Vietnews.ru
Lịch sử

Cuộc chiến Chechnya lần 2: Dấu ấn Putin

10/05/2022 (Đọc 19 phút)


Tình hình ở Chechnya rơi vào bất ổn sau khi Nga rút quân khỏi đây năm 1996. Các nhóm cực đoan chiếm ưu thế và thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở các khu vực thuộc Nga, giáp Chechnya. Năm 1999, ông Putin - lúc đó là Thủ tướng Nga - quyết định đưa quân trở lại Chechnya.

Quân Nga một lần nữa trở lại Chechnya trong một chiến dịch quân sự năm 1999. Ảnh: Getty Images
Quân Nga một lần nữa trở lại Chechnya trong một chiến dịch quân sự năm 1999. Ảnh: Getty Images

Khi đưa quân trở lại Chechnya vào tháng 10/1999, Nga tuyên bố mục tiêu của nước này chỉ nhằm vào những tên khủng bố ẩn náu ở vùng núi của Chechnya. 

Theo trang Global Security, giới chức Nga coi cuộc chiến ở Chechnya lần 2 là một cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa khủng bố và là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn Cộng hòa Chechnya ly khai khỏi Liên bang Nga. Cuộc giao tranh lần 2 được đánh giá là khốc liệt nhất trong khu vực kể từ Cuộc chiến Chechnya lần 1 (1994-1996). 

Tiền đề của cuộc chiến Chechnya lần 2

Sau khi ký hiệp ước Khasavyurt với Moscow vào tháng 8/1996 cộng với việc người Nga rút quân khỏi Chechnya vào tháng 12/1996, người Chechnya bầu Aslan Maskhadov - một cựu sĩ quan quân đội Liên Xô - làm Tổng thống Cộng hòa Chechnya vào tháng 2/1997. Nga công nhận chính quyền Maskhadov nhưng vấn đề ly khai của Chechnya vẫn chưa được giải quyết.

Phía Chechnya sau đó vi phạm các điều khoản của hiệp ước Khasavyurt. Các cam kết mà giới lãnh đạo Chechnya đưa ra nhằm chống tội phạm, khủng bố và loại bỏ các biểu hiện thù địch quốc gia, tôn giáo không được thực hiện. Bên cạnh đó, tình hình chính trị dân tộc và nhân đạo ở Chechnya cũng xấu đi kể từ năm 1996. Năm 1998, Maskhadov tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Chechnya do bất ổn tiếp diễn.

Yevgeny Primakov và sau đó là Sergei Stepashin lần lượt là Thủ tướng Nga trong giai đoạn 1998-1999 và năm 1999. Chiến lược của 2 lãnh đạo này tập trung vào việc hợp tác với Tổng thống Chechnya Maskhadov. Người Nga cũng hứa về một khoản viện trợ để hàn gắn "vết thương chiến tranh" từ Cuộc chiến Chechnya lần 1. Nhưng Moscow không có động thái làm thay đổi tình hình ở Chechnya. 

Trong bối cảnh đó, các nhóm cực đoan (chủ yếu là Hồi giáo) ở Chechnya nắm ưu thế. Nhiều băng nhóm tội phạm thuộc các nhóm cực đoan kiểm soát khu vực ngày càng rộng lớn. Đặc biệt, nhóm phiến quân Chechnya ở Cộng hòa Dagestan (thuộc Nga, giáp Chechnya) đơn phương tuyên bố độc lập. 

Một làn sóng các vụ bắt cóc xảy ra ở khu vực Caucasus ngay sau khi quân đội Nga rút khỏi Chechnya năm 1996. Các băng đảng tội phạm đứng đằng sau hầu hết các vụ bắt cóc. Giới chức Chechnya khi đó gần như để cho các băng đảng tội phạm tự do hoạt động mà không can thiệp.  

Thống kê của Bộ Nội vụ Nga cho thấy có tới 1.300 người bị bắt cóc ở Chechnya trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 1999. Nhiều con tin là lính nghĩa vụ Nga phục vụ trong các đơn vị quân đội ở vùng Caucasus. Các con tin khác gồm đặc phái viên của Tổng thống Nga Boris Yeltsin ở Chechnya (được trả tự do năm 1998), các phóng viên truyền hình Nga, và hơn 60 người nước ngoài, vốn được coi là mục tiêu "béo bở" với các nhóm khủng bố ở Chechnya . 

