây dựng chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Những gì tôi cần phải biết về nước Nga?
M.Rojansky: Trước hết là tôi xin chúc mừng bạn – không chỉ vì bạn đã chiến thắng, mà còn vì bạn đã tiếp cận việc xây dựng chương trình đối ngoại một cách rất có trách nhiệm. Đây là một quyết định rất đúng đắn, bởi vì khác với các tổng thống tiền nhiệm, có vẻ như bạn không có những định kiến trước về nước Nga và niềm tin quá cứng nhắc vào những hành động của mình.
Phần lớn các ứng cử viên (Tổng thống Mỹ) hiện nay đã đưa ra những cam kết liên quan đến chính sách đối với Nga– đó là một sai lầm tệ hại, bởi vì khi bạn trở thành tổng thống, bạn sẽ biết rất nhiều chi tiết mới về mối quan hệ song phương.
Ví dụ, J. Kennedy, trong thời gian tranh cử tổng thống trong những năm 60, từng tuyên bố rằng Mỹ đã thua Liên Xô trong cuộc chạy đua tên lửa. Sau này thì ông biết rằng không phải như vậy và thay đổi hoàn toàn chính sách của mình đối với Liên Xô.
“Lenta.ru”: Những thông tin về thực trạng vũ khí tên lửa Liên Xô chi được cung cấp nhờ các họat động tình báo– khi nói về những chi tiết chưa được biết tới trước đó, có phải ông muốn nói những thông tin bí mật mà chỉ tổng thống mới có quyền được biết?
M.Rojansky: Ngoài những thông tin bí mật, người đứng đầu nhà nước còn nhận các báo cáo phân tích chi tiết và ông ta có thời gian để nghiên cứu chúng. Còn trong khi bạn đang vận động tranh cử, bạn sẽ dành gần như toàn bộ thời gian để đề nghị giúp đỡ kinh phí hoặc kêu gọi cử tri bầu cho mình– đơn giản là không thể có thời gian để đi sâu vào các chi tiết.
Còn về nước Nga, nhà sáng lập Viện của chúng tôi là J. Kennan (như đã nói ở trên –ND) vào năm 1946 đã từng viết là đất nước này luôn có các tiềm năng kể cả để hợp tác lẫn để đối đầu với Phương Tây. Chính vì thế mà luôn phải nhìn nhận nước Nga một cách rất nghiêm túc, và Kennan cũng đã nói về điều đó–đi kèm với các tuyên bố dứt khoát phải có những hành động cụ thể. Đối tác không hiệu quả nhất của Nga tại Phương Tây sẽ là những người nói nhiều nhưng làm ít.
Người Nga cho đó là biểu hiện của sự yếu kém. Ít các phát biểu hùng hồn đi và hành động nhiều hơn–đấy là một nguyên tắc rất quan trọng.
Còn một sai lầm cố hữu nữa của nước Mỹ: tìm cách áp đặt cách nhìn của mình về một cơ cấu nhà nước được cho là lý tưởng. Cách tiếp cận như vậy có thể hiệu quả với những nước khiêm tốn hơn, những nước không lớn lắm, nhưng đối với những nước có trọng lượng– Nga hay là, ví dụ như, Trung Quốc– họ sẽ không chấp nhận những yêu sách như vậy. Chúng tôi cho rằng đấy là nguyên nhân cốt lõi của tất cả sự đối đầu, bởi vì trong 25 năm qua người Nga chưa một lần thấy nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận đất nước của họ như trên thực tế họ có.
