Điệp viên Liên Xô từng khiến phát xít Đức nếm trái đắng
Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.
Vào một đêm đông lạnh giá năm 1941, một công dân Liên Xô tiếp cận lính Đức ở thị trấn Mozhaysk tại tỉnh Moskva, tuyên bố đại diện cho một nhà thờ chống Bolshevik và ủng hộ chế độ quân chủ được gọi là "Prestol" (Ngai vàng). Người này cho biết sẵn sàng hỗ trợ phát xít Đức lật đổ chính quyền ở Liên Xô.
Trên thực tế, người đàn ông này là Aleksandr Demyanov, điệp viên tình báo Liên Xô đang tham gia một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất trong lịch sử nước này với mật danh "Monastyr" (Tu viện).
Demyanov là người đàn ông quyến rũ, thông minh và được giáo dục tốt với khả năng thông thạo tiếng Đức, khiến ông trở thành ứng viên hoàn hảo cho nhiệm vụ phía sau phòng tuyến quân thù. Không nhiều người ở Moskva biết rằng người đàn ông xuất thân cao quý này đã được tình báo Liên Xô tuyển mộ từ đầu thập niên 1930.
Bản thân Demyanov cũng có xuất thân hoàn hảo để hoạt động tình báo. Mẹ và ông nội Demyanov là những người nổi tiếng trong cộng đồng nhập cư da trắng ở Đức, trong khi họ hàng của ông sống ở Italy, đồng minh thân cận của Đức trong Thế chiến II. Demyanov cũng thường xuyên xuất hiện tại các đại sứ quán ở Moskva và lọt vào tầm ngắm của tình báo nước ngoài.
Tháng 7/1941, cơ quan tình báo Liên Xô tạo ra Prestol, tổ chức hư cấu với vỏ bọc gồm những thành phần ngầm ủng hộ chế độ quân chủ và chờ đợi quân đội Đức tiến vào thủ đô Moskva.
Theo kế hoạch ban đầu trong chiến dịch Monastyr, Demyanov được cử đến Berlin với mật danh "Heine" và thâm nhập vào cộng đồng dân nhập cư Nga da trắng làm việc cho Đức, thiết lập mối quan hệ vững chắc trong bộ máy tình báo Đức.
Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như tình báo Liên Xô dự tính. Sau thời gian dài thẩm tra lý lịch, thậm chí đưa Demyanov ra trước đội xử bắn để thử thách tinh thần, tình báo Đức quyết định biến ông thành một điệp viên cài cắm trong lòng Liên Xô.
Sau vài tháng huấn luyện tại trường tình báo quân sự Đức Quốc xã, Demyanov được đặt bí danh "Flamingo" và đưa trở lại Liên Xô. Lúc đó, Liên Xô cho rằng "điệp viên Heine" đã thiệt mạng trong quá trình hoạt động. Khi Demyanov đột ngột xuất hiện, "trò chơi điện đài" giữa Liên Xô và Đức bắt đầu.
Mệnh lệnh đầu tiên Liên Xô giao cho Demyanov là giành sự tin tưởng của Đức bằng cách cung cấp thông tin về tổ chức Prestol. Từ Liên Xô, điệp viên Flamingo báo cáo về kế hoạch phá hoại sau phòng tuyến Liên Xô của Prestol.
Không lâu sau, các tờ báo Liên Xô bắt đầu đưa tin về loạt vụ đánh bom nhằm vào khu công nghiệp ở Ural và Siberia do "các phần tử thân phát xít" thực hiện. Những thông tin này là giả, nhằm khiến tình báo Đức tin tưởng vào lòng trung thành của Flamingo.
Ngày 22/6/1942, một năm sau khi xâm lược Liên Xô, không quân Đức chuẩn bị phát động cuộc tấn công tổng lực vào Moskva. Điệp viên Flamingo được phát xít Đức giao nhiệm vụ thăm dò mạng lưới phòng không ở thủ đô Liên Xô.
Ngay sau đó, Demyanov gửi về Đức bức điện mật có nội dung: "Thành phố sở hữu lượng lớn pháo binh và tiêm kích mới biên chế. Các công nghệ mới sẽ được áp dụng trong những ngày tới, giúp tăng cường năng lực đánh chặn chiến đấu cơ ở độ cao lớn hơn". Thông tin khiến Đức nhanh chóng hủy bỏ kế hoạch tấn công.
