Minds – một mạng xã hội tặng tiền điện tử cho người dùng dựa trên dữ liệu mà họ tạo ra, thay vì lấy không và đưa cho các nhà quảng cáo để kiếm hàng tỉ đôla mỗi năm. Đây có phải là “miền đất hứa” cho những ai muốn từ bỏ Facebook?
Minds.com thoạt nhìn không khác gì Facebook. Một trang chủ hiển thị tin (newsfeed), các trang để xem hình ảnh, video, blog, cũng có hội nhóm, và thay vì kết bạn, ta sẽ theo dõi những người dùng khác. Nhưng nó cũng được xây dựng với nhiều tính năng khiến người ta tin rằng nó có thể thay thế Facebook.
Minds được Bill Ottman, hiện là CEO, thành lập từ năm 2011 với mục tiêu “mang đến một mạng xã hội miễn phí, dùng mã nguồn mở và bền vững cho thế giới”. Mạng xã hội này có số người dùng khá khiêm tốn và chỉ bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn một chút vào tháng 04/2018, khi Facebook đang trong tâm bão bê bối thông tin người dùng, Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Minds hứa hẹn cho người dùng thực sự làm chủ dữ liệu do họ tạo ra, thậm chí có thể kiếm tiền từ nó và một cộng đồng không bị giám sát, kiểm duyệt – những đặc điểm có thể khiến người dùng Facebook cân nhắc “chuyển nhà”. Nhưng có thật như vậy?
Tất cả đều quy ra… tiền
Người dùng Facebook từ trước giừo vẫn được ví như những công nhân mẫn cán, dành ít nhất vài giờ mỗi ngày “lên phây”, miệt mài tạo ra thông tin và dữ liệu, những mỏ vàng để Facebook bán cho các nhà quảng cáo. Người dùng đánh đổi những thứ đó để được các tiện ích mà Facebook mang lại cho họ.
Nhưng nếu những “công nhân dữ liệu” này không phải làm không công mà nhận được phần thưởng cho dữ liệu họ tạo ra, cũng như các tương tác với cộng đồng thì sao? Minds hoạt động dựa trên nguyên tắc đó, và nó được mô tả là “mạng xã hội trả tiền cho những ai sử dụng nó”.
Ban đầu, người dùng Minds sẽ được mạng này thưởng điểm (point) nếu họ vào mạng mỗi ngày, đăng tải nội dung mới và tương tác (like, comment và share) với những người dùng khác. Vì newsfeed của Minds hiển thị theo thời gian ngược, tức bài nào mới thì hiện đầu tiên, mạng này cho phép người dùng sử dụng số điểm có được để “lăng xê” (boost) bài viết của mình, tức để nó hiện ra trước trên newsfeed của người khác.
Minds cũng cho phép người dùng A chuyển điểm cho người dùng B để họ “lăng xê” giúp bài viết của mình. Điều này tương tự nhãn hàng X trả cho ca sĩ Y một số tiền để anh này đăng một bức ảnh đang sử dụng sản phẩm của họ lên Facebook hay Instagram của mình. Minds khác với Facebook ở chỗ không có cái gọi là quảng cáo trúng đích, tức bảo đảm bài viết sẽ hiện ra cho người cần xem chúng nhất. Khi boost, bài viết trên Minds sẽ hiển thị đến 1.000 người ngẫu nhiên trên mỗi xu. Nếu không có đủ xu, ta có thể dùng tiền thật để mua với giá 1 USD/1.000 view. Ngoài ra, nếu Facebook chỉ cho phép chọn chia sẻ nội dung cho đại chúng (public) hay bạn bè (friends only), Minds cho ta giấu một phần bài viết và buộc người xem phải đổi điểm để xem bài đầy đủ. Cuối cùng, nếu tâm đắc một nội dung, người dùng có thể tặng điểm cho người tạo ra nó, thay vì chỉ like và comment một lời khen.
Minds đã xây dựng một “nền kinh tế” dựa trên điểm thưởng như vậy để người dùng có cảm giác họ thật sự làm chủ nội dung của mình và kiếm được tiền từ đó. Boost cũng là cách Minds cho người dùng thấy dữ liệu của họ thì đúng là của họ, không lo chuyện ta bày tỏ sở thích thú cưng hay mê xe trên Facebook rồi thì tất cả sẽ được biến thành dữ liệu bán cho các nhà sản xuất thức ăn cho cún, hãng xe.
Cảm giác có thể kiếm được tiền chỉ từ việc chơi mạng xã hội càng rõ hơn khi Minds chuyển từ cơ chế điểm thưởng sang token Minds, đơn vị tiền kỹ thuật số (cryptocurrency) chạy trên nền Blockchain Ethereum.
Về lý thuyết, điều này cho phép người dùng Minds thực sự kiếm được “tiền tươi thóc thật” vì nếu thực hiện thành công phát hành tiền số lần đầu ra công chúng (ICO), đồng tiền số Minds có thể chuyển sang Bitcoin hoặc thành tiền mặt.
Giao diện của mạng xã hội Minds, với đầy đủ các chức năng như bảng tin (newsfeed), kênh (channel), video, hình ảnh, blog và hội nhóm (group). Tham gia Minds cùng Coin68 ngay tại đây.
Sân chơi mới
Minds có lúc được nhắc đến như là mạng xã hội có thể thay thế Facebook. Song, thực tế điều đó khó xảy ra. Lượng người dùng thường xuyên là vấn đề sống còn với một mạng xã hội, nhưng tính đến giữa tháng 04/2018, Minds mới có hơn 1 triệu thành viên đã đăng ký và hơn 105.000 tài khoản có hoạt động thường xuyên mỗi tháng.
