Người trả nợ ân tình Nga - Việt
Cứ mỗi tuần ba “cữ”, những người yêu Liên Xô (cũ), nước Nga vĩ đại lại được thưởng thức những bộ phim hấp dẫn đến từng giây, “xem lâu sợ hết”. Phim được một tiến sỹ toán học nặng nợ với nước Nga, với mối quan hệ Nga Việt cùng cộng sự sưu tầm, xin bản quyền, biên dịch, hiệu đính…
“Dmitri Tran” chụp tại chân Hải đăng Kê Gà năm 2016
Ðặc sản phim Liên Xô và Nga trên internet
Trên “cõi mạng”, “cõi facebook” hỗn tạp như hiện nay, không dễ tìm được những trang thông tin đáng tin cậy, hấp dẫn. Những người yêu nước Nga Xô Viết vĩ đại và đôn hậu hẳn cũng muốn một không gian mạng đáng tin, hồn hậu, không ồn ào. Và hiện nay, họ đã có và hàng ngày rỉ tai, gửi cho nhau đường link về kênh chuyên chiếu phim Liên Xô và Nga trên YouTube mang tên Star Media Viet Nam. Người “chơi” Facebook cũng có thể vào xem phim qua tài khoản “Phim Liên-xô và Nga” hoặc “Dmitri Tran”. Trong đó, Dmitri Tran là tài khoản của người “chủ sự” việc này.
Cũng như nhiều người Việt vốn sẵn trong mình tình yêu nước Nga, tôi là một người trẻ đã vào xem và gần như lập tức bị từng thước phim lôi cuốn, mê hoặc, “cày” phim suốt đêm mỗi khi rỗi việc hoặc mất ngủ. Trên Star Media Viet Nam có cả phim hiện đại nhưng nhiều nhất vẫn là phim điện ảnh, phim tài liệu lịch sử của nước Nga. Phim lịch sử nhiều nhất vẫn là phim về cuộc chiến giải phóng nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít, về thiên hùng ca chói lọi của nước Nga Xô Viết và cả nhân loại trong thế kỷ XX.
Trên kênh YouTube, Facebook chuyên về phim Liên Xô và Nga này, có không biết bao nhiêu lời cảm ơn dành cho Dmitri Tran. Họ cảm ơn anh về kiến thức rộng trong công việc biên soạn, dịch thuật phim. Có khi họ gọi anh trìu mến là “bác chiếu phim” hay thầy Trần. Một người xem bình luận sau khi xem những tập phim “Trung đoàn tiêm kích” đang chiếu: “Tấm lòng và tầm hiểu biết của bạn xin được ghi ân trong tâm thức chúng ta”. Người xem Ngô Thanh Tuấn comment: “Nhiều người ủng hộ anh cuồng nhiệt. Anh giữ gìn sức khỏe thoải mái để cả nhà được anh phục vụ những bữa ăn tinh thần thịnh soạn”.
Những bộ phim kinh điển như “Cuộc chiến vĩ đại” tái hiện toàn bộ cuộc chiến từ phía Liên Xô, hay những thước phim sống động về cuộc chiến trên không như “Én đêm”, “Trung đoàn tiêm kích” được tái hiện đầy đủ, chân thực về cuộc sống của người lính, chiến đấu trên những chiếc tiêm kích, tình yêu của thế hệ trẻ… Những phim về hoạt động tình báo, sỹ quan an ninh như “Ám sát Stalin”, “Bọn gián điệp phải chết”, “Cục phản gián quân đội SMERSH”, “Tình báo quân đội”, “Đi trên lưỡi dao”, “Sorge - nhà tình báo lỗi lạc”… khiến người xem tim đập mạnh, gần như nghẹt thở trong các cảnh phim hành động không kỹ xảo nhưng khắc nghiệt, hay những phân đoạn thắt mở tình huống tài tình.
Các bộ phim không chỉ hấp dẫn người xem bằng kịch bản hay, kịch tính, chân thật của các nhà làm phim Nga, Liên Xô mà quan trọng hơn là những dòng phụ đề tiếng Việt (Vietsub - viết tắt của từ Vietnamese subtitle) đầy đủ, dễ hiểu. Vietsub này được Dmitri Tran dịch, hoặc người khác dịch và Dmitri Tran hiệu đính.
Trang của phim này duy trì lịch phát sóng cố định 3 tập phim được anh và đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ dịch và làm phụ đề. Nhiều người yêu thích trang đã chủ động liên lạc để hỗ trợ kinh phí cho “tổ sản xuất” của Dmitri Tran. Nhiều người uy tín còn hỗ trợ các anh đàm phán với các hãng phim để được sử dụng bản quyền. Hàng quý, trên trang Facebook của mình, Dmitri Tran công khai đầy đủ họ tên những người đã ủng hộ, các chi phí đã sử dụng, kinh phí cần để được các hãng đồng ý cho công chiếu.
Chính vì thế, đội ngũ của Dmitri Tran có được bản quyền từ hãng phim lớn nhất nước Nga là Star Media và được phép lập và chiếu phim trên trang YouTube: Star Media Viet Nam. Kênh Star Media Viet Nam hiện có hơn 26 nghìn người đăng ký theo dõi - một con số mà nhiều kênh YouTube, Vlog (một trang cá nhân bằng video trên nền tảng YouTube) mang tính thị trường khó đạt được.
Rất khó có thể liệt kê hết được sự thấp thỏm của người xem chờ đợi, đón nhận từng tập phim. Nhiều người không kìm nổi cảm xúc khi đưa ra các bình luận trên trang như: “Thấy là vào liền”, “xem một đoạn lại tắt một chút vì sợ hết phim”.
Ân tình Nga - Việt
Dmitri Tran tên thật là Trần Khánh, sinh năm 1951, quê nội ở Huế, quê ngoại ở Cam Lộ (Quảng Trị). Anh sinh ra tại quê ngoại - nơi bố anh công tác. Năm 1954, anh theo bố mẹ ra Bắc tập kết. Đến năm 1969 anh đi Liên Xô trên du thuyền ILICH (chuyến đi dành cho du học sinh, mất hơn 1 tuần từ thành phố Hải Phòng đến Vladivostok, Nga).
Về lý do chiếu phim Liên Xô và Nga cho người Việt Nam, anh Khánh cho biết: Trước hết là do tình cảm. Thứ hai, anh là người được Nhà nước đào tạo, nhưng chỉ làm việc cho Nhà nước được 13 năm sau khi về nước nên vẫn còn “mang nợ”. “Việc giới thiệu đất nước, văn hóa Liên Xô và Nga qua các bộ phim coi như việc làm có ích phục vụ xã hội để bù lại sự “vô ơn” của mình...” - anh Khánh nói.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Khánh kể lại nhiều kỷ niệm học tập, những chuyến đi và cả câu chuyện tình yêu trên nước Nga vĩ đại. Trong đó có chuyện, hè năm 1971, vừa xong năm thứ nhất, anh cùng dăm sinh viên Việt Nam đi quanh Ukraina. Tại một trại hè ở Ukraina, anh quen một cô gái Nga qua một em nhỏ. Thế rồi, anh bị cô gái Nga xinh đẹp, đôn hậu đó hút hồn. Quen nhau, thư từ qua lại, sau đó anh thường xuyên “bỏ trường” đi chơi, đến nỗi “bị cảnh báo trên toàn thành phố” vì đi không báo cáo. Nhưng nhờ đó, tính nhút nhát trong chàng trai Việt của anh bớt dần; và quan trọng hơn, anh có một vốn tiếng Nga phong phú, sinh động mà không nhiều lưu học sinh có được.
Sau khi học ở Nga về, anh cầm bằng tiến sỹ toán học, làm việc trong nước 13 năm. Sau đó, anh tiếp tục sang Nga và châu Âu làm việc. Hiện nay, anh Khánh đã về sống tại thành phố Hồ Chí Minh, làm đại diện cho một Tập đoàn của Anh, có công ty con là công ty cổ phần ở Ivanovo (Nga). Ngoài ra, anh là hội viên Hội dịch thuật Nga (anh từng dịch cho các cơ quan thực thi pháp luật của Nga, Tập đoàn Nhà nước Rosatom...). Mấy năm trước, anh chính là người dịch hơn 1.000 trang toàn bộ Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từ khảo sát, máy móc kỹ thuật, cho đến dự trù kinh phí để Rosatom đàm phán với Việt Nam. Anh cho biết, việc dịch phim phục vụ người Việt Nam là việc thứ 3 hàng ngày anh phải làm. “Hàng ngày làm việc từ 10-12 tiếng để vừa hoàn thành công việc, vừa có phim để chiếu” - anh Khánh nói.Trang facebook “Dmitri Tran”
Lý giải về việc Star Media Vietnam chủ yếu chiếu phim về chủ đề chiến tranh thế giới thứ II chứ không phải là những bộ phim hiện đại, hành động mới của Nga (cũng không kém phần hấp dẫn), Dmitri Tran nói: “Mảng phim chiến tranh giáo dục lòng yêu nước. Theo cảm nhận của tôi, đây là mảng phim ở ta chưa chú ý đúng mức, kể cả dưới dạng nghệ thuật hay truyền thông thuần túy. Tôi là học sinh miền Nam, lúc ở Vĩnh Linh, Quảng Trị chúng tôi hứng nhiều bom đạn của Mỹ, kể cả B-52. Bạn học từ lớp 1 của tôi đến khi tốt nghiệp cấp 3 có đến gần 1/2 đã chết do bom đạn. Vì thế, phim về đề tài chiến tranh của Liên Xô, của nước Nga thực sự ám ảnh, gợi nhớ, tương cận với một thời kỳ lịch sử nên tôi thường chọn để giới thiệu”.
Theo Tiền phong
TIN LIÊN QUAN
Hôm thứ Năm (10/3) vừa rồi, tác giả Quynh Tran (Trần Quỳnh, người Phần Lan gốc Việt) đã giành được Debutant Prize 2022 (giải thưởng “Tiểu thuyết đầu tay”) của nhật báo Boras (Thụy Điển), trị giá 150.000 kronor Thụy Điển (tương đương 14.000 euro và tương đương 350 triệu đồng VN) - cho cuốn tiểu thuyết “Skugga och svalka/ U ám và lạnh lẽo”, được xuất bản vào mùa thu năm ngoái 2021.
13/03/2022
Khoảng 800 người Việt từ Ukraine đã sơ tán sang Romania, con số thực tế có thể cao hơn do nhiều người không liên lạc với sứ quán hay các hội nhóm.
06/03/2022
Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến nhiều người băn khoăn chuyển tiền qua ngân hàng từ Nga về Việt Nam và ngược lại có khó khăn?
03/03/2022
Vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước, khi xứ Đông Dương xa xôi vẫn còn là thuộc địa Pháp, những người Việt Nam đầu tiên đã đến với nước Nga Xô Viết, vào nhập học tại Trường Đại học Cộng sản dành cho những người lao động phương Đông (KUTV).
06/11/2021
Nhờ những nỗ lực suốt 12 năm qua, Ninh Đức Hoàng Long được bầu chọn vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam và được Tổng thống Hungary đặc cách cấp quốc tịch.
31/03/2021
Tyler Nguyen, cậu bé gốc Việt 11 tuổi đến từ Herndon, Virginia (Mỹ), đã trở thành ứng viên nhỏ tuổi nhất tham gia thi đấu cùng những người trưởng thành trong chương trình truyền hình BattleBots nổi tiếng nước Mỹ.
26/02/2021
Ca sĩ Đoan Trường nhớ lần đầu đặt chân tới xứ bạch dương 33 năm trước và những kỷ niệm trong 8 năm sống ở Nga.
“Bà Liên Xô” là tên gọi mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh, người đã trải qua 80 mùa xuân của cuộc đời nhưng có tới 65 năm dành để học tập, giảng dạy, nghiên cứu chuyên ngành Nga học.
Tiến sĩ Ngô Như Bình chia sẻ về cơ duyên đến với Đại học Harvard và hành trình gần 30 năm đưa tiếng Việt, văn hóa Việt vào giảng dạy tại đại học danh giá hàng đầu thế giới.
05/06/2020