Nga bịt mắt Mỹ ở chiến trường Syria bằng cách nào?
Vừa qua, Washington đã cáo buộc Nga không kích cả IS lẫn “lực lượng đối lập ôn hòa”, các UAV trinh sát và các máy bay chiến đấu Nga xuất kích sẽ được các phương tiện trinh sát của Lầu Năm Góc theo dõi chặt chẽ để bảo vệ những “đứa con đẻ và con nuôi” của họ.
Việc loại bỏ những phương tiện trinh sát và tác chiến điện tử của Mỹ là vấn đề cấp bách hàng đầu, nếu không, các mục tiêu oanh kích rất dễ bị lộ khiến kẻ địch cao chạy xa bay. Do đó, quân đội Nga đã triển khai ở Syria những tổ hợp trang bị của chiến tranh điện tử tiên tiến nhất.
Phương tây đang choáng váng trước thông tin quân đội Nga đã triển khai tại Syria hệ thống tác chiến điện tử mới nhất là “Krasukha-4”, vốn chuyên dùng để đánh chặn các hệ thống radar trên không và chống lại các máy bay do thám không người lái.
Một đoạn băng video mới được đăng tải trên trang web của hãng phát thanh truyền hình "Zvezda" đã chứng tỏ khả năng này là rất cao.
Trong đoạn băng ghi cảnh chiếc máy bay ném bom Su-25 trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến đang hạ cánh xuống sân bay Hmeymim ở Syria, trên nền phía sau nhìn thấy rõ (vào thời điểm 00:09 trên video) một chiếc xe với hệ thống thiết bị ăng ten đặc trưng.
Máy bay chiến đấu Nga ở Syria được hỗ trợ bởi các phương tiện trinh sát và tác chiến điện tử rất mạnh
Kết quả phân tích của các chuyên gia quân sự và công nghệ cho thấy, có nhiều khả năng đây là tổ hợp tác chiến điện tử di động thế hệ mới nhất là 1RL257 "Krasukha-4" - một sản phẩm của tập đoàn Công nghệ Vô tuyến điện tử KRET (Liên hiệp sản xuất khoa học "Kvant" ở thành phố Veliky Novgorod).
KRET là nhà chế tạo hàng đầu về các hệ thống thiết bị điện tử, trinh sát và tác chiến điện tử của Nga, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga (Rostec). "Krasukha-4" được thiết kế bởi Viện thiết kế Gradient và được sản xuất tại Nhà máy điện Bryansk.
Tổ hợp “Krasukha-4” là trạm tác chiến điện tử trên mặt đất module đa năng, có khả năng gây nhiễu mạnh, trên dải tần rộng, dùng để bảo vệ các công trình cố định chống các trạm radar trên máy bay chỉ huy, điều khiển và quản lý chiến trường E-8C (Mỹ).
Ngoài ra, nó còn có khả năng vô hiệu hóa các đài radar trên máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái loại RQ-4 Global Hawk hay MQ-1 Predator và đài radar trên vệ tinh trinh sát Lakross.
Được biết, “Krasukha-4” là một biến thể hiện đại hóa mới nhất của hệ thống tác chiến điện tử Krasuha-2. Tính đến thời điểm hiện tại, quân đội Nga mới được trang bị khoảng hơn 10 tổ hợp “Krasukha-4”.
Tổ hợp tác chiến điện tử tối tân “Krasukha-4” của Nga đã được triển khai sang Syria
Tổ hợp "Krasuha-4" có khả năng che phủ hoàn toàn đối tượng được bảo vệ khỏi sự phát hiện của radar đối phương ở khoảng cách 150-300 km, và khi cần có thể vô hiệu hóa các thiết bị vô tuyến, phương tiện thông tin liên lạc cũng như các thiết bị chiến tranh điện tử của đối phương.
Trong cuộc tập trận gần đây nhất được Nga thực hiện tại Quân khu phía Tây hồi giữa tháng 8 vừa qua, hệ thống tác chiến điện tử “Krasukha-4” lắp trên xe chuyên dụng đã thành công khi làm nhiễu radar điều khiển tên lửa của hai chiếc Su-34, khiến phi công không thể hoàn thành nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Khi đó, hai chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 tham gia phóng tên lửa không đối đất xuống mục tiêu đã định là trung tâm chỉ huy điều khiển, nhưng đã không thể tìm thấy được mục tiêu cho tên lửa vì bị “Krasukha-4” gây nhiễu hoàn toàn.
Hiện trên thế giới không có bất cứ quốc gia nào, ngoại trừ Nga sở hữu các tổ hợp tác chiến điện tử có tính năng siêu việt như “Krasukha-4”.
Việc nó được đưa sang Syria để bảo vệ lực lượng Nga đang tham gia không kích các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã chứng tỏ sự tin cậy và khả năng tác chiến rất mạnh của tổ hợp này. Nó cũng cho thấy việc Nga coi trọng lực lượng tác chiến ở Syria đến mức độ nào.