Tháng 3/1999, đặc phái viên cấp cao của Nga ở Chechnya - tướng Gennady Shpigun - bị bắt cóc từ sân bay ở thủ phủ Grozny của Chechnya. Đáp trả, Bộ Nội vụ Nga triển khai thêm quân tới khu vực biên giới với Chechnya và đe dọa có động thái rắn nếu nhóm khủng bố không thả ông Shpigun - người bị hành quyết vào năm 2000. 

Cuối tháng 3/1999, một vụ nổ làm rung chuyển khu chợ công cộng ở thành phố Vladikavkaz - thủ phủ của Cộng hòa Bắc Ossetia, thuộc Nga - cướp sinh mạng của 60 người. Vladikavkaz cách biên giới Chechnya gần 50 km. 

Chỉ huy của nhóm khủng bố năm 1999 là Shamil Basayev - kẻ cầm đầu vụ bắt cóc 1.000 người ở một bệnh viện Nga năm 1995. Basayev chỉ huy nhóm phiến quân Riyadus Salihin chống lại quân đội Nga. Sau khi Basayev bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân Nga, nhân vật thay thế là Doku Umarov - kẻ cầm đầu cuộc nổi dậy Hồi giáo bao trùm khắp vùng Caucasus những năm 2000.

Cuộc chiến Chechnya lần 2

Quân Nga ở Chechnya năm 1999. Ảnh: Getty Images
Quân Nga ở Chechnya năm 1999. Ảnh: Getty Images

Tháng 8/1999, giao tranh nổ ra tại vùng Dagestan (thuộc Nga) mở màn cho Cuộc chiến Chechnya lần 2. Lúc này, Tổng thống Chechnya Maskhadov cắt đứt quan hệ với chính quyền Liên bang Nga, chuyển sang hoạt động bí mật, tổ chức các hoạt động khủng bố với mục tiêu đòi quyền ly khai cho Chechnya.

Các tay súng phiến quân Chechnya kéo vào từ khu vực biên giới, đơn phương tuyên bố Dagestan độc lập và kêu gọi thánh chiến. Sau nhiều tháng đụng độ, phiến quân Chechnya giành quyền kiểm soát một số ngôi làng. 

Theo trang History Guy, khoảng 2.000 tay súng Hồi giáo Chechnya đối đầu với số lượng ngày càng tăng của binh sĩ Nga. Moscow đã tăng cường số lượng binh sĩ lên 17.000 và thực hiện hàng loạt vụ không kích nhằm vào phiến quân Chechnya. 

Trong 6 ngày đầu cuộc chiến, các máy bay chiến đấu Nga đã có ít nhất 200 lần xuất kích. Với sự hỗ trợ của người dân địa phương, quân đội Nga giành thế chủ động, buộc các tay súng nổi dậy Chechnya phải trở về lãnh thổ.

Theo trang Moscow Defense Brief, không có con số chính xác về số tay súng phiến quân Chechnya bỏ mạng khi giao tranh ở Dagestan nhưng ước tính khoảng vài trăm người. Trong khi đó, Moscow cho biết số quân nhân Nga thiệt mạng là 275 người và khoảng 900 quân nhân khác bị thương. 

Trong thời gian diễn ra chiến dịch ở Dagestan, Nga hứng chịu không ít vụ tấn công khủng bố, trong đó có nhiều vụ đẫm máu ở các địa điểm đông dân cư. Phiến quân Chechnya bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công khủng bố này.  Ít nhất 300 người đã chết trong các vụ đánh bom khủng bố vào tháng 9/1999. 

Đáp trả, ông Putin - khi đó là quyền Thủ tướng Nga - lệnh đưa quân trở lại Chechnya, mở chiến dịch quân sự nhằm vào thủ phủ Grozny. 

Chiến dịch trên không quy mô lớn

Một trực thăng Nga ở Chechnya năm 2000. Ảnh: Getty Images
Một trực thăng Nga ở Chechnya năm 2000. Ảnh: Getty Images

Rút kinh nghiệm từ thất bại trong Cuộc chiến Chechnya lần 1 (1994-1996), quân đội Nga lần này sử dụng nhiều loại vũ khí tầm xa. Các thành phố và làng mạc ở Chechnya bị san bằng sau các đợt nã pháo và không kích của Nga. Moscow muốn gây thiệt hại nặng nề cho quân nổi dậy Chechnya, đồng thời giảm thiểu thương vong cho quân Nga. 

