Ôtô Nga muốn qua Việt Nam vào Mỹ: Rào cản sừng sững
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) bày tỏ quan điểm như vậy khi bàn về khả năng ô tô Nga muốn thông qua Việt Nam để hưởng lợi từ TPP.
Việt Nam hưởng lợi nếu...
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Nga hoàn toàn có khả năng đi đường vòng qua Việt Nam (VN) để hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các quốc gia khác cũng tương tự như vậy. Một trong những giá trị của TPP là thu hút đầu tư, nó giống như chiếc "thẻ xanh" mà các nước sẽ khai thác để đi vào thị trường quốc gia thành viên TPP.


Ô tô Lada Nga đang muốn thâm nhập thị trường Mỹ thông qua Việt Nam. Ảnh minh họa
"Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở TPP, mà những hiệp định song phương Việt Nam ký kết, việc gia nhập WTO... đều giúp VN thu hút được đầu tư vì có rất nhiều vùng thị trường có thể khai thác lợi thế mà VN có được trong đàm phán quốc tế cho hàng hóa của họ xâm nhập vào thị trường quốc gia thứ ba.
Các quốc gia thông qua việc lập các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại VN, sản xuất thương hiệu của họ và đương nhiên họ phải đáp ứng các yêu cầu của TPP như yêu cầu VN đã cam kết. Lúc bấy giờ họ là doanh nghiệp có quốc tịch VN và sản phẩm làm ra là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam nên hoàn toàn được hưởng tất cả những gì mà TPP đem lại. Đương nhiên họ có nghĩa vụ phải tuân thủ tất cả các cam kết về sở hữu trí tuệ, tỷ lệ nội địa hóa...
Đây là điều tốt cho VN bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt buộc phải tăng cường tỷ lệ nội địa hóa mà vẫn đảm bảo được chất lượng và họ sẽ cùng VN phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu họ không nâng cao được nhiều thì giấc mơ hưởng lợi TPP thông qua VN sẽ không bao giờ thành", TS Nguyễn Ngọc Sơn chỉ rõ.
Cũng theo ông Sơn, VN hưởng lợi nhiều từ việc ô tô Nga đi đường vòng. TPP sẽ đem lại những hiệu quả lớn nhưng không phải vì thế mà VN thụ động, mặc kệ doanh nghiệp nước ngoài vào xoay xở. Nếu làm vậy, VN đã tự đánh mất đi cơ hội khai thác TPP bởi TPP không chỉ có VN, và Nga còn những 10 cửa khác để vào được thị trường Mỹ. Còn nếu nỗ lực, VN phải biết ngành ô tô đang đứng trước một cơ hội, nước Nga đang khai thác cơ hội này, từ đó VN sẽ nghiên cứu và xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ một cách tử tế.
"Không phải vào TPP là VN chắc chắn có các cơ hội tuyệt vời. Các khung pháp lý của TPP rất chặt, vẫn có những cơ hội để mỗi vùng thị trường có thể tự vệ trước sự tấn công của quốc gia thứ ba, do đó các cam kết về tỷ lệ nội địa hóa chính là cơ hội để các quốc gia yếu thế hơn trong TPP có thể tận dụng để phát triển. Nếu VN biết khai thác những cam kết đó thì nó sẽ thúc đẩy VN sẽ phát triển, còn nếu không cuối cùng TPP chỉ là miếng mồi ngon cho các quốc gia thứ ba khai thác mà thôi", ông Sơn lưu ý.
Vị chuyên gia dẫn trường hợp ngành dệt may làm ví dụ. Trước đây dệt may có thời sử dụng quota và các nhà đầu tư nước ngoài khai thác chính quota của dệt may Việt Nam bằng cách sử dụng nhà máy gia công, sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang những vùng thị trường như Mỹ hay EU. Tất nhiên, nhờ nó mà VN phát triển được ngành dệt may của mình, được tiếp cận với những công nghệ may tương đối tốt, có được một vị trí nhất định thông qua các hàng xuất khẩu made in VN trên khắp thế giới. Người VN có thể sử dụng những sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài được sản xuất tại VN và có được công ăn việc làm từ sư phát triển của ngành dệt may.