Tình báo Đức coi Flamingo là một trong những điệp viên hữu ích nhất tại Mặt trận phía Đông. Điệp viên này làm việc trong Ban Liên lạc Nhân dân, trước khi trở thành sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô.
Đức liên tục nhận thông tin giả xen lẫn một số dữ liệu thật từ Bộ Tổng tham mưu Liên Xô để khiến họ tin tưởng. Demyanov cũng tìm cách lật tẩy điệp viên Đức để thay thế bằng người của tình báo Liên Xô trong trò chơi điện đài. Bằng phương thức này, Liên Xô đã bắt hơn 20 điệp viên Đức.
Chiến dịch Monastyr còn đóng vai trò then chốt trong kết cục các trận đánh lớn ở Mặt trận phía Đông. Ngày 4/11/1942, Demyanov báo cáo về Đức rằng Hồng quân Liên Xô sẽ tấn công đáp trả ở khu vực Bắc Kavkaz và thị trấn Rzhev, thay vì Stalingrad. Điều này khiến phát xít Đức điều quân đến các khu vực đó để đối phó.
Do không nắm được "trò chơi điện đài" của bên tình báo, nguyên soái Liên Xô Zhukov vẫn tiến hành chiến dịch tấn công ở Rzhev và hứng chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, Đức hoàn toàn bất ngờ khi Quân đoàn 6 của họ bị Hồng quân Liên Xô bao vây ở Stalingrad.
"Trong hồi ký, Zhukov thừa nhận cuộc tấn công ở Rzhev không diễn ra như mong muốn. Trên thực tế, quân Đức di chuyển lượng lớn binh sĩ đến đó do được cảnh báo về cuộc tấn công của chúng tôi", Pavel Sudoplatov, cấp trên trực tiếp của Demyanov, nhớ lại.
Chiến dịch tung tin giả của Demyanov cũng đóng vai trò quan trọng, khiến phát xít Đức trì hoãn cuộc tấn công ở Kursk và giúp Hồng quân Liên Xô có thời gian chuẩn bị đối phó.
Đến năm 1944, Liên Xô đang trong quá trình tiến công quyết định và chiến dịch Monastyr kết thúc khi không còn ý nghĩa. Phía Đức chỉ biết được rằng "điệp viên Flamingo" bị Liên Xô giáng chức, không còn tiếp cận được thông tin nhạy cảm và không thể tiếp tục liên lạc.
Trong khi đó, Demyanov trở lại với vai trò thật của mình trong lực lượng tình báo Liên Xô và được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Chiến dịch Monastyr thành công đến nỗi Đức tin rằng điệp viên Flamingo vẫn trung thành với họ tuyệt đối và trao cho ông huân chương Hiệp sĩ Chữ thập sắt.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN
Chiếc máy bay này được cho là có thể chở 860 người cùng lúc đi khắp thế giới, nhưng lại rơi vào quên lãng do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990.
01/04/2022
Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.
27/10/2021
Những thông tin giá trị do Richard Sorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.
21/10/2021
Vương triều Romanov gồm nhiều thành viên đang sinh sống tại nước ngoài và gia nhập hoàng gia những nước khác, trong đó có Hoàng thân Philip của Anh.
04/10/2021
Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.
23/09/2021
Thỏa thuận giữa triều đình Thanh, Trung Quốc, với Đế quốc Nga được ký kết bí mật sau khi Trung Quốc thảm bại trước Nhật Bản trong cuộc xung đột 1894-95.
05/04/2021
Sinh ngày 18/6/1901, công chúa Nga Anastasia được đồn là thành viên duy nhất trong gia đình Sa hoàng Nicholas II còn sống sau năm 1918. Vì vậy, những câu chuyện về Anastasia khiến công chúng tò mò về sự thật - giả.
16/02/2021
Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.
31/01/2021
Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh NATO đã phải giải bài toán khó: phát triển các phương tiện đủ năng lực thâm nhập mạng lưới phòng không ngày càng dày đặc và tinh vi của các nước khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt trên đất Liên Xô, theo Military Watch.
04/01/2021
Cuộc đời chính trị của Eduard Shevardnadze, cựu Ngoại trưởng Liên Xô là một hiện tượng kỳ lạ trên chính trường Xô Viết. Ông thuộc phe cánh Đoàn TNCS. Trên con đường công danh, lúc ông thuộc nhóm này, lúc phe kia. Các nhóm có ông, lúc thăng, lúc trầm, nhưng riêng ông chỉ có thăng chứ không có trầm.
13/12/2020