Nếu như trong năm 1996, người Nga muốn bầu một đảng viên cộng sản là Tổng thống – tại sao chúng tôi lại không thể cho phép họ làm điều đó? Chúng tôi cho đó là thách thức các lợi ích của chúng tôi, đấy là sự lựa chọn sai lầm của nước Nga và là một quyết định sai lầm của dân Nga! Có nghĩa là chúng tôi (Mỹ) quyết định là nước Nga cần phải trở thành một nước như thế nào! Nói chung, nước Mỹ cần một sự cân bằng giữa những hành động hiệu quả đáp trả các thách thức lợi ích Mỹ và sự tôn trọng chủ quyền của các nước khác.
“Lenta.ru”: Có thể, những sai lầm trong cách thức xây dựng quan hệ đối thoại với Nga có liên quan đến một thực tế là những người có trách nhiệm trong tiến trình đó hiểu biết quá ít về đất nước chúng tôi? Mối quan hệ giữa các chính khách và các chuyên gia (ở Mỹ) có chặt chẽ không? Chính quyền Mỹ có lắng nghe những khuyến cáo của cộng đồng các chuyên gia không?
M.Rojansky: Đây là một câu hỏi rất thú vị, nhưng tôi không có câu trả lời chắc chắn. Xin dẫn một ví dụ: tôi biết một người, trước đây làm việc trong “bộ não” (ý nói hoạch định chính sách-ND), còn sau đó trở thành cố vấn chính sách đối ngoại của một trong số những ứng cử viên tổng thống hiện nay. Tôi không nghi ngờ là chuyên gia đó sẽ gây ảnh hưởng đến quan điểm của ứng cử viên này.
Ví dụ thứ hai– Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga. Tôi đã có một thời gian làm việc với ông ấy tại Trường Đại học Standford. Ông ấy nghiên cứu khoa học hàn lâm, còn sau đấy trở thành cố vấn của Tổng thống, sau nữa chuyển sang làm công tác ngoại giao. Nếu như đó không phải là ảnh hưởng của các chuyên gia lên chính sách, thì tôi không hiểu ảnh hưởng có nghĩa là gì.
Nhưng mặt khác, cũng có những trường hợp, khi mà có những người suốt đời làm công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra những dự báo cực kỳ chính xác, nhưng không một ai nghe theo họ. Một ví dụ cổ điển: trước khi thông qua “danh sách Magnitsky” (hay còn gọi là “Luật Cardin”- danh sách các quan chức Nga phải chịu trách nhiệm về việc bắt giữ và cái chết của luật sư Magnitski tại LB Nga cùng một số vi phạm các quyền con người khác-ND) vào năm 2012, các nghị sỹ đã được nghe một số bản báo cáo của các chuyên gia.
Tóm tắt là: “Tái khởi động” đã thất bại, nhưng cơ hội hợp tác vẫn còn. Nhiều chuyên gia cảnh báo là việc thông qua “danh sách Magnitsky” chính vào thời điểm đó sẽ làm quan hệ (Nga- Mỹ) xấu đi nghiêm trọng - và họ đã đúng, nhưng không có ai thèm nghe họ cả.






