Vietnews.ru
Tham khảo

Vụ rò rỉ đường ống phơi bày điểm yếu của châu Âu

28/09/2022 (Đọc 7 phút)


Ba sự cố rò rỉ liên tiếp tại hai đường ống khí đốt Nord Stream từ Nga sang Đức cho thấy hạ tầng năng lượng châu Âu dễ bị tổn thương thế nào.

Nord Stream AG, đơn vị vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 2, hôm 26/9 phát hiện sự cố sụt áp đột ngột, có thể là do một lỗ rò rỉ, trên hệ thống dẫn khí từ Nga tới Đức đi qua biển Baltic. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sau đó cho biết một trong hai đường ống Nord Stream 2 trong vùng biển nước này đã bị rò rỉ.

Vài giờ sau đó, Nord Stream AG thông báo tiếp tục ghi nhận hiện tượng giảm áp suất trên Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt khác từ Nga đến Đức chạy song song với Nord Stream 2. Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cho hay đã phát hiện hai vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch.

Các bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2 nổi lên bề mặt biển Baltic, gần đảo Bornholm của Đan Mạch, hôm 27/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch.
Các bong bóng khí rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2 nổi lên bề mặt biển Baltic, gần đảo Bornholm của Đan Mạch, hôm 27/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch.

Hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước từ ba vị trí rò rỉ thuộc hệ thống Nord Stream nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Thụy Điển.

Mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển đã ghi nhận hai vụ "giải phóng năng lượng lớn" ngay gần vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Peter Schmidt, nhà địa chấn học của Đại học Uppsala, nhận định đây là kết quả của các vụ nổ dưới lòng biển.

Thông tin này làm dấy lên những đồn đoán về việc hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đã "bị tấn công" bằng thuốc nổ và đây có thể là một âm mưu phá hoại.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw đánh giá các lỗ rò rỉ là rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng thoát ra khỏi đường ống Nord Stream 2.

Simone Tagliapietra, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel tại Brussels, Bỉ, nhận định hoạt động tấn công đường ống Nord Stream có thể là đòn giáng vào hệ thống an ninh năng lượng vốn đang rất mong manh của châu Âu.

Loạt sự cố rò rỉ sẽ "gây thêm căng thẳng cho thị trường khí đốt EU, ngay cả khi dòng chảy qua Nord Stream đã bị cắt", ông nói. "Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Nga sẽ chia cắt mãi mãi về năng lượng với Tây Âu và Đức".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các lãnh đạo doanh nghiệp nước này rằng những vụ rò rỉ là do các cuộc tấn công có chủ đích và Berlin biết chắc chắn rằng "chúng không phải do sự cố hay do các hiện tượng tự nhiên gây ra".

Thủ tướng Thụy Điển và Đan Mạch nói vụ rò rỉ rõ ràng là do các hành động cố ý, với các thông tin đến nay đều nghiêng về giả thuyết các đường ống bị phá hoại. Thủ tướng Ba Lan cũng có nhận định tương tự, song không nêu bằng chứng cụ thể.

"Chúng ta đang nói về ba điểm rò rỉ với khoảng cách không quá xa nhau. Rất khó tin đó chỉ là trùng hợp", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói.

Công nhân lắp đặt đường ống Nord Stream 2 năm 2018. Ảnh: DPA.
Công nhân lắp đặt đường ống Nord Stream 2 năm 2018. Ảnh: DPA.

Nga cũng nói rằng khả năng các đường ống bị phá hoại là có thể xảy ra và những vụ rò rỉ này đang làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu.

Sự cố xảy ra khi một đường ống dẫn khí đốt mới giữa Na Uy và Ba Lan được khánh thành hôm 27/9. Một vụ phá hoại nhằm vào đường ống Nord Stream trong thời điểm này sẽ có tác dụng truyền đi thông điệp răn đe, theo Tagliapietra.

"Trong mọi trường hợp, đây sẽ là lời nhắc nhở rõ ràng về mức độ rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu", chuyên gia này bình luận.

Một quan chức cấp cao của Ukraine cáo buộc Nga gây ra các cuộc tấn công hệ thống đường ống Nord Stream nhằm kích động bất ổn ở châu Âu, song không cung cấp bằng chứng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tối 27/9 viết trên Twitter rằng bà đã nói chuyện với Thủ tướng Đan Mạch về "hành động phá hoại" nhằm vào các đường ống Nord Stream, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

"Bất kỳ hành vi cố ý nào nhằm làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu đều không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng đáp trả mạnh mẽ nhất có thể", bà tuyên bố.

Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hôm 30/8. Ảnh: Reuters.
Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức hôm 30/8. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quá trình điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian vì phải điều động tàu ngầm thăm dò đáy biển nơi đặt các đường ống khí đốt.

Cả hai đường ống bị rò rỉ hiện đều không bơm khí đốt đến châu Âu, bởi Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động, còn Nord Stream 1 đã bị Nga đóng từ hồi tháng 8 với lý do trục trặc kỹ thuật tại trạm nén khí. Tuy nhiên, loạt sự cố sẽ hủy hoại mọi kỳ vọng còn sót lại rằng châu Âu có thể nhận được khí đốt Nga qua đường ống Nord Stream 1 trước mùa đông, giới quan sát đánh giá.

