Tại sao Mỹ tiếp tục mua dầu của Nga?
Trang tin 1prime mới đây có bài viết phân tích về việc các công ty Mỹ tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt mới và áp lực chính trị từ phía Mỹ đối với Nga trong suốt thời gian vừa qua.
Theo 1prime, việc Mỹ tăng nhập khẩu dầu thô Nga có liên quan chủ yếu đến tình hình giá cả thị trường và các lệnh trừng phạt đối với Venezuela và hầu như không liên quan đến căng thẳng chính trị giữa các nước. Tất cả xuất phát từ lợi ích của các công ty Mỹ khi dầu mỏ của Nga được sử dụng trong một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, dầu Urals có thể bị thay thế bằng các loại dầu thô tương tự trên thị trường.
Cuối năm 2020, phía Mỹ ghi nhận nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga đạt mức kỷ lục từ năm 2011. Điều này xảy ra bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và căng thẳng chính trị Nga - Mỹ, bao gồm cả trong ngành dầu khí. Theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), khối lượng nhập khẩu dầu thô Nga vào Mỹ đã tăng lên 538.000 thùng/ngày, cao hơn nguồn cung dầu của KSA vào Mỹ (đạt trung bình 522.000 thùng/ngày). Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba tại Mỹ sau Canada và Mexico. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Mỹ trong năm 2020, Nga đã chiếm thị phần gần 7%. Theo nguồn tin từ hải quan Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu dầu mỏ Nga nhiều nhất trong năm 2020 gồm nhà máy lọc dầu Valero và tập đoàn ExxonMobil. Cả hai đã nhập khẩu lần lượt 55 triệu thùng và 50 triệu thùng. Hai doanh nghiệp này chiếm gần 50% sản lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga tại thị trường Mỹ.
Nguyên nhân
Giới chuyên gia giải thích rằng, sự tăng trưởng nguồn cung dầu từ Nga sang Mỹ là do các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với Venezuela - quốc gia trước đây cung cấp một phần đáng kể dầu nặng cho các nhà máy lọc dầu tại Mỹ. Dầu Urals có tính chất hóa lý khá tương đồng so với dầu thô Venezuela. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý xa xôi từ các mỏ dầu ở Alberta (Canada) đến Vịnh Mexico và các hạn chế về giao thông không cho phép gia tăng nguồn cung dầu của Canada cho Mỹ. Các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông có thể tăng nguồn cung dầu nặng, nhưng gặp nhiều khó khăn do các hạn chế sản xuất dầu được thiết lập theo khuôn khổ thỏa thuận OPEC+. Ngoài ra, Iran - quốc gia lớn thứ hai trong OPEC về trữ lượng dầu mỏ, không thể tăng sản lượng do đang chịu các lệnh cấm vận của Mỹ. Do đó, nhiều giao dịch nhập khẩu dầu thô Venezuela đã chuyển sang nhập dầu thô Urals.
Hãng tin Bloomberg cho biết, sự gia tăng mạnh nguồn cung dầu Nga vào thị trường Mỹ bắt đầu gia tăng khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trước khi bị áp đặt các lệnh cấm vận, Venezuela là nhà cung cấp dầu nặng chính cho Mỹ. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Venezuela góp phần giúp chính quyền Trump tại thời điểm đó loại bỏ một đối thủ cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ và đạt được sự vị thế thống trị về năng lượng. Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản xuất dầu.
Ngân hàng Uralsib cho biết, sản lượng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ Nga vào thị trường Mỹ trong năm 2019 đã tăng mạnh lên 39% so với năm 2018. Bước sang năm 2020, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,5%, song sản lượng nhập khẩu dầu của Nga vào Mỹ lại đạt kỷ lục 538.000 thùng/ngày. Điều này là do nhập khẩu dầu từ Venezuela vào Mỹ trong năm 2019 đã giảm 94% so với năm 2018 và tiếp tục giảm về 0 trong năm 2020. Bên cạnh việc thay thế dầu thô Venezuela tại thị trường Mỹ, những hạn chế trong sản xuất dầu thô của OPEC+ đã dẫn đến sụt giảm nguồn cung các loại dầu nặng trên thị trường toàn cầu và buộc các công ty Mỹ quan tâm nhiều hơn đến nhiên liệu của Nga.