Ảnh : Mike Groll / AP



Các nghị sỹ Mỹ đôi khi sẵn sàng ưu tiên “cách tiếp cận Wilson” trong hoạch định chính sách đối ngoại. Vị tổng thống Mỹ thứ 28 này nổi tiếng vì đã thay “chính sách đối ngoại thực tế ” (thực dụng) do những bậc tiền bối sáng lập nước Mỹ xây dựng bằng chính sách đặt hệ tư tưởng làm ưu tiên hàng đầu trong các mối quan hệ quốc tế. Ông (Woodrow Wilson) cho rằng sứ mệnh của Washington là phổ biến dân chủ và hòa bình trên toàn thế giới.
"Lenta.ru": Trong những năm 1990, khi Liên Xô đã chấm dứt tồn tại, Nước Nga cũng đã thực hiện chính sách “xoay trục sang Phương Tây\'\': thậm chí đã có những lời đồn đoán về việc Nga xin gia nhập NATO. Theo tôi hiểu, Nga từ bỏ chính sách trên phần lớn là vì thái độ lạnh nhạt của Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Nếu chính sách của chúng tôi lại thay đổi đột ngột, Washington có sẵn sàng hợp tác hay là sức ỳ tiêu cực còn quá mạnh?
M.Rojansky: Tôi thường mơ về một sự phát triển mạnh mẽ bước ngoặt có thể có trong các mối quan hệ chiến lược giữa chúng ta! Tôi tin rằng, lịch sử thường lặp lại, đấy là vấn đề thay đổi thế hệ hiện nay: cần phải có những con người mới trước khi sự hợp tác có thể được khôi phục.
Nhưng mặt khác, tôi e rằng, do những tiến trình toàn cầu và ý nghĩa ngày càng tăng của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương nên mối quan hệ song phương Nga- Mỹ có thể trở thành thứ yếu. Để có thể tiến hành đối thoại, cả bên cần phải có cái gì đó để bổ sung cho nhau.
Có thể nói rằng tâm lý đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Matxcova và Washington– ở một chừng mực nào đấy đã là một phần của quá khứ. Tôi không tin là sau 10 hay 20 năm nữa, các mối quan hệ đó (Nga- Mỹ-ND) vẫn sẽ còn quan trọng như hiện nay.
"Lenta.ru": Hãy mô tả một nước Nga có thể làm hài lòng Washington. Đất nước Nga ấy như thế nào? Nó cần xử sự như thế nào?
M.Rojansky: Tôi cũng thường xuyên đặt câu hỏi này cho chính mình và các đồng nghiệp và có lẽ, câu trả lời đúng nhất và cũng thẳng thừng nhất cho câu hỏi này– không thể có một nước Nga như vậy (tức một nước Nga làm hài lòng Washington-ND).
Tôi không muốn góp phần thêm vào tăng tính đa nghi và cũng không ủng hộ những nhóm người tại Nga tin rằng Mỹ muốn làm tổn thương Nga, đẩy Nga xuống làm thân phận nô lệ. Nhiều người Nga tin rằng đấy chính là giấc mơ Mỹ thực sự. Tôi tuyệt đối không đồng ý với điều đó, người Mỹ thực sự muốn điều tốt cho nước Nga.
Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng không thể định nghĩa được “ điều tốt” đối với Nga có nghĩa là gì, cũng như chúng tôi không thể làm rõ khái niệm đó đối với chính đất nước mình. Có lẽ là tùy vào góc độ so sánh– nếu như so sánh (Nga-ND) với Iran , thì chúng tôi hài lòng với tình hình ở Nga. Còn nếu như, lấy ví dụ, so sánh với Anh hay thậm chí với Pháp– thì hoàn toàn ngược lại. Nước Nga có những nhược điểm trong kinh tế, trong mức sống của người dân. Người Mỹ chân thành muốn người Nga sống tốt hơn!
Tôi hiểu rằng, chính cái thực tế là họ (người Mỹ-ND ) “mong muốn” điều gì đó cho nước khác, có thể sẽ không dễ chịu chút nào, nhưng đấy là một thực tế khách quan : người Mỹ muốn rất nhiều cho toàn thế giới. Đấy là đặc tính tính cách của chúng tôi . Có thể như thế là tiêu cực, nhưng không thể phủ nhận được nó.
Bất cứ một nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng cần phải nhấn mạnh rằng tình cảnh của mọi người trên thế giới– thậm chí ngay cả ở Châu Phi– là quan trọng đối với ông ta.
"Lenta.ru": Có nghĩa là sự quan ngại về nạn đói ở Châu Phi và tình hình chính trị tại Nga– là những tình cảm có chung bản chất?