Nhưng cái dở là VN chưa khai thác được những vùng lẽ ra có thể khai thác được, ví dụ phát triển ngành dệt để cung cấp nguyên liệu. Thực tế, nguyên liệu VN gần như phải nhập hoặc gia công và cuối cùng ngành dệt may trở thành một ngành què cụt vì lệ thuộc. Khi nào các hãng may nước ngoài không còn nguồn nguyên liệu để sản xuất thì người lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp. Ngành dệt may VN rõ ràng chưa phát triển thực sự dựa trên nguồn lực của chính mình, nói cách khác lợi ích ngành dệt may đem lại chỉ là lợi ích trước mắt, không có sự căn cơ trong phát triển ngành.
Với TPP cũng vậy. Khi tham gia TPP, VN có nhiều cơ hội phát triển ngành dệt may nhưng nếu cứ phát triển theo kiểu cũ, ngành dệt may chỉ đem lại lợi ích cho những nhà đầu tư nước ngoài mà thôi. Tình huống của ngành ô tô cũng tương tự như vậy.
Quay trở lại khả năng ô tô Nga sẽ thông qua Việt Nam để thâm nhập thị trường Mỹ, TS Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định Nga sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề để thực hiện mục đích của mình.
Ông phân tích: "Thị trường ô tô VN đang phát triển chứ chưa phát triển ở mức độ cao. Điển hình là cơ chế đào thải ô tô ở VN không như ở nước ngoài, xe cũ vẫn tràn lan, VN không có nghĩa địa ô tô. Mặt khác, thị trường ô tô VN có những phương thức rất đặc biệt, thể hiện ở thói quen tiêu dùng và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam rất lạ lùng. Người Việt thích sự an toàn và hàng ngoại.
Giai đoạn trước năm 1986, ô tô Nga tràn ngập thị trường Việt Nam, nguyên nhân là xe phương Tây không tràn vào được chứ không phải người Việt Nam yêu mến gì xe Nga hơn. Đến khi Việt Nam phát triển thị trường, hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn thì thói quen tiêu dùng của VN tự động trở lại đúng với nhu cầu của người dân. Bởi vậy, ô tô Nga không thể quay trở lại VN với ký ức mà phải với một phương thức hoàn toàn mới - làm sao phá bỏ được thói quen tiêu dùng của người Việt bằng sự thuyết phục về chất lượng, mẫu mã và các yếu tố khác, nói cách khác họ phải gây dựng lại một thói quen như một đối thủ cạnh tranh mới. Đây là vấn đề rất khó, chưa kể Nga phải đối diện với cuộc cạnh tranh với ô tô Nhật, Hàn Quốc, Mỹ..., các dòng ô tô cũ, các dòng sản phẩm sản xuất ngay tại VN...
Ô tô Nga có thể có giá rẻ nhờ việc VN tham gia Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), thuế nhập khẩu ô tô được dỡ bỏ. Tuy nhiên, giá cả rẻ không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm. Ở đây điều tôi muốn nói không chỉ là sự bền bỉ của chiếc xe mà là tổng thể về độ sang trọng, nét đẹp của chiếc xe, tính tiện dụng của xe, độ an toàn của xe, thương hiệu của xe, đặc biệt là thương hiệu xe. Hiện người Việt đi xe để khẳng định đẳng cấp cá nhân, nên để khẳng định đẳng cấp xe Nga trước những dòng xe quốc tế không hề dễ dàng. Thị trường ô tô VN không phải là thị trường bình dân bởi giới thu nhập bình dân không có cơ hội mua xe ô tô. Do đó, các dòng sản phẩm mang tính bình dân chưa chắc đã phải dòng sản phẩm phù hợp.
Doanh nghiệp ô tô Nga muốn thâm nhập thị trường VN thì phải phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với thói quen tiêu dùng của người VN. Đặc biệt, Nga dứt khoát không thể bám vào quá khứ, không thể khai thác việc xe Nga từng có nắm giữ vị trí gần như độc tôn ở VN, từng được yêu mến ở VN bởi một lẽ đơn giản, thế hệ có thói quen tiêu dùng xe Nga là thế hệ lớn tuổi, phân khúc thị trường của VN hiện nay dành cho những người ở lứa tuổi 40-50, họ đã quên mất xe Nga như thế nào. Do đó, sự lựa chọn của thế hệ người tiêu dùng mới hoàn toàn đặt xe Nga bình đẳng với các đơn vị khác và không hề có sự ưu tiên cho quá khứ".
