Vietnews.ru
Chính trị

Nga đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ

21/02/2023 (Đọc 11 phút)


Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp Liên bang, tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ và đề cập chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Đây là thời điểm khó khăn, bước ngoặt đối với đất nước, thời điểm của những thay đổi quan trọng, không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Những sự kiện lịch sử quan trọng nhất định hình tương lai của đất nước và nhân dân, khi mỗi chúng ta gánh trên vai trách nhiệm to lớn", Tổng thống Putin mở đầu Thông điệp Liên bang tại hội trường tòa nhà Gostiny Dvor gần Điện Kremlin ở thủ đô Moskva hôm nay. "Chúng ta sẽ từng bước, thận trọng và nhất quán giải quyết các nhiệm vụ mà chúng ta phải đối mặt".

Ông Putin nêu lại lý do Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2/2022. "Chúng ta đã làm mọi thứ có thể để giải quyết vấn đề Donbass một cách hòa bình, nhưng phương Tây chuẩn bị cho kịch bản khác", ông Putin nói. "Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán với phương Tây về cung cấp vũ khí trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu".

Theo Tổng thống Nga, Ukraine đã không thể giải quyết vấn đề ở Donbass và "các nước cộng hòa ở đó mong đợi Nga đến giúp họ". "Nga sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây và đề xuất hợp tác trong nhiều năm để xây dựng cấu trúc an ninh chung, nhưng bị phớt lờ, từ chối", ông Putin nói, nhắc đến việc Nga từng đưa ra những đề xuất an ninh vào tháng 12/2021 nhưng phương Tây không đáp ứng.

Đề cập lực lượng hạt nhân của Nga, ông Putin cho biết mức độ trang bị hệ thống mới nhất cho lực lượng này lên tới 91,3%. "Tất cả lực lượng của quân đội chúng ta phải có chất lượng cao như nhau", lãnh đạo Nga nói.

Tổng thống Nga tuyên bố Moskva sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ. Hiệp ước này nhằm giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của hai bên. "Phương Tây tìm cách gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia", ông cho hay.

Hiệp ước New START được ký kết tại Praha, Cộng hòa Czech năm 2010, có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để vận chuyển chúng.

Theo các chuyên gia, Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn. Nga và Mỹ nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, đủ để hủy diệt hành tinh.

New START là hiệp ước kiểm soát hạt nhân duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ, với điều kiện hai bên thanh sát tình trạng của đối phương để đảm bảo tuân thủ thỏa thuận. Công tác thanh sát bị dừng từ tháng 3/2020 do Covid-19 và hai nước sau đó đàm phán để nối lại nỗ lực. Tuy nhiên, Nga hồi tháng 8/2022 thông báo cho Mỹ quyết định đình chỉ hoạt động này, với lý do Washington đã cố gắng tiến hành thanh sát không báo trước với Moskva và cố tạo ra "lợi thế đơn phương" cho mình.

Tổng thống Nga nói rằng một số người ở Washington đang nghĩ đến việc nối lại thử nghiệm hạt nhân và do đó, Bộ Quốc phòng và tập đoàn hạt nhân Nga nên sẵn sàng thử vũ khí hạt nhân của Nga nếu cần thiết.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không làm điều này trước. Nhưng nếu Mỹ tiến hành các thử nghiệm, thì chúng tôi sẽ làm. Không ai nên ảo tưởng rằng sự ngang bằng chiến lược toàn cầu có thể bị vi phạm", ông Putin tuyên bố. "Một tuần trước, tôi đã ký sắc lệnh đưa các hệ thống chiến lược mới trên mặt đất vào trực chiến. Họ cũng sẽ can thiệp vào đó hay sao? Họ nghĩ rằng mọi thứ thật đơn giản? Chẳng lẽ chúng ta lại để họ can thiệp vào như thế sao?".

Ông khẳng định Nga kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia và cho rằng thế giới không nên bị chia cắt thành "các quốc gia rất phát triển và phần còn lại". Ông Putin đồng thời nhấn mạnh không quốc gia nào khác trên thế giới có số lượng căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều như Mỹ.

"Có hàng trăm căn cứ như vậy", Tổng thống Nga nói. "Thế giới đã chứng kiến họ rút khỏi các thỏa thuận vũ khí cơ bản, trong đó có Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung. Họ đơn phương xé bỏ các thỏa thuận cơ bản duy trì hòa bình thế giới. Tại sao họ lại làm điều này? Vì họ tự cho mình quyền làm điều đó".