Triển vọng thay thế
Theo 1prime, rất có thể các nhà máy lọc dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tận dụng môi trường giá cả thuận lợi để gia tăng biên độ lợi nhuận. Do đó, họ sẽ ưa thích sử dụng dầu giá rẻ, có chất lượng thấp hơn (dầu nặng, dầu nhớt) để làm nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, dầu thô Urals của Nga có chất lượng cao hơn và đắt hơn so với dầu nặng Venezuela. Điều này khiến nó không phải là nhiên liệu hấp dẫn nhất cho các nhà máy lọc dầu tại Mỹ. Để nâng cao hiệu quả lọc dầu, các nhà máy lọc dầu của Mỹ có thể sẽ mua các sản phẩm dầu nặng giá rẻ của Nga để trộn với dầu thô làm nhiên liệu đầu vào.
Dầu Urals cũng được so sánh với các loại dầu thô mà phía Mỹ nhập khẩu, do đó nó có thể thay thế hoặc bị thay thế tùy thuộc vào giá cả tại một thời điểm cụ thể, cộng thêm chi phí vận chuyển và các chi phí khác. Ngoài ra, chưa thấy có động cơ chính trị nào buộc người Mỹ mua dầu của Nga. Tất cả là hoạt động kinh doanh thuần túy. Nguồn dầu mỏ của Nga không bị trừng phạt và các doanh nghiệp Mỹ không bị cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hơn nữa các hợp đồng nhập khẩu thường được giao dịch trung gian qua các công ty thương mại dầu khí. Các chuyên gia Nga cũng cho rằng, khi nhu cầu nhiên liệu động cơ tại Mỹ phục hồi, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Nga có thể sẽ tăng lên.
Ở góc độ chính trị, sau những tuyên bố gây “phẫn nộ” của Tổng thống Biden nhằm vào Tổng thống Nga V.Putin, quan hệ song phương Nga - Mỹ đã leo thang đến mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ và giới phân tích cũng như các nhà vận động hành lang của các công ty dầu mỏ cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden không lo lắng về việc gia tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Đồng thời, Mỹ tiếp tục đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp châu u liên quan đến xây dựng đường ống North Stream 2. Phía Mỹ có thể thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và cấm nhập khẩu các sản phẩm của Nga. Khả năng xảy ra điều này là không cao cho đến khi tìm được nguồn cung thay thế dầu mỏ của Nga.
Giới chuyên gia nhận định, phía Mỹ có thể từ bỏ mua dầu của Nga nếu các lệnh trừng phạt đối với Venezuela được dỡ bỏ và nguồn dầu nặng từ quốc gia này bắt đầu cung cấp cho thị trường Mỹ. Điều này sẽ không dẫn đến việc tăng đáng kể chi phí của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ và không ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Theo petrotimes.vn
TIN LIÊN QUAN
Trong bối cảnh tốc độ tăng giá chậm lại, Ngân hàng Trung ương Nga đã hạ lãi suất chủ chốt 3 điểm phần trăm. - xuống còn 14% mỗi năm.
Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ điều chỉnh lại các quy định về thu chi đề phù hợp hơn với tình hình hiện tại.
28/04/2022
Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom vừa thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4.
27/04/2022
Các nhà phân tích tại S&P Global Market Intelligence dự doán, Nga sẽ mất 10 năm để khôi phục nền kinh tế về mức năm 2021.
26/04/2022
Theo nhóm phân tích của ngân hàng Promsvyazbank, yếu tố có thể hỗ trợ cho đồng ruble trong tuần này là việc các công ty Nga sẽ phải trả thuế thu nhập vào ngày 28/4.
26/04/2022
Quan chức Nga cho rằng dù nền kinh tế không thể sụp đổ, GDP khó tránh sụt giảm nếu tình hình không cải thiện.
Khoảng 8.000 chiếc ô tô, trong đó có hàng ngàn xe sang mang thương hiệu Mercedes, Lexus, Cadillac... xuất sang Nga đang mắc kẹt tại cảng Zeebrugge của Bỉ, sau khi các quốc gia châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga.
26/04/2022
Theo Viện Tài chính Quốc tế Mỹ (IIF), xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang đạt “tốc độ kỷ lục” trong tháng Tư và doanh thu từ hoạt động này “có khả năng cao hơn đáng kể” so với cùng kỳ năm trước.
26/04/2022
Ủy ban châu Âu cho rằng các công ty có thể mở tài khoản thanh toán khí đốt Nga bằng ruble và điều này không vi phạm lệnh cấm vận.
24/04/2022
Các nhà kinh doanh và sản xuất đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật sư để tiếp tục mua món hàng này từ Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
23/04/2022