Vietnews.ru
Tham khảo

Phương Tây rạn nứt trên mặt trận đối đầu Nga

03/06/2022 (Đọc 8 phút)


Phương Tây ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục chuyển vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối đầu Nga trong cuộc xung đột hiện nay hay không.

Tâm điểm của bất đồng đang lộ ra ngày càng lớn trong lòng phương Tây nằm ở nhận thức về mối đe dọa lâu dài từ Moskva và câu hỏi liệu Ukraine có đang thực sự giành lợi thế trước Nga trên chiến trường hay không, theo giới quan sát.

Một phe, dẫn đầu là Pháp và Đức, đang ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tấn công tầm xa mà Kiev tuyên bố là rất cần thiết để giành lại những phần lãnh thổ từ tay lực lượng Nga ở miền đông và nam đất nước.

Paris và Berlin đều tỏ ra lo ngại rằng việc chuyển những vũ khí hạng nặng như vậy có thể khiến Moskva tức giận và có nguy cơ châm ngòi xung đột trực tiếp giữa Nga với NATO.

Phe còn lại, gồm Mỹ, Anh và nhóm các nước chủ yếu ở Trung và Bắc Âu, coi chiến dịch quân sự của Nga là dấu hiệu cho thấy Moskva muốn mở rộng ảnh hưởng. Họ tin rằng Ukraine là mặt trận chính trong cuộc đối đầu lớn hơn giữa phương Tây với Nga.

Theo các quan chức châu Âu am hiểu vấn đề, bất đồng giữa hai nhóm ngày càng được thể hiện rõ ràng trong những tuần gần đây, đặc biệt là tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bàn về xung đột ở Ukraine diễn ra tuần qua, trong bối cảnh quân đội nước này liên tiếp phải rút lui trước đà tiến của lực lượng Nga ở một số mặt trận tại Donbass.

Sau hội nghị, EU vẫn đạt được thỏa thuận về vòng trừng phạt thứ 6 với Moskva, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu phần lớn dầu thô Nga. Nhưng trong vấn đề Ukraine, quan điểm của các bên vẫn còn rất nhiều chia rẽ.

Các tuyên bố của lãnh đạo Pháp, Đức và bình luận từ quan chức hai nước cho thấy họ hoài nghi khả năng Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Berlin và Paris đã kêu gọi Kiev chấp nhận đàm phán một lệnh ngừng bắn với Nga. Đề xuất này đã vấp phải phản ứng gay gắt của Ukraine, khi các quan chức ở Kiev rằng Pháp, Đức đang thúc ép Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình tạm thời.

Một số quốc gia Tây Âu không muốn kéo dài cuộc chiến mà họ cho là không thể chiến thắng và đang khiến tài nguyên của châu Âu bị tiêu hao, làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái đang rình rập khắp châu lục.

Trong khi đó, lãnh đạo các nước Baltic, Ba Lan cùng một số quốc gia khác lập luận rằng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là nhiệm vụ tối quan trọng nhằm không chỉ giữ vững phòng tuyến, mà còn đảo ngược đà tiến của quân đội Nga. Họ tin rằng với vũ khí được phương Tây cung cấp, Ukraine có thể giáng đòn quyết định, khiến Nga không thể triển khai bất kỳ chiến dịch quân sự tương tự nào trong tương lai.

"Chiến dịch quân sự này là cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Ukraine", Artis Pabriks, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, quốc gia thuộc vùng Baltic, nói. Ông cho rằng đây là tiền đề để Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu.

Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic lo ngại nếu không cản bước Nga ở Ukraine, họ sẽ trở thành chiến trường tiếp theo trong tương lai.

Hàng triệu người tị nạn Ukraine đã kéo đến các quốc gia này, khiến cảm nhận về cuộc xung đột đến gần hơn với cuộc sống của người dân bình thường tại đây, trong khi với Đức, Áo hay Italy, xung đột chủ yếu được cảm nhận qua giá xăng tăng.

"Sau mỗi cuộc điện đàm, các bộ trưởng từ Bắc Âu và Trung Âu lại ngày càng tức giận hơn", một quan chức cấp cao Cộng hòa Czech cho hay. "Điều này đang hủy hoại mối đoàn kết của phương Tây. Đây là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn, và Pháp, Đức đang trao nó cho ông ấy".

Lãnh đạo Pháp và Đức vẫn chưa đến thăm Kiev. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể dẫn đến Thế chiến III, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Theo ông, mục tiêu của phương Tây khi can dự vào xung đột là ngăn Nga giành chiến thắng.

