Nước Nga kiêu hãnh (phần 1)
>> Kỳ II: Hành động của Trung Quốc
>> Kỳ I: Mỹ chuyển hướng chiến lược
Hiện đại hóa quân đội quy mô lớn “chưa từng có”
Năm 2011, ngân sách quốc phòng của Nga lên đến 60 tỷ USD, chiếm 19% tổng chi ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin tuyên bố: Tất cả các khoản chi phí này đều nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và khả năng quốc phòng của Nga.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Vadim Koziulin cảnh báo: “Trong khoảng 20 năm lại đây, các lực lượng vũ trang của ta thường xuyên bị thiếu ngân sách. Cần phải tái trang bị quân đội, tất nhiên là cần những khoản chi phí tài chính rất lớn. Và, không chỉ về tài chính mà thôi”.
Phó Thủ tướng Sergey Ivanov được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời cho biết, trong 3 năm tới, Chính phủ Nga sẽ cấp gần 4 nghìn tỷ rúp (130 tỷ USD) để tái trang bị quân đội. Ngay trong năm 2012 sẽ cấp 1,1 nghìn tỷ rúp (gần 40 tỷ USD) để mua vũ khí và các loại kỹ thuật quân sự.
Dẫn lại nội dung bài viết dài đăng trên Báo Rossiiskaia Gazeta ngày 20/2/2012 của Thủ tướng Vladimir Vladimirovich Putin, AFP cho biết, ứng cử viên Tổng thống Nga khi đó đã hứa sẽ trang bị lại quân đội với quy mô lớn “chưa từng có” để đối phó với chính sách quân sự của Hoa Kỳ và NATO. “Thời đại hiện nay đòi hỏi phải có một chính sách kiên quyết để củng cố hệ thống phòng thủ trên không và trong không gian của đất nước. Chính sách của Hoa Kỳ và NATO trong việc phòng thủ chống tên lửa đã buộc chúng ta phải làm điều đó”, ông Vladimir Putin nhấn mạnh và khẳng định sẽ dành 590 tỷ euro cho việc tái vũ trang quân đội Nga trong thập kỷ tới.
Nêu rõ “nước Nga không thể hài lòng với những phương pháp ngoại giao và kinh tế để giải quyết xung đột. Chúng ta có nhiệm vụ phải phát triển khả năng quân sự của nước Nga”, Thủ tướng Nga được dẫn lời nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội mới, hiện đại, đủ khả năng huy động bất cứ lúc nào”.
Tăng đáng kể sức mạnh không quân
Hồi tháng 8/2011, trong một cuộc họp báo ở Moscow, Đại tướng Aleksandr Zelin, Tư lệnh Không quân Nga khẳng định: “Sức mạnh chiến đấu của lực lượng không quân Nga sẽ củng cố đáng kể nhờ kỹ thuật hàng không hiện đại, kể cả máy bay tiêm kích, máy bay trực thăng và máy bay ném bom. Đến năm 2020, số căn cứ không quân của Nga sẽ tăng từ 8 đến 14. Và, ngoài 2 phi đội thuật lái nổi tiếng “Các dũng sĩ Nga” và “Chim én”, ở Nga sẽ có thêm 1 phi đội nữa.
Đầu năm nay, báo chí Nga dẫn lời Đại tướng Aleksandr Zelin cho biết thêm, không lâu nữa, lực lượng không quân Nga, trong đó có các máy bay tiêm kích MiG-31BM sẽ được trang bị loại tên lửa chiến thuật tối tân nhất do Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (TRV) chế tạo.
Khi loại tên lửa mới được đưa vào trang bị, sức mạnh của không quân sẽ tăng lên đáng kể. Đó chính là tên lửa không đối không tầm xa. Tổng Giám đốc Tập đoàn TRV Boris Obnosov nhấn mạnh: “Loại tên lửa này sẽ được đưa vào trang bị để thay thế cho tên lửa R-33E thuộc tổ hợp đánh chặn tầm xa MiG-31. Ngoài ra, loại tên lửa tầm xa mới sẽ được trang bị cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Nếu so sánh về tính năng với loại tên lửa cũ sẽ được thay thế, tên lửa mới có tầm hoạt động lớn gấp đôi, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao từ 15m - 25km và có thể bay quá tải lớn gấp 2 lần. Đây là loại tên lửa đa năng, có thể tiêu diệt máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay ném bom và tên lửa có cánh”.
Nhờ có các đặc tính khí động lực học và động cơ tên lửa 2 cấp sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa RVV-BD có thể vươn tới tầm cao đến 200km, trong khi đó R-33E có trần hoạt động là 120km. Hệ thống chỉ định mục tiêu với nhiều kênh riêng biệt bảo đảm cho tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu được thể hiện trên ảnh thu nhỏ, trong điều kiện đối phương gây nhiễu vô tuyến điện tử, trên mặt đất, mặt nước. Chính các yếu tố kỹ thuật hoàn hảo trên khiến loại tên lửa mới này được các phi công chiến đấu đặc biệt quan tâm sau khi tên lửa trải qua giai đoạn thử nghiệm.