Để tồn tại trên thị trường VN, với xe Nga, không phải là dễ, vì vậy để thâm nhập thị trường Mỹ càng không dễ dàng, TS Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh. Theo đó, thị trường ô tô Mỹ rất đa dạng, kể cả phương thức kinh doanh đến dòng sản phẩm... Chính thói quen tiêu dùng của người Mỹ, mức độ cạnh tranh ngành ô tô tại Mỹ đã đủ tạo ra những rào cản với ô tô Nga.
Thị trường Mỹ không chỉ là xe của Mỹ mà xe của toàn thế giới đổ về đó. Ở VN có kiểu xe nhà ta ta chạy nhưng ở Mỹ, người dân có thể không cần phải mua xe mà lúc nào cũng có xe mới vì họ thực hiện cơ chế thuê xe. Bởi thế, sản phẩm ô tô Nga len lỏi vào thị trường Mỹ chưa chắc đã đem lại những giá trị như người Nga mong muốn. Nếu họ thâm nhập được vào thị trường Mỹ thông qua Việt Nam để hưởng lợi từ TPP thì cũng là một cách hay để VN học hỏi trong viêc phát triển ngành ô tô, nhưng quả thực nhưng không hề dễ.
"Có một thời người ta tin rằng ô tô Nhật có thể "tàn sát" ngành ô tô Mỹ nhưng rồi ngành ô tô Mỹ vẫn ung dung phát triển, và ô tô Nhật bị cạnh tranh gay gắt. Với một thị trường rộng lớn như vậy, đặt chuẩn cao như vậy, phong phú về phương thức cạnh tranh thì khi ô tô Nga thâm nhập tức khắc thị trường Mỹ sẽ tự phản ứng", ông Sơn nhận định.
Theo http://baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Theo kết quả thống kê từ tháng một đến tháng tám, rượu vang trị giá 79 triệu đô la đã được xuất khẩu từ Latvia sang Nga và Litva trở thành nước dẫn đầu trong chỉ số này. Năm 2022, 3 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu rượu vang vào Nga bao gồm Ý, Tây Ban Nha và Georgia.
Giá dầu thô của Nga đã tăng vượt mức trần do G7 đặt ra. Phải chăng một trong những biện pháp trừng phạt quan trọng của họ đối với Moscow đã thất bại?
15/07/2023
Mức cắt giảm 700.000 thùng cao hơn 40% kế hoạch thu hẹp sản lượng mà Nga từng đề ra để đáp trả lệnh áp trần giá dầu của phương Tây.
08/04/2023
Thủ tướng Mikhail Mishustin cho hay kinh tế Nga đã "sống sót" và sẽ hoàn toàn thích nghi với các lệnh trừng phạt phương Tây vào năm sau.
25/03/2023
Ngân hàng trung ương Nga vừa ra thông báo cho hay, ngân hàng này sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức 7,5% lần thứ 4 liên tiếp, cho thấy khả năng tăng lãi suất trong trường hợp rủi ro lạm phát gia tăng.
19/03/2023
Trong 10 tháng đầu năm tài khóa này, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Nga và Ấn Độ đạt mức kỷ lục 39,8 tỷ USD.
11/03/2023
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 2,3% vào năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 tới thời điểm báo cáo.
08/03/2023
Các nước Liên minh châu Âu (EU) và G7 vừa đạt thỏa thuận về mức trần giá 100 USD áp dụng với các sản phẩm như dầu diesel của Nga.
04/02/2023
Truyền thông Nga dẫn lời Bộ Tài chính nước này nói giá dầu Matxcơva bán trong tháng vừa qua vào khoảng 47 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp.
16/01/2023
Trong cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 16/1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nguồn thu ngân sách của nước này từ dầu khí tăng 28%, tức 2.500 tỷ ruble (36,7 tỷ USD) trong năm 2022.
16/01/2023