Mặc dù “Krasukha-4” có tính năng rất mạnh nhưng nó cũng chỉ có phạm vi bao phủ thực tế dưới 300km. Hiện không quân Nga hoạt động không xa, nằm trong phạm vi bảo vệ của hệ thống này nhưng theo thời gian, có thể nhiệm vụ sẽ được mở rộng khắp lãnh thổ Syria và có thể lan sang Iraq.
Khi đó, bán kính trinh sát và tác chiến của không quân Nga sẽ vượt qua phạm vi bảo vệ của các hệ thống “Krasukha-4”, trong khi chúng cũng không thể triển khai quá xa các căn cứ được bảo vệ chặt chẽ. Đây là điều Moscow không thể không nghĩ tới, vậy Nga sẽ làm như thế nào?
Khi đó, Nga sẽ phải sử dụng tới các máy bay có khả năng tác chiến điện tử, nhưng trong số máy bay được mang sang Syria, không có loại máy bay đối kháng điện tử chuyên dụng nào. Vậy Nga sẽ bảo mật thông tin trinh sát được và chống trinh sát bằng cách nào?
Máy bay Nga chỉ bị phát hiện khi đã dàn hàng ngang ở sân bay Syria
Chúng ta hãy liên hệ vấn đề này với việc Moscow triển khai máy bay chiến đấu tới Syria mà Washington không hề biết, chỉ đến khi chúng hiện diện ở sân bay Latakia thì vệ tinh Mỹ mới phát hiện ra.
Interfax đã từng cho biết, các chiến đấu cơ của Nga tới Latakia cùng thời điểm nước này đang tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mang tên “Center-2015” và cuộc tập trận đột xuất của Quân khu Trung tâm. Rất có thể Nga đã lấy cuộc tập trận này làm “màn che mắt” để đưa chiến đấu cơ sang Syria.
Theo nguồn tin này, bốn chiến đấu cơ Su-30SM và một số máy bay chiến đấu Su-24, Su-25của Nga ngày 18-9 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân ở tỉnh Latakia, sau khi bay cùng máy bay vận tải quân sự Il-76, qua không phận các nước Azerbaijan, Iran và Iraq để tới Syria.
Tiếp theo, hàng chục máy bay chiến đấu khác, trong đó có sáu máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 đến Syria bằng con đường vòng, bỏ qua không phận Azerbaijan, bay qua không phận quốc tế ở biển Caspian, vào lãnh thổ Iran và Iraq để tới Syria.
Việc những máy bay này làm thế nào để qua mặt các phương tiện trinh sát của Mỹ và đồng minh đến nay vẫn là dấu hỏi lớn.
Su-24E (Su-24MR- Fencer-E) có khả năng tác chiến điện tử rất mạnh với hệ thống Khibiny
Nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng, các máy bay Nga đã tắt thiết bị nhận biết địch-ta để lặng lẽ bay sang Syria. Thiết bị này được sử dụng với mục đích nhận biết máy bay ta và máy bay địch trong khu vực phòng không của mỗi nước khi nằm trong phạm vi bao phủ của các radar cảnh giới đường không.
Việc máy bay Nga bay qua không phận Azerbaijan, Iran, Iraq chắc chắn đã nhận được sự đồng ý của các nước này. Do đó, việc tắt các thiết bị này chỉ có tác dụng đối phó với radar của Mỹ và đồng minh đặt ở các nước xung quanh.
Tuy nhiên, việc tắt các loại thiết bị trên máy bay chỉ có tác dụng đối phó với máy bay trinh sát điện tử và các trạm trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện mặt đất (chặn thu các tín hiệu sóng điện từ) cùng với radar thụ động trên mặt đất (không phát bức xạ sục sạo mà chỉ thu các tín hiệu phát ra từ máy bay), chứ không có tác dụng đối với các máy bay cảnh báo sớm và radar chủ động trên mặt đất (phát ra bức xạ và thu thập tín hiệu phản xạ trở về).
Do đó, để bay được sang Syria, Nga phải có biện pháp chế áp toàn bộ các radar chủ động, gây nhiễu toàn bộ dải tần hoạt động của radar trong khu vực máy bay sẽ bay qua - tương tự phương pháp máy bay ném bom B-52 Mỹ đã làm trước đây trong chiến tranh Việt Nam.
Điều này chỉ có thể do các tốp chiến đấu cơ, trên đường bay sang Syria thực hiện. Trong số các máy bay Nga đưa sang Syria, máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 và Su-34 đều có khả năng làm được điều này.
Trong số các chiến đấu cơ Nga đưa sang Syria, dòng Su-24M có phiên bản Su-24E (Su-24MR- Fencer-E) chuyên đảm nhận nhiệm vụ tác chiến điện tử hay Su-24F (Su-24MP- Fencer-F), được chế tạo cho tính năng thu thập thông tin tình báo…
Các máy bay Su-24M chuyển đổi thành các phiên bản trinh sát và tác chiến điện tử rất đơn giản, khi chỉ cần mang theo các pod thiết bị đi kèm và cài đặt hệ thống xử lý thông tin truyền dẫn số liệu. Khi đó, những loại máy bay này vừa có khả năng chiến đấu, vừa có khả năng trinh sát và đối kháng điện tử.