Ngày 23/9/1999, quân đội Nga mở cuộc tấn công bằng tên lửa đầu tiên trong chiến dịch trên không quy mô lớn vào thủ phủ Grozny của Chechnya. Mục tiêu đầu tiên là sân bay Sheikh Mansur Grozny, cách trung tâm thành phố 2 km. Ở phía đông bắc Grozny, quân Nga bắn phá kho nhiên liệu và nhà máy lọc dầu Grozny. 

Tính đến ngày 25/9/1999, các chiến đấu cơ Nga thực hiện ít nhất 1.700 lượt không kích. Phía Nga tuyên bố phá hủy 150 căn cứ quân sự, 30 cây cầu, 80  phương tiện và 6 thiết bị phát sóng vô tuyến của Chechnya. 

Các đợt không kích của Nga nhanh chóng làm tê liệt hệ thống điện thoại cố định và di động của Chechnya, đồng thời đánh trúng đài truyền hình nước cộng hòa này. Nguồn cung cấp điện cũng bị cắt đứt, khiến Chechnya thất thế trong cuộc chiến thông tin và quá trình liên lạc, theo trang Global Security. 

Tấn công trên bộ

Tháng 10/1999, ông Putin tuyên bố quân đội Nga sẽ tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ nhưng chỉ tiến xa tới Terek - con sông cắt 1/3 khu vực phía bắc Chechnya với phần còn lại của nước cộng hòa này.  Quân đội Nga hành quân dễ dàng qua khu vực đất trống rộng rãi ở phía bắc Chechnya và đến sông Terek vào ngày 5/10/1999. Các lực lượng Nga tiếp tục không kích dữ dội. 

Ngày 10/10/1999, Maskhadov  - Tổng thống cộng hòa Chechnya - đề xuất một cuộc đàm phán hòa bình nhưng bị phía Nga từ chối, theo Independent. 

Ngày 12/10/1999, quân Nga vượt sông Terek và chia quân thành 2 mũi tiến về thủ phủ Grozny từ phía nam. Rút kinh nghiệm từ Cuộc chiến Chechnya lần 1, quân Nga lần này đánh chậm nhưng chắc, đồng thời sử dụng sức mạnh pháo binh và không quân nhằm phá hủy các tuyến phòng thủ của quân ly khai Chechnya. 

Ngày 15/10/1999, các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát một sườn núi chiến lược sau khi dùng xe tăng và pháo binh tấn công quyết liệt. Tổng thống Chechnya Maskhadov tuyên bố một cuộc thánh chiến chống lại quân Nga. Thiết quân luật được ban bố ở Chechnya và quân dự bị cũng được gọi. Những ngày sau đó, quân Nga liên tiếp chiếm được các vị trí chiến lược bao quanh thủ phủ Grozny. 

Ngày 4/12/1999, tướng Viktor Kazantsev, chỉ huy quân Nga ở Bắc Caucasus, tuyên bố các lực lượng Nga đã bao vây và phong tỏa hoàn toàn thủ phủ Grozny. 

Tiến đánh Grozny

Quân Nga tấn công thủ phủ Grozny vào đầu tháng 12/1999. Sau 2 tuần nã pháo và không kích, các lực lượng Nga mới tiến vào Grozny. Phiến quân Chechnya kháng cự gay gắt nhưng quân Nga đánh chậm, thắng chắc.  

Phần lớn người dân ở Grozny đã sơ tán trước khi quân Nga nã pháo và không kích. Các con phố ở Grozny vắng bóng người. Quân Nga cũng mở hành lang an toàn để người dân sơ tán. 

Các cuộc giao tranh ban đầu tập trung vào vùng ngoại ô phía đông Grozny. Các đội trinh sát của Nga cũng tiến vào thành phố để xác định vị trí của phiến quân Chechnya. Theo BBC, chiến thuật của người Nga là dùng một nhóm nhỏ làm mồi nhử để phiến quân bắn trả, từ đó biết được vị trí của phiến quân và nã pháo. Ngày 13/12/1999, quân Nga đã kiểm soát sân bay chính của Chechnya. 

Tới giữa tháng 1/2000, hàng chục nghìn binh sĩ Nga bắt đầu tấn công vào trung tâm thủ phủ Grozny theo 3 hướng. Trong cuộc giao tranh này, các lực lượng Nga và phiến quân Chechnya giành giật từng khu vực, vị trí quan trọng. 