Ảnh: RIA Novosti
Trong số các sản phẩm mới của Tập đoàn TRV còn có tên lửa có cánh phóng từ trên không. Đây là loại tên lửa được phát triển dựa trên các loại tên lửa dòng H-55, có thể làm tăng các khả năng chiến đấu mới cho không quân tầm xa của Nga. Bởi lẽ, đây là loại vũ khí tự hành tầm xa và tầm trung có độ chính xác cao, có thể thực hiện chức năng của vũ khí kiềm chế phi hạt nhân chiến lược.
Đến năm 2020, không quân Nga sẽ có khoảng 100 tổ hợp radar tiên tiến. Còn thì, trong năm 2012 này, các đơn vị kỹ thuật vô tuyến của không quân Nga sẽ được cung cấp 20 tổ hợp radar hiện đại, bao gồm các trạm nâng cấp Gamma-S1M, Sopka, Volga và những phương án cải tiến khác nhau của dòng radar Nebo. Vào cuối năm, Trung tâm Huấn luyện Vladimir, nơi chuyên đào tạo quân nhân ngành Kỹ thuật vô tuyến, sẽ bắt tay huấn luyện chuyên gia trên các tổ hợp Volga mới, dự định sẽ thay thế cho các radar Protivnik đã lỗi thời.
Các đơn vị kỹ thuật vô tuyến của lực lượng không quân Nga sẽ tham gia vào mọi cuộc diễn tập được lên kế hoạch trong năm 2012, bao gồm Kavkaz - 2012, Sứ mệnh Hòa bình - 2012. Trong tập trận, binh chủng sẽ thực hiện bảo đảm trinh thám, dẫn và hướng mục tiêu trên không cho không quân và các đơn vị vũ trang phòng không.
Tổ hợp radar cơ động Nebo-M được trang bị kỹ thuật tiên tiến để theo dõi các mục tiêu ở độ cao trung bình cũng như cự li lớn. Nebo-M có khả năng thay thế một đơn vị kỹ thuật vô tuyến.
Ruvr.ru cho biết, trong trang bị của quân đội sẽ xuất hiện các khí cụ bay không người lái (UAV) do các cơ sở trong nước chế tạo. Những cuộc thử nghiệm đã cho thấy, UAV của Nga chẳng hề thua kém các mẫu tương tự của nước ngoài. Thậm chí, theo hàng loạt tiêu chí then chốt, sản phẩm của Nga còn vượt trội hơn.
Ông Roman Ivanov, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Hàng không tự động Saint - Peterburg nhận định: Phi cơ nhỏ Orlan (của Trung tâm Công nghệ đặc biệt) đạt được tính năng kỹ thuật cao nhờ quá trình thiết kế - chế tạo đã sử dụng thành công những vật liệu tổng hợp hiện đại trong thiết bị chịu lực và hệ thống điều khiển. Thủ pháp đó khiến những hệ thống này trở nên nhẹ nhàng và cho phép đưa lên khoang đủ lượng nhiên liệu cần thiết để giữ nó bay trên không trung trong suốt gần 15 giờ liền. “Orlan đủ sức bay với tốc độ trung bình 120 km/giờ để thực hiện tốt chuyến bay ở tầm xa đến 600km và trở về”.
Khí cụ bay không người lái Orlan cũng thu hút cả sự quan tâm của các chuyên gia thuộc lực lượng biên phòng. Đơn giản bởi đây là thứ không gì thay thế được trong việc quan sát, kiểm tra các chủ thể nằm ở nơi xa, khó tới. Thể tích của Orlan cho phép nó chứa trên khoang những thiết bị nặng 7kg. Độ cao chuyến bay của Orlan cũng từ 4,5 - 7km.
Trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân, ngay trong năm 2010, 10 chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 đã được bàn giao cho các đơn vị không quân.
Đánh giá về ưu thế của loại máy bay thế hệ mới Yak-130, Tướng Anatoli Kornukov, cựu Chỉ huy Lực lượng Không quân Nga khẳng định: “Dù có vẻ gọn nhẹ và không đắt tiền, Yak-130 vẫn có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí. Về trang bị cabin, nó sánh ngang nhiều loại phi cơ hiện đại nhất. Vấn đề động cơ cũng được giải quyết theo phương án có lợi cho Nga - trên máy bay lắp đặt loại động cơ do Nga sản xuất. Xét về mọi mặt, Yak-130 là phi cơ tiên tiến”.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 8 máy lặn ngầm tự hành không người lái Gavia do Công ty Hafmynd của Iceland sản xuất. Với chiều dài 2,7m và trọng lượng 80kg, cỗ máy này có thể lặn sâu tới hàng nghìn mét với mục đích phát hiện, vô hiệu hóa thủy lôi và tuần tiễu.
