Vì sao Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép không tranh cử nhiệm kỳ
Theo ông Mét-vê-đép, yếu tố chính khi ông quyết định không ra tranh cử mà ủng hộ Thủ tướng Pu-tin trở lại Điện Crem-li là do ông Pu-tin được công chúng yêu mến hơn. Các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Nga trong suốt 4 năm qua đều cho thấy, Thủ tướng Pu-tin luôn vượt xa Tổng thống Mét-vê-đép về uy tín. Và cũng trong suốt cả thập kỷ qua, ông Pu-tin cũng luôn được bình chọn là vị chính khách được yêu mến nhất xứ sở Bạch Dương. Theo kết quả thăm dò trong tháng 9-2011 của tổ chức độc lập Levada, tỷ lệ ủng hộ ông Pu-tin là 68%. “Thủ tướng Pu-tin chắc chắn là vị chính khách có uy quyền nhất ở đất nước chúng tôi. Uy tín của ông ấy cao hơn uy tín của tôi”, ông chủ điện Crem-li đã thừa nhận như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn mạng lưới truyền hình quốc gia Nga.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ Thủ tướng Pu-tin được yêu mến là vì ông không chỉ là một chính khách tài ba mà còn là một người hấp dẫn, đa tài và có một cuộc sống cá nhân phong phú. Khác nhiều vị chính khách khác chỉ bó buộc cuộc sống của mình trên chính trường khô khan và quá nghiêm túc, ông Pu-tin tham gia tích cực vào rất nhiều hoạt động văn, thể, mỹ. Ở con người Thủ tướng Pu-tin luôn toát lên sự nhiệt huyết khiến người khác cứ bị cuốn hút theo. Hình ảnh Thủ tướng Nga vùng vẫy trên sông nước vùng Tuva lạnh giá của miền Nam Xi-bê-ri, cởi trần cưỡi ngựa đi săn hay lái máy bay chiến đấu, bắn cọp, cá voi… khiến người ta ngưỡng mộ và cảm phục. Không dừng lại ở đó, ông cũng rất yêu âm nhạc. Ông có thể vừa chơi đàn piano vừa hát say sưa những bản tình ca Nga. Ngoài ra, Thủ tướng Pu-tin còn tham gia các hoạt động mà các nhà lãnh đạo khác trên thế giới chưa từng tham gia. Ông đã từng lái tàu ngầm loại nhỏ lặn xuống đáy của hồ sâu nhất thế giới, lái máy bay chiến đấu tới khu vực chiến tranh Tre-sni-a, lái máy bay dập lửa, hoặc lái xe đua…
Được yêu mến như vậy, cộng với việc nhường ghế của Tổng thống Mét-vê-đép, các nhà quan sát tin rằng, ông Pu-tin, gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào điện Crem-li năm tới. Tuy nhiên, chính Tổng thống Mét-vê-đép phủ nhận thông tin cho rằng, cuộc bầu cử tại Nga đã được “an bài”. “Làm sao cuộc bầu cử có thể được định trước”, ông Mét-vê-đép nói. “Quyết định bầu ai hay ủng hộ lực lượng chính trị nào là do người dân lựa chọn. Đó là dân chủ”. Tổng thống Mét-vê-đép nói rằng, ông vẫn tin tưởng vào tương lai của nền dân chủ ở Nga, đồng thời cho biết không ai có thể đảm bảo chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hay tổng thống. “Bất kỳ chính trị gia nào cũng có thể bị thất bại trong các cuộc bầu cử”, ông Mét-vê-đép nhắc nhở.
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Mét-vê-đép đã làm nhiều người bất ngờ khi kêu gọi Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền phê chuẩn ông Pu-tin làm ứng cử viên của đảng này ra tranh chức tổng thống nhiệm kỳ tới. Ngay sau đó, ông Pu-tin cũng gợi ý đưa ông Mét-vê-đép vào vị trí Thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2012. Thông báo về thoả thuận đổi vai bất ngờ giữa ông Mét-vê-đép và ông Pu-tin đã giúp chấm dứt nhiều tháng trời báo chí và dư luận xôn xao dự đoán về việc ai trong số hai vị lãnh đạo này sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm sau.
Dù quyết định trên được đưa ra từ lâu hay mới đây thì các nhà phân tích tin rằng, quyết định đó một mặt vừa thể hiện sự đoàn kết của bộ đôi quyền lực nước Nga vừa tránh đẩy ông Mét-vê-đép vào tình thế khó xử. Tất nhiên, giữa hai nhà lãnh đạo này không thể tránh khỏi có những bất đồng, mâu thuẫn nhưng về mặt chiến lược, họ cùng chung chí hướng và đoàn kết với nhau. Việc họ tiếp tục bắt tay nhau trong thời gian tới sẽ giúp đảm bảo nước Nga vẫn đi đúng định hướng mà ông Pu-tin vạch ra cách đây hơn 10 năm.
Bộ đôi Mét-vê-đép – Pu-tin đã chứng minh cho thế giới thấy, họ đã lãnh đạo nước Nga một cách hiệu quả. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự hiệu quả này là Nga đã xử lý rất tốt cuộc chiến ngắn ngủi với Gru-di-a và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa rồi. Vì thế, người ta tin rằng, dù đổi vai, cặp đôi Mét-vê-đép – Pu-tin sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả, duy trì sự ổn định ở nước Nga và giúp cho Nga tiếp tục đà phát triển trong một thập kỷ qua.
Theo nhận định của các nhà phân tích, trong lần trở lại này, ông Pu-tin sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách nhằm tiếp nối những thành quả đối ngoại mà ông Mét-vê-đép đã đạt được trong những năm qua, đồng thời khuyến khích giới đầu tư rót vốn trở lại vào nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD này. Là nhân vật quyền lực và ảnh hưởng nhất ở nước Nga, mục tiêu cuối cùng của ông Pu-tin là đưa nền chính trị thoát khỏi trì trệ, đưa kinh tế phát triển và hội nhập sâu hơn, đồng thời ghi danh vào bảng vàng những nhà lãnh đạo tài ba của nước Nga.
Năm 2008, cử tri Nga đã đi bỏ phiếu cho sự kế thừa, tiếp tục. Sau 4 năm, cử tri Nga sẽ vẫn lại bỏ phiếu cho sự kế thừa và tiếp tục ấy nhằm đưa nước Nga vươn tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế và chính trị lớn nhất thế giới. Với việc cả ông Pu-tin và ông Mét-vê-đép đều là những vị chính khách được yêu mến nhất nước Nga, chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử vào năm tới gần như là chắc chắn.
TIN LIÊN QUAN
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã giáng một đòn chí mạng vào dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nhưng Điện Kremlin vẫn có lý do để tin rằng, châu Âu sẽ cần hệ thống đường ống này vào một ngày nào đó.
27/05/2022
Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.
18/05/2022
Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.
18/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022