Với việc các tuyến đường tiếp tế bị quân Nga chặn đứng, phiến quân Chechnya gặp khó khăn khi lương thực và đạn dược ngày càng cạn kiệt. Phiến quân cũng tổn thất lớn về lực lượng và gặp sức ép tâm lý lớn từ các cuộc pháo kích và không kích. 

Grozny trong Cuộc chiến Chechnya lần 2. Ảnh: Getty Images
Grozny trong Cuộc chiến Chechnya lần 2. Ảnh: Getty Images

Giới thủ lĩnh của phiến quân Chechnya nhận định việc cố thủ và kháng cự ở Grozny là vô ích. Tại một cuộc họp ở trung tâm Grozny, các thủ lĩnh phiến quân quyết định dồn lực lượng phá vòng vây ở Grozny, đưa lực lượng lên vùng núi phía nam Chechnya để tránh sự truy quét của quân Nga. Tổng thống Maskhadov đã được sơ tán trước đó tới một địa điểm bí mật ở phía nam Chechnya.  

Các lực lượng chính của phiến quân Chechnya bắt đầu bỏ trốn khỏi Grozny vào những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2000. Theo Independent, khoảng 4.000 tay súng phiến quân Chechnya bị quân Nga phục kích hoặc lọt vào bãi mìn mà quân Nga cài sẵn khiến nhiều người bỏ mạng. 

Số tay súng phiến quân sống sót chạy vào các hẻm núi Vedeno và Argun, phía nam Chechnya và sau này thực hiện các cuộc tấn công du kích vào quân Nga. 

Khoảng 500 - 1.000 tay súng Chechnya vẫn ở lại Grozny. Những người này ẩn náu trong các đường hầm của các tòa nhà vào ban ngày và ban đêm lẻn ra bắn phá các vị trí của quân đội Nga hoặc cài mìn trên các tuyến phố mà binh sĩ Nga hay tuần tra. Tháng 6/2000, các lực lượng đặc nhiệm và cảnh sát Nga bắt đầu chiến dịch truy quét các tay súng còn sót lại ở Grozny. Các vụ tấn công do phiến quân thực hiện vẫn diễn ra ở thành phố này nhưng thưa thớt dần, rồi ngừng hẳn, theo Reuters. 

Sau khi kiểm soát Grozny, ông Putin bổ nhiệm cựu giáo sĩ Akhmad Kadyrov là người đứng đầu cơ quan hành chính của Nga ở Chechnya. 

Xung đột lẻ tẻ tiếp diễn cho tới năm 2006, khi Ramzan Kadyrov, con trai của cựu lãnh đạo Chechnya Akhmad Kadyrov, lên nắm quyền. Năm 2009, sau 2 cuộc chiến và một thập kỷ được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, Nga chấm dứt các chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya, đánh dấu sự kết thúc của Cuộc chiến Chechnya lần 2.

Về thương vong, tính đến cuối tháng 11/1999, Nga tuyên bố tiêu diệt hơn 4.000 phiến quân Chechnya, trong khi mất 187 binh sĩ kể từ tháng 10/1999. Phía Chechnya bác bỏ những con số này, cho rằng các tay súng chịu tổn thất không đáng kể, trong khi tiêu diệt hàng nghìn quân Nga. 

Theo trang Global Security, tuyên bố của Nga và Chechnya đều không thể xác minh một cách độc lập. Cả hai bên đều có xu hướng phóng đại thương vong của đối phương, trong khi giảm thiểu thương vong của mình. 

Tính đến đầu năm 2000, Moscow cho biết, có hơn 1.100 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ tháng 8/1999, nhưng một số đơn vị độc lập cho rằng con số thực tế là khoảng 3.000. Các quan chức quốc phòng Nga cho biết ít nhất 10.000 phiến quân đã thiệt mạng trong giao tranh. Phía Chechnya đưa ra con số chưa bằng một nửa và cho rằng số người chết còn lại chủ yếu là dân thường.

Bài học từ thành công của quân Nga

Bất chấp sự kháng cự của phiến quân Chechnya, người Nga vẫn thành công trong Cuộc chiến Chechnya lần 2. Theo trang Small Wars Journal, thành công này có được nhờ 4 lý do: Chú trọng truyền thông, chiến thuật khôn khéo và quyết liệt, địa phương hóa cuộc chiến Chechnya, chiến dịch tái thiết Chechnya.