Cho rằng Yak-130 có tiềm năng to lớn trên thị trường quốc tế, Tướng Anatoli Kornukov nhấn mạnh: Đó là loại máy bay huấn luyện vạn năng vì sau khi trải qua đợt thực tập trên mẫu phi cơ này, phi công có thể lái các loại máy bay cường kích khác, cả của Nga lẫn của nước ngoài. Với Yak-130, có thể lập trình lại ngay trong khi bay để hoàn thành chuyến huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết hay mục đích khác nhau, tùy thuộc vào việc huấn luyện phi công dành cho loại máy bay nào. Yak-130 phục vụ công tác huấn luyện phi công sẽ bay trên các máy bay Su và MiG, kể cả các loại phi cơ hiện đại bậc nhất như Su-35, MiG-35. Yak-130 còn được dự trù cả cho mẫu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 T-50 (đang ở giai đoạn thử nghiệm).
Cũng vào đầu năm nay, Đại tá Alexey Zolotukhin, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga về phòng không vũ trụ cho biết, đến năm 2020, Binh chủng Phòng không vũ trụ Nga sẽ được trang bị hoàn toàn bằng các tổ hợp tên lửa pháo phòng không Pantsir-S1, tổ hợp S-400 và Vityaz.
6 tổ hợp Pantsir-S đã trải qua thử nghiệm quốc gia trên thao trường, hiện được đưa vào quân trang vận hành của Trung đoàn Tên lửa pháo cao xạ, Lữ đoàn Phòng không.
Năm 2011, lần đầu tiên tổ hợp thể hiện khả năng trong các cuộc diễn tập qui mô “Cộng đồng tác chiến - 2011” và “Tấm chắn của liên minh - 2011”. Tổ hợp Pantsir đã chứng tỏ những kết quả xuất sắc về tiêu diệt mục tiêu trên không ở các độ cao thấp và trung bình.
Khẳng định trên thế giới chưa có sản phẩm nào tương đương Pantsir về tính năng, chuyên gia quân sự Aleksandr Denisov nói: “Tổ hợp Panstir-S1 có khả năng tiêu diệt tên lửa có cánh, các thiết bị bay không người lái, máy bay và đối tượng trên mặt đất, được sử dụng như vũ khí tên lửa và pháo”.
Ngoài ra, Panstir cung cấp hiệu quả tương đương một phương tiện phòng không độc lập cũng như vũ khí yểm hộ chống không kích, khi các đội ngũ đang hành quân.
“Pantsir-S1 còn là tổ hợp tiềm năng, bảo vệ những chủ thể chiến lược quốc gia cũng như tham mưu quân sự. Không loại trừ việc vận dụng Pantsir-S1 để bảo vệ các trạm điện hạt nhân, là yếu tố rất quan trọng ngày nay”, chuyên gia Aleksandr Denisov nhấn mạnh.
Vũ khí phối hợp tên lửa - pháo mới của Nga cho phép tạo nên vùng tấn công dày đặc và thực hiện nã hỏa lực liên tiếp, bắt đầu từ cự li tối đa 18 - 20km cho đến khoảng cách 200m, trong tầm cao hạn chế từ 10 - 15km. Tên lửa cao xạ có điều khiển sở hữu tính bắn hiệu quả cao, hệ thống điều hành vô tuyến định vị quang học thông minh của tổ hợp hoạt động trong vài dải tần sóng. Tên lửa điều khiển được, phản ứng ngay tức thì trước mục tiêu bay. Và, nguyên tắc modul xây dựng vũ khí cho phép chế tạo các phương án khác nhau trên cơ sở tổ hợp gốc. “Tổ hợp Pantsir-S1 là mắt xích còn thiếu, bảo đảm tính năng hiệu quả tối đa của các phương tiện cao xạ trong điều kiện đối lửa và vô tuyến điện”, các chuyên gia quân sự Nga khẳng định.
(Còn nữa)
TIN LIÊN QUAN
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu Nga, cho biết việc EU cấm vận dầu của Moscow sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của nước này.
11/05/2022
77 năm sau Thế chiến II, Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 vẫn được coi là ngày lễ quan trọng nhất của Nga. Cuộc Chiến tranh Vệ quốc đó đã in sâu vào nền văn hóa và chính trị Nga ngày nay, góp phần tạo nên bản sắc và thế giới quan của dân tộc Nga…
10/05/2022
Trái với dự đoán, ông Putin không tuyên chiến với Ukraine hay leo thang với phương Tây trong diễn văn Ngày Chiến thắng, mà đưa ra thông điệp trấn an người Nga.
10/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022
Giới phân tích cho rằng Ba Lan và Bulgaria có thể chống chịu việc bị Nga cắt khí đốt, nhưng Đức và Italy thì chưa rõ.
28/04/2022
Nga đặt mục tiêu mới "kiểm soát hoàn toàn Donbass" và miền nam Ukraine trong giai đoạn hai chiến dịch, khiến giao tranh khốc liệt có thể kéo dài nhiều năm.
27/04/2022