Ấn Độ hưởng lợi từ dầu Nga
Ấn Độ tăng mua dầu thô giá rẻ Nga khi nguồn năng lượng này mang lại lợi ích lớn về kinh tế vĩ mô, bất chấp nỗ lực ngăn cản từ EU.
WSJ dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo ngành dầu khí Ấn Độ cho biết chính phủ nước này những tuần qua khuyến nghị các tập đoàn quốc doanh tìm cách tiếp tục mua dầu thô giá rẻ của Nga, trong bối cảnh phương Tây quay lưng với nguồn năng lượng từ Moskva và tăng cường các biện pháp trừng phạt với nước này.
Một giám đốc cho hay Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC) đang đàm phán để ký thêm hợp đồng mua dầu với gã khổng lồ năng lượng Nga Rosneft.
Trước đó, IOC đã ký hợp đồng 6 tháng với Rosneft, mua 6 triệu thùng dầu mỗi tháng, kèm lựa chọn mua thêm 3 triệu thùng, với điều khoản thanh toán bằng tất cả các loại tiền tệ lớn, như rupee, USD, euro, tùy cơ chế tại thời điểm giao dịch, theo Reuters.
Một quan chức Ấn Độ khẳng định chính phủ nước này không chỉ đạo các tập đoàn mua dầu Nga, nhưng nhấn mạnh dầu thô của Moskva hiện không bị trừng phạt và được nhiều nước khác tiếp tục mua.
"Chúng tôi không can thiệp hoặc chỉ đạo các công ty trong giao dịch thương mại. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng chính sách, chứ không chỉ bảo các công ty nên mua thứ này hay thứ kia", quan chức này nói.
Theo số liệu từ Kpler, Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu Nga lên hơn 25 lần kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. New Delhi mua trung bình một triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6, so với 30.000 thùng/ngày hồi tháng 2. Con số này tương đương hơn 1/4 nhập khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu thô Nga của châu Âu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nhập khẩu dầu tăng mạnh đẩy tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ từ Nga từ 24/2 đến 26/5 lên 6,4 tỷ USD, so với 1,99 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.
Các hợp đồng mua dầu thô Nga được Ấn Độ ký kết trong bối cảnh phương Tây tìm cách cản trở Moskva sử dụng nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong bối cảnh đó, hoạt động mua dầu giá rẻ mang lại lợi ích kinh tế vĩ mô đáng kể cho Ấn Độ, quốc gia đang vật lộn với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, theo Anna Hirtenstein và Benoit Faucon, hai bình luận viên kỳ cựu về tài chính và dầu khí của WSJ.
Giá dầu thô của Nga đã giảm đáng kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, trong đó giá dầu Urals phổ biến thấp hơn dầu Brent khoảng 37 USD/thùng. Dầu Brent là một phân loại thương mại chính của dầu thô ngọt nhẹ, đóng vai trò kiểm chuẩn giá mua dầu trên thế giới.
Mua dầu Nga với giá rẻ mang lại lợi ích kinh tế vĩ mô đáng kể cho Ấn Độ, trong bối cảnh nước này không sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu nội địa. New Delhi những tháng qua phải vật lộn nhằm ngăn tình trạng giá nhiên liệu tăng mạnh dẫn đến lạm phát leo thang. Đồng rupee của Ấn Độ từng mất giá nghiêm trọng trong những lần giá dầu tăng cao trước đây.
"Chúng tôi khuyến nghị mua thêm dầu nói chung chứ không phải chỉ riêng dầu Nga", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố hồi đầu tháng. "Chúng tôi cần mua loại dầu tốt nhất hiện có trên thị trường, điều này không mang sắc màu chính trị".
Tuy nhiên, động thái của Ấn Độ nhiều khả năng làm suy giảm hiệu quả các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Amos Hochstein, cố vấn năng lượng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, hồi đầu tháng 6 cho biết đã hối thúc Ấn Độ không hưởng lợi từ chiến sự ở Ukraine, cuộc khủng hoảng đã khiến giá năng lượng tăng cao khắp thế giới.