Yếu tố truyền thông

Trong Cuộc chiến Chechnya lần 1, Nga không chú trọng đến truyền thông và để phiến quân Chechnya giành được cảm tình của người dân Nga và dư luận quốc tế bằng việc cho phép các phóng viên Nga và phóng viên quốc tế thoải mái tới chiến trường đưa tin.

Khi cuộc chiến Chechnya lần 2 nổ ra, chính quyền Nga chú trọng quản lý truyền thông và nêu bật thông điệp: Cuộc chiến ở Chechnya là cuộc chiến chống khủng bố. Bằng cách kết hợp cuộc chiến ở Chechnya với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chính quyền Nga nhận được sự ủng hộ cả trong và ngoài nước. Mỹ thời điểm đó thậm chí còn đưa một số nhóm phiến quân Chechnya vào danh sách khủng bố.

Ngoài ra, việc phiến quân Chechnya thực hiện một loạt vụ tấn công khủng bố vào Nga năm 1999 càng khiến người dân Nga thêm phẫn nộ. Mọi thiện cảm người Nga dành cho Chechnya đều biến mất sau vụ khủng bố ở Beslan.

Chiến thuật khôn khéo

Quân đội Nga từng hứng chịu nhiều thiệt hại khi giao tranh đô thị trong Cuộc chiến Chechnya lần 1 và ở Cuộc chiến Chechnya lần 2 này, Bộ Tư lệnh Nga không muốn mắc các sai lầm tương tự. Thay đổi chiến thuật so với lần 1, quân Nga sử dụng pháo kích và không kích để bảo toàn lực lượng cho bộ binh và gây thiệt hại lớn cho phiến quân Chechnya.

Bằng pháo kích và không kích vào các trung tâm đô thị, quân đội Nga dần dần giành quyền kiểm soát tất cả các thành phố lớn và các điểm đông dân cư. Phiến quân Chechnya phải bỏ lên núi, không còn nguồn tiếp tế và hỗ trợ lương thực, cơ sở vật chất vì quân Nga đã vây kín dưới chân núi. Người Nga cũng cảnh báo người dân địa phương nếu cấu kết với phiến quân sẽ bị trừng phạt.

Địa phương hóa cuộc chiến Chechnya

Một trong những chiến thuật đáng chú ý của Nga ở Cuộc chiến Chechnya lần 2 là sử dụng lực lượng gồm toàn người Chechnya để chống lại các phiến quân Chechnya. 

Lực lượng toàn người địa phương cung cấp cho quân Nga các kiến thức và kỹ năng quan trọng về phiến quân Chechnya cũng như cách chiến đấu ở Chechnya. Đồng thời, họ cũng là những người có thể làm cầu nối cho quân Nga với người dân Chechnya. Nổi tiếng nhất là Kadyrovtsy - lực lượng dân quân Chechnya dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Akhmad Kadyrov. Trong cuộc chiến Chechnya lần 1, Kadyrovtsy đối đầu với quân Nga nhưng ở cuộc chiến Chechnya lần 2, Kadyrovtsy đã chuyển sang hợp tác với Moscow. 

Tái thiết cộng hòa Chechnya

Từ năm 2000 đến 2010, chính phủ Nga đã chi khoản tiền tương đương 27 tỷ USD để tái thiết Chechnya. Năm 2007, số lượng tiền đáng kể được Moscow trao cho chính phủ Chechnya và Grozny được xây dựng lại rất nhanh.

Uy tín của ông Putin

Quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm và động viên các lực lượng Nga ở Chechnya vào tháng 1/2000. Ảnh: EPA
Quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm và động viên các lực lượng Nga ở Chechnya vào tháng 1/2000. Ảnh: EPA

Năm 1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin chỉ định ông Putin làm Thủ tướng. Sau đó, ông Yeltsin tuyên bố từ chức. Theo Hiến pháp Nga, ông Putin đương nhiên trở thành quyền Tổng thống Nga. Đêm 31/12/1999, quyền Tổng thống Vladimir Putin lần đầu xuất hiện trên truyền hình với lời hứa đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc.

Trên cương vị mới, ông Putin đã mở chiến dịch quân sự vào Chechnya sau khi Nga hứng chịu hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu do các phiến quân Chechnya thực hiện. Tháng 5/2000, ông Putin hiện thực hóa mục tiêu trực tiếp tiếp quản Chechnya. 

