Sau than, liệu châu Âu có cấm dầu Nga
Sức ép lên các lãnh đạo EU về việc cấm, hoặc hạn chế dầu Nga đang ngày càng lớn sau các diễn biến tại Ukraine.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 7/4 đồng ý cấm nhập khẩu than đá Nga trong vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào quốc gia này vì xung đột tại Ukraine. Ủy ban Châu Âu (EC) hôm qua cho biết động thái này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 8 tỷ euro (8,7 tỷ USD) hàng xuất khẩu Nga mỗi năm. Châu Âu sẽ giảm dần nhập khẩu than Nga và chấm dứt việc này hoàn toàn vào tháng 8.
Đây là lần đầu tiên châu Âu trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa khiến Ukraine hài lòng. Nước này hôm qua tiếp tục kêu gọi EU cấm vận dầu Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Châu Âu định chờ đến khi nào mới cấm vận nguồn cung dầu từ Nga?".
EC cho biết Nga cung cấp khoảng 45% khí thiên nhiên nhập khẩu, 25% dầu nhập khẩu cho khối này. EU đã nhập khẩu 35 tỷ euro (38 tỷ USD) năng lượng Nga kể từ khi xung đột nổ ra.
Than đá là mục tiêu dễ nhất. Châu Âu nhập khẩu nửa số than tiêu thụ từ Nga. Tuy nhiên, nhu cầu than đang giảm dần trên toàn cầu và các nguồn cung thay thế cũng sẵn hơn khí đốt. Dù vậy, xung đột tại Ukraine đang gây sức ép lên các lãnh đạo EU về việc cân nhắc cấm, hoặc hạn chế nhập dầu từ Nga.
Khả năng cấm nhập khẩu dầu cao đến mức nào?
Nga hiện là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhì thế giới, sau Saudi Arabia, và đóng góp 14% nguồn cung toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Gần hai phần ba xuất khẩu của họ là sang châu Âu.
Tháng trước, châu Âu đặt mục tiêu 2027 sẽ ngừng phụ thuộc vào dầu khí Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm vận sớm hơn dự kiến đang được bàn bạc. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen giữa tuần này cho biết trước Nghị viện châu Âu rằng vòng trừng phạt thứ 5 "không phải là cuối cùng". "Chúng ta đã cấm than đá, nhưng giờ phải xem xét đến dầu mỏ", bà nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những lãnh đạo đầu tiên công khai ủng hộ cấm hoàn toàn dầu Nga. Trong một cuộc phỏng vấn tại Pháp đầu tuần này, ông cho biết châu Âu "không thể bỏ qua" các diễn biến tại Ukraine.
Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng khẳng định trên CNN rằng Pháp không muốn đợi lệnh cấm dầu Nga sau khi chứng kiến vụ tấn công đường sắt tại Ukraine hôm qua. "Chúng tôi sẵn sàng tiến xa hơn và quyết định cấm dầu Nga. Tôi cho rằng bước tiếp theo và các cuộc thảo luận sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề này", ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua tuyên bố Đức có thể ngừng nhập dầu Nga "trong năm nay". Phát biểu tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chuyến thăm London, ông Scholz cho biết Đức "đang rất nỗ lực" để thoát phụ thuộc vào dầu Nga. Tuy nhiên, khí đốt sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Các chi tiết về cuộc thảo luận này có thể được công bố ngay đầu tuần sau, khi các bộ trưởng ngoại giao của Eu nhóm họp. Các lựa chọn đang được bàn đến là đánh thuế nhập khẩu dầu và buộc người mua trả tiền vào một tài khoản ủy thác mà Nga chỉ có thể được tiếp cận với một số điều kiện đặc biệt.
Bên cạnh đó, việc thuyết phục tất cả các thành viên EU đồng ý cũng là một thách thức. Mức độ phụ thuộc của các nước vào dầu Nga rất khác nhau. Hungary phụ thuộc nhất. Thủ tướng Viktor Orban cũng là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và có thể phản đối đề xuất này.
"Chúng tôi sẽ không bắt các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc chiến này", ông cho biết hồi đầu tháng 3, "Các lệnh trừng phạt không nên mở rộng sang dầu và khí".
Châu Âu có thể đối mặt hay không?
Dù các lệnh trừng phạt lên khí đốt thiên nhiên của Nga hiện là không thể, do các hậu quả kinh tế tiềm tàng, châu Âu vẫn có sức chống chọi tốt hơn nếu cấm dầu Nga. Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã công bố cấm nhập dầu Nga. Nhiều ngân hàng, nhà buôn, hãng vận tải và công ty bảo hiểm đã né dầu Nga vì lo vi phạm lệnh trừng phạt.
Các hãng dầu châu Âu, gồm Shell, TotalEnergies và Neste đều đã dừng mua dầu Nga, hoặc sẽ dừng hẳn vào cuối năm. Giá dầu Urals (Nga) hiện giao dịch với giá thấp hơn 34 USD so với Brent, tức là còn khoảng gần 70 USD một thùng.
Vài ngày gần đây, các nước giàu đã cam kết xả kho dự trữ để hạ giá dầu và đối phó với nguồn cung sụt giảm từ Nga. Tháng trước, Mỹ thông báo sẽ bán ra 180 triệu thùng. Các nước IEA cũng nối gót, bổ sung 60 triệu thùng vào nguồn cung toàn cầu.
Claudio Galimberti – Phó chủ tịch phân tích tại Rystad Energy cho biết tác động của lệnh cấm dầu với Nga sẽ còn phụ thuộc vào khả năng Nga chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á. "Nếu Nga chuyển hướng được, tác động sẽ khó mà lớn. Còn nếu không, kinh tế Nga sẽ chịu đòn giáng mạnh, vì phụ thuộc vào dầu xuất khẩu", ông giải thích.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022
Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga.
23/04/2022
Hiện tại, Nga vẫn đang thu về khoảng 1 tỷ Euro mỗi ngày từ việc bán năng lượng cho EU.
19/04/2022
Theo trang giám sát hàng không FlightRadar, chiếc máy bay do Matxcơva cử đến đón các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất tại Tây Ban Nha và Hy Lạp đã buộc phải bay vòng hơn 15.000km vì lệnh cấm bay của Liên minh châu Âu (EU).
19/04/2022
Những số liệu ước tính nêu trên có phần trái ngược với những đòn trừng phạt "khủng" mà phương Tây áp đặt hồi tháng trước.
17/04/2022
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Ukraine sụt giảm gần một nửa do chiến sự, trong khi các lệnh trừng phạt có thể đẩy Nga vào "suy thoái sâu".
Các công ty năng lượng châu Âu đang tìm cách duy trì nguồn dầu thô của Nga trong khu vực. Một trong những giải pháp đó là “dầu trộn Latvia”.
14/04/2022
Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.
13/04/2022
Đây là nhận định của người đứng đầu OPEC khi được hỏi về nguy cơ các nước phương Tây cố gắng loại Nga khỏi thị trường năng lượng thế giới.
12/04/2022
Máy bay riêng của giới nhà giàu Nga đổ xô đến Dubai để tránh bị tịch thu, nhưng đến đây rồi cũng không thể rời đi.
10/04/2022