Ông cáo buộc phương Tây khơi mào xung đột, trong khi Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn chiến tranh, làm thất bại kế hoạch tấn công Donbass của Kiev. Theo ông, Nga đang bảo vệ quê hương và cuộc sống của người dân, trong khi mục tiêu của phương Tây là quyền lực không có giới hạn.

"Mục đích đằng sau chính sách chống Nga của phương Tây là khơi mào chiến tranh ở châu Âu và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Phương Tây đang tìm cách biến xung đột Ukraine thành cuộc đối đầu toàn cầu với Nga, sự tồn tại của Nga đang bị đe dọa. Chúng tôi hiểu và sẽ phản ứng tương xứng", người đứng đầu Điện Kremlin cho hay.

Khán giả tại buổi đọc Thông điệp Liên bang của ông Putin gồm nghị sĩ lưỡng viện, thành viên chính phủ, quan chức cấp cao trong chính quyền, lãnh đạo Văn phòng Tổng công tố, Tòa án Tối cao, lãnh đạo địa phương và tôn giáo. Những người tham gia vào chiến dịch của Nga tại Ukraine cũng có mặt tại sự kiện. Ban tổ chức chỉ cho phép truyền thông Nga và phóng viên từ các quốc gia thân thiện tác nghiệp.

"Bản thân người dân Ukraine đã trở thành con tin của Kiev và các ông chủ phương Tây của họ, những người đã thực sự chiếm đóng đất nước này về mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Chính quyền Ukraine ngày nay về cơ bản không phục vụ lợi ích quốc gia, mà chỉ phục vụ lợi ích các nước thứ ba", ông Putin nói. "Đánh bại Nga trên chiến trường là điều không thể, do đó ngày càng có nhiều cuộc tấn công thông tin mạnh mẽ hơn. Họ luôn nói dối, không ngừng tấn công vào nền văn hóa của chúng ta, vào Giáo hội Chính thống Nga".

Ông khẳng định Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước những nỗ lực của phương Tây nhằm chia rẽ xã hội nước này, đồng thời cho biết thêm rằng đa số người Nga ủng hộ chiến dịch quân sự.

Tổng thống Nga sau đó tuyên bố dành phút mặc niệm cho những người đã chết ở Donbass. Ông cũng cam kết thành lập quỹ đặc biệt cho gia đình những binh sĩ đã chết ở Ukraine.

"Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ các gia đình đã mất người thân. Tôi và tất cả chúng ta đều thấu hiểu tình cảnh khó khăn đến mức nào đối với cha mẹ, vợ con của những người lính đã ngã xuống. Cha mẹ của họ đã sinh thành, nuôi nấng nên những người bảo vệ Tổ quốc", ông Putin cho hay.

Lãnh đạo Nga cho rằng đất nước đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi "hợp nhất với Donbass". Ông cũng cam kết tăng cường chương trình hỗ trợ xã hội cho "các vùng lãnh thổ mới".

"Chúng ta sẽ làm mọi thứ để hòa bình trở lại trên lãnh thổ của chúng ta. Binh sĩ của chúng ta đang chiến đấu vì tương lai và để khôi phục công lý lịch sử", ông nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin ngày 21/2. Ảnh: Reuters.
Quang cảnh buổi đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin ngày 21/2. Ảnh: Reuters.

Ông Putin nói vào những năm 1930, phương Tây thực tế đã "mở đường cho phát xít Đức giành quyền lực, và giờ họ khiến Ukraine chống Nga". Phương Tây đã chi 150 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Kiev và dòng tiền sẽ không ngừng chảy vào Ukraine. Ông cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga chỉ là phương tiện, trong khi mục tiêu của phương Tây là khiến người dân Nga phải chật vật.

"Họ muốn làm cho người dân đau khổ, nhưng tính toán của họ đã không thành hiện thực. Nền kinh tế và cách quản lý của Nga hóa ra mạnh hơn họ nghĩ rất nhiều", ông Putin khẳng định.

Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây cố gây bất ổn xã hội Nga từ bên trong, nhưng không thành công. Chính quyền đã duy trì sự ổn định của nền kinh tế, ngăn chặn thâm hụt và sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Ông nhấn mạnh thị trường lao động được cải thiện. Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, trong khi hiện tại là 3,7%, mức thấp lịch sử.