"Tôi đã nói với họ đừng đi quá xa. Đừng để mọi người nhìn nhận như thể Ấn Độ đang lợi dụng nỗi đau của những hộ gia đình khắp châu Âu và Mỹ", Hochstein nói.
Để ngăn tình trạng các bên khác hưởng lợi từ dầu Nga, Liên minh châu Âu (EU) ngoài quyết định cắt hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển vào cuối năm nay còn nhắm mục tiêu vào hoạt động bảo hiểm hàng hải, nhằm ngăn mọi con tàu chở dầu thô Nga chuyển hướng đến những nơi như Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
EU đã thông báo rằng sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tháng, các công ty của khối sẽ không được phép "cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ tài chính cho hoạt động vận chuyển" dầu Nga sang bên thứ ba.
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, khoảng 80% dầu thô cập cảng Ấn Độ thuộc về các chủ tàu EU.
Anh dự kiến cũng tham gia nỗ lực này của EU, điều này sẽ tăng cường tác động của lệnh trừng phạt, do vị thế trung tâm trong thị trường bảo hiểm hàng hải của nước này suốt nhiều thế kỷ qua. Nếu Anh hợp tác với EU, Ấn Độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nhập dầu Nga, theo CNN.
Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ được cho là đang tìm cách "lách luật" để duy trì nguồn dầu nhập khẩu từ Moskva, bất chấp vòng trừng phạt mới nhất từ châu Âu.
Một giám đốc ngành dầu khí cho biết 4 tàu dầu xuất bến vào tháng 7 sẽ được thu xếp mua bảo hiểm của Ấn Độ và tái bảo hiểm thông qua một bên trung gian ở Hong Kong.
Ấn Độ cũng đang thảo luận về biện pháp lâu dài, trong đó chính phủ nước này có thể đứng ra đảm bảo về bảo hiểm nhằm duy trì nguồn cung dầu thô từ Nga.
Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft cũng nỗ lực hỗ trợ hoạt động bảo hiểm cho các tàu dầu. Rosneft đề xuất phương án công ty bảo hiểm Nga Ingosstrakh IPJSC có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu chở dầu tới Ấn Độ, nhưng IOC đã từ chối lời đề nghị này do cổ đông lớn của Ingosstrakh là Oleg Deripaska, tỷ phú Nga bị Mỹ, Anh và EU trừng phạt.
Theo: vnexpress.net
https://vnexpress.net/an-do-huong-loi-tu-dau-gia-re-nga-4478969.htmlTIN LIÊN QUAN
Ấn Độ tăng mua dầu thô giá rẻ Nga khi nguồn năng lượng này mang lại lợi ích lớn về kinh tế vĩ mô, bất chấp nỗ lực ngăn cản từ EU.
27/06/2022
Ngày 26.6, bốn nước G7 đã nhất trí cấm nhập khẩu vàng của Nga, đánh dấu động thái mới trong nỗ lực phong toả kinh tế của nước này vì chiến sự tại Ukraine.
26/06/2022
Chính phủ Đức cảnh báo rằng sau đợt bảo trì dài 10 ngày từ 11 – 21/7, đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt từ Nga có thể không được mở khóa van trở lại.
Ngày 22/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài, trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi sát sao nguy cơ vỡ nợ của Moskva.
22/06/2022
Bất chấp ảnh hưởng từ những lệnh cấm vận và biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng Rúp Nga đang tiếp tục tăng giá so với đồng USD, trở thành đơn vị tiền tệ mạnh nhất thế giới nửa đầu năm nay.
22/06/2022
Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng Ukraine, Thụy Sĩ nhập khẩu vàng từ Nga, cho thấy lập trường của ngành này với Nga có thể đã bớt căng thẳng.
22/06/2022
Tata Steel đã nhập khẩu khoảng 75.000 tấn than từ Nga trong nửa cuối tháng 5/2022, chỉ vài tuần sau khi cam kết ngừng kinh doanh với phía Nga.
21/06/2022
Quan chức cấp cao của EU khẳng định liên minh này không nhắm vào lương thực và phân bón của Nga.
21/06/2022
Hiện chương trình này áp dụng đối với các gia đình có con sinh từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2022, và các khoản vay này có thể được thực hiện đến hết năm 2023.
21/06/2022