Đức không gửi xe tăng đến Ukraine, mà mới đồng ý chuyển 7 hệ thống pháo tự hành hạng nặng. Đến nay, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với dân số hơn 83 triệu người, đã gửi viện trợ quân sự trị giá khoảng 214 triệu USD cho Ukraine, ít hơn Estonia, với dân số hơn một triệu người.

"Thật đáng thất vọng khi cả chính phủ và cá nhân Thủ tướng Đức đều không dám nói về một chiến thắng cho Ukraine và có hành động tương ứng để hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí hạng nặng hiện đại", đại sứ Ukraine tại Berlin Andrij Melnyk nói.

Pháp đã gửi 12 khẩu lựu pháo tới Ukraine, nhưng không cung cấp xe tăng hay bất kỳ hệ thống phòng không nào.

Ba Lan trong khi đó đã chuyển giao hơn 240 xe tăng T-72 cho Ukraine, cùng với máy bay không người lái, bệ phóng tên lửa, hàng chục xe chiến đấu bộ binh và xe tải chở đạn. Cộng hòa Czech đã viện trợ trực thăng vũ trang, xe tăng và những trang thiết bị cần thiết khác giúp duy trì hoạt động của không quân Ukraine.

Người dân ở Litva và Cộng hòa Czech đã quyên góp hàng chục triệu USD để mua máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine.

"Chúng tôi đang gửi mọi thứ trong khả năng, bất cứ thứ gì chúng tôi có và bất cứ khi nào có thể", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố. "Tại sao ư? Bởi vì chúng tôi tin rằng đây là một cuộc chiến bảo vệ châu Âu".

70% người dân Đức hiện ủng hộ cách tiếp cận thận trọng của Thủ tướng Scholz, theo một cuộc thăm dò hồi đầu tháng 5. Cuộc thăm dò cho thấy 46% người Đức sợ rằng chuyển giao vũ khí hạng nặng sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy tâm lý hoài nghi tương tự ở Italy và Pháp.

Giới chức Pháp và Đức bác bỏ cáo buộc rằng họ chưa nỗ lực hết sức, hay đang gây sức ép để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhượng bộ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Scholz, những người thường xuyên điện đàm với Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Kiev phải là bên quyết định các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Edward Luce, bình luận viên kỳ cựu của Financial Times, cho rằng những tranh cãi này thể hiện sự bất đồng giữa "châu Âu cũ" và "châu Âu mới" và tình trạng chia rẽ có thể sẽ sâu sắc hơn khi người dân ở các nước phương Tây đối mặt với khó khăn kinh tế nhiều hơn.

Jamie Dimon, người đứng đầu JPMorgan Chase, một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, đã cảnh báo rằng một "trận cuồng phong" sắp giáng xuống nền kinh tế toàn cầu, khi chiến sự Ukraine có thể đẩy giá dầu lên mức 175 USD/thùng, so với mức khoảng 117 USD/thùng như hiện nay.

"Nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ thử thách tinh thần của người dân và các lãnh đạo phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Ukraine", Luce nhận định. "Những bất đồng hiện tại sẽ là phép thử với các lãnh đạo Mỹ và châu Âu, khi kết quả trên chiến trường Ukraine vẫn chưa thể phân định rõ ràng".

Theo: VnExpress https://vnexpress.net/phuong-tay-ran-nut-tren-mat-tran-doi-dau-nga-4470931.html


Tags: Phương Tây,đối đầu Nga,
#Nga-EU


TIN LIÊN QUAN

Phương Tây ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục chuyển vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối đầu Nga trong cuộc xung đột hiện nay hay không.

Tham khảo,

03/06/2022

Từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, dầu Nga từng chảy vào châu Âu chuyển sang châu Á, trong khi lục địa này tăng mua từ châu Phi, Mỹ.

Tham khảo,

30/05/2022

Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã giáng một đòn chí mạng vào dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nhưng Điện Kremlin vẫn có lý do để tin rằng, châu Âu sẽ cần hệ thống đường ống này vào một ngày nào đó.

Tham khảo,

27/05/2022

Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.

Tham khảo,

18/05/2022

Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.

Tham khảo,

18/05/2022

Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.

Tham khảo,

08/05/2022

Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.

Tham khảo,

08/05/2022

Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.

Tham khảo,

08/05/2022

Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.

Tham khảo,

07/05/2022

Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.

Tham khảo,

06/05/2022

Mùa Hè vắng khách du lịch Nga

Các quốc gia như Thái Lan, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ được du khách Nga đặc biệt ưa chuộng. Những điểm đến này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người Nga không thể đi du lịch.

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

28.04.2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022