Các máy bay Su-24M mà Nga đưa sang Syria, nếu lắp đặt các thiết bị phụ trợ đều sẽ có khả năng gây nhiễu hoặc chế áp điện tử rất mạnh. Điều này có thể thấy qua vụ Su-24 “bịt mắt” và “trêu chọc” chiến hạm Mỹ trên biển Đen vào tháng 4-2014 và chiến hạm Canada tháng 9-2014.
Hồi tháng 4-2014, Su-24MR không mang vũ khí và gắn thiết bị chiến tranh điện tử (EW) mới nhất đã làm mù hệ thống radar cảnh báo sớm của hệ thống Aegis, khiến chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke DDG-75 USS Donald Cook của Mỹ chỉ quan sát được máy bay Nga bằng mắt thường trên biển Đen.
Một chiếc Su-34 lắp 2 pod tác chiến điện tử (ECM) KNIRTI SAP-518 ở 2 đầu cánh và pod hỗ trợ gây nhiễu KNIRTI SAP-14 “Escort Jammer” ở phần giữa bụng
Tuy nhiên, không chỉ Su-24 mà rất có thể cả Su-34 cũng làm được điều này. Đặc biệt là liên hệ với thông tin do chuyên gia Nga đưa ra hồi tuần trước và nghi vấn Su-34 đang trong quá trình thử nghiệm một hệ thống trinh sát hoặc chiến tranh điện tử (Electronic Warfare - EW) tiên tiến nhất.
Ngày 30-9 vừa qua, Chủ tịch Học viện các vấn đề địa-chính trị Nga, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov đã có phát biểu rất lạ và khó hiểu về việc điều động các máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 sang Syria.
Ông Sivkov nói rằng, Nga có thể sẽ phái cả “phi đội Su-34 đang biên chế trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm sang Syria”. Vậy phi đội này đang thử nghiệm thiết bị nào, cho nhiệm vụ gì?
Lật lại thông tin trên các trang mạng Nga cho thấy, hồi cuối tháng 5 vừa qua đã xuất hiện chùm ảnh về một nhóm máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback được trang bị thêm pod thiết bị rất lạ kèm theo.
Theo thông tin phân tích của giới kỹ thuật, pod thiết bị này có thể là 1 trong số 3 loại thiết bị là radar hoặc thiết bị đo đạc quang-điện tử hay thiết bị thu thập tín hiệu tình báo, tác chiến điện tử. Rất có khả năng Nga đang thử nghiệm một phiên bản Su-34 có tính năng trinh sát và tác chiến điện tử.
Nhóm máy bay Su-34 thử nghiệm một thiết bị tác chiến điện tử lạ ở phần giữa bụng cuối tháng 5-2015
Lật lại vấn đề máy bay Nga lặng lẽ sang Syria mà mấy hôm sau Mỹ mới phát hiện được khi chúng đã dàn hàng ngang ở sân bay Latakia. Các máy bay Nga qua không phận nước ngoài chắc chắn sẽ không thể mang theo vũ khí và cái mà chúng mang theo sẽ là bình dầu phụ và các thiết bị tác chiến điện tử.
Như vậy, rất có thể trong 2 nhóm Su-34 và Su-24 mà Nga đưa sang Syria sẽ có một số chiếc chuyên làm nhiệm vụ tác chiến điện tử, gây nhiễu trên 2 đường bay sang Syria, trước khi ông Sivkov đưa ra nhận định trên.
Và sau khi sang đến Syria, nếu không quân Nga mở rộng phạm vi tác chiến, chính nhóm Su-34 và Su-24 này sẽ đảm nhận nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp điện tử tầm xa, chống trinh sát của Mỹ, đảm bảo bí mật các khu vực không kích, khiến các tổ chức khủng bố không kịp trở tay.
Việc Nga triển khai thử nghiệm tính năng mới cho Su-34, thử nghiệm thực địa “Krasukha-4” ngay trước khi triển khai sang Syria cùng với việc Su-24MR liên tiếp được tung ra giám sát chiến hạm Mỹ ở biển Đen liệu có phải là tình cờ?
Xâu chuỗi các vấn đề này lại với nhau cho thấy một kết luận là, rất có thể Moscow đã chuẩn bị trước từ khá lâu cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.
Theo http://baodatviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Loạt lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Nga đánh mất 15 năm thành tựu kinh tế và 30 năm hội nhập, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
09/06/2022
Phương Tây ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục chuyển vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối đầu Nga trong cuộc xung đột hiện nay hay không.
03/06/2022
Từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, dầu Nga từng chảy vào châu Âu chuyển sang châu Á, trong khi lục địa này tăng mua từ châu Phi, Mỹ.
30/05/2022
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã giáng một đòn chí mạng vào dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nhưng Điện Kremlin vẫn có lý do để tin rằng, châu Âu sẽ cần hệ thống đường ống này vào một ngày nào đó.
27/05/2022
Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.
18/05/2022
Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.
18/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022