Quân đội Nga dưới thời ông Putin khi đó thay đổi hoàn toàn diện mạo so với sự lạc hậu từ Cuộc chiến Chechnya lần 1. Chiến thắng của quân Nga trong Cuộc chiến Chechnya lần 2 đã khiến dư luận trong nước và phương Tây có cách nhìn khác về ông Putin. 

Tỷ lệ ủng hộ trong nước của ông Putin liên tục tăng lên. Từ tháng 8/1999, con số này là 31% nhưng đến tháng 11/2000, tỷ lệ người dân Nga ủng hộ ông Putin đã tăng mạnh, ở mức 80%. Dư luận phương Tây cũng bắt đầu chú ý tới tân lãnh đạo nước Nga thời điểm đó. Sau cuộc chiến Chechnya lần 2, dư luận phương Tây xem ông Putin là một lãnh đạo quyết đoán và lạnh lùng.

Theo: Danviet.vn/ https://danviet.vn/cuoc-chien-chechnya-lan-2-dau-an-putin-502022105185919277.htm


Tags: Cuộc chiến Chechnya, Putin,
#Putin


TIN LIÊN QUAN

Tình hình ở Chechnya rơi vào bất ổn sau khi Nga rút quân khỏi đây năm 1996. Các nhóm cực đoan chiếm ưu thế và thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở các khu vực thuộc Nga, giáp Chechnya. Năm 1999, ông Putin - lúc đó là Thủ tướng Nga - quyết định đưa quân trở lại Chechnya.

Lịch sử,

10/05/2022

Vào ngày 30-4-1945, Adolf Hitler và người tình Eva Braun đã tự sát trong boongke ở Berlin trước khi Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện. Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) mới đây đã công bố tài liệu mật liên quan đến những giờ khắc cuối cùng của trùm phát xít.

Lịch sử,

08/05/2022

Chiếc máy bay này được cho là có thể chở 860 người cùng lúc đi khắp thế giới, nhưng lại rơi vào quên lãng do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990.

Lịch sử,

01/04/2022

Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.

Lịch sử,

27/10/2021

Những thông tin giá trị do Richard Sorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.

Lịch sử,

21/10/2021

Vương triều Romanov gồm nhiều thành viên đang sinh sống tại nước ngoài và gia nhập hoàng gia những nước khác, trong đó có Hoàng thân Philip của Anh.

Lịch sử,

04/10/2021

Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.

Lịch sử,

23/09/2021

Thỏa thuận giữa triều đình Thanh, Trung Quốc, với Đế quốc Nga được ký kết bí mật sau khi Trung Quốc thảm bại trước Nhật Bản trong cuộc xung đột 1894-95.

Lịch sử,

05/04/2021

Sinh ngày 18/6/1901, công chúa Nga Anastasia được đồn là thành viên duy nhất trong gia đình Sa hoàng Nicholas II còn sống sau năm 1918. Vì vậy, những câu chuyện về Anastasia khiến công chúng tò mò về sự thật - giả.

Lịch sử,

16/02/2021

Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.

Lịch sử,

31/01/2021

Mùa Hè vắng khách du lịch Nga

Các quốc gia như Thái Lan, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ được du khách Nga đặc biệt ưa chuộng. Những điểm đến này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều người Nga không thể đi du lịch.

Nga tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới

Nga chính thức ra tuyên bố rút khỏi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Moscow diễn ra.

28.04.2022

Những điểm đến mỹ lệ nhất nước Nga

Nằm ở cả Châu Âu và Châu Á, quốc gia lớn nhất thế giới này có những công trình kiến ​​trúc cổ kính với mái vòm, những chuyến tàu hoành tráng, các vùng đất hoang vu rộng lớn...Từ lâu, Nga đã thu hút nhiều du khách đến với một đất nước có vô số phong cảnh đẹp và giàu nghệ thuật.

15.04.2022

Nga nối lại đường bay với 52 quốc gia trong đó có Việt Nam

Nga có kế hoạch chấm dứt lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi từ 52 quốc gia trong đó có Việt Nam sau ngày hôm nay.

09.04.2022

Du lịch thế giới và Việt Nam khi thiếu vắng khách Nga

Sự thiếu vắng khách Nga đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới hy vọng sớm phục hồi du lịch ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

04.04.2022