Minds chỉ có thể là một ví dụ tốt cho thấy hoàn toàn có thể phát triển được một hình mẫu mạng xã hội khác Facebook và giải quyết được các vấn đề của Facebook, tức không “bào” dữ liệu của người dùng để bán quảng cáo.
Theo WIRED, Minds thậm chí không tự xem mình đang phải cạnh tranh với bất kỳ các dự án mã nguồn mở nào. Trái lại, trong thư trả lời phỏng vấn của WIRED, Ottman cho biết Minds xem “bất kỳ dự án mã nguồn mở, có mã hóa và hướng đến mục tiêu phi tập trung đều là ‘cùng hội cùng thuyền’”.
Nếu có một đối tượng nào đó thực sự thích hợp với Minds, nếu viễn cảnh ICO thành công và token Minds trở thành đồng tiền điện tử có giá, chính là những người sáng tạo nội dung (content creator) hay các nhãn hàng mới nổi, thực sự muốn sản phẩm tinh thần của mình được lan tỏa theo cách hữu xạ tự nhiên hương, thay vì phải bỏ tiền ra mua quảng cáo của các mạng xã hội, dù là Facebook, Instagram hay YouTube.
Minds, với cam kết nội dung mở và cơ chế trao đổi tiền nội bộ của nó, là “mô hình phù hợp để các thương hiệu và nhà quảng cáo mang nội dung của họ đến với nhiều người hơn thay vì thông qua mô hình ‘trả tiền mới có quyền’ của các mạng xã hội truyền thống” – trang ZDnet nhận định.
Mỗi một like, một share, một comment từ giờ sẽ được quy đổi tất cả ra thành tiền?
Không luật chơi, dễ bị lợi dụng
Người dùng đại chúng có thể không bỏ Facebook để sang Minds hay một nơi nào khác, song có một nhóm đối tượng nhận ra họ có thể làm một số điều vốn bị cấm ở Facebook trên mạng xã hội của Ottman: đăng tải các phát ngôn thù hận (hate speech) và lợi dụng tự do ngôn luận.
Một trong những điểm nổi bật của Minds là không có bất kỳ điều khoản nào trong nội quy của nó cấm người dùng đăng các nội dung thù hận. Minds cũng công khai trên trang chủ tiêu chí là không hoạt động nghiêng theo một khuynh hướng chính trị nào.
WIRED đã nhận ra có nhiều nội dung trên Minds mà nếu áp dụng các tiêu chuẩn của mạng xã hội khác thì sẽ được xem là phát ngôn thù địch, và có nhiều group công khai đặt tên theo kiểu phân biệt và sỉ nhục chủng tộc.
Đây thực sự là một vấn đề trong bối cảnh nhiều mạng xã hội chủ lưu đã ngày càng tích cực hơn trong việc gỡ bỏ các nội dung được cho là phát ngôn thù hận trong những năm qua, để không tự biến nền tảng của mình thành công cụ tiếp tay truyền bá thông điệp xấu cho những kẻ cực đoan.
Và điều trớ trêu với Minds chính là “Ottman không chỉ đang giúp cho những kẻ mang tư tưởng phát xít tìm thấy nhau trên Minds mà còn trả tiền để khuyến khích các đối tượng này tương tác với nhau” – WIRED nhận định.
Cây bút Daniel Cooper của Engadget cho rằng nếu muốn biết những thành phần cực đoan mà nội dung đưa lên dễ bị vi phạm các nội quy của Facebook hay Twitter đã chuyển nhà đi đâu, thì câu trả lời chính là Minds. Cooper chỉ ra những tài khoản nổi bật nhất trên Minds là thuộc về các nhóm cực đoan và không khó để bắt gặp các thảo luận thù hận về chủng tộc hay tin lá cải.
Điều đáng lo ngại, theo Cooper, là “vì có quá nhiều người dùng mạng xã hội, kẻ hét to nhất sẽ gây chú ý nhiều nhất”. Về lý thuyết, nếu Minds ICO thành công và token Minds thành tiền kỹ thuật số thật sự, mạng này sẽ có thể thưởng tiền tươi thóc thật cho các thành viên chia sẻ được nội dung nhiều người like, viễn cảnh mà Cooper cho rằng “chỉ khiến người ta lộ hết cái xấu xa nhất ra mà thôi”.
Tuy nhiên, chính Ottman từng nói ông tin rằng xóa nội dung thù hận và các nội dung xúc phạm khác khỏi Minds có khi sẽ vô tình gây thêm chú ý cho các hệ tư tưởng cực đoan. Minds hoàn toàn có thể cấm và xóa các nội dung đó, song Ottman cho rằng điều đó sẽ đi vào vết xe đổ của Facebook và Twitter, những nền tảng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm duyệt thông tin. Quan điểm trước sau của Ottman vẫn là không nên kiểm soát những gì mà người dùng muốn thể hiện, nhất là quan điểm chính trị của họ.
Trong whitepaper (cáo bạch) do Minds đặt ngay trang chủ, mạng này tự giới thiệu mình là “nền tảng mạng xã hội mã nguồn mở và phi tập trung (decentralize), nơi người dùng được thưởng Minds token vì đóng góp cho cộng đồng. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một mô hình mới giúp những người tạo ra nội dung lấy lại tự do Internet, doanh thu và độ lan tỏa trên mạng xã hội”.
Trên thực tế, trong sách trắng nói trên, từ “phi tập trung” chỉ xuất hiện ở những đoạn nói về cơ hội kiếm và thanh toán token Minds chứ không phải cách vận hành của mạng xã hội này. Token Minds chạy trên Blockchain nên dĩ nhiên phi tập trung, còn phần nền tảng mạng xã hội thì vẫn hoạt động trên máy chủ thuê của Amazon.
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần