Nga đề phòng người Trung Quốc ở vùng Viễn Đông?
Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông Nga, ông Aleksander Galushka mới đây công bố việc chính phủ nước này cho phép công dân có nguyện vọng đều được cấp 1ha đất ở bất kỳ nơi nào trên cả vùng Viễn Đông.
Đầu năm 2017, quyết định này sẽ chính thức đi vào thực hiện. Người dân chỉ cần thực hiện một yêu cầu là canh tác đất đai trong vòng 5 năm. Sau đó, mảnh đất có thể thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.
Bộ trưởng Galushka cho biết, nếu người nhận đất không thực hiện yêu cầu này, diện tích đất 1ha đó sẽ được chuyển trả lại nhà nước. Còn những người khai khẩn thành công sẽ được quyền sở hữu miễn phí lô đất này.
Vùng Viễn Đông Nga sẽ được cấp cho công dân muốn canh tác. Ảnh: Vùng Kamchatka - Sputnik.
Bộ này cũng đang soạn thảo 30 quyết định mẫu về mục đích khai thác đất và dự định công bố vào tháng 10 tới.
Luật cấp đất Viễn Đông miễn phí cho người dân Nga có hiệu lực từ ngày 1/6 nhằm giảm dòng người rời bỏ vùng đất phía Bắc thưa thớt dân cư này của Nga, cũng như thu hút thêm người dân đến sinh sống tại đây.
Do điều kiện chính để được cấp đất là phải có hoạt động kinh tế, luật này sẽ khuyến khích hoạt động kinh doanh của công dân và nhìn chung cải thiện được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hiện Nga cũng đang xem xét khả năng thu hồi đất trong trường hợp chủ đất thay đổi quốc tịch.
Chính sách mới của Nga được đặt ra giữa tình trạng người nông dân Trung Quốc ồ ạt tràn sang vùng Viễn Đông của Nga để khai thác trồng trọt và sử dụng phân bón hóa học làm thoái hóa đất ở đây.
Tờ New York Times hôm đầu tháng 8 đăng tải bài viết về những người nông dân Trung Quốc sang đất Nga canh tác.
Ông Li Chengbin (62 tuổi, người Trung Quốc) hiện đang canh tác trên mảnh đất rộng 330km2 ở vùng Opytnoe Pole- vùng Viễn Đông Nga cho hay, ở Trung Quốc ông chỉ có 8km2 đất ruộng.
Ông Li và con trai ông Li Xin đã đầu tư mua máy kéo với những trang thiết bị khác từ một trang trại tập thể cũ từ thời Liên Xô để trồng trọt, chăn nuôi trên vùng đất mới này.
Số đất mà ông Li và con trai canh tác tại Nga là nhờ thỏa thuận với một phụ nữ địa phương chuyên kinh doanh bất động sản. Theo thỏa thuận, ông Li và con trai phải trả phí cho mọi hoạt động canh tác.
Anh Li Xin đã sang Nga được 10 năm, anh kết hôn hợp pháp với một phụ nữ địa phương, chị Nelya Zarutskaya. Hiện cả cha, chú của anh Li cùng với chị Nelya Zarutskaya và con riêng của chị đang sống chung trong một trang trại.
Trang trại nuôi lợn của anh Li đã chuyển sang trồng đậu nành khi nhu cầu loại nông sản này tăng cao ở Trung Quốc.
Ông Li và con trai thường xuyên thuê người Nga làm việc trong nông trại, trả lương tương đương 15 USD/ngày. Họ cho biết người dân ở đây chỉ làm việc chăm khi bị ép buộc và thường đến muộn.
Mặc dù anh Li thừa nhận vùng Viễn Đông Nga là một nơi khó sống với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và là đất khách quê người nhưng anh cũng cho rằng khu vực này đem lại nhiều cơ hội hơn so với ở quê nhà Trung Quốc.
Lý do khiến nông dân Trung Quốc đổ xô sang vùng Viễn Đông bắt nguồn từ một thực tế là khu vực này còn rất nhiều đất canh tác. Vùng Viễn Đông thuộc Nga rộng bằng 2/3 diện tích nước Mỹ nhưng chỉ có khoảng 6,1 triệu người. Việc nhiều người dân Nga bỏ xứ đi tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác cũng góp phần tạo ra tình trạng nhiều mảnh đất màu mỡ nhưng không có ai canh tác.
Dọc biên giới phía Trung Quốc là một quang cảnh hoàn toàn trái ngược. Tất cả các mảnh đất, dù không có tiềm năng, vẫn được đưa vào canh tác. Dân số tăng nhanh khiến vấn đề khát đất nông nghiệp càng trở nên trầm trọng.
Li Chengbin (trái) và con trai Li Xin đang làm việc trên cánh đồng mà họ thuê tại ngôi làng thuộc vùng Opytnoe, Nga. Ảnh: New York Times
Ở những vùng Viễn Đông như Opytnoe Pole, người dân cũng như các quan chức địa phương dù không mấy ưa người Trung Quốc cũng như thói quen làm việc của họ, nhưng họ lại đang là yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự phát triển ở khu vực nghèo khó ít nhận được đầu tư từ chính quyền trung ương này.
Chủ tịch hội đồng nhân dân địa phương, bà Lyudmilla Voron tại Opytnoe Pole và 4 ngôi làng khác cho biết người dân Nga tại những khu vực này đã bị tha hóa quá lâu.
“Đàn ông Nga nơi đây uống rượu quá nhiều và họ chẳng muốn làm việc”, bà Voron nói.
Còn người Trung Quốc tới đây hiện vẫn chưa được kiểm soát. Bà Voron cho biết khu vực này ban đầu là vùng đất được dùng để người Do Thái tại Nga định cư theo những quy định vào thập niên 30 từ thời Stalin.
Số người Nga sống tại vùng này chỉ vào khoảng 1.716 người và chỉ còn 2 hộ gia đình là người Do Thái. Hầu hết người Do Thái tại đây đã chuyển đến Israel hay các vùng khác. Trong khi đó, số người Trung Quốc làm ăn tại đây đã đến hàng trăm người.
Tuy nhiên, con gái của bà Voron hiện là Quận trưởng ở đây cũng phải thừa nhận tinh thần làm việc của những lao động Trung Quốc này cao hơn người Nga rất nhiều khi họ khát khao thu lại được lợi ích sau những ngày làm việc vất vả.
Vị trí vùng Opytnoe. Đồ họa: New York Times
Dẫu vậy, điều đáng quan tâm hơn là phương pháp nông canh cùng việc sử dụng phân bón hóa học ở nông dân Trung Quốc khiến đất bị xói mòn.
Chính quyền quận gần đây nhận được một clip do người dân ghi lại, quay cảnh một cánh đồng do nông dân Trung Quốc canh tác bị bao phủ bởi lớp chất hóa học màu đen. Maria cho hay nhà chức trách đã gửi đoạn clip trên đến văn phòng công tố để điều tra.
Khi chính quyền vùng Trans-Baikal dọc biên giới Trung Quốc tuyên bố sẽ cho một công ty Trung Quốc thuê 285.000 ha đất không sử dụng để trồng lúa mỳ, làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên ở hầu hết các khu vực Viễn Đông. Kế hoạch này sau đó phải ngừng lại.
Dưới thời Tổng thống Putin, nước Nga khá thành công trong việc kiểm soát dòng người di cư từ Trung Quốc sang. Họ sử dụng hệ thống hạn mức visa đối với lao động Trung Quốc và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia qua các tổ chức do nhà nước điều hành.
Song tình trạng tham nhũng ở khu vực khiến quá trình thực thi quy định trên gặp không ít khó khăn.
Theo http://baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu Nga, cho biết việc EU cấm vận dầu của Moscow sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nước này.
11/05/2022
77 năm sau Thế chiến II, Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 vẫn được coi là ngày lễ quan trọng nhất của Nga. Cuộc Chiến tranh Vệ quốc đó đã in sâu vào nền văn hóa và chính trị Nga ngày nay, góp phần tạo nên bản sắc và thế giới quan của dân tộc Nga…
10/05/2022
Trái với dự đoán, ông Putin không tuyên chiến với Ukraine hay leo thang với phương Tây trong diễn văn Ngày Chiến thắng, mà đưa ra thông điệp trấn an người Nga.
10/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022