M.Rojansky: Cách đây không lâu tôi có đọc một số cuốn sách của các tác giả Mỹ viết về Liên Xô được xuất bản trong thời kỳ Breznhev. Các tác giả so sánh cuộc sống ở Liên Xô và ở Mỹ và nhận xét rằng ở các thành phố lớn (ở cả Liên Xô và Mỹ-ND) thì mức độ đảm bảo vật chất là gần tương đương nhau, nhưng xét từ góc độ đạo đức thì có sự khác nhau rất đáng kể. Tôi để ý đến một hiện tượng- nó tồn tại cho đến tận bây giờ: người Mỹ muốn những người khác cũng có những quyền và tự do như họ có. Đấy là một bản năng lạ lùng. Hãy thử hình dung, nếu như tôi, khi đang đi dạo trong công viên, thấy một gia đình khác và xông đến đòi ông bố của gia đình nọ cũng phải trao những quyền tự do cho con họ y hệt như những quyền mà tôi dành cho con trai tôi.
"Lenta.ru": Chúng ta hãy nói về những vấn đề cụ thể . Bước đi đầu tiên nào để cho một “đợt tan băng mới” trong quan hệ hai nước mà Mỹ phải làm, và bước đi nào mà Nga phải làm?
M.Rojansky: Điều đó phụ thuộc vào quy mô của “sự tan băng” mà hai bên mong muốn. Chúng ta hãy đưa ra phương án khiêm tốn nhất. Tôi cảm thấy rằng, thỏa hiệp về Syria và cuộc đấu tranh chống IS có thể đạt được bằng một cách rất đơn giản: chỉ cần đạt được thỏa thuận là vấn đề về tương lai Tổng thống B.Assad sẽ được để lại thảo luận sau cùng.
Điều đó có thể làm thay đổi toàn bộ cơ cấu các mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây, thay sự thù địch bằng mối quan hệ hợp tác. Nhiều người cho rằng một sự thay đổi như vậy như là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống V.Putin–rất có thể như vậy, nhưng giải pháp chấp nhận vấn đề số phận B.Assad được để lại sau có thể sẽ là một bước đi đáng kể của Washington để đáp lại những nỗ lực của Matxcova.
Còn về nước Nga, tôi cực kỳ hy vọng là trong vòng 6 tháng nữa chúng ta sẽ thấy những thay đổi tình hình tích cực ở Đông Ucraine: chính quyền địa phương (tại các khu vực này-ND) với sự hỗ trợ của Nga sẽ tiến hành các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền kiểm soát biên giới (với Nga –ND) cho Kiev. Nếu những điều đó không xảy ra, rất khó có hy vọng cải thiện mối quan hệ.
"Lenta.ru": Có nghĩa là Nga sẽ tiến hành một bước đi đáng kể, giảm ảnh hưởng đối với LNR (nước Cộng hòa nhân dân Lugan tự xưng-ND) và DNR (Nước cộng hòa Donhets tự xưng–ND), còn về phần mình Mỹ chỉ cần đưa ra một tuyên bố mang tính hình thức về số phận Assad? Ông có cảm thấy sự trao đổi đó là không công bằng lắm không, cònmột thỏa hiệp liên quan đến số phận nhà lãnh đạo Syria, có lợi cho cả Matxcova lẫn Washington thì sao?
M.Rojansky: Điều đó chắc chắn không có lợi cho Mỹ. Tổng thống của chúng tôi đã nói rõ quan điểm nhất quán của mình về vấn đề này–Assad cần phải ra đi. Có nghĩa là việc lùi thời hạn giải quyết vấn đề số phận Assad– đấy đã là một sự nhượng bộ đáng kể từ phía Washington rồi.
Nếu như ông ta ra đi ngay, từ 3 năm về trước, tôi không loại trừ khả năng là với sự trung gian quốc tế và đối thoại trong nội bộ quốc gia Syria, đã có thể đạt được sự hiểu biết lẫn nhau giữa các phe phái và tránh được đổ máu. Bởi vì Asad đã là một biểu tượng mà gần tất cả quân nổi dậy đều chiến đấu để chống lại.
"Lenta.ru": Barak Obama có nói rằng nước Nga– là một cường quốc khu vực. Ông có đồng ý với nhận xét đó không?
M.Rojansky: Tôi rất thích nhắc lại câu nói của Đại sứ Nga tại Washington Xergey Kisliak–ông này nói rằng tất nhiên, Nga là một cường quốc khu vực, nếu như khu vực đó được tính là vùng đất từ Thái Bình Dương đến Biển Baltic và đến Cận Đông. Nói cách khác, nếu gọi nước Nga “chỉ là cường quốc khu vực”- thì như thế là coi thường vị trí địa lý và vị thế chính trị, khả năng trở thành một nhân tố chủ chốt (có thể là đồng minh và cũng có thể là đối thủ) tại các khu vực quan trọng đối với Mỹ trên thế giới. Tìm các khả năng phối hợp hành động có phải là sẽ tốt hơn không?