"Nhu cầu trong nước được dự đoán tăng trưởng vững chắc trong năm nay, và tôi tin rằng các công ty của chúng ta sẽ tận dụng tình hình này, chiếm lĩnh những thị trường bị bỏ trống sau sự ra đi của các công ty phương Tây", Tổng thống cho hay.

Ông cho biết Nga có tất cả nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia, bất chấp biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Các công ty Nga đã xây dựng lại chuỗi cung ứng của họ và Moskva đang hợp tác với các nước khác để xây dựng các hệ thống thanh toán cũng như cấu trúc tài chính mới.

Tổng thống Nga sau đó kết thúc Thông điệp Liên bang. Theo Sputnik, bài phát biểu năm nay của ông Putin kéo dài một giờ 45 phút.

Lần gần nhất Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang là hồi tháng 4/2021, với bài phát biểu kéo dài 1 giờ 19 phút. Bài phát biểu năm 2018 dài nhất, với thời lượng 1 giờ 55 phút trong khi năm 2004 và 2005, ông Putin chỉ phát biểu trong 48 phút. Tổng thống Putin không đọc thông điệp năm 2022 với lý do tình hình thực tế diễn biến quá nhanh, "khó ghi nhận kết quả cũng như lên kế hoạch cho tương lai gần".

Theo: vnexpress.net https://vnexpress.net/nga-dinh-chi-hiep-uoc-kiem-soat-vu-khi-hat-nhan-voi-my-4573205.html


Tags: Nga, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ,
#Nga-Mỹ


TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp Liên bang, tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ và đề cập chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chính trị,

21/02/2023

Nga hôm nay thông báo bổ sung 11 vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh vào danh sách "không thân thiện"khi ủng hộ lệnh trừng phạt với nước này.

Chính trị,

30/10/2022

Hạ viện Nga thông qua hiệp ước sáp nhập tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia do Tổng thống Putin đệ trình, trước khi chuyển sang Thượng viện.

Chính trị,

03/10/2022

Tổng thống Nga trình hiệp ước lên quốc hội về việc sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, nhằm khiến quyết định này "không thể đảo ngược".

Chính trị,

03/10/2022

Tòa án Hiến pháp Nga đã công nhận sắc lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 30/9 để sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine hiện do Moscow kiểm soát, bất chấp sự phản đối của Kyiv.

Chính trị,

02/10/2022

Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an lên án Moskva sáp nhập lãnh thổ Ukraine, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ bỏ phiếu trắng.

Chính trị,

01/10/2022

Phát biểu tại buổi lễ ở Mátxcơva chiều 30/9, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye vào Nga.

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng miền nam Ukraine là Kherson và Zaporizhzhia, trước khi diễn ra lễ sáp nhập.

Chính trị,

30/09/2022

Ngày 26/9, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chưa có quyết định về việc đóng cửa biên giới cũng như áp dụng thiết quân luật ở một số vùng của nước này.

Chính trị,

27/09/2022

Chính quyền thân Nga ở 4 vùng tại Ukraine tuyên bố ghi nhận hơn 50% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập Nga.

Chính trị,

26/09/2022

Đón khách Nga trở lại

Sau nửa năm ngưng trệ, doanh nghiệp lữ hành sẽ đón những đoàn khách Nga đầu tiên đến Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng.

Phần Lan đóng cửa biên giới với du khách Nga

Phần Lan sẽ đóng cửa biên giới đối với khách du lịch Nga, bắt đầu từ nửa đêm nay theo giờ địa phương (tức 4h sáng 30/9 theo giờ Việt Nam).

30.09.2022

Phần Lan đóng biên với công dân Nga có thị thực Schengen

Phần Lan sẽ cấm công dân Nga có thị thực Schengen nhập cảnh nước này, trong bối cảnh lượng người đến tăng đột biến sau lệnh động viên quân.

29.09.2022

Khu rừng đỏ bí ẩn ở Nga

Rừng bách ở thung lũng Sukko, miền Nam nước Nga, mang một vẻ huyền bí như trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, đây không phải khu rừng tự nhiên. Nó được tạo nên từ bàn tay con người.

18.09.2022

Phần Lan cắt 90% thị thực du lịch Nga

Phần Lan cho biết sẽ cắt giảm 90% thị thực du lịch Nga so với mức hiện tại kể từ ngày 1/9, nhằm phản ứng với xung đột Ukraine.

16.08.2022