Julian Pawlak, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Đức, nhận định vụ rò rỉ Nord Stream là bằng chứng thuyết phục cho thấy các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu phải đối mặt với rủi ro lớn như thế nào từ những cuộc tấn công từ bên ngoài.

Đây cũng là lời nhắc nhở châu Âu rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của họ rất dễ bị tổn thương, ngay cả khi họ đang dần thoát khỏi phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ Nga.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi tháng 6 đã cảnh báo một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, rằng đường ống Nord Stream có thể bị tấn công phá hoại, theo một số quan chức cấp cao Mỹ am hiểu vấn đề. Họ từ chối cho biết liệu cảnh báo đó có xác định Nga là bên tấn công tiềm tàng hay không và giới chức Mỹ cũng chưa thể kết luận ai chịu trách nhiệm cho các vụ rò rỉ hiện nay.

"Thông điệp rõ ràng nhất ở đây là những gì xảy ra với một đường ống đang bị đóng cũng có thể diễn ra với các đường ống đang hoạt động hay tuyến cáp dưới biển hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác", chuyên gia Pawlak nói.

Theo: vnexpress.net https://vnexpress.net/vu-ro-ri-duong-ong-phoi-bay-diem-yeu-cua-chau-au-4516581.html


Tags: rò rỉ đường ống, châu Âu,
#Nga-EU #đường ống khí đốt


TIN LIÊN QUAN

Ba sự cố rò rỉ liên tiếp tại hai đường ống khí đốt Nord Stream từ Nga sang Đức cho thấy hạ tầng năng lượng châu Âu dễ bị tổn thương thế nào.

Tham khảo,

28/09/2022

Khi áp lực trên chiến trường và mặt trận kinh tế - xã hội bủa vây, ông Putin chọn leo thang căng thẳng để đạt được mục tiêu đề ra.

Tham khảo,

22/09/2022

Các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam đang có kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga từ ngày 23/9.

Tham khảo,

21/09/2022

Việc mua bán kim cương nguồn gốc từ Nga một cách bí mật, với trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi tháng, đang gây chia rẽ cả một ngành thương mại toàn cầu, trải dài từ các xưởng cắt ở Mumbai đến những cửa hàng cao cấp trên Đại lộ số 5 của New York.

Tham khảo,

18/09/2022

Trong khi giá năng lượng tiếp tục tăng, thị trường lương thực toàn cầu đã bình ổn sau 6 tháng xung đột Ukraine nhờ đầu cơ giảm, Nga mở bán sản lượng dồi dào.

Tham khảo,

24/08/2022

Tuy là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng duy trì mối quan hệ với Nga giữa căng thẳng vì ông Erdogan cần Moskva để giải quyết các vấn đề kinh tế chính trị trước bầu cử.

Tham khảo,

13/08/2022

Việc Nga tiếp tục "ngắt" Dòng chảy phương Bắc đã đẩy giá khí đốt trên thị trường tăng cao vọt và khiến châu Âu như "ngồi trên đống lửa".

Tham khảo,

27/07/2022

Thỏa thuận giải phóng ngũ cốc Ukraine đã được ký kết, nhưng thách thức để chuyển hàng triệu tấn lương thực từ các cảng ở Biển Đen chỉ mới bắt đầu.

Tham khảo,

23/07/2022

Việc Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đều đẩy mạnh mua năng lượng từ Nga đã cho thấy Moscow vẫn có những đồng minh lớn để thúc đẩy nền kinh tế, bất chấp những lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ phương Tây.

Tham khảo,

14/07/2022

Tâm trạng hoang mang hiện tại của EU hoàn toàn khác xa sự lạc quan về khả năng thoát khí đốt Nga cách đây 3 tháng, theo Politico.

Tham khảo,

13/07/2022

Khu rừng đỏ bí ẩn ở Nga

Rừng bách ở thung lũng Sukko, miền Nam nước Nga, mang một vẻ huyền bí như trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, đây không phải khu rừng tự nhiên. Nó được tạo nên từ bàn tay con người.

Phần Lan cắt 90% thị thực du lịch Nga

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine.

16.08.2022

Gần 50.000 du khách Nga 'vượt khó' tới Croatia

Ngày 12/8, hãng thông tấn nhà nước Hina của Croatia đưa tin, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, gần 50.000 du khách Nga đã tới nước này.

13.08.2022

Chính phủ Nga dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh do dịch COVID-19

Nga thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã được áp đặt với công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia trong thời gian đại dịch.

04.07.2022

Vyborg - thành phố cổ phong cách Thụy Điển trong lòng nước Nga

Vyborg là thành phố cổ thuộc tỉnh Leningrad, nằm cách thủ đô phương Bắc St. Petersburg của Nga khoảng 2 tiếng lái xe ôtô (140km) và cách biên giới Phần Lan chỉ 30-50km.

15.06.2022