Dân Trung Quốc đòi chủ quyền vùng Vladivostok của Nga
Một số quan chức, người dùng mạng xã hội Trung Quốc quyết đòi lại Vladivostok vì cho rằng đây là lãnh thổ bị Nga "thôn tính" vào thế kỷ 19.
Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc hôm 2/7 đăng trên mạng xã hội Weibo thông điệp chào mừng kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố Vladivostok thuộc vùng Primorsky của Nga. Tuy nhiên, bài đăng này nhanh chóng trở thành mục tiêu chỉ trích bằng thông điệp đòi chủ quyền của các quan chức ngoại giao, nhà báo và người dùng Internet Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Chương Hạc Khánh, giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Pakistan, bình luận dưới bài đăng rằng "Đây chẳng phải là vùng Hải Sâm Uy của chúng ta hồi trước hay sao?".
Nhiều người dùng Weibo lập tức ủng hộ lập luận của Chương Hạc Khánh, cho rằng Nga đã "thôn tính" khu vực Vladivostok bằng "hiệp ước bất bình đẳng" vào thế kỷ 19.
"Ngày nay chúng ta chỉ có thể cam chịu, song người Trung Quốc sẽ ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác", một tài khoản Weibo viết. Một người khác bình luận: "Chúng ta phải tin rằng vùng đất tổ tiên này sẽ trở về trong tương lai".
Phóng viên Trầm Thi Vĩ của đài Mạng truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) cũng tham gia vào cuộc tranh luận, khi cho rằng bài đăng của đại sứ quán Nga tại Trung Quốc không được chào đón trên Weibo.
"Lịch sử của Vladivostok bắt đầu năm 1860 khi Nga xây dựng một quân cảng tại đây. Tuy nhiên, thành phố này từng là Hải Sâm Uy (Đầm Hải Sâm) thuộc về Trung Quốc, trước khi bị Nga thôn tính thông qua Hiệp ước Bắc Kinh bất bình đẳng", Trầm Thi Vĩ viết.
Vùng Primorsky của Nga, với thủ phủ là Vladivostok, từng là một phần khu vực Mãn Châu của nhà Thanh, song bị Đế quốc Nga kiểm soát từ năm 1860 sau khi Trung Quốc thua trong Chiến tranh Thuốc phiện lần hai với Anh và Pháp.
Vùng đất này được bàn giao cho Đế quốc Nga sau ba hiệp ước, mà Trung Quốc cho là "bất bình đẳng", được nhà Thanh ký với Nga, Anh và Pháp năm 1860. Trong số này còn có hiệp ước cho thuê bán đảo Cửu Long, nay thuộc đặc khu hành chính Hong Kong, được ký giữa đại diện của Anh và nhà Thanh.
Tuy nhiên, Piotr Tsvetov, phó giáo sư bộ môn quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Nga, cho rằng phản ứng "đòi chủ quyền vùng Vladivostok" của một số người Trung Quốc là "kỳ quặc" và "hàm hồ". Tsvetov cho biết tiền đồn đầu tiên được quân đội Nga thời Sa Hoàng lập tại vịnh Zolotoi Rog vào ngày 2/7/1860, sau đó khu vực này được đặt tên Vladivostok (Người cai trị phương Đông) và hưởng quy chế đô thị năm 1880.
"Dù có một thôn làng người Hoa ở đây từ trước, đây không phải là cái cớ để tuyên bố đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh đã giải quyết xong các tranh chấp cũ về biên giới trước đây bằng một loạt thỏa thuận. Hiệp ước Láng giềng Thân thiện, Hữu nghị và Hợp tác được lãnh đạo Nga - Trung ký ở Moskva ngày 16/7/2001 thừa nhận hai nước không còn yêu sách lãnh thổ với nhau", phó giáo sư Tsvetov viết trên Sputnik.
Tsvetov nhận định giới chức Trung Quốc không có ý bác bỏ hiệp ước năm 2001 vì đây là thỏa thuận có lợi, cho rằng việc đòi chủ quyền vùng Vladivostok chỉ là giọng điệu của "những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bá quyền".
Tranh cãi về Vladivostok nổ ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng. Kênh WION TV của Ấn Độ chỉ ra rằng Trung Quốc đang có các khu vực tranh chấp với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trung Quốc gần đây nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, tổ chức tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho tàu tuần tra áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản và thông qua luật an ninh Hong Kong.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định biên giới Nga - Trung tương đối yên bình khi hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định trong khu vực. Trung Quốc và Liên Xô năm 1969 từng suýt nổ ra chiến tranh tổng lực vì tranh chấp một hòn đảo trên sông biên giới Ussuri. Đến năm 1991, hai bên bắt đầu đàm phán và đạt thỏa thuận cuối cùng về vấn đề biên giới năm 2008.
Theo VnExpress
TIN LIÊN QUAN
Chiếc máy bay này được cho là có thể chở 860 người cùng lúc đi khắp thế giới, nhưng lại rơi vào quên lãng do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990.
01/04/2022
Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.
27/10/2021
Những thông tin giá trị do Richard Sorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.
21/10/2021
Vương triều Romanov gồm nhiều thành viên đang sinh sống tại nước ngoài và gia nhập hoàng gia những nước khác, trong đó có Hoàng thân Philip của Anh.
04/10/2021
Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.
23/09/2021
Thỏa thuận giữa triều đình Thanh, Trung Quốc, với Đế quốc Nga được ký kết bí mật sau khi Trung Quốc thảm bại trước Nhật Bản trong cuộc xung đột 1894-95.
05/04/2021
Sinh ngày 18/6/1901, công chúa Nga Anastasia được đồn là thành viên duy nhất trong gia đình Sa hoàng Nicholas II còn sống sau năm 1918. Vì vậy, những câu chuyện về Anastasia khiến công chúng tò mò về sự thật - giả.
16/02/2021
Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.
31/01/2021
Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh NATO đã phải giải bài toán khó: phát triển các phương tiện đủ năng lực thâm nhập mạng lưới phòng không ngày càng dày đặc và tinh vi của các nước khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt trên đất Liên Xô, theo Military Watch.
04/01/2021
Cuộc đời chính trị của Eduard Shevardnadze, cựu Ngoại trưởng Liên Xô là một hiện tượng kỳ lạ trên chính trường Xô Viết. Ông thuộc phe cánh Đoàn TNCS. Trên con đường công danh, lúc ông thuộc nhóm này, lúc phe kia. Các nhóm có ông, lúc thăng, lúc trầm, nhưng riêng ông chỉ có thăng chứ không có trầm.
13/12/2020