Tổng thống Mỹ B.Obama trong 2 nhiệm kỳ của mình đã được chứng kiến cả bình minh lẫn hoàng hôn trong “tái cài đặt" quan hệ với Nga. Ảnh: Global Look



"Lenta.ru": Dĩ nhiên. Nhưng Obama cũng đã nhận xét là nền kinh tế Nga "bị xé vụn từng mảng”. Nếu coi nhận xét này là nghiêm túc, còn có thể nói là Washington coi Matxcova là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế trong thế kỷ XXI và là một đối tác tiềm năng được không?
M.Rojansky: Chúng tôi không mù. Chúng tôi cũng nhận thấy thực tế, cũng như các bạn- rõ ràng là Nga đang ở trong tình trạng không thuận lợi, nói ví dụ như cách đây 40 năm, hoặc thậm chí 5 năm trước, mặc dù chúng tôi vẫn coi Nga là một nước chủ chốt trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quả thực Mỹ chỉ trích Nga nhiều hơn, cao giọng hơn so với các nước khác, mặc dù những hậu quả do những hành động của Nga gây ra cho nước Mỹ là tương đối hạn chế. Về vấn đề này, sẽ rất thú vị nếu so sánh phản ứng của Mỹ đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và hành dộng của Nga ở Ucraine. Chúng (cả hai hành động này– ND) cực kỳ giống nhau: trong cả hai trường hợp, đó đều là vi phạm quyền và chủ quyền của các nước nhỏ hơn .
Nhưng chúng tôi thường xuyên nói về “sự giả dối của Matxcova” và lên án. Còn Bắc Kinh, lúc nào Bắc Kinh cũng nói thật ư? Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết với các nhà lãnh đạo quốc tế là sự tăng trưởng của Trung Quốc là sự tăng trưởng hòa bình và Bắc Kinh sẽ tôn trọng tất cả các nước láng giềng. Nhưng tất cả những tuyên bố đó đều là trò dối trá! Nhưng chúng tôi không cáo buộc người Trung Quốc nói dối. Đấy là một ví dụ rất rõ cho thấy (sự khác nhau–ND) quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và với Nga–tất cả bởi vì Trung Quốc làm liên tưởng tới sự tăng trưởng, tới tương lai.
"Lenta.ru": Bằng sức mạnh?
M.Rojansky: Không chỉ bằng sức mạnh, Nga cũng có sức mạnh. Đấy chủ yếu là vấn đề thuộc về tâm lý. Trong cách tiếp nhận của người Mỹ, nước Nga đã là một phần của quá khứ, chứ không phải là của tương lai. Chúng tôi cảm thấy là ngôi sao của nước Nga đang lặn-cảm giác của chúng tôi là như vậy. Nhưng tôi muốn khẳng định là điều đó có thể thay đổi rất nhanh chóng chỉ trong một thời điểm.
"Lenta.ru": Đấy có phải là một bằng chứng cho “tiêu chuẩn kép” không? Mỹ ,ví dụ, thường xuyên chỉ trích Iran vì vi phạm quyền con người. A rập Xê-út cũng vi phạm quyền con người, nhưng Mỹ không lên án vì nước này là đồng minh của Mỹ . Ở Nga có nhiều người cho rằng, Mỹ sẽ chỉ tôn trọng Nga trong trường hợp, nếu như Nga có nhiều tên lửa hạt nhân và tàu ngầm, nếu như nước Nga chủ yếu dựa vào “sức mạnh cứng”.
M.Rojansky: Chúng ta hãy so sánh tình huống này với việc chơi cờ. Cách xử sự của Nga– đấy là phản ứng của một tay cờ biết là mình không thể thắng ván cờ đó. Anh ta cảm thấy khó chịu vì anh ta thua, và quyết định hất tung bàn cờ và ném tất cả các con cờ đi. Ừ, tôi không thắng, nhưng tôi có chơi tiếp với anh không? Tất nhiên, không. Câu trả lời như vậy đe dọa chính nền tảng của một hệ thống vốn không tồi cho nước Nga.






Các bên tham gia cuộc đàm phán về Syria tị Viena vẫn chưa thể thống nhất với nhau về số phận Assad. Ảnh: AP



Nga đã từng là thành viên của nhóm G-8, đã có thể tham gia vào các tiến trình trên thế giới. Cứ cho là có tới 95% các trường hợp Nga không nhận được điều mình muốn, nhưng Nga có thể bình đẳng với các nước khác. Giờ thì Nga từ bỏ hệ thống đó. Nga muốn gì, Nga muốn nhận được kết quả có lợi hơn chăng? Tôi không cảm thấy đó là một cách tiếp cận thông thái.
"Lenta.ru": Ông vùa nói là tình hình ở Nga có thể thay đổi chỉ trong một thời điểm. Thế thì theo quan điểm của ông , cần phải làm gì để có sự thay đổi đó?
M.Rojansky: Nếu ngôi sao nước Nga còn lại được mọc trên chân trời thế kỷ XXI, thì điều đó chỉ xảy ra trong trường hợp nước Nga phát triển bằng những biện pháp hiện đại.
Không chỉ bằng con đường bành trướng lãnh thổ dựa vào “sức mạnh cứng”, mà là bằng cách làm gia tăng sự hấp dẫn của nước Nga. Sự hấp dẫn đó cần phải được xây dựng trên nền tảng một nền kinh tế mạnh, tình hình dân số tốt, có các điều kiện thuận lợi cho cuộc sống trong nước– bao gồm các y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng hiện đại. Hơn nữa, cần phải có một chính phủ và hệ thống pháp lý khuyến khích sự sáng tạo , năng lực kinh doanh và tự do bày tỏ quan điểm. Chỉ có như vậy mới có thể phát triển được trong thời đại thông tin.
Theo http://baodatviet.vn


Tags:



TIN LIÊN QUAN

Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.

Tham khảo,

18/05/2022

Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.

Tham khảo,

18/05/2022

Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.

Tham khảo,

08/05/2022

Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.

Tham khảo,

08/05/2022

Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.

Tham khảo,

08/05/2022

Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.

Tham khảo,

07/05/2022

Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.

Tham khảo,

06/05/2022

Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.

Tham khảo,

28/04/2022

Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.

Tham khảo,

27/04/2022

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.

Tham khảo,

23/04/2022

Mùa Hè vắng khách du lịch Nga

Các quốc gia như Thái Lan, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ được du khách Nga đặc biệt ưa chuộng. Những điểm đến này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người Nga không thể đi du lịch.

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

28.04.2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

©2022 - - All Rights Reserved. VietNews.ru