Vietnews.ru
Lịch sử - Nhân vật

Nữ phi công cuối cùng từng trút bom xuống phát xít Đức

11/05/2020 (Đọc 7 phút)


Galina Brok-Beltsova nhập ngũ năm 1941 khi mới 16 tuổi, giờ đây bà là nữ phi công oanh tạc cơ Liên Xô cuối cùng còn sống.

Brok-Beltsova ngồi trong căn nhà ở Mytishchi, thị trấn cách thủ đô Moskva khoảng 25 km, với mái tóc bạc trắng, đeo mặt dây chuyền vàng hình oanh tạc cơ Petlyakov Pe-2 cùng chiếc khăn quàng màu đỏ rực rỡ. Hàng loạt bức ảnh cũ được đặt trên giá sách, cùng với đó là một con gấu đá trắng nằm trang trọng để kỷ niệm câu chuyện tình thời chiến giữa bà và chồng.

Sau khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô năm 1941, đường phố thủ đô Moskva đầy những biểu ngữ ái quốc và kêu gọi tòng quân.

Nữ sinh 16 tuổi Galina Brok-Beltsova vừa rời rạp chiếu phim cùng các bạn vào buổi tối mùa hè năm 1941 thì còi báo động không kích vang lên, báo hiệu cho cư dân Moskva tìm chỗ trú ẩn. Một sĩ quan cảnh sát hối thúc họ xuống ga tàu điện ngầm, nơi chật kín người già, phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, Brok-Beltsova cùng các bạn lại đi thẳng tới văn phòng tuyển quân gần nhất và đăng ký nhập ngũ.

Nữ phi công cuối cùng từng trút bom xuống phát xít Đức - ảnh 1
Brok-Beltsova trong căn hộ ở ngoại ô Moskva hôm 8/5. Ảnh: Washington Post.

"Chúng tôi rất khỏe mạnh và dũng cảm, thậm chí có vẻ quá dũng cảm và muốn thể hiện bản thân", Brok-Beltsova, giờ đã 95 tuổi, nhớ lại. Họ được cắt tóc ngắn như nam giới, sau đó được cấp đôi giày và quân phục. Họ phải mất một lúc để tìm quân phục nam vừa với thân hình Brok-Beltsova.

Bất ngờ đầu tiên với Brok-Beltsova là khu chuồng ngựa lạnh cóng mà cô và các nữ tân binh dùng làm nơi ngủ tạm sau khi nhập ngũ. Bên trong là một đống phân ngựa đã đóng băng, cửa không có khóa và chỉ được chốt bằng một chiếc đinh gỉ. Khu nhà tắm còn chất đống nhiều phân ngựa hơn.

Các nữ tân binh đã tìm xẻng, xà beng dọn sạch những đống phân ngựa chỉ sau vài giờ và được chỉ huy khen ngợi. Brok-Beltsova học khẩu hiệu tự lực từ Marina Raskova, nữ hoa tiêu đường không đầu tiên của Liên Xô và cũng là người thuyết phục nguyên soái Iosif Stalin thành lập ba trung đoàn không quân toàn nữ vào năm 1941.

Tình trạng thiếu hụt nữ phi công vào năm 1943 khiến các chỉ huy cần 9 nữ học viên tình nguyện tham gia huấn luyện chiến đấu trước thời hạn. Brok-Beltsova nằm trong số này và được đào tạo trên oanh tạc cơ bổ nhào hai động cơ Pe-2 "Peshka", niềm tự hào của không quân Liên Xô khi đó.

Khi cô đứng trong hàng ngũ tình nguyện, sĩ quan chỉ huy Georgy Beltsov đã lập tức chú ý đến nữ học viên với đôi giày và bộ đồ bay cỡ nhỏ. Các cô gái khác dường như si mê Beltsov, nhưng Brok-Beltsova lại không thể hiện điều này. Khi Beltsov tìm cách bắt chuyện trong một buổi tiệc, cô đã yêu cầu chỉ huy tìm một người khác và ra về.

Năm 1944, Brok-Beltsova được biên chế vào Trung đoàn ném bom số 587 và bắt đầu làm nhiệm vụ ngoài tiền tuyến. Trong lúc tổ bay chờ cất cánh, chỉ huy Beltsov đã tới tìm cô. "Tất nhiên tôi không muốn gặp ông ấy. Tôi đang tập trung vào cuộc chiến. Ông ấy bắt đầu viết cho tôi đến 3 lá thư mỗi ngày", Brok-Beltsova hồi tưởng.

Beltsov chụp ảnh một con gấu nhỏ bằng đá màu trắng và gửi tới Brok-Beltsova. "Đây là lá bùa của chúng ta. Xin hãy mang theo tấm ảnh mỗi khi cất cánh. Nó sẽ mang lại bình an cho em", sĩ quan Liên Xô viết trong thư.

Brok-Beltsova có nhiệm vụ quan sát địa hình để xác định đường bay và mục tiêu cho phi đội oanh tạc cơ. Tuy nhiên, mọi thứ rất dễ nhầm lẫn trong lần đầu cô xuất kích. Các con đường, làng mạc và rừng đều bị phá hủy, trong khi địa tiêu như những nhánh sông đều rất khó quan sát.

"Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ, khai hỏa và ném bom xuống mục tiêu, nhưng không thực sự hiểu mình đang ở đâu", nữ phi công Liên Xô nhớ lại.

Những bức ảnh thời chiến của Brok-Beltsova. Ảnh: Washington Post.
Những bức ảnh thời chiến của Brok-Beltsova. Ảnh: Washington Post.

Năm 1945, Brok-Beltsova tham gia trận đánh tại Konigsberg, thành phố cực đông của Đức khi đó. Nó gần như chỉ còn là đống gạch vụn sau chiến dịch tấn công dữ dội của không quân và lục quân Liên Xô. Brok-Beltsova coi đó là đòn trả đũa cho sự tàn phá ở Stalingrad.

"Đó là chiến tranh. Chúng tôi hủy diệt họ vì họ đã tìm cách hủy diệt chúng tôi", Brok-Beltsova nói. Tổ bay của bà tham gia tấn công cảng Pillau, nơi được phát xít Đức phòng thủ chặt chẽ với nhiều đơn vị pháo phòng không. Họ được nguyên soái Stalin đích thân gửi thư cảm ơn sau trận đánh.

Trung đoàn 587 đã thực hiện tổng cộng hơn 1.100 nhiệm vụ trong Thế chiến II. Bản thân Brok-Beltsova được trao 6 danh hiệu cấp quốc gia và 18 huân huy chương.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Beltsov, lúc này đã là sĩ quan chỉ huy cấp cao, tìm đến cầu hôn Brok-Beltsova khi cô đang đóng quân tại Penevezhis, Litva. Ông mang theo con gấu đá may mắn, nhưng bị từ chối vì Brok-Beltsova muốn vào đại học.

"Ông ấy nói rằng: 'Tôi đã chờ em suốt cả cuộc chiến. Em đang dùng đôi giày nhà binh dẫm lên linh hồn người đàn ông hết lòng vì em'. Đôi môi ông ấy run rẩy và gần như bật khóc", Brok-Beltsova nhớ lại. "Tôi bị sốc. Nó như gáo nước lạnh làm tôi tỉnh táo và tôi đã thay đổi ý định".

Đám cưới được tổ chức khá vội vã. Họ không đủ tiền chuẩn bị cho buổi lễ và phải đổi những bộ quần áo lót được nhiều người ưa thích khi đó để mua đồ cho đám cưới.

Brok-Beltsova và chồng. Ảnh: Washington Post.
Brok-Beltsova và chồng. Ảnh: Washington Post.

Brok-Beltsova sau này vẫn vào đại học và trở thành giáo sư sử học. Cặp vợ chồng chỉ cãi nhau đúng một lần trong suốt 60 năm chung sống khi bà không hài lòng với việc chồng dành quá nhiều thời gian cho công việc hiệu trưởng một trường sĩ quan không quân. Tướng Beltsov qua đời năm 2005.

Năm nay Brok-Beltsova đã 95 tuổi và cũng là người cuối cùng còn sống trong số các nữ phi công Liên Xô từng tham chiến trong Thế chiến II. Tuy nhiên, bà không cảm thấy mình đã già khi vẫn thường xuyên được mời đến các buổi học và sự kiện quân sự để chia sẻ kinh nghiệm thời chiến với những sĩ quan trẻ tuổi.

Nga năm nay không tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ và nhiều thành phố lớn nhân kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức do đại dịch Covid-19. Dù vậy, Brok-Beltsova vẫn được mời tới ăn trưa cùng các cựu chiến binh tại Điện Kremlin, nơi họ được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đãi.

Theo VnExpress 


Tags: Nữ phi công, phát xít Đức, Ngày chiến thắng,
#Ngày chiến thắng #phát xít Đức #Nữ phi công


TIN LIÊN QUAN

Chiếc máy bay này được cho là có thể chở 860 người cùng lúc đi khắp thế giới, nhưng lại rơi vào quên lãng do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990.

Lịch sử,

01/04/2022

Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.

Lịch sử,

27/10/2021

Những thông tin giá trị do Richard Sorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.

Lịch sử,

21/10/2021

Vương triều Romanov gồm nhiều thành viên đang sinh sống tại nước ngoài và gia nhập hoàng gia những nước khác, trong đó có Hoàng thân Philip của Anh.

Lịch sử,

04/10/2021

Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.

Lịch sử,

23/09/2021

Thỏa thuận giữa triều đình Thanh, Trung Quốc, với Đế quốc Nga được ký kết bí mật sau khi Trung Quốc thảm bại trước Nhật Bản trong cuộc xung đột 1894-95.

Lịch sử,

05/04/2021

Sinh ngày 18/6/1901, công chúa Nga Anastasia được đồn là thành viên duy nhất trong gia đình Sa hoàng Nicholas II còn sống sau năm 1918. Vì vậy, những câu chuyện về Anastasia khiến công chúng tò mò về sự thật - giả.

Lịch sử,

16/02/2021

Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.

Lịch sử,

31/01/2021

Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh NATO đã phải giải bài toán khó: phát triển các phương tiện đủ năng lực thâm nhập mạng lưới phòng không ngày càng dày đặc và tinh vi của các nước khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt trên đất Liên Xô, theo Military Watch.

Lịch sử,

04/01/2021

Cuộc đời chính trị của Eduard Shevardnadze, cựu Ngoại trưởng Liên Xô là một hiện tượng kỳ lạ trên chính trường Xô Viết. Ông thuộc phe cánh Đoàn TNCS. Trên con đường công danh, lúc ông thuộc nhóm này, lúc phe kia. Các nhóm có ông, lúc thăng, lúc trầm, nhưng riêng ông chỉ có thăng chứ không có trầm.

Lịch sử,

13/12/2020

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022

Hàng không Việt Nam tăng chi phí vì chiến sự Ukraine

Các hãng hàng không phải thay đổi lộ trình bay, phát sinh chi phí nguyên liệu và các vấn đề bảo hiểm, dự phòng rủi ro khi qua không phận Nga.

25.03.2022